Làm rõ những nội dung liên quan trong phòng chống vi phạm pháp luật
Chiều 7-11-2013, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác của các cơ quan tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 với phần giải trình thêm của các bộ trưởng, trưởng ngành.
Các ý kiến tại buổi thảo luận cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng ngừa, phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác tư pháp năm 2013 và những định hướng của công tác tư pháp trong năm 2014. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, các báo cáo này đã phản ánh một cách toàn diện về công tác tư pháp cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Các đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh), Hồ Văn Năm (Đồng Nai), Phạm Xuân Thường (Thái Bình)… đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan tư pháp trong việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Cụ thể, nhiều chỉ tiêu, mục tiêu mà Quốc hội đã ra thực hiện đạt và vượt như: Nhiều vụ án nghiêm trọng, đặt biệt nghiêm trọng đã được phát hiện và đạt tỷ lệ cao hơn so với những năm trước; số vụ điều tra đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước; công tác điều tra, thực hành quyền công tố, xét xử của các vụ án hình sự đạt kết quả tích cực; công tác xét xử của Tòa án các cấp có sự chuyển biến, tăng về số vụ; công tác thi hành án có sự chuyển biến tích cực...
Chưa đề cập đầy đủ về tình hình tội phạm và công tác tư pháp
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội), Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang), Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội)... đã chỉ ra những mặt còn hạn chế như: Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội chưa đề cập đầy đủ về tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là vấn đề đánh giá tình hình vi phạm của các cán bộ, công chức; tình trạng bảo kê còn diễn ra ở một số địa phương; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh. Cũng theo các đại biểu Quốc hội, kết quả xử lý tội phạm, nhất là tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế; tỷ lệ trả lại hồ sơ còn cao kể cả của Viện kiểm sát lẫn Tòa án; chất lượng tranh tụng trong các phiên toà còn chậm được cải tiến, chưa đáp ứng được yêu cầu về cải cách tư pháp...
Báo cáo và làm rõ thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội phản ánh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: trong thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp kết hợp phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm; triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa bỏ các tụ điểm phức tạp về trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường, tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng. Mặc dù lực lượng Công an có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng, kết quả phát hiện, điều tra, xử lý còn chưa tương xứng với thực trạng tình hình; việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt còn ít; tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận quan tâm có vụ còn chậm.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, thời gian tới, Bộ Công an sẽ tập trung bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Hải quan, Thuế, Viện kiểm sát, Tòa án nâng cao hiệu quả phát hiện tội phạm tham nhũng. Bộ cũng sẽ tiếp nhận kịp thời, tập trung xác minh các tin báo, tố giác về tội phạm tham nhũng từ tất cả các kênh thông tin khác nhau để xem xét, kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý nếu vi phạm pháp luật.
Đối với vấn đề đình chỉ điều tra các vụ án, chuyển sang xử lý hành chính, Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan điều tra chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm; chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp các cấp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ làm công tác điều tra tội phạm, nâng cao chất lượng điều tra các vụ án hình sự. Bộ đồng tình giữ nguyên chỉ tiêu giảm ít nhất 1% số người tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính do hành vi không cấu thành tội phạm, được đề ra trong Nghị quyết 37 của Quốc hội.
Giải trình thêm về các giải pháp làm giảm tỷ lệ án bị sửa, hủy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, trong thời gian tới, cần nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa và kể cả dân chủ hóa quá trình tố tụng, nhằm làm rõ chứng cứ, sự thật khách quan của vụ án. Việc tranh tụng phải đảm bảo phát huy vai trò của công tố viên, luật sư và những người tham gia tố tụng tham gia bảo vệ quyền lợi của mình. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thẩm phán của ngành Tòa án.
Liên quan đến vụ án "giết người" ở Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Ngày 6-11, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã mở phiên tòa theo trình tự tái thẩm xem xét kháng nghị ngày 4-11 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội danh giết người. Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã xem xét vụ án một cách thận trọng, khách quan, toàn diện và sẽ làm triệt để vụ việc.
Cũng theo Chánh án Trương Hòa Bình, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Cần thực hiện song song hai hình thức tử hình
Góp ý về vấn đề thi hành án tử hình, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình), Hồ Văn Năm (Đồng Nai), Bạch Thị Hương Thuỷ (Hòa Bình) và một số đại biểu khác đề nghị nên để tồn tại song song hai hình thức tử hình.
Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội về này, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết: Để tháo gỡ khó khăn về nguồn thuốc phục vụ thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 47/CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 82/CP; đồng thời đã chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ tổ chức thi hành án tử hình. Ngay sau khi Nghị định 47/CP có hiệu lực, Bộ Công an đã tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc với bị án tử hình đầu tiên vào ngày 6-8-2013; đến nay, đã thi hành 7 bị án bằng hình thức tiêm thuốc. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn 678 bị án tử hình, trong đó số đủ điều kiện thi hành là 167 bị án đang chờ thi hành án. Đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép kéo dài thời gian thi hành án tử hình bằng hình thức xử bắn đến hết năm 2015, thực hiện song song với hình thức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc.
Cũng trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội; xác định và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý Nhà nước về tình hình an ninh, trật tự, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm; chấm dứt tình trạng bắt khẩn cấp, lạm dụng việc đình chỉ trong điều tra.../.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét về bốn dự án luật  (07/11/2013)
Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết quyền con người  (07/11/2013)
Tình trạng tham nhũng gia tăng  (07/11/2013)
Bản lĩnh người đứng đầu  (07/11/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay