Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-10 đến ngày 03-11-2013)
TCCSĐT - Ngày 30-10, trong tuyên bố chung, Liên hợp quốc thúc giục các quốc gia thành viên hoạch định chương trình nghị sự phát triển mới dựa trên nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt.
1. Bình đẳng giới tiếp tục được cải thiện năm 2013
Ngày 28-10-2013, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), có trụ sở tại Thụy Sĩ, công bố Báo cáo nghiên cứu thường niên Khoảng cách giới toàn cầu (GGG) 2013. Báo cáo cho biết, ngày càng có nhiều phụ nữ trên toàn thế giới được tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe trong năm 2013, khi có tới 80 quốc gia trong tổng số 136 quốc gia (chiếm 93% dân số toàn cầu), được khảo sát, đã cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, trong đó lĩnh vực đạt tiến bộ lớn nhất là sự tham gia chính trị. Nghiên cứu về bình đẳng giới của WEF được tiến hành trên 4 cơ sở là sự tham gia và các cơ hội kinh tế, trình độ học vấn, trao quyền chính trị, sức khỏe và đời sống, theo đó trung bình trong năm 2013 khoảng cách giới đã thu hẹp được 96% trong lĩnh vực sức khỏe và đời sống, 93% về trình độ học vấn, 60% trong sự tham gia và các cơ hội kinh tế, và 21% trong trao quyền chính trị. Tuy nhiên, vẫn chưa có một quốc gia nào đạt được bình đẳng giới. Theo GGG 2013, quốc gia có sự bình đẳng giới tốt nhất là Ai-xơ-len với 0,08737 điểm, tiếp theo là ba nước Bắc Âu gồm Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển, và đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng là Y-ê-men. Mặc dù là thành viên của Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), có nền kinh tế lớn nhất và đông dân nhất trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), song In-đô-nê-xi-a với điểm số 0,6613 xếp ở vị trí 95/136, cải thiện được hai bậc so với năm 2012, nhưng vẫn tụt 8 bậc so với năm 2010. Riêng trong ASEAN, In-đô-nê-xi-a xếp sau Phi-líp-pin (thứ 5), Xin-ga-po (58), Lào (60), Thái Lan (65), Việt Nam (73) và Bru-nây (88). Phi-líp-pin được đánh giá cao nhất trong các nước châu Á chủ yếu nhờ thành công về thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và tham gia kinh tế.
2. Hội nghị truyền thông châu Á năm 2013
Từ ngày 29-10 đến ngày 31-10-2013, tại Trung tâm quốc tế Ấn Độ (IIC) ở Thủ đô Niu Đê-hi đã diễn ra Hội nghị truyền thông châu Á với chủ đề “Châu Á: Chúng ta tự nói”. Trong ba ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về vai trò quan trọng của thông tin - truyền thông đối với đời sống xã hội; cách thức tăng cường hợp tác thông tin giữa các nước châu Á nhằm đối phó với thách thức và tăng cường cơ hội kết nối giữa các tổ chức truyền thông châu Á. Phát biểu tại Hội nghị, bà Ca-pi-la Vát-xi-ay-an (Kapila Vatsyayan), Chủ tịch Dự án châu Á của IIC và ông Xu-hát Bô-cơ (Suhas Borker), Điều phối viên Hội nghị, đã nêu bật những thuận lợi và thách thức của những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, đặc biệt trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Ý tưởng cơ bản của Hội nghị thông tin châu Á là thăm dò tiến trình kết nối thông tin. Ông khẳng định công nghệ mới tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với việc thiết lập một trật tự thông tin - truyền thông quốc tế cân bằng và công bằng hơn. Là nơi chiếm tới 60% dân số hiện nay của thế giới, châu Á có thể dẫn đầu trong tiến trình này.
3. Giải quyết bất bình đẳng trong tiếp cận nước sạch và vệ sinh sau năm 2015
Ngày 30-10, trong tuyên bố chung, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHCR), tổ chức “Những người bạn của nước”, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tiếp cận với nước uống sạch và vệ sinh đã thúc giục các quốc gia thành viên hoạch định chương trình nghị sự phát triển mới dựa trên nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt. Tuyên bố cho rằng tất cả các mục tiêu, mục đích và các chỉ số phát triển trong tương lai cần đặc biệt tập trung vào những cá nhân và nhóm người bị thiệt thòi, hoặc bị gạt ra rìa xã hội. Tuyên bố cũng cho rằng khi đánh giá mức độ thành công của công tác này trong tương lai, Liên hợp quốc phải dựa trên những tiến bộ thực tế của chính phủ các nước trong việc thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng về tiếp cận với nguồn nước sạch, vệ sinh công cộng và những lĩnh vực khác như giáo dục. Tuyên bố được đưa ra trước thềm các cuộc thảo luận về chủ đề “Đánh giá sự bất bình đẳng trong chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015: Công cụ toàn cầu mới đối với nước sạch, vệ sinh và sức khỏe cho tất cả” do Phái đoàn thường trực Phần Lan tại Liên hợp quốc phối hợp với các tổ chức của Liên hợp quốc đồng tổ chức.
4. Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone vẫn cao kỷ lục
Ngày 31-10-2013, theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 9 lên đến 12,2%, tương đương 19,5 triệu người. Đây là con số cao kỷ lục do hậu quả của cuộc khủng hoảng kéo dài khiến cho nền kinh tế các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) gặp khó khăn. Tỷ lệ này được xem là mức cao nhất kể từ khi các cuộc thống kê tương tự bắt đầu công khai hồi năm 1995. So với tháng 8, số người thất nghiệp tăng thêm 60.000 người và tăng gần 1 triệu người so với cách đây một năm. Tỷ lệ người thất nghiệp dưới 25 tuổi trong khu vực là 24,1%, trong đó Hy Lạp dẫn đầu với 57,3%, tiếp theo là Tây Ban Nha (56,5%), Cộng hòa Síp (43,9%) và I-ta-li-a (40,4%). Trong toàn bộ khu vực Eurozone có khoảng 3,54 triệu thanh niên không có việc làm. Nhằm cải thiện tình tình trên, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách vấn đề việc làm La-xlô An-đo (Laszlo Andor) kêu gọi các nước thành viên triển khai chương trình “Việc làm cho thanh niên” nhằm giúp giới trẻ được học nghề hoặc có việc làm trong bốn tháng sau khi tốt nghiệp hoặc mất việc, đồng thời triển khai chính sách “hậu việc làm” nhằm cải thiện thị trường lao động và chống thất nghiệp.
5. Nhiều nước châu Âu tiến hành chương trình do thám quy mô lớn
Cuộc “khẩu chiến” về các hoạt động do thám trên diện rộng đang có thêm những tình tiết mới khi tờ Guardian của Anh số ra ngày 02-11 dẫn các tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Ét-uốt Xnâu-đơn (Edward Snowden) tiết lộ cho biết, các cơ quan tình báo Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Thụy Điển cũng đang hợp tác với Anh tiến hành các chương trình do thám trực tuyến và điện thoại quy mô lớn. Theo nguồn tin trên, Cơ quan Tình báo thông tin của Vương quốc Anh (GCHQ) - vốn có mối quan hệ thân cận với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) - nắm giữ vai trò lãnh đạo trong việc hỗ trợ các nước khác “lách” các đạo luật hạn chế do thám. Các cơ quan tình báo tham gia chương trình này đều “có chân” trong một liên minh “lỏng lẻo nhưng đang dần lớn mạnh” và họ đã tiến hành do thám bằng cách truy cập trực tiếp vào hệ thống cáp quang hay thông qua các mối quan hệ bí mật với nhiều công ty viễn thông. Để minh chứng cho thông tin đăng tải, tờ Guardian dẫn kết quả một cuộc khảo sát xuyên quốc gia do GCHQ tiến hành năm 2008 cho thấy Cơ quan Tình báo liên bang của Đức (BND) đã truy cập hệ thống cáp quang và có đủ tiềm năng công nghệ cũng như kỹ thuật xâm nhập vào hệ thống in-tơ-nét. Để giúp BND thực hiện công việc này, các đặc vụ Anh đã giúp người Đức thay đổi hoặc “lách” các đạo luật bảo vệ thông tin liên lạc. Trung tâm Tình báo quốc gia Tây Ban Nha (CNI) cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự thông qua quan hệ với một công ty viễn thông của Anh. Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Pháp (DGSE) hợp tác với GCHQ phá hệ thống mã hóa trực tuyến để thu thập các thông tin cần thiết từ một công ty viễn thông. Cũng dưới sự giúp đỡ của Anh, Thụy Điển đã thông qua một đạo luật vào năm 2008 cho phép truy cập hệ thống cáp quang và luôn hợp tác chặt chẽ với Luân Đôn trong việc tiến hành các hoạt động truy cập này. Thông tin trên được công bố trong bối cảnh lãnh đạo nhiều nước trên thế giới, trong đó có các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu, đang tỏ ra rất tức giận trước thông tin về chương trình do thám toàn cầu của Mỹ. Nhiều nước đã yêu cầu chính quyền của Tổng thống B. Ô-ba-ma phải giải thích về chương trình này cũng như lý do Oa-sinh-tơn do thám 35 nhà lãnh đạo các nước trên thế giới, trong đó có cả Thủ tướng Đức A. Mác-ken.
6. Hội nghị Tư lệnh Không quân ASEAN lần thứ 10 tại Lào
Sáng ngày 03-11-2013 tại Viêng Chăn, Bộ Quốc phòng Lào đã chủ trì Hội nghị Tư lệnh Không quân ASEAN lần thứ 10. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trung tướng Chăn-xa-mỏn Chăn-nha-lạt (Chansmone Chanyalath), Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, đã điểm lại kết quả hợp tác giữa lực lượng không quân các nước ASEAN thời gian qua, khẳng định Hội nghị lần này sẽ tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa không quân các nước ASEAN để nâng cao chất lượng hợp tác, giúp ứng phó tốt hơn với mọi thách thức, vì hòa bình, phát triển và lợi ích chung của ASEAN và hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trung tướng Chăn-xa-mỏn Chăn-nha-lạt nêu bật sự phát triển của quân đội Lào nói chung và không quân Lào nói riêng, đồng thời nhấn mạnh Lào luôn coi trọng hợp tác quốc phòng, an ninh trong khu vực, cũng như việc tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác với quân đội các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Với chủ đề “Đối tác vì hòa bình và phát triển”, Hội nghị đã tập trung thảo luận, trao đổi quan điểm về ba chủ đề Hợp tác không quân các nước ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thiên tai; Nghiên cứu, trao đổi sáng kiến của không quân Lào về xây dựng nguyên tắc hợp tác cơ bản giữa không quân các nước ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thiên tai; Thông qua sáng kiến của Ma-lai-xi-a tại Hội nghị Tư lệnh Không quân ASEAN năm 2012 về quyền hạn và nhiệm vụ của nhóm chuyên môn trong đào tạo và huấn luyện./.
Chính phủ trình Quốc hội xem xét về bốn dự án luật  (07/11/2013)
Việt Nam nghiêm túc thực hiện cam kết quyền con người  (07/11/2013)
Tình trạng tham nhũng gia tăng  (07/11/2013)
Bản lĩnh người đứng đầu  (07/11/2013)
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tiếp Đại sứ Hungary và Tùy viên Quốc phòng Vương quốc Anh  (07/11/2013)
Bế mạc Hội nghị toàn quốc công tác Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy 2013  (07/11/2013)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên