Vấn đề lao động - việc làm của thanh niên nông thôn hiện nay - Thực trạng và giải pháp

Triệu Thị Trinh ThS, Trường Đại học Lao động - Xã hội
22:03, ngày 03-10-2013
TCCSĐT - Vấn đề lao động và việc làm nói chung, việc làm của thanh niên nói riêng, nhất là thanh niên nông thôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách thiết thực nhằm phát huy tối đa nội lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thanh niên với vấn đề lao động và việc làm

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên, xây dựng chiến lược, giáo dục, bồi dưỡng, tổ chức thanh niên thành lực lượng xứng đáng kế tục sự nghiệp cách mạng. Ngày nay, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người. Chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Giải quyết việc làm là một trong những chính sách quan trọng của mỗi quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Thiếu việc làm, không có việc làm hoặc việc làm với năng suất và thu nhập thấp sẽ không thể giúp thanh niên bảo đảm cuộc sống và phát triển bền vững. Đối với thanh niên nông thôn, việc làm liên quan đến yếu tố đất đai, tư liệu lao động, công cụ lao động và kỹ năng nghề và vốn sản xuất. Các yếu tố trên kết hợp thành một chỉnh thể tác động mạnh đến đời sống của thanh niên nông thôn. Giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, vì vậy là tiền đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động này. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương khóa X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" đã chỉ rõ nhiệm vụ: "Nâng cao chất lượng lao động trẻ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho thanh niên"(1).

Thực trạng vấn đề lao động - việc làm của thanh niên nông thôn hiện nay

Những năm qua, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động nông thôn đã đạt được kết quả bước đầu rất quan trọng. Cơ chế, chính sách về lao động, việc làm được chú trọng, phù hợp với cơ chế thị trường và từng bước hội nhập với thị trường lao động quốc tế. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước về lao động, việc làm được bổ sung ngày càng hoàn thiện. Nhiều luật mới ra đời và đi vào thực tiễn đời sống như Bộ luật Lao động, Luật Dạy nghề, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài,… và nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra hành lang pháp lý về giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn. 

Cùng với cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản pháp luật là các chương trình mục tiêu: Chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Chương trình phát triển công nghiệp, dịch vụ; Chương trình xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao và các chương trình, dự án trọng điểm kinh tế - xã hội được thực hiện, góp phần giải quyết việc làm, từng bước nâng cao đời sống của người lao động. Hằng năm, các chương trình mục tiêu này đã giải quyết việc làm cho 1,1 đến 1,2 triệu lao động, trong số đó đa số là thanh niên nông thôn. 

Thực hiện Chương trình về việc làm, Nhà nước thông qua các chính sách, nguồn lực hỗ trợ có sự lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác như Chương trình 134, Chương trình 135, phát triển kết cấu hạ tầng về đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trạm xá, trường học, công trình văn hóa,… phục vụ cho phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống cho nông dân. Ngoài ra, Nhà nước còn thực hiện các dự án về tín dụng việc làm với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, gắn dạy nghề với tạo việc làm và tự tạo việc làm cho thanh niên. Trung bình hằng năm các dự án này đã tạo ra việc làm cho 300.000 đến 350.000 lao động, chủ yếu là lao động thanh niên nông thôn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta từ 60% đầu những năm 1990 xuống còn 9,6% năm 2012(2). Số lượng và tỷ lệ thanh niên tham gia hoạt động kinh tế năm 2008 là hơn 16 triệu, chiếm 67,2% tổng số thanh niên cả nước, bằng 38,7% lực lượng lao động xã hội; năm 2009, con số đó là gần 18 triệu, chiếm 75,4% tổng số thanh niên, bằng 36,6% lực lượng lao động xã hội và năm 2010 là 17,1 triệu, chiếm 75,9% tổng số thanh niên, bằng 33,7% lực lượng lao động xã hội. Tính đến thời điểm 1-10-2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động (trong đó 70% là lao động thuộc khu vực nông thôn). Hằng năm, có 1,2 đến 1,6 triệu thiếu niên bước vào độ tuổi thanh niên bổ sung cho lực lượng lao động trẻ. 

Hiện nay, thanh niên lao động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ 87,7%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 4% (tăng 4 lần so với năm 2000)(3). Trình độ chuyên môn, kỹ thuật của thanh niên tham gia hoạt động kinh tế ngày càng tăng. Cụ thể, lực lượng lao động thanh niên có trình độ trung cấp chuyên nghiệp năm 2008 là 4,1%, năm 2009 là 6,2%, năm 2012 là 7,5%; tương tự qua các năm, trình độ cao đẳng, đại học là 5,5%, 7,8% và 8,7%. Trung bình mỗi năm có khoảng 70 đến 80 nghìn sinh viên cao đẳng, 143 đến 160 nghìn sinh viên đại học tốt nghiệp bổ sung cho lực lượng lao động là thanh niên. Đây là nguồn tiềm năng lớn của nước ta trong việc phát huy nội lực của đất nước để phát triển. 

Bên cạnh một số kết quả đạt được, vấn đề lao động và việc làm của thanh niên nông thôn vẫn trong tình trạng thiếu ổn định, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng. Số liệu điều tra về lao động và việc làm của thanh niên nông thôn cho thấy cả nước hiện có trên 22,5 triệu thanh niên chiếm 26% dân số, 33,7% lực lượng lao động xã hội thì trong đó 75% là thanh niên nông thôn. Những năm qua, đất nông nghiệp thuộc diện thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị, và các công trình công cộng,… tăng mạnh nên thanh niên nông thôn càng thêm thiếu việc làm.

Tại 49 tỉnh, thành phố trong cả nước từ năm 2004 đến năm 2013 đã thu hồi 750.000 héc-ta đất để thực hiện 29.000 dự án đầu tư, trong đó 80% là đất nông nghiệp, 50% diện tích trong số đó là đất thuộc vùng kinh tế trọng điểm, đất đai màu mỡ trồng hai vụ lúa một năm. Điều đáng nói là, đất bị thu hồi đưa vào dự án nhưng không được triển khai kịp thời, đất bị bỏ hoang trong nhiều năm nên “kỳ vọng” của những lao động bị đưa ra khỏi mảnh đất của họ để sau đó sẽ được thu hút vào làm việc tại các khu công nghiệp như lời hứa của các doanh nghiệp bị rơi vào im lặng. Công tác bồi thường, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, tái định cư,… cũng có nhiều bất cập. Hệ lụy là thanh niên nông thôn vẫn không có việc làm hoặc có việc làm nhưng thu nhập không ổn định bởi công tác đào tạo nghề chưa được đáp ứng đủ để thanh niên có đất bị thu hồi chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp. Một bộ phận lớn thanh niên nông thôn không có khả năng tìm kiếm việc làm mới, không chuyển đổi được nghề nên đời sống khó khăn, làm nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực cho xã hội.

Thiếu việc làm, không ít thanh niên nông thôn chơi bời, lêu lổng sa vào cờ bạc, rượu chè, nghiện hút và các tệ nạn xã hội khác. Đây là nhóm người được đánh giá là có nguy cơ cao về các tệ nạn xã hội. Trước những khó khăn về việc làm, nhiều người đã ra thành phố, đến các khu đô thị, khu công nghiệp để tìm kế mưu sinh. Tuy nhiên, đại đa số việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh, bởi trình độ học vấn thấp, quan hệ xã hội hạn hẹp, ít có điều kiện tiếp cận và sử dụng các tư liệu lao động hiện đại nên họ chỉ có thể làm được những công việc giản đơn theo vụ việc với mức lương thấp, đời sống khó khăn, tạm bợ... Số liệu điều tra xã hội học về lao động và việc làm với đối tượng là lao động thanh niên ở nông thôn thì số người không được đào tạo nghề chiếm 68,4%, số người không có đất để sản xuất - kinh doanh là 53,1%, loại khó khăn tiếp cận các nguồn vốn là 22,3%, thiếu kinh nghiệm sản xuất là 26,5%, thiếu thông tin về thị trường lao động là 23,3%(4). 

Có một thực tế là các doanh nghiệp chưa coi thanh niên nông thôn là lực lượng lao động chủ chốt nên chưa nhiệt tình và tin cậy để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Số thanh niên được vay vốn để phát triển sản xuất chưa nhiều. Việc phổ biến nghề mới, đào tạo nghề, tư vấn nghề và hỗ trợ các kỹ năng nghề cũng như hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào khu vực nông thôn còn rất hạn chế. 

Một bất cập khác cần quan tâm là trình độ học vấn, nhận thức, năng lực quản lý, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và Đoàn Thanh niên ở cơ sở nông thôn còn hạn chế, dẫn đến tình trạng thiếu khả năng tìm cách giải quyết việc làm cho thanh niên, thậm chí trong quá trình thực thi làm chính sách, pháp luật còn có sai lệch, tiêu cực, như cục bộ, bảo thủ, lạc hậu, chậm đổi mới, không thu hút và giữ chân được lực lượng lao động trẻ đã qua đào tạo có năng lực làm việc tại địa phương. 

Một số giải pháp khắc phục 

Một là, tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng ta là: "Thực hiện tốt các chính sách về lao động, việc làm, tiền lương và thu nhập nhằm khuyến khích và phát huy cao nhất năng lực của người lao động. Bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, cải thiện môi trường và điều kiện lao động. Đẩy mạnh dạy nghề và tạo việc làm. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho các đối tượng chính sách, người nghèo, lao động nông thôn và vùng đô thị hóa"(5). Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa"; đồng thời, thực hiện thật tốt Đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015", trong đó tập trung vào thanh niên nông thôn và dân tộc miền núi.

Hai là, các địa phương ở khu vực nông thôn cần xây dựng chương trình việc làm trên cơ sở phát triển sản xuất, các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn. Chương trình được xây dựng ở ba cấp: tỉnh, huyện, xã; gắn kế hoạch sản xuất với kế hoạch giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn.

Ba là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề phù hợp. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chú ý đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho thanh niên, học sinh nông thôn mới tốt nghiệp phổ thông giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng... Ở từng địa phương cần nỗ lực và sáng tạo tìm kiếm những mô hình đào tạo nghề phù hợp để tránh tốn kém, lãng phí. 

Bốn là, chú trọng giáo dục ý thức tổ chức, kỷ luật, kỹ năng lao động, tay nghề, ngoại ngữ cho thanh niên ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài và thanh niên đi lao động theo hợp đồng có thời hạn ở ngoài nước; đồng thời, có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ cho thanh niên nông thôn.

Năm là, huy động từ nhiều nguồn lực để tăng vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm cho thanh niên nông thôn; đầu tư ngân sách thỏa đáng để mở rộng mạng lưới dạy nghề, phổ cập nghề cho thanh niên, hỗ trợ vốn cho doanh nhân trẻ nông thôn. Có chính sách tín dụng ưu đãi cho các cơ sở dạy nghề, đặc biệt là các nghề kỹ thuật cao. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ thị trường lao động, tín dụng ưu đãi cho thanh niên nông thôn vay vốn tạo việc làm. Tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào khu vực nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho thanh niên nông thôn cải thiện đời sống.

Sáu là, xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về định hướng nghề nghiệp và việc làm cho thanh niên nông thôn, trong đó chú trọng những thông tin về thị trường lao động, cung cấp cho họ những số liệu tin cậy về lao động, việc làm đến các địa phương để có căn cứ xây dựng chương trình hướng nghiệp cho thanh niên nông thôn, giúp họ có điều kiện tiếp xúc với thông tin và những cơ hội tìm kiếm việc làm một cách đầy đủ và chính xác. Mở rộng các hình thức tư vấn nghề, nâng cao năng lực cũng như hiệu quả hoạt động các trung tâm dịch vụ việc làm cho thanh niên nông thôn.

Bảy là, đào tạo, nâng cao kiến thức và năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở theo định hướng chuẩn hóa đội ngũ này. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ xã chủ yếu là kiến thức pháp luật, quản lý kinh tế - xã hội, kỹ năng tổ chức thực hiện các chủ trương, đề án của cấp trên ở địa bàn thôn, xã. Quyết tâm chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở cấp xã tối thiểu phải có trình độ trung học cơ sở và đào tạo trình độ sơ cấp về quản lý nhà nước trở lên. Chỉ bố trí vào bộ máy lãnh đạo quản lý ở cơ sở khi có đủ chuẩn mới bảo đảm việc nhận thức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm cho thanh niên ở nông thôn một cách có hiệu quả.

Tám là, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội từ cơ sở. Hệ thống an sinh xã hội cần tập trung vào các chính sách đối với lao động nông thôn bị mất việc làm, thiếu việc làm do có đất bị thu hồi hoặc gặp rủi ro bởi những bất cập khi xây dựng các khu công nghiệp và đô thị hóa đối với lao đông dôi dư và các chính sách về bảo hiểm xã hội, đặc biệt là bảo hiểm thất nghiệp. 

Chín là, phát huy sự nỗ lực của cá nhân thanh niên nông thôn trong học tập, lao động và việc làm. Mỗi người phải chủ động học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn có tay nghề, cần cù, chịu khó, sáng tạo, rèn luyện tác phong công nghiệp, học tập những gương thanh niên nông thôn điển hình vượt khó, vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Đồng thời, phải thường xuyên rèn luyện đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật lao động, sẵn sàng đảm nhận những công việc khó khăn, gian khổ khi Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Mười là, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở cơ sở nông thôn cần chủ động thực hiện các chương trình thanh niên, các đề án thanh niên tham gia phát triển kinh tế; triển khai hiệu quả Đề án quy hoạch và phát triển các “đảo thanh niên”, các làng thanh niên lập nghiệp. Phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của thanh niên trong các cuộc vận động: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác", "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" và các phong trào, các chương trình: "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”./.

-----------------------------------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 48

(2) Báo cáo của Ngân hàng Thế giới

(3) Báo cáo kết quả điều tra lao động và việc làm năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2012

(4) Kết quả điều tra khảo sát tình hình thanh niên của Viện Nghiên cứu Thanh niên năm 2009

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 125