Trong 2 ngày 07 - 08-10, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), trong khuôn khổ phiên thảo luận chung của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, Ủy ban các vấn đề pháp lý (Ủy ban 6) của Liên hợp quốc đã thảo luận đề mục “Các biện pháp nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố quốc tế”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại Liên hợp quốc, đồng chí Phạm Quang Hiệu đã khẳng định lại chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc chống khủng bố, đánh giá cao và nhấn mạnh vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong cuộc chiến nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố. Việt Nam cũng kêu gọi các nước cần tăng cường hợp tác trong việc phòng, chống khủng bố, sớm đi đến thống nhất về Công ước toàn diện về chống khủng bố. Nhân dịp này, đại diện Việt Nam cũng giới thiệu Luật Phòng, chống khủng bố của Việt Nam vừa được Quốc hội nước ta thông qua hồi tháng 6.

Đại diện tất cả các nước phát biểu tại phiên thảo luận chung này đều lên án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố, coi đây là mối đe dọa, thách thức đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Các đại biểu kêu gọi các quốc gia cần tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Liên hợp quốc trong cuộc chiến này trên phạm vi toàn cầu. Các nước coi việc thực hiện tốt “Chiến lược chống khủng bố toàn cầu” của Liên hợp quốc sẽ là công cụ hữu hiệu nhằm loại bỏ chủ nghĩa khủng bố. Các đại biểu cho rằng cộng đồng quốc tế cần sớm xây dựng Công ước toàn diện về chống khủng bố.

Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận, vẫn còn những ý kiến khác nhau về nội dung và cách tiếp cận để xây dựng Công ước toàn diện về chống khủng bố. Nhiều nước đang phát triển cho rằng cần giải quyết tận gốc các nguyên nhân dẫn đến khủng bố như sự bất bình đẳng về kinh tế, xã hội, tôn giáo; không gắn khủng bố với các vấn đề tôn giáo, tránh áp đặt các tiêu chuẩn kép và các hành động đơn phương dưới danh nghĩa chống khủng bố và cần phân biệt khủng bố quốc tế với vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong khi đó, các nước phát triển nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt, trừng trị và răn đe, chống khủng bố cần dựa trên các giá trị cơ bản như dân chủ, nhân quyền, quản trị tốt, pháp quyền./.