Chiều 4-9-2013, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã thẩm tra sơ bộ dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Các ý kiến của các đại biểu sẽ được Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 21.

Đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, các thành viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh: Việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong tình hình mới; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước; chủ động hội nhập quốc tế với nhiều vấn đề mới cấp thiết, đòi hỏi phải được cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường.

Các đại biểu đánh giá Dự án Luật đã cụ thể hóa một số điều trước đây còn quy định chung chung, đồng thời bổ sung một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế của công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều đại biểu chỉ rõ dự án luật vẫn còn dừng ở mức “khung”, nhiều điều khoản phải chờ hướng dẫn chi tiết mới thực hiện được. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu rõ: Trong số 160 điều của dự án Luật có đến 37 điều, khoản quy định Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ khác hướng dẫn, vì vậy cần sớm có dự thảo Nghị định để luật thực sự mang tính khả thi, đi vào cuộc sống.

Tán thành với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần sớm ban hành danh mục dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật để trình Quốc hội có tính thuyết phục hơn, tránh tình trạng “Luật phải chờ Nghị định hướng dẫn”. Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga cho rằng, cần bổ sung "hộ gia đình" vào phạm vi điều chỉnh của dự án luật bởi hộ gia đình là "tế bào của xã hội", đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng mức độ ô nhiễm hoặc bảo vệ môi trường. Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Vẻ nêu rõ: Dự án luật vẫn mang nặng tư duy bảo vệ môi trường là việc của Nhà nước, chưa thể hiện rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, quy định trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường dành cho khu vực phi nhà nước và hộ gia đình.

Một số ý kiến cũng đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu cụ thể một số quy định mới liên quan đến "biến đổi khí hậu", "tăng trưởng xanh", "an ninh môi trường"...; rà soát kỹ các vấn đề còn nhiều bất cập như: Ô nhiễm môi trường; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường. Đại biểu Bùi Thị An nhấn mạnh: Cần quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu các bộ, ngành, tổ chức trong việc bảo vệ môi trường; công bố công khai danh tính các phế liệu ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, giám sát.

Đối với việc bảo vệ môi trường ở các làng nghề, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho biết: Các điều khoản liên quan đến làng nghề là chưa phù hợp, thiếu tính khả thi, còn nhầm lẫn khái niệm "làng nghề" và "doanh nghiệp". Làng nghề không giống doanh nghiệp chính quy, công nghệ sản xuất còn lạc hậu, quản lý theo kiểu truyền thống, vì vậy áp dụng chế tài xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp cho làng nghề là chưa hợp lý. Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga cũng đưa ra đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ quy định xây dựng tổ chuyên trách về môi trường tại các làng nghề liệu có thực thi được không, bởi hiện nguồn kinh phí của nhiều xã đang rất khó khăn...

Quan tâm đến nội dung bảo vệ môi trường ở khu vực nghĩa trang, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề cập đến một thực trạng là hiện nay có nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nghĩa trang ở vùng đất có địa thế cao, đẹp trong khi người dân sinh sống ở phía dưới, gây ô nhiễm môi trường sống của người dân. Đây là vấn đề đang bị "bỏ lửng", gây bức xúc trong nhân dân. Dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định rõ khu vực nghĩa trang cách xa khu dân cư, xa nguồn nước, không được ở tầm cao hơn khu dân cư để bảo đảm cuộc sống cho người dân xung quanh...

Đồng thời, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận về quy hoạch bảo vệ môi trường; về bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu; về môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.../.