Hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam và Trung Quốc
Ngày 31-12-2008, Việt Nam và Trung Quốc đã hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước đã xác lập một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý và các bản đồ kèm theo, được phân giới và đánh dấu trên thực địa bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy và hiện đại.
KHÁI QUÁT LỊCH SỬ ĐƯỜNG BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được hình thành qua quá trình lịch sử lâu dài và tồn tại tương đối ổn định kể từ thế kỷ thứ X. Tuy nhiên, cho đến cuối thế kỷ XIX, biên giới Việt – Trung chỉ mang tính chất của biên giới vùng, chưa phải là đường biên giới được phân giới và chưa được đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính xác.
Công ước hoạch định biên giới ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20-6-1895 ký kết giữa Pháp và nhà Thanh (Trung Quốc) cùng với các biên bản và bản đồ kèm theo là các văn bản pháp lý đầu tiên xác định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tồn tại đến ngày nay. Đường biên giới đó đã được cụ thể hoá trên thực địa bằng một hệ thống 314 mốc quốc giới, từ Móng Cái đến tận ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào.
Trong hơn 100 năm qua kể từ khi các Công ước Pháp – Thanh được ký kết, đường biên giới giữa hai nước đã trải qua nhiều biến đổi trên thực địa do thời tiết khắc nghiệt và do biến động về chính trị - xã hội ở mỗi nước. Cùng với thời gian, nhiều mốc đã bị hư hỏng, thậm chí bị mất, một số mốc bị xê dịch. Việc hoạch định biên giới giữa Pháp và nhà Thanh với phương tiện kỹ thuật và điều kiện hạn chế lúc đó nên lời văn trong hai Công ước và Bản đồ kèm theo không mô tả được đầy đủ, rõ ràng, chính xác đường biên giới. Các cột mốc biên giới được cắm từ cuối thế kỷ XIX không được xác định bằng lưới tọa độ. Nhiều mảnh bản đồ gốc cũng không còn, gây nhiều khó khăn cho công tác phân giới cắm mốc. Tại nhiều khu vực trên đường biên giới đã xảy ra sự chuyển dịch dân cư không phù hợp với đường biên giới pháp lý. Vì các lý do trên, tình hình tranh chấp căng thẳng ở các khu vực biên giới diễn ra khá phổ biến trong nhiều năm. Xuất phát từ tình hình thực tế và để xây dựng một đường biên giới hoà bình, hữu nghị và ổn định lâu dài, từ những năm 70 của thế kỷ XX, hai nước đã thoả thuận đàm phán, ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền mới thay cho các Công ước Pháp - Thanh và sau đó tiến hành phân giới, cắm mốc trên thực địa.
HIỆP ƯỚC BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN NĂM 1999 – CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA CÔNG TÁC PHÂN GIỚI, CẮM MỐC BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
Từ năm 1974 đến 1979, Việt Nam và Trung Quốc đã ba lần tiến hành đàm phán về biên giới lãnh thổ, nhưng không đạt được kết quả do hai bên có lập trường, quan điểm khác xa nhau. Sau khi bình thường hóa quan hệ, từ tháng 10 -1992, hai bên tiến hành đàm phán lần thứ tư về biên giới lãnh thổ. Tháng 10-1993, hai bên đã đạt được Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam – Trung Quốc, đồng ý lấy các Công ước Pháp – Thanh 1887 và 1895 cùng các văn kiện, bản đồ hoạch định, cắm mốc biên giới kèm theo làm căn cứ để xác định lại đường biên giới Việt – Trung; các khu dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì cuộc sống ổn định của dân cư; đối với những đoạn biên giới sông suối thì giải quyết theo nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế.
Trên cơ sở áp dụng các nguyên tắc trên nhằm xác định đường biên giới trên thực địa, trong quá trình đàm phán, hai bên có nhận thức trùng nhau đối với gần 950 km trong tổng chiều dài khoảng 1.400 km đường biên giới (chiếm 69% tổng chiều dài đường biên). Hai bên có nhận thức khác nhau ở 289 khu vực với tổng chiều dài khoảng 450 km (chiếm 31%) với diện tích khoảng 232km2.
Ngày 30-12-1999 tại Hà Nội, Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc (gọi tắt là Hiệp ước 1999) được ký kết, đặt nền tảng quan trọng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định lâu dài giữa hai nước.
Hiệp ước 1999 đã ghi nhận toàn bộ hướng đi của đường biên giới từ Tây sang Đông và kết quả giải quyết 289 khu vực có nhận thức khác nhau. Theo Hiệp định, khoảng 114,9 km2 khu vực tranh chấp được quy thuộc cho Việt Nam; khoảng 117,2 km2 được quy thuộc cho Trung Quốc. Tuy vậy, còn bốn khu vực hai bên chưa giải quyết được, đó là: ba khu vực ở Cao Bằng (trong đó có khu vực thác Bản Giốc) và khu vực cửa sông Bắc Luân (bản đồ đính kèm Hiệp ước chỉ thể hiện nét đứt). Hai bên thoả thuận sẽ giải quyết các khu vực này trong quá trình phân giới cắm mốc.
Hiệp ước 1999 mới chỉ xác định đường biên giới bằng lời văn và trên bản đồ. Để có thể xác định rõ ràng đường biên giới, hai bên cần tiến hành phân giới cắm mốc, tức là, chuyển đường biên giới từ lời văn trong Hiệp ước và bản đồ ra thực địa.
QUÁ TRÌNH PHÂN GIỚI, CẮM MỐC TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
Ngay sau khi ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc năm 1999, hai bên đã thành lập Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; tiến hành cắm cột mốc đầu tiên tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng (tháng 12-2001).
Trong 2 năm 2002 và 2003, hai bên thoả thuận tiến hành công tác phân giới cắm mốc theo hình thức "cuốn chiếu" từ Tây sang Đông, tức là làm đến đâu dứt điểm đến đó. Trong giai đoạn này, do hai bên còn có nhận thức khác nhau về cách thức triển khai nên công tác phân giới cắm mốc tiến triển rất chậm, chỉ cắm được 89 cột mốc.
Từ năm 2004 đến 2006, hai bên thỏa thuận triển khai công tác phân giới cắm mốc theo phương châm “dễ trước, khó sau”. Nhờ đó, vào cuối năm 2006, đã xác định được gần 70% vị trí mốc giới. Tuy nhiên, sang đầu năm 2007, tốc độ phân giới cắm mốc chậm lại do các khu vực tồn đọng đều là các khu vực nhạy cảm, có lịch sử tranh chấp lâu đời, đã qua nhiều vòng đàm phán nhưng chưa giải quyết được...
Trước tình hình đó, hai bên đã đưa ra nhiều biện pháp đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc, thỏa thuận giải quyết các vấn đề tồn đọng theo phương thức "cả gói"; trên cơ sở các nguyên tắc như: 1- lấy Hiệp ước năm 1999 và Bản đồ đính kèm làm căn cứ pháp lý để giải quyết khác biệt; 2- giải quyết tất cả các khu vực trong “gói” theo cùng một tiêu chí; 3- bảo đảm công bằng, hợp tình, hợp lý; cân bằng về lợi ích và hai bên đều chấp nhận được; 4- biên giới đi qua tất cả mốc cũ và các dấu tích lịch sử; 5- giảm thiểu tối đa tác động đến đời sống dân cư. Trong quá trình giải quyết cụ thể, hai bên đã nhất trí chia các khu vực tồn đọng thành nhiều "gói" như các gói “cửa khẩu”, gói “mốc cũ Pháp - Thanh” và gói “thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân”. Mỗi "gói" giải quyết theo một số tiêu chí nhất định. Nhờ vậy, đến ngày 31-12-2008, hai bên đã giải quyết dứt điểm toàn bộ các vấn đề còn tồn tại, hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc.
Như vậy, sau gần 8 năm đàm phán và giải quyết các vấn đề khác biệt trên thực địa, hai bên đã phân giới xong toàn bộ tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc dài khoảng 1400 km, trong đó có gần 400km đường biên giới đi theo sông suối; cắm 1971 cột mốc (trong đó có 1549 cột mốc chính; 422 cột mốc phụ).
Hệ thống mốc quốc giới nói trên đã được đánh dấu, ghi nhận và mô tả đường biên giới phù hợp với địa hình thực tế một cách khách quan, khoa học và chi tiết. So sánh với đường biên giới của các nước khác trên thế giới, đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc được đánh giá là có mức độ cột mốc dầy đặc và rõ ràng, được xác định theo phương pháp hiện đại, bảo đảm tính trung thực và bền vững lâu dài.
Kết quả phân giới cắm mốc mà hai bên đạt được là thỏa đáng, hợp tình, hợp lý, đáp ứng yêu cầu của cả hai bên, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản đã thỏa thuận. Đường biên giới được xác lập trên thực địa về cơ bản theo đúng đường biên giới được hoạch định trong Hiệp ước 1999.
Đối với một số nơi, hai bên cùng điều chỉnh theo nguyên tắc cân bằng về lợi ích và diện tích nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý và không gây xáo trộn đối với cuộc sống của cư dân biên giới. Nhờ vận dụng nguyên tắc này, Việt Nam đã giữ được nguyên trạng toàn bộ bản Ma Lỳ Sán ở Hà Giang gồm 13 hộ. Trung Quốc giữ được 13 nóc nhà tại Hang Dơi, tiếp giáp địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Tại cửa khẩu Hữu Nghị, đường biên giới đi qua Km 0, mốc 19 cũ của Pháp và cách điểm nối ray 148 mét về phía Bắc, đúng theo bản Ghi nhận chung giải quyết các khu vực hai bên có nhận thức khác nhau (xem ảnh 2). Lý do hai bên đồng ý điều chỉnh đường biên giới về phía Bắc 148 mét là vì điểm nối ray bị lệch về phía Việt Nam so với đường biên giới lịch sử (xem ảnh 4). Đối với Ải Nam Quan, các sách như “Đại Nam nhất thống chí”, “Vân đài loại ngữ” của nhà bác học Lê Quý Đôn đều khẳng định, Ải Nam Quan do các triều đại phong kiến Trung Quốc xây dựng và tồn tại đến ngày nay.
Khu vực thác Bản Giốc và cửa sông Bắc Luân được hai bên giải quyết bằng một giải pháp tổng thể, cụ thể là :
- Tại Thác Bản Giốc: Thác này nằm trên sông Quây Sơn. Các bản đồ Pháp – Thanh đã khẳng định sông Quây Sơn là sông biên giới và Thác Bản Giốc là thác chung của Việt Nam và Trung Quốc. Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên chỉ chưa giải quyết được cồn Pò Thoong (có diện tích khoảng 2,6 hécta) nằm trên thác. Theo luật pháp quốc tế và Hiệp ước 1999, tại khu vực này đường biên giới đi theo trung tuyến dòng chảy chính. Qua nhiều vòng đàm phán và trên cơ sở kết hợp giải pháp chính trị và giải pháp kỹ thuật, hai bên đã đạt được thoả thuận là: Đường biên giới đi từ mốc 53 (cũ) lên cồn Pò Thoong rồi đến điểm giữa của mặt thác chính (xem ảnh 5 và 6). Như vậy, toàn bộ thác phụ và ½ thác chính quy thuộc Việt Nam. Hai bên cũng thoả thuận sẽ bàn bạc việc hợp tác phát triển tiềm năng du lịch tại Thác Bản Giốc.
- Tại khu vực cửa sông Bắc Luân: kéo dài từ thượng lưu bãi Tục Lãm đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ (khoảng 14 km). Khu vực này đã được Pháp - Thanh hoạch định và cắm mốc. Nhưng vào thời điểm đó, các cồn bãi Tục Lãm, Tài Xẹc, Dậu Gót đều chưa xuất hiện trên bản đồ hoạch định. Khi ký Hiệp ước 1999, hai bên cũng chưa giải quyết được khu vực này. Vào ngày đàm phán cuối cùng (31-12-2008), hai bên mới đạt được giải pháp là: Đường biên giới đi lên bãi Tục Lãm (¾ bãi Tục Lãm thuộc Việt Nam ¼ bãi Tục Lãm thuộc Trung Quốc), sau đó đi tiếp lên hòn Dậu Gót (1/3 hòn Dậu Gót thuộc Việt Nam, 2/3 hòn Dậu Gót thuộc Trung Quốc) rồi đi đến điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc Bộ (xem ảnh 7). Hai bên thỏa thuận không xây dựng công trình nhân tạo tại các khu vực Thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm, hòn Tài Xẹc, bãi Dậu Gót; đồng thời nhất trí thiết lập khu giao thông thủy tự do cho dân địa phương hai bên sử dụng luồng hai bên bãi Tục Lãm và bãi Dậu Gót.
Như vậy, kết quả giải quyết các khu vực nhạy cảm nói trên là công bằng, nhân nhượng lẫn nhau, tuân theo đúng các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận cũng như những quy định của Hiệp ước 1999, đáp ứng được mối quan tâm của cả hai bên, bảo đảm cho việc quản lý ổn định, lâu dài và tránh những tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.
Ý NGHĨA CỦA VIỆC HOÀN THÀNH CÔNG TÁC PHÂN GIỚI CẮM MỐC
Việc hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại của dân tộc ta và là một mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
Thứ nhất, lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước hoạch định được một đường biên giới trên đất liền rõ ràng trong Hiệp định và Bản đồ kèm theo, được đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và phát triển giữa hai nước.
Thứ hai, việc hoàn thành phân giới cắm mốc, xác định rõ ràng một đường biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa các tranh chấp biên giới và các hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới; đồng thời, mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.
Thứ ba, việc hoàn thành phân giới cắm mốc đưa Hiệp ước về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc vào cuộc sống theo đúng Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước, là biểu hiện sinh động của mối quan hệ "đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện" Việt Nam – Trung Quốc, góp phần tăng cường sự tin cậy giữa hai bên, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ Việt – Trung ngày càng phát triển./.
Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí  (27/02/2009)
Sáng mãi Điện Biên  (27/02/2009)
Trung Quốc: Phản đối bản báo cáo nhân quyền của Mỹ  (26/02/2009)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên