Rà soát tiêu chí nông thôn mới ở các địa phương
Ngày 12-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã chủ trì tổng kết công tác Ban Chỉ đạo năm 2013 và nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch năm 2014.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay các bộ, ngành đã hoàn thành cơ bản hệ thống cơ chế, chính sách theo phân công. Công tác kiểm tra, giám sát ở các địa phương được các thành viên thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Tại các địa phương, sau khi rà soát lại quy hoạch, đến nay đã có hơn 93% số xã của cả nước hoàn thành quy hoạch chung (trong đó cao nhất là Bắc Trung Bộ đạt 99,9%; đồng bằng sông Hồng đạt 99,6%; Tây Nguyên đạt 92,3%).
Việc quy hoạch đã có tác dụng tốt tới tuyên truyền xây dựng nông thôn mới cho người dân, qua đó người dân phấn khởi và có cơ hội tham gia quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới của mình và nhất là trong xây dựng hạ tầng.
Về lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, đến nay, cả nước có 81% số xã đã phê duyệt xong đề án sau khi rà soát bổ sung (trong đó, Bắc Trung Bộ có 94% số xã đã hoàn thành đề án; Tây Nguyên 92%; Duyên hải Nam Trung Bộ 89%).
Các địa phương vẫn ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, coi đó là yếu tố quan trọng nhất để cải tạo bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội - văn hóa, an ninh và đặc biệt là tăng hưởng thụ trực tiếp của người dân, vì vậy đã nhận được sự đồng thuận của tuyệt đại đa số người dân.
Nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm đến tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn, gắn với nâng cao thu nhập cho người dân theo mục tiêu xây dựng nông thôn mới như Hà Nội, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, An Giang; 144 xã (chiếm 1,6% tổng số xã) đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 256 xã (6,2%) đạt từ 15 đến18 tiêu chí.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình còn những khó khăn bất cập như nhiều tỉnh chưa điều chỉnh quy hoạch sản xuất cho các huyện nên thiếu căn cứ cho các xã xây dựng quy hoạch, đề án sản xuất theo lợi thế vùng.
Đề án xây dựng nông thôn mới ở một số cấp xã chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch, nặng về tính toán đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đến sản xuất, môi trường; giải pháp thực hiện, nhất là huy động nguồn lực còn thiếu tính thực tiễn.
Đến nay vẫn còn bảy xã “trắng” về tiêu chí, tập trung ở vùng miền núi phía Bắc. Một số địa phương, mức phấn đấu tăng tiêu chí hằng năm còn rất chậm so với năm 2011 như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La. Đồng thời, mức độ phấn đấu đạt tiêu chí nông thôn mới hằng năm rất khác nhau giữa các vùng, thấp nhất là vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, để làm tốt việc xây dựng nông thôn mới cần kết hợp xóa đói giảm nghèo với cải thiện kết cấu hạ tầng; nâng cao chất lượng sống của người dân; tái cấu trúc sản xuất với tổ chức lại sản xuất hàng hóa để mở cánh cửa cho khoa học công nghệ tham gia xây dựng nông thôn mới. Một số thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị nên giao cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ phản biện xã hội về nông thôn mới, nhằm giúp nông thôn mới phát triển một cách khoa học, bền vững chứ không chỉ mang tính phong trào.
Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Nhiều nơi có cách làm sáng tạo, vận dụng các quy định của trung ương phù hợp với địa phương, xây dựng mô hình thành công, huy động được cấp ủy chính quyền, xã hội, người dân tham gia hưởng ứng. Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng còn một số bất cập cần khắc phục trong thời gian tới.
Để đạt được mục tiêu năm 2014 có 600 - 700 xã đạt chuẩn nông thôn mới; cả nước đạt bình quân 10 tiêu chí/xã, số xã đạt dưới 5 tiêu chí còn dưới 5%, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành trung ương theo nhiệm vụ được giao tập trung hoàn thành các văn bản hướng dẫn còn thiếu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành về quy trình xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; quy định về lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn xã; sớm rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn chưa phù hợp; tiếp tục rà soát các tiêu chí nông thôn mới, hướng dẫn, hình thành những mô hình thực tiễn ở các địa phương.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trong đó chú ý tới quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp; gắn kết quy hoạch nông thôn mới với quy hoạch đô thị; nghiên cứu phối hợp làm chuyển biến môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng tập huấn kiến thức nông thôn mới cho cán bộ cơ sở và đào tạo nghề cho nông dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp rà soát các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, có cơ chế hỗ trợ các địa phương khó khăn; hướng dẫn các địa phương dành nguồn ngân sách tối thiểu cho chương trình; kịp thời khen thưởng các địa phương làm tốt; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới./.
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Căn cước công dân  (12/03/2014)
Phó Thủ tướng tiếp Chủ tịch Tập đoàn Kumho Asiana, Hàn Quốc  (12/03/2014)
“Công chứng viên có thể được hành nghề đến 65 tuổi”  (12/03/2014)
Hơn 200 phóng viên, biên tập viên các tỉnh phía Bắc tham dự tập huấn triển khai thực hiện tuyên truyền Hiến pháp  (12/03/2014)
Triển khai hoạt động phối hợp xây dựng khu vực phòng thủ  (12/03/2014)
Phiên họp Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương  (12/03/2014)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên