Chiến thắng Điện Biên Phủ - biểu tượng của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Thượng tướng Nguyễn Thành Cung Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
22:58, ngày 03-04-2014

TCCSĐT - Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Đây là thắng lợi lịch sử to lớn của dân tộc Việt Nam, là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo

Dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, cả dân tộc Việt Nam ra trận. Nhân dân ta, từ vùng tự do đến vùng địch hậu, hậu phương tới tiền tuyến, miền núi và miền xuôi, già, trẻ, gái, trai... đã đem toàn lực chi viện Điện Biên Phủ, làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch.

Thắng lợi Điện Biên Phủ là thắng lợi đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế quyết định. Nhân dân các dân tộc trên các địa phương, ở từng buôn, làng, bản, thôn đã phối hợp cùng bộ đội chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo vệ vùng tự do; tham gia thông tin, liên lạc, trinh sát; tiến công địch bằng binh vận, vận động sĩ quan, binh lính địch bỏ ngũ về với nhân dân và bức hàng bức rút các đồn bốt giặc. Hàng trăm ngàn dân công đã đi chiến trường, tham gia tải thương, tải đạn, bảo đảm giao thông vận tải... Đặc biệt, bằng giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất ngay trong khi cuộc kháng chiến đang diễn ra, Đảng và Chính phủ đã tạo nên một luồng sinh khí mới, động lực to lớn trong nhân dân đem sức người, sức của phục vụ cho chiến thắng. 

Trên cơ sở xác định hướng chính là Tây Bắc, Đảng đã chủ trương dùng một bộ phận quân chủ lực phối hợp với các lực lượng địa phương, chủ động đẩy mạnh các hoạt động tiến công địch ở đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên, phối hợp cùng nước bạn Lào tiến công địch ở Thượng, Trung và Hạ Lào, củng cố vùng tự do Liên khu V, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở chiến trường Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ. Cùng với những thắng lợi của các chiến dịch giải phóng Lai Châu, Nam Tây Nguyên, phối hợp tiến công địch của quân và dân Lào - Việt ở Thượng và Hạ Lào, đánh mạnh địch ở đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ..., cuộc chiến đấu của nhân dân và các lực lượng vũ trang ta trong vùng địch tạm kiểm soát cũng mang lại hiệu quả to lớn. Nhờ đó, ta tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực địch, giải phóng đất đai, khoét sâu mâu thuẫn cơ bản giữa tập trung và phân tán binh lực của địch, mở rộng quy mô của cuộc tiến công chiến lược, tạo nên thế trận mới, điều kiện vô cùng thuận lợi để chi viện sức người, sức của cả dân tộc cho mặt trận, đồng thời lực lượng cơ động của địch bị giam chân tại các địa phương, không thể chi viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tại mặt trận Điện Biên Phủ, bất cứ hoạt động nào cũng đều thể hiện thế trận của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, quân và dân ta đã có sự phối hợp chặt chẽ từ trung ương tới địa phương, hậu phương với tiền phương, địa phương với đơn vị, sức mạnh hiện hữu của quốc gia với khả năng tiềm ẩn trong dân. Ý chí quyết tâm của Trung ương Đảng đã khơi dậy lòng yêu nước, củng cố ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng, sự đoàn kết thống nhất của cả dân tộc ở hậu phương cũng như ngoài tiền tuyến, từ trong Đảng đến toàn quân, toàn dân là nhân tố cơ bản quyết định làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Chiến thắng của nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh dựa vào sức mình là chính

Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới để quy tụ, tập hợp, nhân lên sức mạnh dân tộc. Lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, kết hợp tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao... 

Dựa trên những vấn đề cơ bản của đường lối cách mạng, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo đó, Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cụ thể hóa thành công vào lãnh đạo toàn diện chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong đó, nổi bật nhất là phân tích, đánh giá đúng tình hình, so sánh lực lượng ta, địch; chủ động dự kiến trước những khó khăn do chiến dịch kéo dài, nhất là những khó khăn về cung cấp, tiếp tế, bảo đảm quân số và sức khỏe cho bộ đội trong điều kiện chiến đấu liên tục và sinh hoạt trong hầm hào khi mùa mưa đến… để có biện pháp thích hợp, hiệu quả; dùng mưu kế, chủ động đánh địch, buộc địch phải hành động theo ý định của ta... Phát huy tối đa ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần của quân và dân đồng thời trên cơ sở “đánh chắc thắng”, đã sáng tạo ra phương châm - nghệ thuật đánh giặc độc đáo “đánh chắc, tiến chắc”. Sau thắng lợi từng trận, không thỏa mãn dừng lại mà luôn coi trọng chấn chỉnh tổ chức, củng cố bộ đội, rút kinh nghiệm việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, chỉ huy chiến đấu, coi trọng sinh hoạt quân sự dân chủ để tìm cách đánh hay... 

Thực dân Pháp không thể ngờ bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, bằng trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, chúng ta đã hình thành thế trận bao quanh tập đoàn cứ điểm, đưa lực lượng áp sát các cứ điểm địch. Cùng với khẳng định chỗ mạnh của ta, chúng ta còn nghiên cứu tìm ra những điểm yếu rất cơ bản của địch có thể khai thác và lợi dụng (như tinh thần của địch giữa một vòng vây ngày càng siết chặt, ở xa căn cứ hàng mấy trăm cây số, mọi nguồn tăng viện, tiếp tế đều dựa vào một phương tiện độc nhất là máy bay…). Bên cạnh các trận đánh tiêu diệt từng cứ điểm, hệ thống chiến hào cắt ngang sân bay, ngày càng áp sát từng vị trí địch đã trở thành mối đe dọa thường trực đối với quân địch và là con đường để ta vận dụng mọi hình thức tác chiến hết sức phong phú và sáng tạo như vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt... Các biện pháp vô hiệu hóa sân bay, không cho máy bay các loại hạ cánh; luồn sâu đánh hiểm, đánh lấn, đào dũi áp sát rồi bất ngờ xông lên tiêu diệt mục tiêu; tranh thủ thời cơ thi đua diệt từng bộ phận nhỏ quân địch, bắn tỉa săn Tây, đoạt dù triệt nguồn tiếp tế được phát động rộng khắp... đã khiến cho địch không dám thò mặt ra khỏi công sự, gây những tổn thất bất ngờ ngay trong tung thâm, làm cho chúng lâm vào cảnh không thể bảo đảm hậu cần tiếp tế, trong không ra được, ngoài không vào được... Đó thực sự là những đòn hiểm khoét sâu chỗ yếu của địch, dồn địch vào tình thế “địa ngục” và tạo nên sức mạnh quyết định thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chiến thắng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng ta luôn nhất quán phải lấy sức mình là chính, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” nhưng bên cạnh đó phải tranh thủ sức mạnh của ngoại lực, sức mạnh của quốc tế, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa mà trước hết là với Liên Xô và Trung Quốc, lấy đó làm cơ sở, hạt nhân mở rộng đoàn kết với tất cả những người cộng sản, những lực lượng cách mạng, hòa bình, dân chủ và tiến bộ khác trên thế giới.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, nhất là trong Đông Xuân 1953 - 1954, nhân dân các bộ tộc và quân giải phóng Pa-thét Lào đã đồng cam cộng khổ, sát cánh chiến đấu cùng với nhân dân và quân đội Việt Nam. Nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em khác đã coi cuộc chiến đấu của nhân dân và lực lượng vũ trang ta như tiền tuyến chống chủ nghĩa đế quốc của cả phe xã hội chủ nghĩa, luôn dõi theo tình hình chiến sự Điện Biên Phủ, kịch liệt lên án những âm mưu, hành động kéo dài và mở rộng chiến tranh của đế quốc Pháp - Mỹ, hết lòng cổ vũ và giúp đỡ cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta đi đến bước quyết định, với một tinh thần quốc tế chủ nghĩa cao cả, nhân dân và Đảng Cộng sản Pháp đã ra sức đẩy mạnh cuộc đấu tranh ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta, đòi thực dân Pháp và Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Nhân dân các dân tộc bị áp bức, nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cũng theo dõi cuộc chiến đấu của nhân dân ta, nhất là cuộc chiến đấu trên mặt trận Điện Biên Phủ với một sự đồng tình sâu sắc, một lòng ủng hộ, coi thắng lợi của Điện Biên Phủ như thắng lợi của bản thân mình.

Như vậy, thắng lợi của Điện Biên Phủ không chỉ là thắng lợi của tiến công về quân sự mà đó là thắng lợi của một cuộc tiến công toàn diện vào đế quốc và tay sai bằng sức mạnh Việt Nam, đặc biệt là sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trên nền tảng kinh tế và nền văn hiến dân tộc cũng như điều kiện tự nhiên đất nước ... được hình thành từ trong quá khứ và được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy lên tầm cao mới.

Ngày nay, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển tuy vẫn là xu thế lớn nhưng tình hình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường; châu Á - Thái Bình Dương tuy là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, ít có khả năng xảy ra chiến tranh nhưng tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo đang có dấu hiệu gia tăng, dễ xảy ra đột biến... Trong nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta còn không ít hạn chế, yếu kém và xuất hiện những vấn đề phức tạp; tác động mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ. Các thế lực thù địch vẫn đang đẩy mạnh các hoạt động chống phá ta một cách toàn diện và ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc hơn. 

Để chủ động phòng ngừa, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với nước ta, không để đất nước bị động, bất ngờ trong bất cứ tình huống nào và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, với lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phân tích một cách khách quan, khoa học bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực, trong nước; từ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới..., tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, tổ chức cho toàn quân, toàn dân tham gia bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng làm nền tảng cho sự thống nhất ý chí, hành động của cả dân tộc. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền, trách nhiệm và năng lực đề xuất, tổ chức thực hiện của các cơ quan tham mưu và đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, với lực lượng vũ trang. Chủ động đấu tranh với các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, có căn cứ khoa học, đủ sức thuyết phục với các quan điểm không khoa học, nhất là các quan điểm xuyên tạc, thù địch, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng; đồng thời ngăn chặn, từng bước đẩy lùi đi đến loại bỏ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tập trung xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở vững mạnh để xây dựng Đảng, xây dựng chế độ, xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội... Thường xuyên rút kinh nghiệm và nâng cao chất lượng xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân vững chắc.

2. Tiếp tục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững ổn định chính trị xã hội đất nước để tạo nên cái “cốt” vật chất và tinh thần của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, coi đó là hoạt động trung tâm nhằm huy động mọi nguồn lực, cần chú trọng phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội vì đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong đó, chú trọng giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh kinh tế, sự ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các địa bàn chiến lược, trọng điểm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục quốc phòng cho nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Tập trung xây dựng con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có tinh thần yêu nước và ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng pháp luật, kỷ luật, kỷ cương và sống có văn hóa, nghĩa tình...

3. Coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc sự đoàn kết thống nhất dân tộc. Đây là vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, là nhân tố bảo đảm sự sống còn của dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển và là cốt lõi của sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Do đó, cần nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng theo nguyên tắc lấy lợi ích Tổ quốc, dân tộc lên trên hết, trước hết. Quan tâm đáp ứng quyền lợi chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận, nhất trí toàn dân tộc cho nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đất nước. Nắm chắc và thực hiện tốt nội dung cơ bản, vấn đề mấu chốt của xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới là xây dựng “thế trận lòng dân” để lấy đó làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. 

4. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Cùng với chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác với tinh thần Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đấu tranh để thế giới hiểu rõ về đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về tinh thần yêu hòa bình, tôn trọng nền độc lập và chủ quyền của các quốc gia, quyền tự quyết của các dân tộc; về thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... Phối hợp và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhà nước, đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân. Tăng cường sự hiện diện của của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại các cơ chế đa phương. Thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế, khu vực. 

5. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân vững mạnh. Theo đó, phải tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Luôn đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng cả trong xây dựng và bảo vệ. Xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc, nhất là trong kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; xây dựng các khu vực phòng thủ, khu vực kinh tế - quốc phòng; bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch động viên quốc phòng và tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng để tạo thế trận, lực lượng quốc phòng - an ninh vững chắc. 

Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt coi trọng xây dựng về chính trị để thực sự là lực lư¬ợng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Chủ động làm tốt công tác tham mưu chiến lược giúp Đảng và Nhà nước ngăn chặn và xử lý kịp thời, kiên quyết, khôn khéo các tình huống phức tạp nảy sinh, không để bị động, bất ngờ. Nghiên cứu và tổ chức lực lượng hợp lý, cân đối giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, lực lượng thường trực và dự bị động viên, giữa các quân binh chủng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Thường xuyên đổi mới tổ chức, nội dung, phương pháp huấn luyện, đào tạo đi đôi với cải tiến, đổi mới vũ khí, trang bị, phương tiện phù hợp với yêu cầu tác chiến mới của các lực lượng vũ trang. Phát triển khoa học quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, rèn luyện kỷ luật và xây dựng chính quy... Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nư¬ớc đối với lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Đi sâu nghiên cứu phát triển lý luận xây dựng quân đội về mọi mặt, đặc biệt là về chính trị và tổng kết kinh nghiệm 70 năm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam để trên cơ sở đó, tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng quân đội ta vững mạnh trong thời kỳ mới./.