TCCSĐT - Tại Hội nghị lần thứ 31 của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức tháng 3-2014 tại Hà Nội, các bộ trưởng nông nghiệp đã cảnh báo, hiện trên thế giới còn 925 triệu người thiếu ăn, đứt bữa, trong đó có 578 triệu người là cư dân các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chiếm 62%).
Tại Hội nghị này, FAO đưa ra hai chương trình lớn là: Tăng diện tích đất trồng trọt và tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, hầu hết đất canh tác gần như đã được khai thác và sự tăng năng suất cây lương thực trong hơn 20 năm qua là không đủ cho nhu cầu tăng dân số. Bởi thế, FAO và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, giá các loại lương thực chủ yếu trên thế giới sẽ tăng ở mức chóng mặt vào cuối thập kỷ này. Giá thóc gạo được dự báo sẽ tăng 40%; giá ngô tăng 48%; giá lúa mỳ tăng 27% và giá hạt có dầu tăng 36%.

Tiến sỹ Hi-rô-i-u-ki Cô-nu-ma (Hiroyuki Konuma), Trưởng đại diện FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, dân số thế giới đến năm 2050 dự báo lên tới 9,2 tỷ người, vì vậy chúng ta cần tăng 60% sản lượng lương thực toàn cầu, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Nguồn cung và khả năng huy động tốt hơn về thực phẩm an toàn dinh dưỡng với giá cả hợp lý, kết hợp với giáo dục và nâng cao nhận thức về dinh dưỡng sẽ tăng cường an ninh lương thực. Mặt khác, các nước cần đầu tư nhiều hơn cho ngành nông nghiệp, chú trọng vào các lĩnh vực khuyến nông, khoa học - công nghệ, đào tạo chuyên gia kỹ thuật lành nghề, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm tác hại của biến đổi khí hậu. Nhu cầu phát triển nhiên liệu sinh học ở các quốc gia cũng cần được xem xét cho hài hòa với mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực. Theo tiến sỹ H. Cô-nu-ma, về mặt lý thuyết nếu thế giới muốn tránh tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng thì tốc độ tăng sản lượng hằng năm phải ổn định ở mức ít nhất 1%/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu cuộc “Cách mạng Xanh” trong những năm 1980 đã góp phần làm tốc độ tăng trưởng sản lượng lúa gạo và lúa mì 3,5%/năm, thì trong 20 năm vừa qua, tốc độ tăng sản lượng hằng năm đã giảm xuống đáng kể, chỉ còn trong giới hạn ở mức 0,6-0,8%/năm. Trong khi đó dân số trên Trái đất vẫn tăng đều ở mức 1,2%/năm. Điều đó khó tránh khỏi tình trạng tầng lớp nghèo thiếu ăn ngày càng phình to ra tại những nước nghèo nàn, lạc hậu châu Phi và châu Á. Các chuyên gia kinh tế, xã hội học bày tỏ lo ngại rằng, nếu chính phủ các nước không có những biện pháp hữu hiệu tăng cường sản lượng lương thực, thực phẩm, thì đến cuối thế kỷ XXI, khi dân số trên hành tinh chúng ta lên tới trên 10 tỷ người, số người đói ăn, đứt bữa không chỉ dừng lại ở 1 tỷ người, mà ở một số khu vực, thậm chí, sẽ dẫn đến chết đói với quy mô hàng triệu người.

Vụ mùa bội thu

Năm 2013, nông dân trên toàn thế giới đã thu hoạch 2.500 triệu tấn ngũ cốc, tăng 8,4% so với năm ngoái và vượt 6% so với kỷ lục được lập năm 2011. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là con số bảo đảm chắc chắn cho vấn đề an ninh lương thực của loài người khi mà vẫn còn hàng chục triệu người trên khắp các châu lục thiếu ăn. Báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố ngày 05-12 vừa qua cho biết, trong năm 2013 nông nghiệp thế giới đạt vụ mùa bội thu. Tổng sản lượng ngũ cốc đạt 2.500 triệu tấn. Trong đó sản lượng các loại ngũ cốc thô tăng 12%, lúa mỳ tăng 7,8%. Riêng sản lượng lúa gạo dù chỉ tăng 1,9%, tương đương 9 triệu tấn, nâng từ 490 triệu tấn của năm 2012 lên 499 triệu tấn năm 2013, nhưng điều đó rất có ý nghĩa vì đã giúp hàng trăm triệu người châu Á, châu Phi và một số khu vực khác thoát khỏi cảnh thiếu ăn triền miên từ nhiều năm trước.

Lúa mì là loại ngũ cốc rất quan trọng dùng làm lương thực chủ yếu cho đông đảo cư dân các nước châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực khác. Dự báo trong năm tài chính 2013 - 2014, tổng sản lượng loại lương thực này sẽ đạt mức kỷ lục 705,38 triệu tấn, tăng 50,11 triệu tấn, so với niên vụ 2012 - 2013. Năm vừa qua, Trung Quốc là nước đứng đầu thế giới trong sản xuất lúa mì, đạt 121 triệu tấn, Ấn Độ đứng thứ hai 92,46 triệu tấn, Mỹ xếp thứ ba 57,54 triệu tấn, Nga đứng thứ tư 54 triệu tấn, Ca-na-đa đứng thứ năm 29,5 triệu tấn. Tất cả các nước EU tổng cộng đạt 141,37 triệu tấn. Triển vọng đối với lúa mì vụ đông đã được gieo trồng ở nửa Bắc bán cầu sẽ thu hoạch trong năm 2014, cũng được đánh giá là tương đối thuận lợi.

Dự trữ ngũ cốc thế giới sẽ tăng lên 572 triệu tấn trong năm nay, tăng 13,4% tương đương 68 triệu tấn so với năm ngoái. Theo các chuyên gia của FAO, sản lượng ngũ cốc được dự báo tăng mạnh chủ yếu dựa vào những dự đoán đầy triển vọng từ sản lượng ngô của Bra-xin, Mỹ, Nga và U-crai-na. Dự báo này cao hơn gần 9 triệu tấn so với báo cáo tháng 11-2013, phản ánh các điều chỉnh tăng đối với lượng dự trữ cuối vụ của lúa mì và ngũ cốc thô. Lượng dự trữ ngũ cốc thế giới tăng mạnh trong vụ này sẽ đưa tỷ lệ dự trữ - tiêu dùng đạt 23,5%, cao hơn mức thấp lịch sử 18,4% được ghi nhận trong niên vụ 2007 - 2008. Việc tăng sản lượng ngũ cốc sẽ bổ sung đáng kể cho dự trữ lương thực toàn cầu, giúp ổn định giá lương thực trong năm tài chính 2013 - 2014.

Bra-xin - quốc gia trong nhóm BRICS có nền kinh tế mới nổi, cũng là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển nhanh chóng và tương đối ổn định. Năm 2013, tổng sản lượng ngũ cốc của nước này đạt 191 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2012, là mức cao nhất từ trước tới nay, cao nhất trong các nước Mỹ La-tinh. Cách đây một thập kỷ, sản lượng ngô Bra-xin mới chỉ đạt 4 triệu tấn/năm, chiếm 6% của thế giới khi đó, thua rất xa nước Mỹ song năm 2013, Bra-xin đã vượt Mỹ để đạt 91 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2012. Cùng với đó, Bra-xin hiện là nước có sản lượng đậu tương đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ và có khả năng sẽ vượt Mỹ. Năm 2013, sản lượng đậu tương Bra-xin đạt 81 triệu tấn, tăng gần 24% so với năm 2012.

Năm 2013 Trung Quốc đạt vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nước này vẫn sẽ phải đối mặt với một loạt khó khăn để đáp ứng nhu cầu lương thực của 1,4 tỷ dân. Theo báo cáo của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố vào cuối tháng 11-2013, Trung Quốc đã có một vụ mùa bội thu với tổng sản lượng ngũ cốc đạt gần 602 triệu tấn, tăng 2,1% so với năm 2012. Đây là năm thứ 10 liên tiếp sản lượng ngũ cốc của nước này gia tăng đều, năm sau nhiều hơn năm trước. NBS cho biết, tổng diện tích canh tác ngũ cốc của Trung Quốc trong năm 2013 đạt 111,95 triệu ha, tăng nhẹ 0,67% so với năm 2012, năng suất trung bình trên một 1 ha đất canh tác đã tăng 1,4% so với năm 2012, lên mức 5.377 kg ngũ cốc/ha. Là nước đông dân nhất thế giới, Chính phủ Trung Quốc rất quan tâm tới vấn đề an ninh lương thực vì thế hằng năm luôn dành ra hàng chục tỷ nhân dân tệ để trợ cấp cho nông nghiệp, nhằm hỗ trợ việc áp dụng các công nghệ chủ chốt trong việc chống lại sự lây lan sâu bọ và giảm thiểu tác động của các đợt hạn hán.

Sản lượng ngũ cốc nguyên hạt của thế giới năm 2013 tăng 9,7%, so với năm 2012, đạt 1.275 triệu tấn. Nhờ sản lượng tăng đáng kể cho dự trữ, giá lương thực trong năm 2013 - 2014 được dự báo sẽ ổn định hơn. Lượng tiêu thụ ngũ cốc vụ mùa 2013 - 2014 dự báo đạt mức 2.402 triệu tấn, tăng 3% so với mùa vụ trước do nhu cầu sử dụng cho chăn nuôi và mục đích công nghiệp tại Hoa Kỳ gia tăng. Mức tiêu thụ ngũ cốc cho chăn nuôi tại các nước đang phát triển cũng được dự báo sẽ tăng cao hơn so với các nước phát triển. Sự gia tăng trong tiêu thụ lúa mì và gạo một phần cũng là do dân số thế giới ngày càng tăng, với mức tiêu thụ ngũ cốc trên đầu người ổn định khoảng 153kg/năm.

An ninh lương thực thế giới chưa ổn định

Mặc dù sản lượng lương thực trên toàn thế giới vẫn không ngừng tăng lên, song tỷ lệ tăng trưởng chưa tương xứng với tốc độ gia tăng dân số. Bên cạnh đó, chất lượng của các vụ mùa còn lệ thuộc rất nhiều vào các yếu tố thiên nhiên, sự biến đổi của thời tiết, cũng như tình hình an ninh - chính trị ở các nước và khu vực nên đến nay vẫn chưa có gì có thể bảo đảm an ninh lương thực ổn định cho cả loài người. Ở nhiều địa phương châu Phi như các quốc gia khu vực Xa-hen (Sahelian) thuộc Tây Phi, Sát, Ma-li, Mô-ri-ta-ni (Mauritinia), Ni-giê (Niger), Xê-nê-gan (Senegal)… thường xuyên bị khô hạn, thiếu nước, cây lương thực khô cằn, ngay cả đến đồng cỏ nhiều năm cũng bị héo vàng, tàn lụi.

Năm 2013 và có thể cả trong năm 2014, đông đảo người dân Ma-li và các nước khác ở khu vực này buộc phải rời đến những vùng có thể tìm được miếng ăn. Cộng hòa Trung Phi hiện cũng đang có khoảng 1,3 triệu người cần được hỗ trợ khẩn cấn về lương thực do tình trạng bạo động. Tại nhiều vùng Nam Phi thời tiết đang khô hạn nặng, vụ gieo trồng cho năm 2014 đã bị chậm trễ, chắc chắn sẽ thiếu lương thực trầm trọng, bởi thế giá lương thực đang leo thang từng ngày. Tại một số nước vùng Trung Đông - Bắc Phi như Xy-ri, Y-ê-men, I-rắc, Ai Cập, Li-bi… các cuộc xung đột vẫn tiếp diễn đã dẫn đến thiếu thốn lương thực đáng lo ngại đối với hàng chục triệu người dân. Tình trạng đó cũng đòi hỏi quốc tế cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp.

Siêu bão Ha-y-an (Haiyan) trong hai ngày 11 và 12-11-2013 đã hủy hoại 1/3 tổng sản lượng lúa, đẩy 13 triệu người Phi-lip-pin vào tình cảnh vô cùng khó khăn, buộc Liên hợp quốc phải gấp rút triển khai các chương trình cứu trợ về lương thực và hỗ trợ vực dậy ngành nông nghiệp nước này. Theo ước tính của Văn phòng của Liên hợp quốc về Phối hợp các chương trình nhân đạo (OCHA), có khoảng 2,5 triệu người nước này hiện đang cần hỗ trợ khẩn cấp về lương thực. FAO kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế đóng góp gói hỗ trợ 30 triệu USD để giúp Phi-líp-pin có thể bảo đảm lương thực cho người dân, đồng thời FAO cũng có kế hoạch cung cấp cho nông dân nước này giống lúa, ngô, công cụ, phân bón và thiết bị tưới nhỏ để có thể gieo trồng vụ hai kịp thời.

Các yếu tố biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tình trạng bạo động và thiếu ổn định an ninh - chính trị đã và đang gây trở ngại nghiêm trọng cho việc sản xuất lương thực và nông nghiệp nói chung. Báo cáo được công bố vào tháng 10-2013 của tổ chức “Sáng kiến Thu hoạch Toàn cầu” (GHI), một tổ chức tư vấn về chính sách công liên quan tới lĩnh vực sản xuất lương thực, nông nghiệp và công nghệ (có trụ sở tại Oa-sinh-tơn, Mỹ), trong đó nêu rõ rằng đến những năm giữa thế kỷ XXI, khu vực Nam sa mạc Xa-ha-ra ở châu Phi chỉ có thể đáp ứng được 13% tổng nhu cầu lương thực; Trung Đông và Bắc Phi sẽ chỉ đáp ứng được 83% nhu cầu này; trong khi khu vực Đông Á cũng chỉ có thể đáp ứng 74% nhu cầu ăn của người dân, nếu các lĩnh vực như công nghệ và kết cấu hạ tầng không được đầu tư và cải thiện. GHI đã kêu gọi toàn thế giới, trước hết là các tập đoàn kinh doanh lớn tăng cường đầu tư vào châu Á, châu Phi, các nước Mỹ La-tinh và vùng Ca-ri-bê, cũng như các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây. Theo GHI những khu vực trên, đặc biệt là Nam và Đông Nam Á còn rất phong phú tiềm lực tăng sản xuất lương thực, nông nghiệp. Nếu có đầu tư lớn, đúng phương hướng và đúng địa chỉ, thì các khu vực này sẽ là những vựa lương thực khổng lồ nuôi sống loài người.

Do nhu cầu nhiên liệu dạng lỏng tăng mạnh trong vòng vài ba thập kỷ tới, trong khi các mỏ dầu ngày càng cạn, năng lượng sinh học có thể trở thành cứu cánh, nhiều nước đã sử dụng ngô, đậu nành, mía… để sản xuất nhiên liệu sinh học cũng trở thành nỗi lo bất ổn an ninh lương thực. Hiện Hoa Kỳ, Bra-xin, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác đang chủ trương tăng cường sản xuất etanon từ ngô và mía để pha vào xăng làm tỷ lệ dầu mỏ của nhiên liệu cho ô tô, xe máy, thậm chí cả cho tàu bay; sản xuất dầu diezel từ đậu nành làm nhiên liệu chạy máy điện, tàu biển… Năm 2008, trên toàn bộ nước Mỹ mới dùng 9,6 triệu tấn ngô để sản xuất etanol pha vào nhiên liệu dầu lửa, theo ước tính, đến năm 2020 con số đó sẽ tăng lên 4 lần. Với chương trình này nước Mỹ sẽ phải sử dụng 35-40% sản lượng ngô của họ để sản xuất nhiên liệu sinh học. Hiện hai nước Mỹ và Bra-xin dẫn đầu về nhiên liệu sinh học và sản xuất tới 70% thứ năng lượng này trên toàn thế giới. Trong khi Mỹ sản xuất được nhiều etanon hơn, thì Bra-xin lại chứng tỏ là nền kinh tế dẫn đầu trong sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây mía. Ấn Độ cũng chủ trương tăng cường sử dụng nhiên liệu sinh học nhiều hơn khoảng 15% trong hai thập kỷ tới. Cũng trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc sẽ là 10%. Nhiều quốc gia Nam Mỹ cũng sẽ tăng cưởng nhiên liệu sinh học với tốc độ tương tự… Các chuyên gia nhiều nước coi việc sản xuất nhiên liệu sinh học là một nguồn năng lượng chính của thế kỷ XXI, tuy nhiên nếu xu hướng này ngày càng tăng, đương nhiên, sẽ giảm đáng kể nguồn lương thực nuôi dưỡng con người và chế biến thức ăn chăn nuôi gia xúc, gia cầm, tôm cá.

Tìm hướng bổ sung cây lương thực

Sắn được coi là loại cây trồng bổ sung làm lương thực cho con người và thức ăn chăn nuôi. Thậm chí đây còn là một loại nguyên liệu quý cho nhiều ngành công nghiệp thực phẩm và công nghiệp nhẹ. Sắn là loại cây trồng “dễ tính”, có thể trồng trên nhiều loại thổ nhưỡng, đồng bằng hay đồi trọc, hơn nữa lại có thể chịu hạn khá hơn nhiều cây nông nghiệp khác. Bởi thế nhiều chuyên gia nông nghiệp của FAO cho rằng cây sắn có “tiềm năng khổng lồ và trở thành loại cây trồng của thế kỷ 21, nếu được gieo trồng theo mô hình canh tác mới thân thiện với môi trường”.

Theo báo cáo mới nhất của FAO, trong 12 năm đầu thế kỷ 21, sản lượng sắn trên toàn cầu đã tăng 60% và hoàn toàn có triển vọng tăng 400% trong vài ba thập kỷ tới. Bí quyết của cây sắn là hạn chế sử dụng các loại hóa chất mạnh, giảm thiểu việc làm nghèo đất do phương pháp cày xới truyền thống như cày. Phương pháp trồng sắn mới được khuyến khích luân canh và không sử dụng thuốc trừ sâu. Phương pháp này đã được vận dụng ở nước ta, cho kết quả sản lượng tăng từ 8,5 tấn lên 36 tấn/ha.

Giáo sư J. F. Xu-gian-na (Jean-Francois Soussana), người cùng đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2007 nhờ công cuộc nghiên cứu về biến đổi khí hậu, cảnh báo rằng, Ô-xtra-li-a và châu Phi có thể sẽ trở thành những “điểm nóng hạn hán”. Theo lời ông, ở một số nơi tình trạng giảm bớt lượng mưa sẽ khiến hạn hán gia tăng và điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ sinh thái và nông nghiệp. Bởi thế, ông khuyên các nhà khoa học nên nghiên cứu rất cụ thể đối với cây lúa, loài thực vật có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hiện tượng trái đất ấm dần, đặc biệt trong giai đoạn cây lúa trổ bông. Tiến sĩ Gim-mi Xmít (Jimmy Smith), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế, dự báo rằng, vào những năm giữa thế kỷ này, loài người sẽ cần khoảng một tỷ tấn các sản phẩm làm từ sữa và khoảng 450 triệu tấn thịt. Phần lớn sự gia tăng đó phải phát xuất từ việc tăng năng suất, bởi vì đất đai thích hợp cho nông nghiệp phần lớn đã được sử dụng tất cả rồi. Giúp nông dân đầu tư vào những nơi mang lại nhiều lợi nhuận hơn được xem là phương cách tốt nhất để giải quyết vấn đề an ninh lương thực và để giúp giảm bớt lượng khí thải toàn cầu.

Các nhà khoa học Mỹ cũng đang nghiên cứu phát triển cỏ mạch thành một loại cây trồng phổ biến, ban đầu bổ sung và trong tương lai có thể thay thế cho lúa mì. Đây là loại cây chịu hạn, dễ thích nghi với biến đổi khí hậu và phát triển quanh năm. Bởi vậy, cỏ mạch có thể sẽ trở thành một giải pháp cho an ninh lương thực của loài người. So với lúa mì, cỏ mạch có một lợi thế vô cùng quan trọng, nó không cần phải gieo trồng, mà chúng vẫn tồn tại hết năm này sang năm khác, người nông dân không cần nhiều phân bón để chúng phát triển. Tuy nhiên, việc biến cỏ mạch thành cây trồng phổ biến cũng có những khó khăn, thách thức. Nếu cỏ mọc quá cao, không thể giữ được hạt, mỗi khi gió mạnh. Bởi vậy, các nhà khoa học đang phải chọn giống và điều hết sức quan tâm của họ là bộ rễ của cỏ. Rễ cỏ mạch tồn tại quanh năm, do đó cây không chịu tác động nhiều của gió và khi gặp mưa to gió lớn đất cũng không bị xới lên, cây không đổ, hạt không rơi rụng. Hiện các nhà nông học Mỹ đang thuần chủng một số loại cỏ mạch lâu năm tự nhiên và lai tạo giữa các giống hoang dã với một số cây ngũ cốc truyền thống./.