Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Tờ trình dự án Luật nêu rõ thời điểm hiện nay, pháp luật về quản lý nhà nước nói chung và quản lý hoạt động tài chính doanh nghiệp nhà nước nói riêng đang gồm nhiều Nghị định, Quyết định và chưa có Luật để điều chỉnh. Để bảo đảm đồng bộ pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là cần thiết.

Dự án Luật bao gồm 06 chương, 44 điều, quy định việc đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và giám sát các hoạt động đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Thường trực Ủy ban Kinh tế là cơ quan thẩm tra dự án Luật tán thành sự cần thiết ban hành Luật nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Luật ra đời khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tránh lãng phí, thất thoát và phục vụ cho quá trình thực hiện tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng trong quản lý kinh tế.

Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng việc ban hành Luật phải khắc phục các hạn chế, tồn tại phát sinh trong thực tiễn đầu tư, quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trong thời gian qua; đáp ứng các yêu cầu quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc định hướng, tổ chức lại, nâng cao và phân định rõ vai trò quản lý nhà nước.

Một số ý kiến cho rằng cần có sự phân định chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp.

Dự án Luật khắc phục việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển sắp tới để xác định nguồn vốn nhà nước sẽ đầu tư đến đâu, đầu tư 100% vốn, góp vốn hay vốn chi phối.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cần làm rõ phạm vi điều chỉnh giữa dự án Luật này và một số dự án Luật khác như dự án Luật Đầu tư công, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)...; phân biệt các vấn đề sở hữu và quản trị doanh nghiệp…

Góp ý vào Điều 8: Phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban Soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ để cụ thể hóa nội dung Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thấy rằng dự án Luật phải khẳng định được mục tiêu đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp nhằm mục đích gì. Theo đại biểu cần có một điều nói về mục tiêu đầu tư của Nhà nước trong đó cần khẳng định doanh nghiệp nhà nước tham gia kinh tế thị trường để khắc phục và làm hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài các mục tiêu chung, cần nhấn mạnh tới yếu tố hiệu quả khi nhà nước đấu tư vốn vào doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã góp ý cụ thể về tên gọi của dự án Luật; phạm vi điều chỉnh; phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp... Dự án Luật sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, dự kiến họp vào tháng 5 sắp tới./.