TCCSĐT - Ngày 10-4, Đoàn công tác Trung ương do đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.

Đồng chí Nguyễn Liên Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang báo cáo với Đoàn qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X. Để triển khai có hiệu quả, Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Chương trình hành động tập trung chỉ đạo thực hiện. Đồng thời, lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể tích cực tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, Hậu Giang đã vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm đạt 13%; cơ cấu kinh tế chuyển theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng cộng nghiệp và thương mại - dịch vụ.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, nhất là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn yếu kém và chưa đồng bộ; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chi phí sản xuất cao, nhiều sản phẩm chưa cạnh tranh trên thị trường…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Vương Đình Huệ biểu dương kết quả đạt được của tỉnh Hậu Giang trong thời gian qua. Tuy là tỉnh thuần nông nhưng Hậu Giang đã linh hoạt, nhạy bén trong chuyển đổi sản xuất theo cơ chế thị trường. Là tỉnh nghèo nhưng Hậu Giang quy động vốn đầu tư toàn xã hội mạnh, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tập thể, doanh nghiệp tăng nhanh; công tác xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, chăm lo cho đối tượng người có công rất tốt.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, thời gian tới Hậu Giang cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền về nhận thức cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cán bộ, đảng viên; hoàn thiện thể chế sở hữu đất đai; xây dựng các thể chế đồng bộ, phù hợp thị trường, đặc biệt chú ý quy hoạch đào tạo nguồn lao động, mạng lưới giới thiệu việc làm, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; xây dựng các thể chế gắn kết với tốc độ tăng trưởng kinh tế, chú ý đến công tác xóa đói giảm nghèo, vốn chương trình mục tiêu quốc gia; tiếp tục phát huy vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Tại buổi làm việc với Thành ủy Cần Thơ, các đại biểu đã tập trung thảo luận các báo cáo đánh giá những kết quả trọng tâm, những khó khăn, vướng mắc nổi cộm và kiến nghị đề xuất Thành ủy Cần Thơ trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu thảo luận về tính khả thi, tính liên thông, tính thống nhất và sự phù hợp của các văn bản về cơ chế chính sách giữa các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sau 5 năm thực hiện Nghị quyết; vấn đề hoàn thiện thể chế sở hữu về đất đai; về phát triển thị trường lao động; việc ứng dụng khoa học - công nghệ; việc hoàn thiện thiện chính sách về tiền lương, tiền công; các cơ chế chính sách thực hiện xã hội hóa đối với giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác xã và tổ hợp tác theo cơ chế thị trường…

Các đại biểu cho rằng Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đánh giá nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị, tác động mạnh vào đời sống.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đã nêu rõ mục tiêu, các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta; những vấn đề mới đặt ra cần được tiếp tục nghiên cứu, giải đáp để khắc phục cơ bản những hạn chế, yếu kém trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Các kiến nghị đề xuất của địa phương sẽ được Ban Chỉ đạo, Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, tiếp thu, chuyển tới và đề nghị các bộ, ngành xem xét giải quyết./.