TCCSĐT - Sáng 28-9 theo giờ Việt Nam, phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế, hãy bằng trách nhiệm và lòng nhân ái, nỗ lực hơn nữa cho một Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015 nhằm bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hợp tác, xóa hết đói nghèo và bảo vệ hành tinh.

Thủ tướng kêu gọi tăng cường sự trợ giúp và có lộ trình phù hợp để các quốc gia kém phát triển hơn tham gia hiệu quả vào các thỏa thuận, chế định quốc tế và giải quyết những vấn đề chung của nhân loại.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại Phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 68

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhìn lại 100 năm qua, thế giới đổi thay sâu sắc; như phẳng ra, như nhỏ lại nhờ những thành tựu kỳ diệu của khoa học công nghệ. Cuộc sống của con người được cải thiện rất nhiều. Nhưng cùng với bao điều tốt đẹp, vẫn luôn còn đó những hiểm họa tiềm tàng. Ước mơ của nhân loại về một cuộc sống an toàn, hòa bình và phồn vinh vẫn còn xa ở phía trước.

Nhân loại khát khao hòa bình, nhưng vì sao vẫn còn xung đột, chiến tranh. Kinh tế phát triển, nhưng vì sao hàng tỷ người vẫn còn nghèo khổ. Khoa học công nghệ tiến bộ vượt bậc, nhưng vì sao chưa có phương cách ứng phó thật hữu hiệu với thiên tai, dịch bệnh.

Các câu hỏi đó đặt ra cho cộng đồng quốc tế chúng ta trách nhiệm cao cả và hết sức nặng nề - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong lịch sử loài người, chiến tranh đã hủy diệt nhiều nền văn minh. Ngay trong 100 năm qua, 2 cuộc thế chiến và nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, trong đó có chiến tranh ở Việt Nam đã cướp đi sinh mạng của cả trăm triệu người và để lại hậu quả rất nặng nề, kéo dài nhiều thế hệ. Theo Thủ tướng, cho dù hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn chưa được loại bỏ.

Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, gần đây nhất là ở Syria - nơi chúng ta cần mạnh mẽ lên án việc sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời dành cho hòa bình mọi cơ hội - tìm mọi giải pháp hòa bình để loại bỏ vũ khí hóa học trên cơ sở luật pháp quốc tế và các Nghị quyết của Liên hợp quốc. Vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên. Biển Hoa Đông, Biển Đông vẫn chưa lặng sóng vì những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ... Chỉ cần một hành vi thiếu trách nhiệm sẽ có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh.

Đối với Biển Đông, nơi hơn một nửa hàng hóa thế giới đi qua - bảo đảm an ninh an toàn hàng hải là lợi ích thiết thực không chỉ đối với khu vực mà cả thế giới. Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo vệ lợi ích chính đáng của mình đồng thời vì lợi ích chung, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực và sớm tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Sinh mạng con người dù màu da nào cũng quý như nhau. Mạng sống của một người bị cướp đi thì đối với một gia đình dù ở ngay khu Manhattan này hay ở nơi hẻo lánh nào đó trên trái đất cũng đều là mất mát thương đau.

Bất kỳ hành động hiếu chiến nào đều phải bị lên án, ngăn chặn. Bất cứ nỗ lực ngăn ngừa xung đột nào đều phải được trân trọng, ủng hộ. Còn một biểu hiện dù mong manh của sự sống, người thầy thuốc cũng phải tận tâm cứu người. Còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh. Bởi chiến tranh sẽ cướp đi sinh mạng không chỉ của một mà của rất nhiều người - trong đó chắc chắn sẽ có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Xung đột, chiến tranh chỉ có thể được ngăn chặn khi những hành động trái với Hiến chương Liên hợp quốc, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền... phải được đấu tranh loại bỏ. Hòa bình chỉ có thể được gìn giữ khi các quốc gia tôn trọng độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lên nhau; khi vai trò của Liên hợp quốc, của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được phát huy... Và trên hết là lòng tin chiến lược giữa các quốc gia phải không ngừng được vun đắp bằng sự thật tâm, thái độ chân thành và những hành động thiết thực, cụ thể, như việc dỡ bỏ cấm vận đối với Cuba hay công nhận quyền tự quyết của Palestine.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ quan điểm của ngài Tổng thư ký rằng các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ là nỗ lực chống đói nghèo thành công nhất trong lịch sử. Nhưng chúng ta không quên rằng 40% tài sản toàn cầu nằm trong tay chỉ gần 1% dân số thế giới. Khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục gia tăng. Thế giới vẫn còn hơn một tỷ người phải sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Nghĩa là hàng trăm triệu người - trong đó có rất nhiều trẻ em - đói không đủ thức ăn, lạnh không đủ áo ấm, bệnh không có thuốc uống, tới tuổi đi học không được đến trường...

Chúng ta cũng không quên rằng, khí thải, nạn phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên... làm trái đất nóng thêm, nước biển dâng lên, thiên tai hung dữ, bệnh dịch hoành hành... Những đại họa đó làm cho các nước nghèo càng thêm khốn khó.

Để thoát khỏi đói nghèo; để phòng tránh thiên tai; để ngăn chặn bệnh dịch; để bảo vệ môi trường;... để một thế giới xanh hơn, công bằng hơn cần sự chung tay của tất cả chúng ta. Người nghèo, nước nghèo cần nỗ lực tự vươn lên với sự hỗ trợ của người giàu hơn, nước phát triển hơn. Sự hỗ trợ đó không phải chỉ bằng tấm lòng nhân ái "lá lành đùm lá rách” mà trước hết cần bằng trách nhiệm bởi trong sự giàu có của nhiều người, sự phát triển của nhiều nước không phải không có phần đáng ra thuộc về những người nghèo, nước nghèo.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kêu gọi cộng đồng quốc tế, hãy bằng trách nhiệm và lòng nhân ái, nỗ lực hơn nữa cho một Chương trình nghị sự vì phát triển sau 2015 nhằm bảo vệ hòa bình, thúc đẩy hợp tác, xóa hết đói nghèo và bảo vệ hành tinh của chúng ta. Hãy tăng cường sự trợ giúp và có lộ trình phù hợp để các quốc gia kém phát triển hơn tham gia hiệu quả vào các thỏa thuận, chế định quốc tế và giải quyết những vấn đề chung của nhân loại. Hãy cùng nhau đối mặt và vượt qua những thách thức, hiểm họa toàn cầu với tinh thần "Một người vì tất cả, tất cả vì một người" như những người lính Ngự lâm của Đại văn hào Alexander Dumas.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn nỗ lực tham gia kiến tạo hòa bình, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Việt Nam đã sẵn sàng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việt Nam sẵn lòng đóng góp nguồn lực, dù còn nhỏ bé, như sự tri ân đối với bạn bè quốc tế đã giúp Việt Nam dành và giữ độc lập, thống nhất đất nước, thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam đã và sẽ mãi mãi là một đối tác tin cậy, một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tin tưởng “Chương trình nghị sự vì phát triển sau năm 2015” sẽ được hoàn thiện hướng tới một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo. Tất cả vì hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng. Tất cả để hành tinh của chúng ta mãi mãi một màu xanh. Màu xanh của hòa bình, màu xanh của phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon

Nhân dịp sang dự khóa họp thường niên Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, sáng 28-9 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn hội kiến với Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao việc Tổng Thư ký Ban Ki-moon hết sức coi trọng các vấn đề phát triển, đặc biệt là việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, phương hướng phát triển sau năm 2015 cũng như ứng phó với các thách thức về việc làm, biến đổi khí hậu...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, quá trình đổi mới ở Việt Nam đã đưa đến những thành tựu quan trọng, trong đó có việc đạt và vượt nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Việt Nam quyết tâm thực hiện quá trình đổi mới toàn diện, trong đó những nội dung quan trọng là tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy công bằng xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại trong nhiều năm qua là độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, đồng thời sẽ đẩy mạnh phương hướng đối ngoại chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam coi trọng và sẽ tích cực đóng góp vào việc xây dựng các chiến lược, chương trình hành động của Liên hợp quốc trong các lĩnh vực; thực hiện hiệu quả sáng kiến “Thống nhất hành động” nhằm tăng cường sự phối hợp của các tổ chức Liên hợp quốc; triển khai những đóng góp mới, trước mắt là kế hoạch Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc vào năm 2014.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Ban Ki-moon về nâng cao năng lực thể chế, nhân lực, tư vấn chính sách cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giải quyết một số vấn đề xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời hỗ trợ kinh nghiệm và các mặt khác cho hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực như hợp tác về sử dụng công bằng, hợp lý nguồn nước sông Mê Kong, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển năm 1982 của Liên hợp quốc.

Nhiệt liệt chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang tham dự Phiên thảo luận chung Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 68, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã thông báo với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những ưu tiên phát triển của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, giải quyết bằng biện pháp hòa bình các cuộc xung đột… Tổng thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.

Tổng thư ký Ban Ki-moon cũng đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN, hoan nghênh việc Việt Nam quyết định tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn cùng thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Liên hợp quốc và Việt Nam vì các mục tiêu phát triển dài hạn.

Thủ tướng làm việc với một số tổ chức Liên hợp quốc

Bên lề phiên thảo luận tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, sáng 28-9 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp làm việc với Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), bà Helen Clark, Giám đốc Điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF Anthony Lake và Tổng Giám đốc Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) Babatunde Osotimehin.

Tại cuộc gặp Tổng Giám đốc UNDP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng bà Helen Clark được Tổng thư ký Liên hợp quốc và các nước thành viên tín nhiệm, ủng hộ tiếp tục nhiệm kỳ mới giữ trọng trách là Tổng Giám đốc UNDP kiêm Trưởng Nhóm các tổ chức phát triển Liên hợp quốc; đồng thời hoan nghênh hệ thống phát triển Liên hợp quốc thời gian qua đã kiên trì các mục tiêu do các nước thành viên đề ra, tích cực hỗ trợ các nước giảm thiểu những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và ứng phó các thách thức mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao UNDP đã phát huy được vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, cũng như hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu nhiên niên kỷ, tư vấn chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, nâng cao năng lực thể chế, tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức Liên hợp quốc hoạt động ở Việt Nam cũng như với các đối tác phát triển khác, nhất là trong việc triển khai Sáng kiến Một Liên hợp quốc.

Đánh giá cao công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là việc thực hiện các mục tiêu Thiên nhiên kỷ tại Việt Nam, bà Helen Clark mong muốn Việt Nam cùng phối hợp để thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, xây dựng các mục tiêu mới phù hợp sau năm 2015.

Bà Helen Clark khẳng định UNDP cam kết thúc đẩy các dự án đang hoặc sẽ triển khai ở Việt Nam với trị giá khoảng 140 triệu USD trong thời gian tới. Bà Helen Clark cho biết sẽ thăm Việt Nam vào đầu tháng 11 tới đây nhân dịp chủ trì cuộc họp các Trưởng đại diện UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội.

Tại cuộc làm việc với Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF Anthony Lake, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh việc UNICEF vừa thông qua Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2014-2017, trong đó tập trung vào lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc các nhóm yếu thế như trẻ em khuyết tật. Thủ tướng đánh giá cao sự quan tâm, hỗ trợ của UNICEF đối với Việt Nam, trong đó UNICEF đã cùng Việt Nam thúc đẩy việc thực hiện các nội dung Công ước về quyền trẻ em, cố gắng cụ thể việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và xóa đói giảm nghèo đối với đối tượng trẻ em.

 
 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Tổng giám đốc Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) Anthony Lake.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam chia sẻ quan tâm lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc các nhóm yếu thế và sẽ hợp tác tốt với UNICEF để thực hiện các mục tiêu đề ra. Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hợp tác hiệu quả với UNICEF ở Việt Nam và trên phạm vi quốc tế, trong đó có việc lồng ghép một cách phù hợp những vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình nghị sự về phát triển sau năm 2015.

Hoan nghênh và đánh giá cao Việt Nam đã chủ động thúc đẩy các chương trình sức khỏe mục tiêu và hỗ trợ xây dựng chính sách, luật pháp, thể chế, trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, quyền lợi của bà mẹ, trẻ em, ông Anthony Lake cho biết UNICEF sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chăm sóc trẻ em, kết hợp cả các biện pháp hỗ trợ và việc tư vấn xây dựng chiến lược chính sách có ý nghĩa lâu dài trên các vấn đề liên quan đến trẻ em, đồng thời UNICEF tiếp tục phát huy vai trò trong sự phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc để sử dụng có hiệu quả, tập trung các nguồn lực của tổ chức này ở Việt Nam.

Làm việc với Giám đốc UNFPA, Babatunde Osotimehin, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao UNFPA đã kiên trì phấn đấu thúc đẩy các mục tiêu về dân số và phát triển, đồng thời bày tỏ ủng hộ việc thúc đẩy sự quan tâm thích đáng đến các vấn đề dân số và phát triển trong quá trình xây dựng chương trình nghị sự sau năm 2015 và xây dựng các mục tiêu phát triển bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng phối hợp với UNFPA thúc đẩy các ưu tiên chiến lược của tổ chức tại diễn đàn Liên hợp quốc, trong đó có quá trình chuẩn bị cho Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69 về dân số và phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự giúp đỡ của UNFPA đối với Việt Nam trong nhiều năm qua, nhất là trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ.

Đánh giá cáo các mục tiêu, chính sách về dân số và phát triển của Việt Nam, Giám đốc Điều hành Babatunde Osotimehin cho biết UNFPA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản; đồng thời triển khai hiệu quả Kế hoạch Chiến lược giai đoạn 2014-2017 của UNFPA, trong đó tập trung vào các mục tiêu chính là phổ cập việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện quyền sinh sản và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ.

Thủ tướng hội kiến với các lãnh đạo Moldova và Haiti

Cũng trong sáng 28-9 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc hội kiến người đồng cấp Haiti, Laurent Salvador Lamothe trao đổi những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Tại cuộc hội kiến, hai bên bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển nhanh và tích cực của mối quan hệ song phương, trong đó có quan hệ chính trị - ngoại giao và kinh tế - thương mại, đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam đang hoàn tất các thủ tục triển khai Hiệp định khung về Hợp tác Thương mại và Đầu tư, theo đó hai bên sẽ xúc tiến thành lập Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư nhằm điều phối có hiệu quả và thực chất các hoạt động hợp tác kinh tế.

Cảm ơn Chính phủ Haiti tạo điều kiện cho dự án đầu tư của Viettel liên doanh với tổng mức đầu tư 100 triệu USD được triển khai thuận lợi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Haiti tiếp tục tạo điều kiện và bảo vệ lợi ích cho dự án đầu tư của Viettel cũng như cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Haiti.

Thủ tướng Haiti bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… Thủ tướng Haiti đánh giá cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước và khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Haiti.

Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như trồng lúa và các loại cây trồng khác, công nghệ bảo quản nông sản sau thu hoạch, nuôi trồng thủy sản... thông qua các hình thức trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ, cung cấp máy móc-thiết bị, phát triển chương trình hợp tác chung... Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế và tham gia vào các dự án thuộc Chương trình tái thiết Haiti.

Trước đó, tối 27-9, bên lề Phiên thảo luận tại Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Thủ tướng Moldova Yuri Lianke.

Tại cuộc hội kiến, hai Thủ tướng đều cho rằng mặc dù có quan hệ hữu nghị, hỗ trợ và phối hợp tốt với nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, song quan hệ hợp tác song phương thời gian qua còn nhiều hạn chế.

Quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Moldova chưa thực sự tương xứng với quan hệ chính trị cũng như tiềm năng và mong muốn của hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2012 chỉ đạt khoảng 3,5 triệu USD.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Moldova trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi; tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, kể cả cấp cao, nhằm tạo cơ sở chính trị tốt đẹp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Hai Thủ tướng nhất trí hai nước cần tăng cường quan hệ hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tăng kim ngạch trao đổi hàng hóa thế mạnh của mỗi nước như thủy hải sản, nông sản như càphê, cao su, gạo, hạt điều, sản phẩm may mặc, giày dép, điện tử của Việt Nam và hàng cơ khí, thiết bị nông nghiệp của Moldova.

Hai bên nhất trí khôi phục và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật trong thời gian tới; xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý phát triển hợp tác song phương như sớm tiến hành đàm phán ký kết các Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định bảo hộ đầu tư./.