Chiến thắng Điện Biên Phủ - Thắng lợi của văn hóa Việt Nam
TCCSĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”, đồng thời còn là một bằng chứng hùng hồn cho lý luận và nghệ thuật quân sự đặc sắc của cha ông ta, chứng minh cho sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam.
1. Theo nghĩa rộng, văn hóa là sự kết tinh những gì là cao quý nhất, tốt đẹp nhất gắn liền với hoạt động sáng tạo của con người, được tiếp nối qua nhiều thế hệ, trở thành truyền thống bền vững, thành bản sắc dân tộc, thành mục tiêu và động lực phát triển xã hội.
Vận dụng cách hiểu nêu trên vào chủ đề đang được bàn tới, có thể khẳng định: Văn hóa Việt Nam là sự kết tinh và thăng hoa thành hệ thống các giá trị vật thể và phi vật thể, vật chất và tinh thần mà dân tộc ta đã sáng tạo nên trong tiến trình lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Ngay từ thuở xa xưa, do phải thường xuyên ứng phó với thiên tai và nhiều phen đương đầu với địch họa để tồn tại và phát triển, tinh thần làm chủ quê hương đất nước đã thấm sâu vào máu thịt của con người Việt Nam. Tinh thần ấy dần dần lắng đọng trong tâm hồn, trí tuệ, tư tưởng, đạo lý, ý chí, niềm tin… - những nhân tố có vai trò định hướng cho hành vi và cách ứng xử của cộng đồng dân tộc trong các tình huống và với các đối tượng cụ thể khác nhau. Đặc biệt, vào những khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy được hun đúc thành chủ nghĩa yêu nước, thành khí phách anh hùng - những giá trị hàng đầu trong bảng thang giá trị văn hóa Việt Nam. Trải qua bao lần đánh thắng những đội quân xâm lược tàn bạo của các thế lực phong kiến phương Bắc lớn mạnh, ông cha ta đã đúc kết thành lý luận và nghệ thuật quân sự đặc sắc của mình.
Đó là lý luận quân sự thấm đậm chất nhân văn: về “Vua tôi hòa mục, anh em đồng lòng, cả nước chung sức, trăm họ là binh” (Trần Hưng Đạo); về “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi). Đó còn là nghệ thuật quân sự độc đáo: “Dĩ đoản binh chế trường trận” (Trần Hưng Đạo); “Lấy nhỏ thắng lớn”, “Lấy ít địch nhiều” (Nguyễn Trãi)… Lý luận và nghệ thuật quân sự ấy là bộ phận không thể tách rời của nền văn hóa Việt Nam thời trung đại.
2. Đến giữa thế kỷ XIX, trong khi Việt Nam vẫn là một nước phong kiến lạc hậu, thì Pháp - nước phương Tây đầu tiên đem quân sang xâm lược nước ta - đã trở thành một nước đế quốc, có nền kinh tế công nghiệp phát triển, có đội quân viễn chinh nhà nghề được trang bị bằng vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Nhân dân ta ở nhiều địa phương do các sĩ phu yêu nước lãnh đạo đã anh dũng đứng lên chống giặc, nhưng đều bị thất bại. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của Việt Nam lâm vào bế tắc cả về đường lối chính trị và quân sự.
Trong bối cảnh ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) từ chủ nghĩa yêu nước đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn: Tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, gắn giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội và giải phóng con người, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh mới để giành độc lập, tự do.
Tuy nhiên, ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, thực dân Pháp đã quay trở lại gây hấn ở Nam Bộ. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta một mặt kêu gọi đồng bào Nam Bộ kiên quyết cầm vũ khí đứng lên kháng chiến; mặt khác, chủ trương đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp để cứu vãn hòa bình. Mặc dù ta đã có nhiều nhân nhượng cho Pháp về quyền lợi kinh tế và văn hóa, song Chính phủ Pháp vẫn rắp tâm thi hành chính sách xâm lược Việt Nam bằng vũ lực. Ngày 13-12-1946, trả lời phỏng vấn của báo Pari - Sài Gòn, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Đồng bào tôi và tôi thành thực mong muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách… Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm”(1).
Đến khi quân đội Pháp trắng trợn gửi tối hậu thư đòi ta phải hạ vũ khí, Chủ tịch Hồ Chí Minh liền ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Chúng ta phải đứng lên!...”(2).
3. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh phản ánh cô đúc đường lối chính trị và quân sự của Đảng và Nhà nước ta trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và dựa vào sức mình là chính. Đường lối ấy chỉ rõ phải xây dựng lực lượng vũ trang của nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đường lối ấy khẳng định phải đi từ chiến tranh du kích tiến dần lên chiến tranh chính quy, từ đánh du kích tiến dần lên đánh vận động và đánh công kiên, luôn kết hợp chặt chẽ và linh hoạt các hình thức tác chiến đó.
Thực tiễn 7, 8 năm đầu của cuộc kháng chiến đã chứng minh sự đúng đắn và sáng tạo của đường lối chiến lược nêu trên. Chính trong khói lửa chiến đấu, lực lượng vũ trang của nhân dân ta ngày càng trưởng thành, từ thế bị động đã chuyển dần sang thế chủ động, lần lượt giành được những thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Việt Bắc 1947, biên giới Việt - Trung 1950, Hòa Bình 1951 - 1952, Tây Bắc - Thượng Lào 1952 - 1953.
Trong khi đó, các kế hoạch chiến tranh xâm lược của Pháp theo nhau bị phá sản. Chính phủ Pháp cũng theo đó mà dựng lên, đổ xuống 17 lần, 5 viên cao ủy và 6 viên tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam và Đông Dương nói chung lần lượt bị triệu hồi.
Trước tình hình nguy khốn, tháng 5 - 1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng bốn sao Hăng-ri Na-va sang làm Tổng chỉ huy thứ bảy đội quân viễn chinh ở Đông Dương.
Được xem là một tướng tài của Pháp, có tri thức và nhãn quan chiến lược, Na-va đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng. Kế hoạch ấy đề ra mục tiêu giành lại thế chủ động, tạo điều kiện để có thể rút ra khỏi chiến tranh “một cách danh dự”.
Biện pháp then chốt là đưa thêm quân chính quốc, quân lê dương, mở rộng quân ngụy đi đôi với việc xin thêm tiền bạc, vũ khí Mỹ, tập trung xây dựng các tiểu đoàn, binh đoàn cơ động chiến lược. Kế hoạch dự kiến thực hiện trong vòng 18 tháng, chia thành 2 bước: a) Đông Xuân 1953 - 1954: giữ thế phòng ngự ở phía Bắc, tiến công chiến lược ở phía Nam; b) Thu Đông 1954: chuyển phần lớn lực lượng ra Bắc, thực hành “tổng giao chiến”, giáng đòn quyết định, gây sức ép buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện của chúng.
Đánh giá về kế hoạch này, Thủ tướng La-ni-en (Pháp) nói: “Kế hoạch Nava chẳng những được Chính phủ Pháp mà cả những người bạn Mỹ cũng tán thành. Nó cho phép hy vọng đủ mọi điều”(3).
Ngay trong nửa cuối năm 1953, Na-va đã có những hành động táo bạo: cho quân nhảy dù xuống Lạng Sơn phá một ít kho tàng của ta, càn quét lớn ở Bình Trị Thiên, Đồng Tháp Mười, mở hàng loạt cuộc hành binh ở đồng bằng Bắc Bộ, tăng cường hoạt động biệt kích ở Lào Cai, Lai Châu…
Đầu tháng 10-1953, tại Tỉn Keo (Định Hóa, Thái Nguyên), Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bác Hồ chủ trì họp bàn về chủ trương chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Hội nghị đã nghe Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp báo cáo về những mưu đồ của kế hoạch Nava, đi sâu phân tích hình thái chiến sự trên chiến trường và xem xét đề án kế hoạch tác chiến Đông Xuân của Tổng quân ủy. Đây là một kế hoạch lớn, chứa đựng nhiều chủ trương quan trọng nhằm làm phá sản mọi mưu đồ của địch. Trong đó nổi bật lên mưu kế chiến lược quân sự vượt trội, được Bác Hồ nhấn mạnh theo cách thể hiện rất độc đáo của Người, như sau này Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại:
“Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay. Đôi mắt Người chợt lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói:
- Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh… Không sợ! Ta buộc địch phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn.
Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng”(4).
Hội nghị thông qua bản đề án của Tổng quân ủy và góp nhiều ý kiến quan trọng, đặc biệt chỉ rõ phương châm: Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.
Bác nói khi kết thúc Hội nghị: “Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là hướng phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải thiên biến vạn hóa”(5).
Giữa tháng 11-1953, khi phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, Na-va liền cho 6 tiểu đoàn cơ động nhảy dù xuống Điện Biên Phủ để yểm trợ cho các đơn vị ở Lai Châu rút chạy. Đầu tháng 12, quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt phần lớn quân địch đang rút chạy từ Lai Châu, rồi bao vây Điện Biên Phủ. Mấy tháng tiếp theo: Bộ đội chủ lực ta phối hợp với Quân giải phóng Pa-thét Lào tiến công vào Trung Lào và Hạ Lào, phát triển xuống vùng Đông Bắc Cam-pu-chia. Chủ lực Liên khu 5 tiến công lên Bắc Tây Nguyên, giải phóng Kon Tum và một vùng rộng lớn, nối liền với khu giải phóng Hạ Lào. Hạ tuần tháng 1-1954, trong khi tạm hoãn cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, ta cho một đơn vị chủ lực bất ngờ tiến công sang Thượng Lào, giải phóng lưu vực sông Nậm Hu, uy hiếp Luông Pha-băng.
Bằng 5 đòn tiến công chiến lược nói trên, ta buộc Na-va phải bị động phân tán 70 trên tổng số 84 tiểu đoàn cơ động ra các chiến trường trên toàn Đông Dương(6). Khối quân sự cơ động chiến lược của Na-va bị đảo lộn và bắt đầu tan vỡ.
Mặc dù đang lâm vào thế bị động trong việc xử lý mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực, Na-va vẫn tiếp tục cho tăng quân lên Điện Biên Phủ để xây dựng nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhằm thu hút và đánh bại chủ lực ta. Cuối tháng 12, Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Thế là một cuộc đọ sức, đọ trí, đọ tài, đọ mưu giữa ta và địch tất sẽ diễn ra trong trận quyết chiến chiến lược tại địa bàn mà cả hai bên đều đã lựa chọn.
4. Đến cuối tháng 01-1954, lực lượng của địch ở Điện Biên Phủ đã có khoảng 10 tiểu đoàn. Về sau, vào lúc cao điểm lực lượng đó tăng lên 21 tiểu đoàn, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải và 1 phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. (Ngoài ra, trong quá trình chiến đấu, địch còn huy động cho mặt trận Điện Biên Phủ 2/3 số máy bay chiến đấu và 2/3 số máy bay vận tải của chúng ở Đông Dương). Tổng số binh lực là 16.200 tên(7).
Nhiều lần đích thân Na-va đã đến Điện Biên Phủ trực tiếp chỉ đạo quân sĩ dưới quyền tăng cường bố phòng tập đoàn cứ điểm này. Một phái đoàn đại diện của Chính phủ Pháp cũng đã đến quan sát tại chỗ và ai nấy đều tin tưởng đây là pháo đài “bất khả công phá”. Tướng Ô. Đa-ni-en, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, cùng có chung ý kiến đó.
Ngày 01-01-1954, Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận.
Ít hôm sau, Đại tướng đến Khuổi Tát chào Bác Hồ trước khi lên đường. Bác chỉ thị: “Tổng tư lệnh ra mặt trận, “Tướng quân tại ngoại”. Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”(8).
Giống như bao lần khác, mỗi chỉ thị của Bác đều súc tích, cô đọng nhưng luôn chứa đựng một hàm lượng trí tuệ và hàm lượng văn hóa rất cao. Trước hết, nó thể hiện sự tin cậy lớn của vị lãnh tụ tối cao của Đảng và Nhà nước ta đối với “Người Anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam - nhà cầm quân dày dạn chiến trường, từng lần lượt đánh bại 6 viên Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Thứ hai, nó nhắc nhở ông chú ý quán triệt và vận dụng sáng tạo phương châm “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc” mà Hội nghị Trung ương 4 của Đảng (tháng 1-1953) đã đề ra(9). Phương châm này đòi hỏi vị “Tướng quân tại ngoại” phải điều tra, nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng mọi diễn biến tình hình địch - ta ngay tại mặt trận. Phải đánh giá đúng cả chỗ mạnh và chỗ yếu của địch cũng như chỗ mạnh và chỗ yếu của ta một cách toàn diện, khách quan để trên cơ sở đó đưa ra phương án tác chiến có hiệu quả nhất. Tuyệt đối không được chủ quan, khinh địch mà hành động nóng vội, mạo hiểm.
Ngày 5-01-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận.
Ngay khi đến nơi tạm đặt Sở chỉ huy mặt trận, Đại tướng đã được bộ phận tham mưu của ta đi trước chuẩn bị chiến trường báo cáo tình hình địch - ta ở Điện Biên Phủ và đề nghị thực hiện phương án “đánh nhanh thắng nhanh” giữa lúc địch còn đứng chân chưa vững, ta dốc toàn lực đánh trong 3 đêm 2 ngày tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi.
Trong cuộc hội ý Đảng ủy Mặt trận sau đấy, Đại tướng đã nêu những khó khăn lớn mà bộ đội ta chưa thể vượt qua nếu đánh theo phương án đó. Nhưng ý kiến chung đều cho rằng, nếu không đánh sớm, địch tăng cường công sự, tập đoàn cứ điểm sẽ trở nên quá mạnh và cũng lo chiến dịch kéo dài, sẽ khó giải quyết vấn đề tiếp tế vì tuyến đường từ hậu phương ra mặt trận quá xa và địch sẽ còn đánh phá quyết liệt hơn.
Mặc dù không tin vào thắng lợi của phương án “đánh nhanh thắng nhanh”, nhưng tự thấy mình chưa có đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án mà các đồng chí đi trước đã lựa chọn, nên ngày 14-01-1954 Đại tướng đã đồng ý cho triệu tập Hội nghị cán bộ để phổ biến kế hoạch tác chiến theo phương án trên. Tuy vậy, khi phổ biến quyết tâm chiến đấu, để chuẩn bị phần nào tư tưởng cho cán bộ, Đại tướng đã nói: “Hiện nay, địch chưa có triệu chứng thay đổi lớn. Chúng ta cần ra sức nắm vững tình hình địch, để một khi địch có thay đổi thì kịp thời xử trí”(10).
Những ngày tiếp theo, cùng với việc chỉ thị cho cơ quan tham mưu theo dõi tình hình địch từng ngày từng giờ và kịp thời báo cáo, đích thân Đại tướng còn đi kiểm tra tại chỗ công tác chuẩn bị chiến đấu của bộ đội ta và có những hôm ông đã trèo lên đỉnh núi phía sau Sở chỉ huy mới ở Mường Phăng, đứng quan sát toàn bộ các cứ điểm của địch trên cánh đồng Mường Thanh. Ông nhận thấy địch ngày càng tăng cường lực lượng, ra sức củng cố trận địa, còn những khó khăn của ta thì chưa có cách khắc phục. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, đêm cuối cùng thức trắng, ông đã đi đến kết luận: đánh theo phương án cũ nhất định thất bại. Ông cho triệu tập gấp Hội nghị Đảng ủy Mặt trận vào sáng hôm sau: 26-1-1954.
Trong khi chờ đợi mọi người đến họp đông đủ, Đại tướng đã trao đổi ý kiến thống nhất với Trưởng đoàn cố vấn. Tiếp đó, cuộc thảo luận trong Đảng ủy đã diễn ra gay go, sôi nổi. Tất cả đều cho rằng: bộ đội quyết tâm cao, mọi mặt đã chuẩn bị, lại có lựu pháo, cao xạ pháo xuất hiện lần đầu tạo bất ngờ lớn, nên phải đánh nhanh, nếu không sẽ khó khăn, mất thời cơ. Nhưng khi Đại tướng đặt ra câu hỏi: “Vậy đánh nhanh có bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm như Bác Hồ căn dặn không? thì không ai dám khẳng định. Cuối cùng Đảng ủy Mặt trận đã đi đến nhất trí phải chuyển sang phương châm “đánh chắc tiến chắc”.
Như vậy, mặc dù mấy vạn quân ta đã giàn trận, đạn đã lên nòng, sẵn sàng nổ súng vào cuối giờ chiều ngày 26-01 nhưng Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã kiên quyết dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới. Cùng lúc, Đại tướng ra lệnh cho Đại đoàn 308 tiến về Luông Pha-băng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi quân ta kéo pháo ra…
Thực tế diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ sau đó đã chứng tỏ việc thay đổi phương châm tác chiến là hoàn toàn chính xác. Và người có công đầu trong việc kịp thời đưa ra “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”(11) không phải ai khác mà chính là Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận. Với trí thông minh, sự sáng suốt và bản lĩnh vững vàng, ông đã nhẫn nại chờ đợi, cân nhắc thận trọng, xử lý khôn khéo, thuyết phục để vừa tranh thủ sự đồng tình của Trưởng đoàn cố vấn quân sự bạn, vừa tạo nên sự nhất trí cao của các tướng lĩnh. Đặc biệt, bằng việc đưa ra quyết định thay đổi phương châm tác chiến chỉ khoảng 6 giờ trước khi nổ súng theo phương án cũ, Đại tướng đã thể hiện rõ khả năng vận dụng sáng tạo tư tưởng và nghệ thuật quân sự mà ông cha ta đã đúc kết nên.
Đúng như xưa kia Trần Hưng Đạo từng căn dặn tướng sĩ: “Cần phải xem xét tình hình biến chuyển như người đánh cờ, tùy cơ mà ứng biến”(12). Nguyễn Trãi cũng đã viết: “Việc binh cốt phải mau chóng như thần, máy then mở đóng, như bánh xe chuyển, như đám mây bay, trong khoảng chốc lát, chợt nóng, chợt lạnh, thay đổi khôn lường”(13). Tư tưởng và nghệ thuật quân sự đó là di sản văn hóa phi vật thể, là bộ phận hợp thành nền văn hóa, văn minh Đại Việt thời trung đại, nay lại được kế thừa và phát triển lên một tầm cao mới tại trận quyết chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ ở thời đại Hồ Chí Minh.
5. Ở đây, cần nhấn mạnh thêm một điểm: Tuy trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Tổng tư lệnh đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho “Tướng quân tại ngoại” được toàn quyền quyết định, song ông vừa chủ động đưa ra quyết định thay đổi cách đánh kịp thời vừa viết thư hỏa tốc gửi về báo cáo Bộ Chính trị để tranh thủ sự nhất trí cao của tập thể lãnh đạo. Ít ngày sau, ông nhận được thư của Tổng Bí thư Trường Chinh cho biết Bác và Bộ Chính trị nhất trí cho rằng quyết định thay đổi phương châm tác chiến là hoàn toàn đúng đắn. Và Bộ Chính trị đã ra chỉ thị “Toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến”(14).
Dưới khẩu hiệu “Tất cả cho tiến tuyến! Tất cả để chiến thắng!”, trên các tuyến đường dài 400 - 500 cây số, hàng mấy chục vạn dân công, thanh niên xung phong với khí thế cải cách ruộng đất mang lại đã bất chấp mưa bom bão đạn của địch, ngày đêm bằng xe đạp thồ, xe trâu, ngựa thồ, bè mảng… chuyên chở lương thực, đạn dược ra tiền tuyến, liên tục bảo đảm hậu cần cho bộ đội ta trong suốt chiến dịch. Đây là một bất ngờ lớn đối với Bộ Tham mưu quân đội Pháp, vì chúng từng tính toán và cho rằng vấn đề hậu cần của ta ở Điện Biên Phủ là vấn đề ta không thể nào giải quyết được. Sau khi tập đoàn cứ điểm của Na-va bị thất thủ, một số người trong chính giới Pháp và phương Tây còn tung ra luận điệu cho rằng: Sở dĩ Việt Nam thắng là nhờ có Trung Quốc viện trợ nhiều vũ khí và lương thực (!?). Thật ra, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã giúp ta 24 khẩu pháo và 3.600 viên đạn pháo 105 ly, chiếm 18% tổng số đạn; giúp ta 1.700 tấn lương thực, chiếm 10,8% tổng số lương thực phải dùng(15). Về vấn đề này, nhà báo Giu-nơ Roi viết: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Na-va, mà chính là những chiếc xe đạp Pơ-Giô thồ 200, 300 ký hàng và đẩy bằng sức người, những con người ăn chưa đủ no và ngủ thì nằm ngay dưới đất trải tấm nilông. Cái đánh bại tướng Na-va không phải là phương tiện mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”(16).
Sự thay đổi cách đánh còn đặt ra yêu cầu, đồng thời tạo thêm thời gian (khoảng 1 tháng rưỡi) để bộ đội ta phát huy tinh thần lao động dũng cảm và trí thông minh, sáng tạo trong việc chuẩn bị lại trận địa bao vây và tiến công sao cho vừa bảo đảm đánh thắng quân thù vừa hạn chế đến mức thấp nhất sự tổn thất xương máu của ta.
Chính trong thời gian này, chỉ với công cụ thủ công là chủ yếu, các chiến sĩ ta đã đào hàng trăm cây số giao thông hào, hàng ngàn công sự cho người và hỏa lực, cùng các hầm ngủ, hầm cứu thương, hầm đạn…, tạo thuận lợi cho việc di chuyển lực lượng, chiến đấu liên tục ngày đêm trong điều kiện không quân và pháo binh địch đánh phá cực kỳ ác liệt. Càng về sau, hệ thống giao thông hào của ta càng lấn sâu vào khu trung tâm Mường Thanh, rồi xuyên qua cả sân bay, khiến cho việc tiếp tế bằng cầu hàng không của địch ngày càng bị hạn chế, rồi đi đến chỗ bị cắt đứt hoàn toàn. Ngoài trận địa bộ binh, bộ đội ta còn xây dựng trận địa vững chắc có hầm ẩn nấp cho pháo binh trên các sườn núi, kết hợp với nhiều trận địa giả để đánh lừa đối phương, đồng thời xây dựng Sở chỉ huy chiến dịch, Sở chỉ huy các đại đoàn, trung đoàn trong lòng đất, bảo đảm việc chỉ huy không gián đoạn.
Ngay trong những ngày kéo pháo vào trận địa mới và sau đó trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu, đã có biết bao tấm gương hy sinh, xả thân vì Tổ quốc, mãi mãi tiêu biểu cho truyền thống yêu nước, anh hùng của quân đội ta. Tô Vĩnh Diện không chút do dự hy sinh tính mệnh để bảo vệ pháo. Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội lao lên tiêu diệt lô cốt địch. Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. Có những chiến sĩ công binh vật lộn với bom chờ nổ. Có những chiến sĩ quân y, vận tải lăn mình trong khói lửa để chuyển đạn, tải thương... Và còn biết bao anh hùng vô danh, từng thầm lặng vượt qua mọi gian khổ khó khăn, lập nên những chiến công rực rỡ, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch.
Trở lại mấy diễn biến chính của quá trình đọ trí, đọ tài, đọ mưu giữa ta và địch:
Do ta nghi binh giỏi, nên sau một thời gian chờ đợi không thấy ta hành động, Na-va cho rằng: “Ngọn trào tiến công của Việt Minh đã lắng xuống”(17). Ngày 12-3-1954, Na-va còn cho một bộ phận lực lượng cơ động mở cuộc hành quân vào vùng tự do Liên khu 5. Ngay hôm sau, vào đúng 17 giờ ngày 13-3, trọng pháo ta cấp tập dội lửa đạn xuống đồi Him Lam, mở màn cho trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ. Quân địch hoàn toàn bị bất ngờ.
Đặc biệt, “ta đã dành cho kẻ địch một bất ngờ lớn nhất là không chấp nhận một cuộc tổng giao chiến chớp nhoáng với toàn bộ lực lượng viễn chinh tinh nhuệ địch náu mình trong tập đoàn cứ điểm kiên cố. Ta quyết định tiêu diệt dần từng trung tâm đề kháng bằng cách đánh sở trường của ta, vào thời điểm, địa điểm do ta lựa chọn, với thế mạnh áp đảo trong từng trận đánh, đồng thời siết chặt trận địa chiến hào, triệt nguồn tiếp tế cho đến lúc tập đoàn cứ điểm nghẹt thở”(18).
Chiều 07-5-1954, trước cuộc tổng tiến công của quân ta từ các hướng, hơn một vạn quân địch ở Mường Thanh lũ lượt kéo nhau ra hàng. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Quân và dân ta giành được toàn thắng.
6. Qua những điều đã trình bày ở trên, chúng ta đều thấy rõ: Có nhiều nhân tố bắt nguồn từ sức mạnh văn hóa Việt Nam đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Dưới đây, chỉ xin nêu một số nhân tố chủ yếu:
- Nhân tố cơ bản nhất, quyết định nhất đưa đến chiến thắng Điện Biên Phủ là đường lối chính trị và quân sự đúng đắn của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh(19).
Đó là đường lối chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn dân và toàn diện chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp, được đế quốc Mỹ giúp sức. Đường lối ấy vừa phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha ta, vừa vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về chiến tranh cách mạng vào thực tiễn cụ thể của cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đang nhất tề đứng lên đấu tranh vì độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Rõ ràng đây là đường lối dựa trên một nền tàng văn hóa rất cao - “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”(20), như Bác Hồ đã nói.
- Nhân tố có ý nghĩa quyết định thứ hai của chiến thắng Điện Biên Phủ đó là sự vận dụng tài tình, thông minh, sáng tạo khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại mới.
Binh thư kim, cổ, đông, tây đều đề cao nguyên tắc tập trung lực lượng và nguyên tắc về quyền chủ động. Vì thế, kế hoạch quân sự của Na-va cũng có phần dựa trên những nguyên tắc ấy. Thế nhưng với tư duy của một nhà quân sự tư sản, Na-va quên rằng việc phân tán lực lượng để chiếm đóng đất đai là điều không thể tránh được đối với đội quân viễn chinh Pháp. Trong khi đó, nhờ nắm vững quy luật chiến tranh, “Bộ Thống soái tối cao Việt Nam bằng một sự điều động binh lực năng động, mưu trí đã buộc quân Pháp phải đánh theo ý định của ta, phải xòe “nắm đấm chủ lực” ra nhiều hướng”(21). Chính trong xu thế ấy, chúng ta đã sớm có nhận định: Do địch bị động điều các binh đoàn tinh nhuệ của chúng lên miền rừng núi Tây Bắc và cho xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh ở Điện Biên Phủ nhằm thu hút và đánh bại chủ lực ta thì đây lại là một cơ hội tốt để quân ta tiêu diệt chúng.
Để thực hiện nhiệm vụ ấy, lúc đầu phương án “đánh nhanh thắng nhanh” đã được phổ biến. Nhưng khi nhận thấy tình hình thay đổi, chúng ta đã kịp thời thay đổi phương pháp tác chiến từ “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Thực tế đã chứng minh sự thay đổi đó là hoàn toàn đúng đắn.
Phân tích về điều này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Một quyết định tác chiến chính xác (quyết định tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ - tác giả) là một chủ trương tác chiến thể hiện đầy đủ tính cách mạng và tính khoa học, xuất phát từ một sự đánh giá đúng đắn và toàn diện về ta và về địch”(22). Còn “khi đã có chủ trương tác chiến đúng đắn thì phương pháp tác chiến là vấn đề quyết định. Đó là một trong những nội dung chủ yếu của nghệ thuật chỉ huy”(23).
Như vậy, xét về tài thao lược, chiến thắng Điện Biên Phủ chính là thắng lợi của khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam - bộ phận cấu thành của nền văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
- Nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp của chiến thắng Điện Biên Phủ là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Điều đó được thể hiện rõ nhất trong biết bao tấm gương sáng chói của quân và dân ta - những người luôn nêu cao tinh thần không cam chịu làm nô lệ, quyết chiến quyết thắng, đoàn kết rộng rãi, lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian khổ, đặt lợi ích của nhân dân, của cách mạng lên trên hết, sẵn sàng hy sinh, xả thân cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Như vậy, có thể khẳng định: chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng của quân và dân ta với rất nhiều biểu hiện cụ thể, phong phú trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ chính là những giá trị nền tảng, cốt lõi của văn hóa Việt Nam. Trong thời đại mới, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những giá trị ấy được nâng lên một tầm cao mới, tạo thành sức mạnh phi thường để đánh bại kẻ thù vào lúc chúng có những cố gắng chiến tranh cao nhất.
Tóm lại, từ cái nhìn tổng quát về ba nhân tố chủ yếu vừa nêu, ta có thể đi đến nhận định: Xét trên cả tầm cao ý nghĩa và chiều sâu bản chất của nó, chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là “một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”(24) chứng minh cho sức sống mãnh liệt của nền văn hóa Việt Nam./.
------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr. 473
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, tr. 480
(3) Dẫn theo: Tiếng sấm Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1984, tr. 61
(4) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 285
(5) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 288
(6) Hoàng Minh Thảo: Chiến thắng Điện Biên Phủ - sức mạnh tinh thần, sức mạnh nghệ thuật quân sự. In trong Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong trái tim mọi người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nxb Văn hóa - thông tin, Hà Nội, 2013, tr. 180
(7) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 72 - 73
(8) Võ Nguyên Giáp: Sđd, tr. 291
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, t. 14, tr. 59
(10) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 98
(11) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr. 183
(12) Dẫn theo: Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Văn Sử Địa, Hà Nội, 1958, tr. 100
(13) Nguyễn Trãi: Toàn tập, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978, t 4, tr. 118
(14) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr. 183
(15) Xem Hoàng Minh Thảo: Sđd, tr. 183
(16) Jules Roy: Trận Điện Biên Phủ dưới con mắt người Pháp, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2000, t 14, tr. 449
(17) Trích theo Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử, Sđd, tr. 203
(18) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Sđd, tr. 318
(19) Theo Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Sđd, tr. 349
(20) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa văn nghệ, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t 4, tr. 72
(21) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Sđd, tr. 325
(22) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Sđd, tr. 253
(23) Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ 50 năm nhìn lại, Sđd, tr. 253
(24) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t 11, tr. 261
Chiến thắng Điện Biên Phủ - sự hội tụ và phát triển của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh  (04/05/2014)
Vận dụng nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới  (04/05/2014)
Quân và dân đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
Điện Biên: Thông đường vành đai đi cửa khẩu Huổi Puốc  (04/05/2014)
Điện Biên: Thông đường vành đai đi cửa khẩu Huổi Puốc  (04/05/2014)
Mặt trận Tổ quốc gặp mặt cựu binh, thanh niên xung phong ở Điện Biên Phủ  (04/05/2014)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên