Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen và Phu nhân thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-12-2013 đến ngày 28-12-2013.

Việt Nam là nước đầu tiên Thủ tướng Hun Sen đi thăm sau khi được tái bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ. Là nước láng giềng, Việt Nam và Campuchia có nhiều điểm tương đồng. Cũng giống như Việt Nam, Campuchia là nước nông nghiệp với 20% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 80% dân số làm nghề nông.

Kinh tế Campuchia bắt đầu phát triển từ thập kỷ 90 thế kỷ 20 khi tình hình chính trị dần đi vào ổn định và đất nước đi theo nền kinh tế thị trường. Đến nay, kinh tế Campuchia duy trì đà phát triển khá cao, dự kiến GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) năm 2013 đạt 7,6%, lạm phát 3%. Lĩnh vực trụ cột chính của nền kinh tế Campuchia là nông nghiệp, dệt may, du lịch và xây dựng. Doanh số xuất khẩu may mặc trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt 4,76 tỷ USD. Kim ngạch thương mại Campuchia với các nước đạt hơn 10 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm 2013.

Về thu hút du lịch, Campuchia đã đón 2,42 triệu du khách quốc tế và đặt mục tiêu trong thời gian tới sẽ thu hút khoảng 5 triệu khách du lịch; phấn đấu ra khỏi nhóm các nước kém phát triển nhất vào năm 2020.

Thị trường xuất khẩu chính của Campuchia là Mỹ, EU, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Mục tiêu năm 2015 trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới.

Về đối ngoại, Campuchia thực hiện chính sách trung lập, không liên kết vĩnh viễn, không xâm lược hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Campuchia là nước thành viên thứ 10 của ASEAN (4-1999), thành viên chính thức thứ 148 của WTO (9-2003), gia nhập ASEM (10-2004) và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Hiện nay Campuchia có quan hệ với 150 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, chú trọng quan hệ với các nước lớn, các nước tài trợ, các nước láng giềng và đang đẩy mạnh hội nhập khu vực và quốc tế.

Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Ngày 24-6-1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu một trang sử mới trong quan hệ hai nước láng giềng anh em. Năm 2012, hai nước đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. Trong suốt quá trình lịch sử đó, nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, kể cả bằng xương máu của mình, trong kháng chiến chống đế quốc vì độc lập dân tộc cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước sau này.

Việt Nam và Campuchia đang tích cực triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng chế độ diệt chủng ở Campuchia (7-1-1979 – 7-1-2014), ngày mà nhân dân hai nước cùng nhau lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tàn bạo, cứu đất nước và nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt vong, mang lại sự hồi sinh cho đất nước và nhân dân. Công lao và sự hy sinh trong cuộc đấu tranh cao cả đó, đặc biệt là của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, các cựu cán bộ chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam đã đóng góp cho tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước.

Đến nay, quan hệ hai nước đã được mở rộng ra nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của hai nước. Các chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp hai nước thường xuyên được tiến hành. Tháng 3-2005, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm chính thức Campuchia. Hai bên ra Tuyên bố chung, nâng quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”.

Đầu năm 2013, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu dự lễ tang Thái Thượng hoàng Norodom Sihanouk (2-2013); đoàn Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom Rin sang Việt Nam dự lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp (10-2013)...

Những năm gần đây, quan hệ thương mại hai nước không ngừng được cải thiện và tiếp tục phát triển nhanh. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt 3,3 tỷ USD; 10 tháng năm 2013 đạt 2,94 tỷ USD (tăng 8% so với cùng kỳ 2012). Tính đến tháng 6-2013, Việt Nam đã đầu tư vào Campuchia 126 dự án với tổng vốn 3 tỷ USD, tập trung vào một số lĩnh vực: trồng cây công nghiệp, khai khoáng, thăm dò, tìm kiếm và kinh doanh sản phẩm dầu khí, phát triển nguồn điện, viễn thông, tài chính, ngân hàng... Hiện tại nhiều nhà đầu tư của Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn của Campuchia, góp phần đưa kim ngạch thương mại tăng cao.

Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, y tế, du lịch... cũng phát triển mạnh mẽ. Việt Nam dành nhiều suất học bổng cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Campuchia. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam cũng đã cử nhiều đoàn y, bác sỹ sang khám bệnh cho nhân dân Campuchia sinh sống ở các vùng biên giới hai nước.

Hợp tác an ninh, quốc phòng được hai nước Việt Nam - Campuchia phối hợp chặt chẽ, trao đổi thông tin giải quyết tốt các vụ việc phát sinh trên biên giới, tăng cường hợp tác đào tạo, duy trì tuần tra trên biển, hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Campuchia.

Công tác phân giới cắm mốc biên giới tiếp tục được hai bên phối hợp triển khai. Dựa trên tình hữu nghị đặc biệt, chỉ đạo của lãnh đạo hai nước, các lực lượng chức năng hai nước đã phối hợp thành công việc cắm cột mốc biên giới. Đến nay, hai nước đã xác định được 239/314 vị trí mốc (đạt khoảng 76,1% khối lượng công việc), xây dựng xong 279/372 cột mốc (đạt 75%), phân giới được 850/1137km đường biên giới. Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác để sớm hoàn thành công tác này, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.

Trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, hai nước gắn bó và ủng hộ lẫn nhau cũng như hợp tác ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV), hợp tác bốn nước Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam (CLMV), hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS); Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong (ACMECs), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ASEM, Liên hợp quốc (UN)...

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen lần này khẳng định sự coi trọng quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam - Campuchia; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trong đó có kinh tế, thương mại, đầu tư; trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm./.