Thấy gì qua cách ứng phó với khủng khoảng tài chính toàn cầu của các nước ASEAN

Nguyễn Ngọc Thanh - Phạm Thị Thanh Bình
15:40, ngày 04-03-2010

TCCS - Mặc dù khủng khoảng tài chính toàn cầu dường như đã qua đáy, nhưng nó vẫn đang để lại nhiều “thương tổn” cho các nền kinh tế. Tương lai phát triển của kinh tế thế giới đến đâu vẫn còn là một “ẩn số”. Vì thế, việc tổng kết những bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó với cuộc khủng khoảng hiện nay có ý nghĩa quan trọng cho phát triển trong tương lai.

1 - Cách ứng phó với khủng hoảng

Khác với cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998, các nền kinh tế ASEAN có sự chuẩn bị ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong điều kiện tốt hơn nhiều. Những cải tiến trong chính sách cơ cấu kinh tế vĩ mô, sự chặt chẽ hơn trong cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng, sự điều hành doanh nghiệp tốt hơn và quản lý rủi ro hiệu quả hơn trong khu vực tư nhân đã giúp Đông Nam Á chống đỡ được phần lớn tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu. Bốn kinh nghiệm của Đông Nam Á rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bao gồm:

Thứ nhất, kịp thời đưa ra các gói kích thích kinh tế thông qua những chính sách tài chính linh hoạt, thường xuyên cắt giảm lãi suất và bơm một khối lượng lớn tiền vào hệ thống ngân hàng thương mại.

Chính phủ Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a đã công bố các gói kích thích tài chính lớn hơn 4% GDP (gấp 2 lần về tỷ lệ trên GDP so với gói kích thích kinh tế của Mỹ). Cơ quan quản lý tiền tệ của Xin-ga-po (MAS) lần đầu trong hơn 4 năm qua quyết định cắt giảm lãi suất. Cam-pu-chia quyết định dành 100 triệu USD để thành lập Quỹ hỗ trợ các ngân hàng nhằm đối phó với khủng hoảng và duy trì hoạt động. Nửa đầu năm 2009, Thái Lan thực hiện chương trình kích thích kinh tế trị giá 116,7 tỉ bạt, trong đó ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu nhằm đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2009 lên 184,7 tỉ USD. Thái Lan quyết định chi hơn 54 tỉ USD trong vòng 4 năm (2009 - 2013) để khôi phục tăng trưởng kinh tế và ngăn chặn tình trạng bất ổn trong nước, tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản đồng bạt ở mức 1,25%. In-đô-nê-xi-a cũng chi 6 tỉ USD trợ giúp tài chính, ngân hàng khắc phục khủng hoảng và kích thích kinh tế phát triển.

Thứ hai, khuyến khích đầu tư, tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu thông qua các công cụ ngân sách. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận thị trường tín dụng.

Để khuyến khích tiêu dùng của người dân, tháng 3-2009 Chính phủ Thái Lan trợ cấp 2.000 bạt/tháng cho những viên chức nhà nước có thu nhập dưới 15.000 bạt/tháng (khoảng 9 triệu người được nhận khoản trợ cấp này) và mở rộng diện trợ cấp nhằm kích thích tiêu dùng của người dân. Xin-ga-po tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu và cam kết dành 1,5 tỉ USD để giúp các doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận tín dụng trong bối cảnh kinh tế không tăng trưởng nhằm khuyến khích sản xuất. In-đô-nê-xi-a nỗ lực tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa chính phủ, ngân hàng trung ương với các ngân hàng và khu vực tư nhân. Bên cạnh hoạt động khuyến khích xuất khẩu, ASEAN cũng tăng cường hội nhập kinh tế nội khối và coi tiêu thụ nội địa làm trụ cột của sự phát triển. Nhờ các khoản kích thích tài chính lớn và tình trạng tài chính của khu vực tư nhân tốt nên tiêu dùng nội địa đã tăng lên, dự đoán khoảng 4% - 5% (năm 2009) và đạt 7% (năm 2010).

Thứ ba, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trợ cấp nông nghiệp, giải quyết đời sống cho người có thu nhập thấp.

Phát triển nông nghiệp không chỉ là yêu cầu bảo đảm cải thiện đời sống cho nông dân mà còn là nền tảng quan trọng cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho khu vực nông thôn các nước ASEAN bởi vì nông nghiệp thu hút tới 161 triệu lao động trong khu vực Đông Nam Á (44,5% tổng lực lượng lao động khu vực). Nông nghiệp đóng vai trò vừa là động lực của tăng trưởng kinh tế, vừa là hàng rào bảo vệ chống nghèo đói. Vì thế, Thái Lan đã triển khai gói kích cầu nông nghiệp bằng các biện pháp hỗ trợ trực tiếp như phát phiếu gạo, phiếu ăn cho hộ nghèo, trợ cấp trực tiếp cho người thất nghiệp, bù lương cho người mất việc và khuyến khích nông dân gieo trồng lúa vụ 3 trong năm trên diện tích đất canh tác. In-đô-nê-xi-a hỗ trợ người nghèo thông qua mức kinh phí cho mỗi xã là 3 tỉ ru-pi, mỗi cá nhân được vay vốn ngân hàng không phải ký quỹ tới 5 triệu ru-pi và phân phát tiền mặt trực tiếp tới mỗi hộ gia đình nghèo 100.000 ru-pi/tháng trong vòng 18 tháng. Phi-lip-pin dành 6,8 tỉ USD từ ngân sách năm 2009 cho chương trình phát triển đầu tư kết cấu hạ tầng và an sinh xã hội, dành khoản kinh phí lớn để cải thiện hệ thống thủy lợi, nâng cao năng suất lúa và đưa 300.000 ha đất không sử dụng được trước đây vào canh tác. Ngoài ra, chính phủ cấp thêm một khoản kinh phí 120,5 triệu USD đầu tư cho nghiên cứu, đào tạo và khuyến nông. Cam-pu-chia tăng gấp đôi ngân sách cho hệ thống giao thông, hệ thống tưới tiêu và các kết cấu hạ tầng khác trong năm 2009. Ma-lai-xi-a đưa ra kế hoạch đầu tư 1,9 tỉ USD để mở rộng diện tích trồng lúa nước, đầu tư thâm canh tăng năng suất lúa gạo. Việt Nam đã thành công trong việc giảm nghèo tại nông thôn là do có quyết sách bảo vệ ngành nông nghiệp trước những biến động bất ngờ của thị trường lương thực và thực phẩm. ASEAN dự định thành lập Quỹ và kho dự trữ thóc gạo ở mức khoảng 3 triệu tấn nhằm ngăn chặn khả năng thiếu gạo trong khu vực. Mỗi nước thành viên sẽ đóng góp vốn hoặc thóc gạo cho quỹ này và chủ động tự túc lương thực thông qua đầu tư cho tăng trưởng nông nghiệp bền vững, hỗ trợ an sinh xã hội nhiều hơn cho nông dân.

Thứ tư, gia tăng hợp tác khu vực và quốc tế, kịp thời thành lập Quỹ dự phòng khẩn cấp, Quỹ tài chính khu vực và Quỹ hợp tác đầu tư.

Để đối phó với cơn bão tài chính và giúp các nước cần tiền mặt, ASEAN thống nhất thành lập một Quỹ dự phòng khẩn cấp với sự hỗ trợ 10 tỉ USD của Ngân hàng Thế giới. Quỹ này sẽ được sử dụng mua các tài sản xấu và hỗ trợ về vốn đối với các tổ chức tài chính cũng như các công ty tư nhân. Ngoài ra, ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) thành lập Quỹ tài chính khu vực cứu trợ khẩn cấp với tổng trị giá 120 tỉ USD do các thành viên đóng góp nhằm hỗ trợ tài chính cho những quốc gia gặp khó khăn. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc thống nhất tỷ lệ đóng góp 2:2:1 cho quỹ khu vực. Theo đó, Trung Quốc và Nhật Bản mỗi nước sẽ đóng góp 38,4 tỉ USD, Hàn Quốc sẽ đóng góp 19,2 tỉ USD. Các khoản đóng góp của 3 nước đối tác chiếm 80% giá trị của quỹ. Còn lại 20% giá trị quỹ do các nước thành viên ASEAN đóng góp. Cụ thể, đối với 4 nước: In-đô-nê-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po và Ma-lai-xi-a, mỗi nước sẽ đóng góp 4,76 tỉ USD; Phi-lip-pin đóng góp 3,68 tỉ USD. Các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma và Bru-nây đóng góp tùy theo dự trữ ngoại tệ của mỗi nước. Bên cạnh đó, ASEAN còn thành lập Quỹ hợp tác đầu tư với Trung Quốc trị giá 10 tỉ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhận sự hỗ trợ của Nhật Bản - nền kinh tế lớn nhất khu vực - hơn 6 nghìn tỉ yên (61,54 tỉ USD) để khắc phục suy thoái kinh tế.

Tóm lại, kinh nghiệm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu được ASEAN rút ra là, một mặt, đẩy mạnh củng cố thiết chế tài chính - ngân hàng, tăng cường tính an toàn của hệ thống tài chính, củng cố niềm tin của giới đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, ASEAN tăng cường phối hợp chính sách tài chính tiền tệ trong nội bộ khu vực và với các nền kinh tế có quy mô lớn, vững mạnh và dự trữ dồi dào trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

2 - Triển vọng phát triển sau khủng hoảng

Những cải tiến trong chính sách cơ cấu kinh tế vĩ mô, sự chặt chẽ hơn trong cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng, sự điều hành doanh nghiệp tốt hơn và quản lý rủi ro hiệu quả hơn trong khu vực tư nhân đã giúp Đông Nam Á chống đỡ được phần lớn tác động của cuộc khủng hoảng toàn cầu so với cuộc khủng khoảng tài chính năm 1997. Các chính phủ Đông Nam Á giờ đây có dự trữ tiền mặt lớn, thâm hụt thấp so với thời kỳ trước. Nhiều chính phủ đã kịp thời áp dụng kế hoạch nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Một tín hiệu lạc quan là, tỷ lệ xuất khẩu giữa các nước trong châu Á với nhau đã tăng gấp 3 lần so với năm 2000, đạt 3.274 tỉ USD (năm 2008) - gấp 1,5 lần lượng hàng hóa xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với những nước phụ thuộc vào xuất khẩu như các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn như Nhật Bản, EU - những quốc gia phát triển - đang có chiến lược đầu tư dài hạn vào khu vực này trong 10 năm tới, trong đó có Việt Nam.

Trong các nước ASEAN, Xin-ga-po có thể được coi là có nhiều dấu hiệu phát triển lạc quan nhất và sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng một cách an toàn nhất, nhờ một số ưu thế như: Thứ nhất, tỷ lệ thất nghiệp thấp; Thứ hai, nền kinh tế đa dạng, năng động. Một số lĩnh vực sản xuất (cơ khí hàng hải, xây dựng...) vẫn tạo ra các sản phẩm có giá trị cao; Thứ ba, vị thế tài chính của chính phủ vững mạnh. Các hoạt động tài chính, ngân hàng và việc quản lý tài sản của các ngân hàng tư nhân duy trì được hoạt động tốt. Xin-ga-po có khả năng thực hiện những hành động cần thiết nếu tình hình trở nên xấu hơn và hiện chính phủ Xin-ga-po đang tập trung vào những lĩnh vực có tiến triển tốt như giáo dục, đào tạo, thu hút đầu tư mới và công nghiệp mới. Kết quả cuộc khảo sát về “Chỉ số niềm tin người tiêu dùng”(1) của MasterCard ngày 11-12-2008 ở châu Á - Thái Bình Dương cho thấy: Việt Nam có số điểm (88,1); Xin-ga-po (62,3) so với Trung Quốc (76,6) và Ấn Độ (63,9). Trong Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tháng 3-2009, Xin-ga-po được xếp vị trí thứ 1/134 (châu Á) và thứ 5 (thế giới) về chỉ số cạnh tranh toàn cầu. Mặc dù chỉ số niềm tin của ASEAN bị giảm, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình (32,3) trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 1997 -1998.

Với những kinh nghiệm có được trong quá trình khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính khu vực 1997 - 1998 và những biện pháp quyết liệt đang được triển khai, các nước Đông Nam Á đang giảm thiểu được những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay để tiếp tục phát triển./.
 
---------------------------------------

(1) Theo thang điểm tích cực nhất (100); tiêu cực nhất (0) và không rõ rệt (50)