TCCSĐT - Ngày 14-8-2013, theo số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 0,3% trong quý II vừa qua và Eurozone đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999.

1. Liên hợp quốc đánh giá cao đóng góp của các kiều dân trẻ cho nhiều quốc gia

Ngày Quốc tế thanh niên (12-8) năm nay được Liên hợp quốc kỷ niệm để ghi nhận tinh thần vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong cuộc sống và quá trình tìm kiếm công ăn việc làm, cũng như những đóng góp của các kiều dân là thanh niên trên toàn thế giới vào việc phát triển kinh tế, xã hội của quê hương cũng như tại các quốc gia họ đang sinh sống. Nhân sự kiện này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun đã gửi thông điệp tới Hội thảo “Kiều dân trẻ tuổi và quá trình phát triển” do Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đồng tổ chức tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Oóc (Mỹ). Ông Ban Ki-mun đặc biệt nhấn mạnh những đóng góp to lớn của kiều dân trẻ đối với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của những quốc gia mà các thanh niên đó ra đi, lẫn nơi họ định cư và cả những nơi họ tạm thời lưu trú, chờ quy chế định cư chính thức. Theo ông, phần lớn số người này phải làm việc trong những điều kiện hết sức khó khăn, phải bươn trải để kiếm sống và ổn định cuộc sống lâu dài. Rất nhiều người trong số họ, ngoài việc có những đóng góp to lớn cho “quê hương thứ hai”, còn mang theo những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc cùng những ý tưởng, những tiến bộ khoa học, kỹ thuật đã tích lũy được trong thời gian sống xa quê hương để góp phần xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Hơn thế nữa, nhiều người còn gửi về quê hương những khoản đầu tư tài chính lớn, những kiến thức vô giá về khoa học, kỹ thuật, phát triển con người, thực thi bình đẳng xã hội, bình đẳng giới,… Tổng Thư ký Liên hợp quốc cho biết, số thanh niên hiện chiếm khoảng 10% trong tổng số kiều dân trên thế giới, họ là những người phải rời bỏ quê hương vì nhiều lý do khác nhau, trong đó không ít người ra đi để tìm kiếm đời sống kinh tế khá giả hơn và đó là tình trạng chung trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nhân loại đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Nhân dịp này, Tổng thư ký kêu gọi các quốc gia và mọi cộng đồng dân cư cùng quan tâm, chia sẻ với các kiều dân, trong đó có những kiều dân trẻ tuổi, giúp họ ổn định cuộc sống và cùng phát triển.

2. Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Trong 2 ngày 13 và 14-8-2013, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã diễn ra tại Hủa Hỉn (Thái Lan). Tại Hội nghị, các bộ trưởng đã tập trung thảo luận 2 nội dung chính là định hướng tương lai của ASEAN giai đoạn sau năm 2015 và thúc đẩy quan hệ ASEAN - Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc (2003 - 2013). Về định hướng tương lai của ASEAN giai đoạn sau năm 2015, các bộ trưởng nhất trí từ nay đến ngày 31-12-2015 cần đặt ra một lộ trình để xây dựng tầm nhìn của ASEAN giai đoạn sau năm 2015. Với mục tiêu đó, từ nay đến hết năm 2015, ưu tiên cao nhất là thực hiện tốt lộ trình tiến tới Cộng đồng đã vạch ra. Các nước thành viên cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực huy động nguồn lực, thực hiện tốt các chương trình hợp tác quan trọng của ASEAN, như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC), Kế hoạch hành động giai đoạn II Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI) nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, thúc đẩy quan hệ đối ngoại sâu rộng hơn nữa, tận dụng sự hỗ trợ của các đối tác phục vụ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng;… Về hoạch định tầm nhìn ASEAN sau năm 2015, các bộ trưởng thống nhất tầm nhìn sau năm 2015 vừa phải thể hiện tầm nhìn dài hạn, vừa kế thừa và nhân lên các thành tựu của quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2009 - 2015; đồng thời thảo luận về những vấn đề lớn, có tính nguyên tắc để định hướng cho quá trình xây dựng tầm nhìn ASEAN sau năm 2015 và lộ trình thực hiện. Các bộ trưởng sẽ kiến nghị lãnh đạo cấp cao ra Tuyên bố chính trị về việc xây dựng định hướng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 23 tại Bru-nây vào tháng 10 tới. Về chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc nhằm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược hai bên, ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực tăng cường hơn nữa hợp tác trên 11 lĩnh vực hợp tác ưu tiên đã được xác định (gồm nông nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển nguồn lực, đầu tư hai chiều, phát triển lưu vực sông Mê Công, giao thông, năng lượng, văn hóa, du lịch, y tế cộng đồng và môi trường.

3. Eurozone chính thức thoát khỏi suy thoái kinh tế

Ngày 14-8-2013, theo số liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng 0,3% trong quý II vừa qua và Eurozone đã chính thức thoát khỏi cuộc suy thoái kinh tế kéo dài nhất kể từ khi khối này được thành lập năm 1999. Hai nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức và Pháp đều có tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn mong đợi, với mức tăng lần lượt 0,7% và 0,5%. Sự tăng trưởng ấn tượng của Đức chủ yếu nhờ nhu cầu trong nước tăng khi người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu và chính phủ nới lỏng chính sách kinh tế khắc khổ. Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư được cải thiện đáng kể so với quý trước, xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu, tính thời vụ... cũng là những yếu tố giúp nền kinh tế số 1 châu lục đạt được mức tăng trưởng ấn tượng. Đối với Pháp, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 2 năm qua, chủ yếu nhờ lĩnh vực tiêu dùng trong nước tăng mạnh, trong khi hoạt động đầu tư vào nền kinh tế vẫn yếu. Bồ Đào Nha - một trong số những nền kinh tế nhỏ và yếu nhất trong khu vực - lại đạt tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với 1,1%. Đây cũng là một kết quả ấn tượng bởi Bồ Đào Nha là một trong ba nước thành viên Eurozone phải nhờ đến gói cứu trợ hàng tỷ ơ-rô từ các chủ nợ quốc tế. Trong khi đó, GDP của Tây Ban Nha - nước cũng phải xin cứu trợ từ bên ngoài để cứu ngành ngân hàng - tiếp tục giảm 0,1% trong quý II. Hai nền kinh tế lớn khác trong khu vực này là I-ta-li-a và Hà Lan cũng tăng trưởng âm, với GDP cùng giảm 0,2%. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ôn-li Rên (Olli Rehn) nhận định các số liệu vừa công bố cho thấy nền kinh tế châu Âu đang dần lấy lại được động lực tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn hai trở ngại lớn Eurozone cần phải vượt qua, đó là tốc độ tăng trưởng còn ở mức thấp trong khi các dấu hiệu tăng trưởng vẫn mong manh. Ngoài ra, một số quốc gia thành viên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao không thể chấp nhận được và việc thực hiện các biện pháp cải cách cần thiết nhưng đầy khó khăn ở EU vẫn đang trong giai đoạn đầu.

4. Hai miền Triều Tiên đạt được thỏa thuận mở lại khu công nghiệp Kê-xâng

 

Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận mở lại khu công nghiệp chung Kê-xâng bị ngừng hoạt động hơn 4 tháng qua. Ảnh: Reuters/ vov.vn

Ngày 14-8-2013, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận mở lại khu công nghiệp chung Kê-xâng (Kaesong) bị ngừng hoạt động hơn 4 tháng qua. Thỏa thuận gồm 5 điểm được hai bên nhất trí tại vòng đàm phán cấp chuyên viên lần thứ bảy, diễn ra cùng ngày tại khu công nghiệp chung này. Theo đó, hai bên cam kết nỗ lực để khu công nghiệp Kê-xâng hoạt động bình thường trở lại càng sớm càng tốt sau khi kiểm tra các nhà máy bị đóng cửa. Hai bên nhất trí không để tái diễn việc đóng cửa khu công nghiệp do rút công nhân. Hai bên cũng cam kết thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp Kê-xâng, một yêu cầu chủ chốt của Hàn Quốc. Một ủy ban chung sẽ được thành lập để thảo luận về bồi thường thiệt hại kinh tế do khu công nghiệp bị đóng cửa. Khu công nghiệp Kê-xâng nằm trên phần lãnh thổ của Triều Tiên giáp giới Hàn Quốc, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2004. Từ đầu tháng 4 vừa qua, khu công nghiệp chung này phải tạm ngừng hoạt động trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng. Bình Nhưỡng cấm các nhân viên người Hàn Quốc vào Kê-xâng làm việc từ ngày 03-4, đồng thời cho rút toàn bộ 53.000 công nhân Triều Tiên đang làm việc cho các công ty Hàn Quốc ở Kê-xâng. Phía Hàn Quốc sau đó cũng cho rút toàn bộ nhân viên khỏi khu công nghiệp này. Trước khi đạt được thỏa thuận trên, hai bên đã tiến hành 6 vòng đàm phán nhưng không thu hẹp được bất đồng về các điều kiện để nối lại hoạt động bình thường tại khu công nghiệp Kê-xâng.

5. Châu Á: Tăng trưởng kinh tế chưa giúp giảm nghèo

Theo một nghiên cứu mới có tên “Chấm dứt tình trạng nghèo khó ở châu Á” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và trường Đại học quốc gia Xin-ga-po (NUS) thực hiện, các nhà hoạch định chính sách châu Á cần tăng cường tính hiệu quả hơn nữa của các kế hoạch hành động cấp nhà nước để giảm tỷ lệ nghèo và duy trì đà tăng trưởng bền vững. Nghiên cứu trên cho hay bất chấp những thành tựu đạt được ở một số nền kinh tế châu Á, hơn 660 triệu người ở khu vực này vẫn sống trong cảnh cực nghèo, với mức thu nhập chưa đầy 1,25 USD/ngày. Nếu tính cả những người rất dễ bị ảnh hưởng và có thể dễ dàng tái rơi vào cảnh cực nghèo, con số này có thể tăng lên 1,5 tỷ người, hay tương đương với tỷ lệ gần 1 người/2 người dân của châu Á. Theo nghiên cứu trên, hầu hết quốc gia châu Á không thể đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ vào năm 2015 khi họ vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hệ thống vệ sinh cơ bản, một số lượng lớn trẻ em suy dinh dưỡng và tỷ lệ tử vong cao đối với trẻ sơ sinh và sản phụ. Nghiên cứu trên lưu ý rằng chính phủ các nước châu Á cần hỗ trợ phát triển hệ thống dạy nghề cho người lao động, cung cấp hệ thống giáo dục chất lượng và các sáng kiến khuyến khích phát triển cho những doanh nghiệp mới thành lập. Các biện pháp này phải được thực hiện với khu vực tư nhân và xã hội dân sự. Các nhà hoạch định chính sách cũng cần khuyến khích sự tăng trưởng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ cung cấp việc làm cho một số lượng lớn lao động. Theo nghiên cứu trên, các nhà hoạch định chính sách châu Á cũng cần cấp tài chính cho chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường đô thị, chương trình an sinh xã hội, giảm thiểu những bất đồng về giới và tăng tính linh hoạt của thị trường lao động để nâng cao cơ hội việc làm. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng nhấn mạnh bất kỳ giải pháp nào để đi đến thành công sẽ phải xác định rõ ràng các mục tiêu, với một thời gian biểu cụ thể và một chiến lược đáng tin cậy nhằm đạt được những mục tiêu này, cùng với một danh sách chi tiết về những hành động can thiệp của chính phủ và được thiết kế để giải quyết các vấn đề của một quốc gia hay vùng lãnh thổ cụ thể.

6. APEC cam kết tăng diện tích đất rừng

Ngày 16-8-2013, các thành viên thuộc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cam kết tăng diện tích đất trồng rừng thêm 20 triệu héc-ta vào năm 2020 trong một cuộc họp diễn ra trong 2 ngày ở Cu-xcô (Cusco, Pê-ru). Cam kết này, nằm trong Tuyên bố chung Cu-xcô của các Bộ trưởng Lâm nghiệp APEC, được đưa ra sau cuộc họp trên, cũng bao gồm việc phát triển một chính sách về khai thác bền vững để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của khu vực. Bộ trưởng Nông nghiệp Pê-ru, Min-tông Ết-xê (Minton Hesse) cho biết, tuyên bố của các Bộ trưởng Lâm nghiệp APEC kêu gọi các thành viên phát triển những dự án về môi trường nhằm thúc đẩy việc bảo tồn rừng. Theo đó, việc tăng thêm hàng triệu héc-ta đất rừng là “một mục tiêu đầy tham vọng” và tất cả các thành viên APEC đã cam kết hợp tác hướng tới mục tiêu chung này. Theo Thư ký APEC, A-lan Bô-la (Allan Bollard), việc bảo tồn rừng không chỉ là một vấn đề về các chính sách môi trường và sản xuất mà còn có liên quan tới các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng liên quan trực tiếp tới hoạt động kinh tế của các thành viên APEC và khoảng 80% kim ngạch buôn bán toàn thế giới liên quan đến rừng đang diễn ra tại các thành viên này.

7. Đại hội Thư viện và Thông tin thế giới tại Xin-ga-po

Từ ngày 17 đến ngày 23-8-2013, Liên đoàn quốc tế các Thư viện và Hiệp hội Thư viện (IFLA) phối hợp với Cục Thư viện quốc gia (NLB) của Xin-ga-po tổ chức Đại hội Thư viện và Thông tin thế giới lần thứ 79 tại Xin-ga-po với chủ đề “Thư viện trong tương lai: Khả năng vô tận”. Tại hơn 220 phiên thảo luận được tiến hành trong 6 ngày đại hội, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề như vai trò của thư viện trong thời đại in-tơ-nét và trong việc đáp ứng nhu cầu thay đổi thường xuyên của xã hội, áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều hành thư viện và gìn giữ di sản văn học. Hơn 400 nhà quản lý và chuyên gia trong ngành thư viện đã chia sẻ quan điểm về xu hướng phát triển cũng như những kinh nghiệm chuyên môn trong ngành thư viện. Tại Đại hội lần này, chuyên gia quốc tế đã tham gia 6 cuộc tọa đàm với công chúng về nhiều chủ đề khác nhau như cách thức để khuyến khích lớp trẻ đọc nhiều, sử dụng công nghệ để giúp bạn đọc có nhu cầu đặc biệt và tương lai của ngành xuất bản. Phát biểu tại phiên khai mạc chính thức của Đại hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông của Xin-ga-po I-a-cốp I-bra-him (Yaacob Ibrahim) bày tỏ tin tưởng thư viện của ASEAN sẽ hợp tác để cùng nhau gìn giữ kho tàng văn hóa của mỗi quốc gia và của khu vực./.