Công tác vận động nhân dân ở tỉnh cực Bắc Tổ quốc
Công tác vận động nhân dân hiện diện trong mọi chủ trương, hành động của hệ thống chính trị
Hà Giang là một tỉnh còn nghèo, kém phát triển, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, quy mô kinh tế nhỏ bé. Chất lượng giáo dục đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh; công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm đạt kết quả chưa cao. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp; công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, số hộ cận nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo vẫn ở mức cao…
Để Hà Giang “phấn đấu thoát khỏi tỉnh đặc biệt khó khăn, kém phát triển”, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang khóa XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ và nhân dân tỉnh xác định rõ là: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; cần phải nâng cao hiệu quả “phương thức đoàn kết, tập hợp quần chúng”. Đó chính là sợi chỉ xuyên suốt trong mọi chủ trương, hành động của Đảng bộ tỉnh Hà Giang.
Để thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ về công tác vận động nhân dân, ngày 5-7-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Nghị quyết đề ra những giải pháp và nhiệm vụ cụ thể thực hiện công tác dân vận của Đảng bộ Hà Giang: Nâng cao nhận thức về công tác dân vận; Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác dân vận; Tạo sự chuyển biến trong công tác dân vận của chính quyền và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp; đẩy mạnh công tác dân vận của lực lượng vũ trang; Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương… Những nhiệm vụ đó được các thành viên trong hệ thống chính trị của tỉnh thực hiện với một tinh thần nghiêm túc.
Nhằm củng cố mối quan hệ gắn bó khăng khít tổ chức đảng và chính quyền các cấp với nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 8-11-2011, Về đổi mới phong cách, lề lối làm việc của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thi hành công vụ trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị là cơ sở cho việc chấn chỉnh những sai lệch trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau một năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, phong cách, lề lối làm việc, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có chuyển biến tốt. Tiêu biểu như: Sở Kế hoạch và đầu tư, Cục Hải quan, Sở Ngoại vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Văn phòng Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, thành phố Hà Giang, huyện Yên Minh, huyện Xín Mần… Qua đó có thể thấy, bước đầu công tác vận động nhân dân ở Hà Giang trên lĩnh vực này đã đạt được mục tiêu đề ra.
Công tác dân vận chính quyền được quan tâm thực hiện một cách thiết thực. Việc tuyên truyền và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và nhân dân. Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, những kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến quyền và lợi ích của các cá nhân và tập thể. Công tác tiếp dân được triển khai có quy củ, như công khai lịch làm việc, ghi nhận tường tận những kiến nghị, đề nghị, thắc mắc của nhân dân… Những địa phương, cơ quan, ban, ngành của tỉnh hiện làm tốt việc này như: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội - Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố Hà Giang, huyện Quang Bình, huyện Yên Minh, huyện Bắc Quang.
Công tác vận động nhân dân của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên cũng đạt được những kết quả trên nhiều mặt. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã gắn công tác vận động nhân dân với những cuộc vận động, các phong trào của tổ chức mình. Công tác xóa đói, giảm nghèo; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xóa nhà tạm, giải quyết việc làm; làm đường dân sinh được thực hiện… đã góp phần vào giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Thông qua việc phát động các phong trào thi đua như: Nông dân sản xuất giỏi, Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, Giỏi việc nước, đảm việc nhà, Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Cựu chiến binh gương mẫu…đã khơi dậy tính năng động, sáng tạo của đoàn viên, hội viên trong tham gia phát triển địa phương cũng như xây dựng kinh tế gia đình. Đồng thời, công tác tập hợp nhân dân cũng ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, tổng số đoàn viên, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội của Hà Giang là trên 300.000 người; hằng năm, số tổ chức cơ sở của các tổ chức này được xếp loại vững mạnh, khá đạt trên 75%.
Điều đặc biệt trong công tác vận động nhân dân ở Hà Giang là, bắt đầu từ năm 2003, tỉnh đã cho thành lập làm thí điểm Hội nghệ nhân dân gian ở huyện Hoàng Su Phì, sau đó từ năm 2012 thành lập ở các địa phương còn lại. Hội nghệ nhân dân gian đã bảo tồn những nét đẹp của văn hóa dân tộc, bài trừ các hủ tục lạc hậu, giữ gìn tình đoàn kết giữa các dân tộc, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.
Với đặc thù của một tỉnh miền núi, các lực lượng tham gia công tác vận động nhân dân của Hà Giang ngoài cấp ủy, hệ thống chính quyền các cấp, còn có sự tham gia cực kỳ quan trọng của lực lượng vũ trang nói chung, bộ đội biên phòng nói riêng. Các đơn vị quân đội đã tích cực bám địa bàn, phối hợp với các ban, ngành triển khai công tác vận động nhân dân ở những nơi xa xôi, hiểm trở, nhiều khó khăn; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động kết nghĩa giúp địa phương xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh cơ sở; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, thăm hỏi tặng quà các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số nghèo…qua đó thắt chặt tình đoàn kết quân dân, đồng thời góp phần quan trọng vào thành công của thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương nói chung, của công tác vận động nhân dân nói riêng.
Kinh tế - xã hội được cải thiện có mối quan hệ khăng khít với công tác vận động nhân dân
Có thể khẳng định một điều, làm tốt công tác vận động nhân dân là để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đối với bất cứ địa phương nào. Đồng thời, khi kinh tế - xã hội của địa phương có sự cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống nhân dân được nâng cao..., sẽ có tác động tích cực tới kết quả của công tác vận động nhân dân. Những điều khẳng định đó cũng đúng với tỉnh Hà Giang.
Các chương trình, đề án trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: phát triển chăn nuôi hàng hóa; sản xuất hàng hóa theo hướng cánh đồng mẫu lớn; trồng và chế biến cây đậu tương… được triển khai có hiệu quả. Sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao, vượt 11,7% so với kế hoạch. Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2012 đạt 352,9 triệu đô-la Mỹ, bằng 110,3% kế hoạch. Thu ngân sách trên địa bàn năm 2012 đạt 103% so kế hoạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 11,1 triệu đồng… Tất cả các chỉ tiêu trên đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội Khóa XV Đảng bộ tỉnh đề ra cho từng năm.
Hà Giang đã triển khai thêm 277.265 thuê bao điện thoại, đồng thời phát triển mới 90 trạm phủ sóng thông tin di động… Tỷ lệ phủ sóng phát thanh đạt 98%, tỷ lệ hộ có máy truyền hình đạt 66%, tỷ lệ hộ được xem truyền hình đạt 87%.
Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đi mẫu giáo đạt 89,63%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,18%, trẻ 6 tuổi - 14 tuổi đến trường đạt 98,13%. 100% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đúng độ tuổi; 194/195 xã, phường, thị trấn và 11/11 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 93.532 hộ gia đình văn hóa, 1.354 làng văn hóa.
Công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia về y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em thực hiện tốt. Chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ở tất cả các tuyến được nâng cao; tiến độ triển khai đề án nâng cấp các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện đa khoa khu vực đang được triển khai nhanh và hiệu quả. Hiện có 185/195 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 177/195 xã, phường, thị trấn có bác sĩ công tác. Có 28 xã hoàn thành các chỉ tiêu để đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em đạt 96,5%; tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 21,26% (giảm 2,97%); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,76% (giảm 0,06% cùng kỳ).
Công tác xóa đói, giảm nghèo dựa trên các nghị quyết, chương trình của Chính phủ như: Chương trình 134, Chương trình 135, Nghị quyết 30a, được tỉnh thực hiện tốt đã góp phần nâng cao đời sống, tạo nên sự phấn khởi trong nhân dân. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực từ các cấp, các ngành, của nhân dân, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang hiện còn cao: 30,06%. Đây là một nhiệm vụ quan trọng, cần tập trung giải quyết của Đảng bộ Hà Giang trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
Về giải quyết việc làm cho đồng bào các dân tộc, hằng năm tạo ra việc làm cho trên 15.000 lao động. Trung tâm Dạy nghề của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh mở 147 lớp cho 4.575 hội viên là phụ nữ nghèo, là người dân tộc thiểu số về thêu thổ cẩm, cắt may dân dụng, chăn nuôi, thú y, trồng cây lương thực… Trung tâm dạy nghề các huyện tổ chức dạy nghề cho 18.172 lao động nữ. Nhiều hội viên sau khi được đào tạo nghề đã mở dịch vụ tại địa phương thông qua các nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách, các dự án lồng ghép phát triển kinh tế gia đình. Có 32.365 hộ được vay, với số tiền trên 449 tỷ đồng. Hằng năm, các lớp xóa mù chữ với sự phối hợp của ngành giáo dục được mở thường xuyên để xóa mù và chống tái mù trong đội ngũ hội viên. Đã có 206 nhà của phụ nữ nghèo đã được sửa chữa, nâng cấp và xây mới, với số tiền trên 2 tỷ đồng.
Cho đến nay, 410.000 người là dân tộc thiểu số đã có thẻ bảo hiểm y tế, được chăm sóc và khám, chữa bệnh miễn phí. Để chăm lo hơn nữa đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số, Hà Giang đã phát hành tờ báo Cực Bắc dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, có tin, bài và cách trình bày phù hợp với điều kiện và thói quen của đồng bào. Đặc biệt, việc tập trung xây dựng các hồ treo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần quan trọng giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho các vùng thiếu nước; có 47 hồ đã hoàn thành, 40 hồ đang thi công và 14 hồ chuẩn bị tiến hành. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Hà Giang trong việc từng bước nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Những nỗ lực và những kết quả đạt được đã khẳng định: Khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh được tăng cường, củng cố; nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; các lĩnh vực xã hội có nhiều tiến bộ mới, trình độ dân trí, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện... Những kết quả đó là do “công tác dân vận đã góp phần to lớn vào xây dựng và củng cố khối đoàn kết các dân tộc ngày càng vững mạnh, là nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…”.
Đôi điều rút ra từ thực tiễn vận động nhân dân ở Hà Giang
Kinh nghiệm từ thực tiễn vận động nhân dân ở tỉnh Hà Giang những năm qua cho thấy, muốn vận động được nhân dân, trước hết cán bộ, đảng viên, cả hệ thống chính trị cần có hành động cụ thể, nói đi đôi với làm; không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, chủ động xử lý và tuyên truyền, vận động và thuyết phục nhân dân, nắm vững tình hình và giải quyết kịp thời khi xảy ra các vụ việc.
Vận động nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị các cấp. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV đề cập rõ ràng về công tác vận động nhân dân là: “Tăng cường công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác dân vận của chính quyền các cấp, nhất là ở cấp cơ sở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên phải thực sự gắn bó với cơ sở, thực sự là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và chính quyền các cấp; gắn hoạt động với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương”.
Với chủ trương đó, cùng với việc ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tiến hành Tháng Dân vận, ở mỗi địa phương, trong mỗi thành viên của hệ thống chính trị, công tác vận động nhân dân được Đảng bộ Hà Giang từng bước thực hiện các nhiệm vụ đề ra trên từng lĩnh vực. Toàn tỉnh hiện có 642 mô hình Dân vận khéo đang phát huy tác dụng, trong đó lĩnh vực kinh tế - xã hội có 411 mô hình; văn hóa - xã hội có 141 mô hình, an ninh - quốc phòng có 59 mô hình, xây dựng cơ sở chính trị có 31 mô hình. Các phong trào thi đua của các tổ chức, ngành, giới được đẩy mạnh, như: Nông dân sản xuất giỏi; Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế; Giỏi việc nước, đảm việc nhà; Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Cựu chiến binh gương mẫu…đã tập hợp đông đảo nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố hơn nữa khối đại đoàn kết toàn dân. Việc ban hành Đề án thành lập thí điểm Tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố, vào ngày 20-9-2012 của Tỉnh ủy đã tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa quyết tâm thực hiện tốt công tác vận động nhân dân trong tình hình mới của Đảng bộ Hà Giang; hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.
Qua những chủ trương và hành động cụ thể trên đây của Hà Giang có thể thấy, công tác vận động nhân dân là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, mà đứng đầu là tổ chức đảng các cấp, có như vậy mới phát huy được sức mạnh tổng hợp của địa phương để vượt qua những khó khăn, hạn chế về điều kiện tự nhiên, con người của tỉnh. Đồng thời, làm tốt công tác vận động nhân dân có quan hệ chặt chẽ với thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị địa phương. Do đó, khi một nhiệm vụ nào không hoàn thành, bên cạnh việc xem xét trách nhiệm của thành viên chịu trách nhiệm chính với nhiệm vụ đó, thì cấp ủy, người đứng đầu địa phương, đơn vị đó cũng phải chịu trách nhiệm cao nhất.
Những mục tiêu đề ra phải cụ thể, thiết thực
Mục tiêu cụ thể, thiết thực, mang tính định lượng để thuận lợi hơn trong việc tập trung mọi nỗ lực của các ngành, các cấp cũng như các tầng lớp nhân dân cùng thực hiện.
Khi đề ra nhiệm vụ về “phát triển kinh tế - xã hội”, Đại hội XV tỉnh Hà Giang chỉ rõ những mục tiêu cụ thể như: “Phấn đấu có 20% số trường học đạt chuẩn Quốc gia, tỉnh được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống bệnh viện từ tuyến tỉnh đến huyện và khu vực, trạm y tế xã. Đa dạng các hình thức đào tạo cán bộ y tế, bảo đảm 100% trạm y tế xã có bác sĩ... Phấn đấu đạt tỷ lệ hộ gia đình văn hóa trên 60%; làng bản văn hóa 70%; bảo đảm 100% số xã có các thiết chế văn hóa, thể thao. Phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, mỗi năm giải quyết việc làm cho 15 nghìn lao động, xuất khẩu 600 lao động. Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, mỗi năm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên 5%”… Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, mỗi thành viên của hệ thống chính trị đều có những nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, yêu cầu thực hiện trong thời gian nhất định.
Tất cả những chỉ tiêu nói trên đang được thực hiện từng bước qua từng năm. Cùng với những mục tiêu và kết quả đạt được, cho đến nay khi thực hiện các Chương trình 134, Chương trình 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, đã góp phần quan trọng nâng cao từng bước đời sống nhân dân trong tỉnh, chung tay xây dựng nông thôn mới, cải tạo phong tục, tập quán lạc hậu, góp phần làm chuyển đổi nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những chủ trương, biện pháp được Đảng bộ Hà Giang đề ra để thực hiện tốt công tác vận động nhân dân đã và đang mang lại những kết quả tốt trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Đảng bộ và nhân dân Hà Giang đang “biến khó khăn thành cơ hội phát triển; vì Hà Giang phát triển”./.
Campuchia gửi chia buồn Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời  (07/10/2013)
Võ Nguyên Giáp: Niềm tự hào của dân tộc Việt Nam  (07/10/2013)
Báo chí các nước Mỹ La-tinh viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (07/10/2013)
Báo chí Trung Quốc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp  (07/10/2013)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng người dân Lào  (07/10/2013)
"Cu-ba giữ mãi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp"  (07/10/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên