Lào Cai: chú trọng phát triển “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” trong thời kỳ mới

ThS. Nguyễn Thị Hồng Minh Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại & Du lịch Lào Cai
16:34, ngày 16-09-2013
TCCSĐT - Lào Cai là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống nhờ nghề nông nghiệp. Sau 5 năm nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5-8-2008, của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (Nghị quyết Trung ương 7 khóa X), bộ mặt kinh tế - xã hội của Lào Cai đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Những kết quả quan trọng

 

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta. Trong những năm gần đây, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn được coi là nền tảng trong việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và tổ chức quán triệt cho 100% tổ chức đảng và đảng viên, quần chúng nhân dân học tập, hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Nghị quyết.

 

Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành 7 Chương trình công tác trọng tâm với 27 đề án. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành điều chỉnh bổ sung và ban hành một số chính sách mới, tạo động lực khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, tình hình kinh tế - xã hội của Lào Cai có nhiều chuyển biến rõ rệt. GDP bình quân hằng năm tăng trưởng trên 13%; tăng trưởng nông nghiệp đạt 6,57%/năm. Kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được xây dựng đồng bộ, đời sống của nông dân được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới. Chuyển biến rõ nét nhất là việc thành lập Ban Tuyên vận (đây là mô hình hợp nhất giữa công tác tuyên giáo và dân vận ở cơ sở) tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015.

 

Từ hiệu quả của mô hình và yêu cầu thực tiễn, tháng 4-2013, Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch mở rộng mô hình tuyên vận, nâng tổng số đơn vị thực hiện mô hình tuyên vận trong toàn tỉnh lên 76 xã, phường, thị trấn. Sau khi thành lập, ban tuyên vận đã phát huy tốt vai trò chủ đạo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân; góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều điển hình tiên tiến, gương sáng ở cơ sở xuất hiện, từ đó, phát huy được sức mạnh toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, địa phương đã huy động được gần 2 triệu ngày công lao động, hiến trên 270.000m2 đất, tu sửa làm mới trên 3.000km đường giao thông, ủng hộ máy móc, thiết bị làm đường giao thông… với tổng giá trị đạt trên 298 tỷ đồng.

 

Xuất phát từ nhận định, muốn nâng cao vị thế của nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn thì trước tiên phải có động lực phát triển kinh tế, ở đây, động lực của kinh tế nông thôn chính là nông nghiệp, tỉnh Lào Cai đã xây dựng hoàn thiện Quy hoạch tổng thể nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Công tác thực hiện quy hoạch bước đầu đã đem lại hiệu quả, từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp giai đoạn trước đã dần hình thành được các vùng sản xuất, chăn nuôi tập trung có quy mô sản xuất hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 

Bên cạnh đó, việc đầu tư, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất được ưu tiên. Tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp đẩy mạnh sử dụng giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao và mở rộng thâm canh, tăng vụ; chủ động sản xuất lúa giống phục vụ trong tỉnh và phục vụ thị trường đạt hiệu quả. Đến nay, địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, thủy sản (hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả nhiệt đới, như chuối cấy mô với diện tích 1.200ha, dứa trái vụ với diện tích 900ha ở các huyện Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát). Sản xuất được mùa liên tục, tổng sản lượng lương thực năm 2012 đạt 259,8 nghìn tấn, tăng 60 nghìn tấn so với năm 2008. Giá trị sản xuất đạt 40,6 triệu đồng/ha trong năm 2012, tăng 22,6 triệu đồng/ha so với năm 2008. Chăn nuôi thủy sản tăng trưởng ổn định, công tác phát triển và bảo vệ rừng được bảo đảm.

 

Người nông dân tiếp tục nhận được hỗ trợ đặc biệt, nhất là các hộ nghèo, bà con tại khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa qua các chương trình, như Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ tín dụng, việc làm. Qua đó, đời sống người nông dân được cải thiện rõ nét, thu nhập đã tăng từ 5,47 triệu đồng/người (năm 2008) lên 9,4 triệu đồng/người/năm (năm 2012). An sinh xã hội được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hằng năm giảm 7%.

 

Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh Lào Cai tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư cho Chương trình “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2004 - 2008 đạt 8.592 tỷ đồng (trong đó, vốn trong ngân sách là hơn 3.420 tỷ đồng), giai đoạn 2009 - 2013 là 17.678 tỷ đồng (trong đó, vốn trong ngân sách là 10.163 tỷ đồng). Vốn ngoài ngân sách đạt 7.514 tỷ đồng, bao gồm vốn lưu động của các doanh nghiệp, huy động từ cộng đồng dân cư và vốn ủng hộ của doanh nghiệp. Từ năm 2009 đến 2013, tỉnh Lào Cai đã huy động nhiều hơn giai đoạn trước 9 chương trình đầu tư vào lĩnh vực “tam nông”, tổng nguồn vốn giai đoạn này tăng gấp 2,06 lần.

 

Với những nỗ lực đầu tư cho nông thôn, đến nay, kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã, trong đó có 83,5% số xã có đường được rải nhựa; 95% thôn, bản có đường giao thông liên thôn; hệ thống thủy lợi đã bảo đảm tưới cho 92% diện tích ruộng; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã, với 89% số  hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% số xã có trạm y tế xã, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 82%; số phòng học được kiên cố đạt 61,6%.

 

Khó khăn, hạn chế cần được khắc phục

 

Những thành quả đạt được như trên là hết sức to lớn; tuy nhiên, thực tế cho thấy sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn nhiều thách thức, hạn chế đối với ngành nông nghiệp, người nông dân và khu vực nông thôn. Đó là, nguồn lực đầu tư cho khu vực này chưa thực sự tương xứng, sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu tính bền vững, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm. Các hình thức tổ chức sản xuất đã hình thành, song chưa thực sự phát huy được hiệu quả, do đó, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu thị trường; năng lực sản xuất và thị trường đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn; vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất còn chưa được chú trọng.

 

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn tuy có sự tăng trưởng khá, song tính ổn định chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ; công nghệ thiết bị còn lạc hậu cùng với việc thiếu thông tin về thị trường và xúc tiến thương mại. Do đó, sản phẩm, dịch vụ ở khu vực này chưa đa dạng về chủng loại, mẫu mã; chủ yếu tiêu thụ trong nội tỉnh, chưa đủ sức cạnh tranh ở thị trường trong và ngoài nước.

 

Thực tế thông qua công tác thống kê trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho thấy, thu nhập của nông dân còn ở mức thấp, hầu hết các hộ nghèo và cận nghèo đều là nông dân. Mặc dù công tác xóa đói, giảm nghèo có sự chuyển biến rõ rệt, song chưa bền vững. Đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Việc cải tạo phong tục tập quán lạc hậu còn chuyển biến chậm.

 

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp và người dân đầu tư vào khu vực này. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, diện tích đất dành cho sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn có hơn 414 nghìn héc-ta, chiếm gần 65% tổng diện tích. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp rất khiêm tốn, chỉ có 30 doanh nghiệp đang đầu tư trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông - lâm - nghiệp và chăn nuôi - thủy sản.

 

Ở khu vực nông thôn, đội ngũ cán bộ còn thiếu và hạn chế về trình độ, năng lực; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật. Một bộ phận lớn nguồn nhân lực chưa đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

 

Đặc biệt, ở những bản làng vùng cao, vùng sâu, vùng xa vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn chưa được chú trọng. Tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm không có chuồng, trại và hố ủ phân còn phổ biến; vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh, tình trạng rác thải không được xử lý… ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân và môi trường nông thôn.

 

Tạo đột  phá cho “tam nông”

 

Tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua, nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, thời gian tới, tỉnh Lào Cai vẫn xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, để tạo đột phá cho “tam nông”, cần thực hiện có hiệu quả những giải pháp sau:

 

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc việc học tập và triển khai Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn; trong đó xác định tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung của các cấp ủy Đảng về công tác tuyên truyền để toàn thể hệ thống chính trị, xã hội, đặc biệt là người dân hiểu và nắm được ý nghĩa, trách nhiệm và nhiệm vụ trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

 

Hai là, rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cho phù hợp với thực tế ở địa phương. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông - lâm - nghiệp thông qua việc hỗ trợ tín dụng; chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; chính sách phát triển hệ thống giao thông nông thôn, nhất là hệ thống đường trục thôn và liên thôn; chính sách khuyến khích các hộ nông dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã thông qua hình thức tư vấn pháp lý, xây dựng kế hoạch kinh doanh gắn với việc hỗ trợ đầu tư một phần máy móc, thiết bị, nhà xưởng và hỗ trợ tín dụng.

 

Ba là, tăng cường đầu tư ngân sách cho việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường. Đồng thời làm tốt công tác đánh giá các đề tài khoa học và mô hình trình diễn trong nông nghiệp nhằm đưa ra những khuyến cáo, nhân rộng các mô hình tiên tiến, hiệu quả.

 

Thực tế cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương chủ yếu là sản phẩm thô, rất ít sản phẩm tinh chế; vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp phải đóng vai trò chủ động, tích cực trong việc nghiên cứu điều chỉnh cơ cấu sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng nâng cao hàm lượng khoa học - công nghệ trong đơn vị sản phẩm, giảm dần thị phần hàng nguyên liệu ở cả thị trường trong và ngoài nước. Do đó, để tạo sức bật cho kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, cần thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và người nông dân).

 

Bốn là, tập trung đào tạo cho cán bộ các xã và cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp. Thực hiện việc đào tạo theo nhu cầu cần thiết về trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị của mỗi đối tượng cán bộ đạt chuẩn theo quy định.

 

Bên cạnh đó, triển khai mạnh mẽ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn và chương trình khuyến nông nhằm tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng chuyển lao động nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường tiếp thị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích phát triển hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

 

Năm là, khuyến khích, tạo cơ chế, động lực để tiếp tục huy động cao nhất các nguồn lực trong xã hội, nhất là việc huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhân rộng, phổ biến các mô hình xã hội hóa đầu tư, mô hình quản lý các công trình hạ tầng có hiệu quả, bền vững cho các vùng nông thôn./.