Tiếp tục Phiên họp thứ 26, sáng 12-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân.

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng những văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân đã được ban hành từ năm 1976, ngay sau khi thống nhất đất nước, trên thực tế đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội và đáp ứng yêu cầu giao dịch, thực hiện các quan hệ xã hội của người dân.

Việc xây dựng và ban hành Luật Căn cước công dân nhằm luật hóa những quy phạm pháp luật đã được thực hiện ổn định, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đề nghị, Tờ trình của Chính phủ cần phải nêu khái quát và rõ hơn sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân, đặc biệt là nội dung của Tờ trình và dự án Luật cần quán triệt các vấn đề có liên quan đến quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, đánh giá sâu hơn về những thuận lợi cho người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Về tên gọi của dự án Luật, có ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật về chứng minh nhân dân”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quản lý căn cước công dân là một hoạt động chuyên ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; giấy tờ về căn cước công dân là một loại giấy tờ riêng biệt.

Khái niệm “căn cước công dân” và “chứng minh nhân dân” có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó căn cước là những thông tin cơ bản về đặc điểm nhận dạng để xác định con người cụ thể và là nội dung cơ bản của chứng minh nhân dân; chứng minh nhân dân chỉ là hình thức thể hiện của căn cước công dân. Do đó, việc lấy tên gọi “Luật Căn cước công dân” là phù hợp, hơn nữa tên gọi của dự án Luật Căn cước công dân đã được Quốc hội thông qua trong Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014.

Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng nếu thống nhất tên gọi luật là Luật Căn cước công dân, cần thay khái niệm “chứng minh nhân dân” thành “Thẻ căn cước công dân”.

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban Soạn thảo dự án luật nên có đánh giá tác động cụ thể nếu chuyển từ “chứng minh nhân dân” sang “Thẻ căn cước công dân”.

Nâng cao tính thống nhất, hiệu quả, khả thi trong các điều luật

Về bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, tư duy làm luật phải xuất phát từ tinh thần phục vụ nhân dân, bảo vệ nhân dân, giữ mối quan hệ giữa nhân dân với nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhận thấy về cơ bản, nội dung dự thảo luật đã bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát những quy định của dự thảo luật về trách nhiệm thu thập và cung cấp thông tin cá nhân, những giấy tờ và thủ tục cần thiết khi làm căn cước công dân để bảo đảm đúng các quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của Nhà nước, nhất là thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo hộ theo quy định của Hiến pháp.

Liên quan đến các quy định về chứng minh nhân dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí như dự thảo Luật về cấp và quản lý chứng minh nhân dân, vì đây là hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, trật tự, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội và giao dịch của người dân.

Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần làm rõ mối quan hệ giữa việc cấp chứng minh nhân dân với việc thực hiện cấp số định danh cá nhân và phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan để bảo đảm thống nhất, hiệu quả, khả thi trong các điều luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng ban soạn thảo cần phải cân nhắc quy định “chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên” trong dự thảo Luật. Bởi thực tế hiện nay, ngoài chứng minh nhân dân, công dân còn có nhiều loại giấy tờ khác (hộ chiếu, giấy chứng minh sỹ quan Quân đội và Công an nhân dân, thẻ công chức, viên chức, thẻ học sinh…), nếu xác định chứng minh nhân dân là giấy tờ “duy nhất” sẽ có thể dẫn đến các loại giấy tờ trên mất tác dụng, không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân (trong đó có công dân dưới 15 tuổi) mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, công chức, viên chức.

Chính phủ cần nghiên cứu để thực hiện mục tiêu cải cách thủ tục hành chính bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn thiện Tờ trình trước khi trình Quốc hội cho ý kiến./.