TCCSĐT - Ngày 24-12, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và làm việc tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA).

Báo cáo với Chủ tịch nước, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết, trải qua hai cuộc kháng chiến, hàng triệu người dân, chiến sĩ đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, chịu nhiều mất mát, hy sinh để góp phần giành độc lập tự do cho dân tộc.

 
 Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm và làm việc với Hội Nạn nhân chất độc
da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trước yêu cầu cấp bách về chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin được thành lập, vượt qua nhiều khó khăn, phát triển nhanh, toàn diện.

Mạng lưới tổ chức Hội ở hầu khắp cả nước với 59 cấp hội tỉnh, thành. Hội đã kịp thời phản ánh tình hình, tích cực tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành các văn bản, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam và cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.

Trong quá trình đấu tranh đòi công lý, Hội đã quyết tâm và kiên trì, mở rộng quan hệ với khoảng 500 tổ chức và cá nhân thuộc 30 quốc gia ở năm châu lục, tạo dư luận rộng rãi trong và ngoài nước để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh chung.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước biểu dương đội ngũ cán bộ, hội viên danh dự, cộng tác viên tình nguyện làm công tác hội đã quan tâm chăm lo cho các nạn nhân.

Khẳng định giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, Chủ tịch nước đề nghị Hội tiếp tục nhạy bén nắm vững tình hình, chủ động tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến giải quyết hậu quả chất độc da cam.

Chúc mừng thành công của Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin với Ban Chấp hành mới được kiện toàn, Chủ tịch nước mong muốn Trung ương Hội cùng các cấp hội sẽ làm tốt hơn nữa hoạt động hết sức nhân văn, vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong nhiệm kỳ mới.

Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin cả về vật chất và tinh thần.

Tại buổi làm việc, đại diện các cấp Hội đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng cường chỉ đạo, ban hành tiêu chí nạn nhân, tiếp tục thụ lý hồ sơ tồn đọng, chuyển tiếp chính sách với những nạn nhân bị suy giảm 21-80% và thế hệ sau năm 1975 chưa được hưởng chính sách; cho phép mở rộng trung tâm tẩy độc tới các tỉnh, thành, xây dựng ba trung tâm ở ba khu vực trên cả nước để nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân cô đơn, không nơi nương tựa...

* Trước đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã diễn ra trọng thể ngày 24-12, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chúc mừng thành tích của Hội trong nhiệm kỳ II cũng như trong 10 năm xây dựng, phát triển.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, phát huy truyền thống “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam” hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Hội đã làm nòng cốt trong vụ kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ sử dụng chất độc da cam trong chiến tranh ở Việt Nam. Vị thế, uy tín của Hội ngày càng được nâng cao. Tổ chức hội các cấp ngày càng được cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhân dân ủng hộ và nạn nhân tin tưởng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc giải quyết hậu quả chất độc hóa học; công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam là lâu dài, quan trọng và cấp bách.

Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị và nhân dân đã, đang, sẽ làm hết sức mình vì nạn nhân chất độc da cam, phấn đấu nâng cao hơn nữa đời sống của nạn nhân và gia đình họ. Trong sự nghiệp đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, làm tốt vai trò cầu nối giữa nạn nhân với cộng đồng; góp phần cùng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và nhân dân chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Coi trọng và đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Sáng tạo về nội dung, hình thức vận động phù hợp, hiệu quả, thúc đẩy phong trào giúp đỡ nạn nhân ở trong, ngoài nước. Phối hợp hoạt động với các cấp, các ngành; tăng cường đoàn kết quốc tế; kiên trì cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam…

 
 Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: VGP

Báo cáo của Ban Chấp hành Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cho biết trong nhiệm kỳ tiếp theo (2013 - 2018), Hội đặt mục tiêu xây dựng tổ chức hội vững mạnh, phát triển từ 300.000 - 400.000 hội viên.

Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đối ngoại, Hội tiếp tục cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam; vận động mọi nguồn lực để chăm sóc nạn nhân…

Tạo điều kiện cho Hội tiếp tục phát huy tốt vai trò chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi nạn nhân, Đại hội kiến nghị với Đảng, Nhà nước gấp rút công bố tiêu chí xác định nạn nhân chất độc hóa học để làm căn cứ bổ sung, hoàn thiện, thực hiện chế độ, chính sách với những người bị nhiễm chất độc hóa học và tiến hành cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân.

Tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam, giải quyết dứt điểm việc tồn đọng khoảng 1 triệu hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ, chính sách; thay đổi mức trợ cấp với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, bị suy giảm khả năng lao động từ 21-80%,...

Đại hội suy tôn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch danh dự của Hội.

Đại hội cũng bầu Ban Chấp hành gồm 101 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 14 ủy viên và Ban Kiểm tra gồm 7 ủy viên. Thượng Tướng Nguyễn Văn Rinh tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Các Phó Chủ tịch Hội được bầu, gồm Trung tướng Nguyễn Thế Lực (kiêm Tổng Thư ký), Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng./.