Nhân rộng mô hình tổ chức Nghiệp đoàn nghề cá - “Ngôi nhà chung” của ngư dân Việt Nam
Từ mô hình thí điểm nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên…
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và ưu thế để phát triển kinh tế biển. Chiến lược biển Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển sẽ đóng góp khoảng 53%-55% GDP, 55%-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó ngành thủy sản là một bộ phận quan trọng. Những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể. Tổng sản lượng thủy hải sản tăng trên 4%/năm, tạo ra được nhiều sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu có giá trị kinh tế cao với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6,5 tỷ USD năm 2011 và 6,2 tỷ USD năm 2012. Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân ven biển và hải đảo. Lực lượng lao động ngành thủy sản của cả nước hiện có khoảng 5 triệu người, trong đó số lao động trên các tàu cá chiếm khoảng 15%. Với đặc điểm hoạt động đánh bắt xa bờ, ngày đêm bám biển trên ngư trường rộng lớn, lao động nghề cá có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, quyền, chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông. Tuy nhiên, chất lượng lao động nghề cá nhìn chung chưa cao, trình độ học vấn của ngư dân còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, môi trường lao động nhiều rủi ro (đặc biệt trong thời gian gần đây, khi tình hình Biển Đông đang trở nên phức tạp). Hoạt động tổ chức sản xuất khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản thời gian qua vẫn diễn ra chủ yếu theo hướng tự phát, thiếu tính bền vững. Từ thực tế trên, ngày 01-3-2013, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 375/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản với mục tiêu: “Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản phù hợp với từng nhóm nghề, từng ngư trường nhằm nâng cao thu nhập của ngư dân; đồng thời hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác hiệu quả và bền vững”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã có chủ trương phát triển mô hình các tổ, đội sản xuất trên biển nhằm phát triển một số hình thức hợp tác, tạo sự liên kết giữa các chủ tàu cá, nâng cao hiệu quả đánh bắt thủy sản xa bờ. Bên cạnh đó, ngày 17-11-2010, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã giao cho Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì và phối hợp với các địa phương triển khai thí điểm thực hiện Đề án Nghiệp đoàn nghề cá nhằm tập hợp ngư dân trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, nâng cao hiệu quả khai thác, gia tăng thời gian bám biển, hỗ trợ nhau, hạn chế rủi ro, cải thiện đời sống người dân vùng biển, góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và quyền chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị và khắc phục nhiều khó khăn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 15-9-2011, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thành lập Nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên tại xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn với 689 đoàn viên làm việc tại 120 tàu cá. Việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá ở An Hải đã thu hút được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng được sự mong đợi của người dân huyện đảo Lý Sơn. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Nghiệp đoàn An Hải ngày càng phát huy vai trò là tổ chức công đoàn cơ sở, có chức năng đoàn kết ngư dân tại các tàu cá ở địa phương, tạo được niềm tin và sự vững vàng cho ngư dân bám biển. Trong những chuyến đi đánh cá xa nhà dài ngày, các đoàn viên của Nghiệp đoàn xã An Hải luôn chia sẻ kinh nghiệm, đùm bọc, giúp đỡ nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn trên biển, được hỗ trợ chi phí nhiên liệu và hạn chế được nhiều rủi ro. Nhờ thế, ngư dân yên tâm bám biển làm ăn, nâng cao hiệu quả lao động và chất lượng đời sống.
… Đến những kết quả bước đầu đáng ghi nhận
Tiếp nối sự thành công của xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, các địa phương khác đã tích cực vận động để nhân rộng mô hình Nghiệp đoàn nghề cá. Tính đến nay, sau hơn 2 năm thí điểm, cả nước đã có 36 Nghiệp đoàn nghề cá được thành lập tại 12 tỉnh, thành phố là: Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Quảng Ninh, Kiên Giang, Phú Yên, Bến Tre, Quảng Bình, Quảng Nam, Sóc Trăng, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, với 5.980 đoàn viên làm việc tại 1.746 tàu cá hoạt động chủ yếu ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Nghiệp đoàn nghề cá có vai trò tập trung các đoàn viên là ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản. Đây thực sự là “ngôi nhà chung” của ngư dân Việt Nam. Tham gia vào các Nghiệp đoàn, ngư dân được sống trong sự đoàn kết, thân ái của những đoàn viên Công đoàn, trong mối quan hệ hài hòa, ổn định với chủ tàu; được hỗ trợ vốn, nhiên liệu, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần; được trang bị những kiến thức chuyên môn và pháp luật cần thiết để ứng phó với những rủi ro và tình huống pháp lý bất ngờ trong quá trình vươn khơi. Thành viên của các nghiệp đoàn luôn nhận được quan tâm, giúp đỡ của các đoàn viên cũng như tổ chức Công đoàn khi gặp trở ngại trên biển. Từ khi Nghiệp đoàn nghề cá An Hải thành lập đến nay, đã có 27 ngư dân và chủ tàu cá gặp tai nạn trên biển nhận được sự hỗ trợ của nhân dân cả nước thông qua Quỹ Tấm lòng vàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, với tổng số tiền hỗ trợ ước tính gần 8 tỷ đồng. Năm 2011, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa”. Chương trình đã lay động tấm lòng cả dân tộc và nhận được sự ủng hộ của đông đảo cán bộ, đoàn viên Công đoàn, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao. Nhân dân cả nước và lực lượng bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển... luôn sẵn sàng sát cánh bên bà con ngư dân ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa. Sau hơn 2 năm, chương trình đã tiếp nhận hơn 37,6 tỷ đồng, chi hỗ trợ hơn 20 tỷ đồng giúp 72 ngư dân các tỉnh thành miền Trung đóng mới, mua sắm ngư cụ; hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa gặp khó khăn, tai nạn, hỗ trợ thiết bị cho các nghiệp đoàn nghề cá, mua hàng trăm suất bảo hiểm thuyền viên và thân tàu cho ngư dân. Ví dụ, Nghiệp đoàn xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) được tặng tàu cá công suất 550 CV trị giá 3 tỷ đồng. 17,6 tỷ đồng còn lại đang được sử dụng để tiếp tục hỗ trợ ngư dân các tỉnh, thành phố trong cả nước. Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động, các Nghiệp đoàn nghề cá đã không ngừng mở rộng, hiệu quả khai thác thủy sản liên tục nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình mỗi đoàn viên Nghiệp đoàn ngày càng được cải thiện.
Như vậy, Nghiệp đoàn vừa là nơi gắn kết, tạo sức mạnh giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, vừa phát triển kinh tế biển, giữ gìn môi trường sinh thái, vừa góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng chính là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, mang ý nghĩa xã hội và chính trị sâu sắc, thực sự là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ngư dân. Những nguyên tắc cơ bản của Điều lệ Công đoàn được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù của mô hình nghiệp đoàn nghề cá. Dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của công đoàn cấp trên, các Nghiệp đoàn đã tổ chức những hoạt động chủ yếu là: tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cũng như pháp luật quốc tế khi đánh bắt, khai thác thủy sản; bồi dưỡng để từng bước nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn kỹ thuật của nghề cá cho ngư dân; đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và đời sống như chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức đi biển; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, tổ chức thăm hỏi giữa các đoàn viên khi ốm đau; giữ mối liên hệ thường xuyên với các tổ chức xã hội ở địa phương và với các nghiệp đoàn khác; xây dựng quy chế hoạt động của nghiệp đoàn; chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các đoàn viên…
Ngoài ra, nhiều nghiệp đoàn còn tổ chức các hoạt động an sinh xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ các đoàn viên ngư dân và chủ tàu, nổi bật là việc xây dựng những “mái ấm công đoàn”, tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn, ngư lưới cụ cho các đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng học bổng, học phẩm cho học sinh là con của đoàn viên nghèo, hiếu học, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người thân của ngư dân, tặng tủ thuốc cho các chủ tàu… Tuy mới thành lập, còn ít kinh nghiệm, nội dung hoạt động chưa thật phong phú, nhưng bước đầu Nghiệp đoàn nghề cá đã tạo được tinh thần phấn khởi và niềm tin cho các đoàn viên, tạo sức lan tỏa lớn, thu hút ngày càng nhiều ngư dân tham gia, góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của tổ chức Công đoàn.
Hướng tới sự phát triển bền vững của nghiệp đoàn nghề cá
Nghiệp đoàn nghề cá ra đời đã đáp ứng nguyện vọng và yêu cầu bức thiết của hoạt động đánh bắt thủy sản ở nước ta, ngư dân đã có một “ngôi nhà chung” để gắn bó, sẻ chia và được bảo vệ quyền lợi. Song, làm thế nào để duy trì và phát triển hoạt động bền vững của tổ chức Nghiệp đoàn nghề cá khi mà thực tế đang đặt ra không ít những thách thức như: các cơ chế, chính sách liên quan đến nghề cá chưa được triển khai đồng bộ và thật sự hiệu quả ở nhiều nơi; biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái, gây ra nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan như bão, lũ, nước biển dâng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thủy sản; nguồn thủy sản ngày một cạn kiệt; tình hình Biển Đông có những phức tạp, gây bất lợi cho ngư dân trong hành trình vươn khơi, bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia trên biển; sự thiếu hụt lao động nghề cá ngày càng tăng. Bên cạnh đó, do đặc thù những chuyến đi biển của ngư dân thường kéo dài nên việc vận động họ tham gia Nghiệp đoàn nghề cá cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, hướng tới việc đẩy mạnh phát triển mô hình Nghiệp đoàn nghề cá trên cả nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tổng Liên đoàn Lao động đã chỉ đạo Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Liên đoàn Lao động các tỉnh tích cực thực hiện các giải pháp và hành động cụ thể, thiết thực:
Một là, tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức, phương thức chỉ đạo hoạt động của các Nghiệp đoàn nghề cá; xây dựng và ban hành quy định chung về tổ chức; mở rộng phát triển đoàn viên và tích cực vận động thành lập thêm các nghiệp đoàn ở các địa bàn trọng điểm về thủy sản.
Hai là, nghiên cứu, đề xuất với Nhà nước về việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá; nghiên cứu các quy định về tạo nguồn thu cho các Nghiệp đoàn; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của chương trình “Tấm lưới nghĩa tình vì Hoàng Sa, Trường Sa” để hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân những phương tiện thông tin liên lạc, cứu hộ, cứu nạn, ngư, lưới cụ, nhiên liệu, hỗ trợ vốn sửa chữa, đóng tàu...
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thủy sản, đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ biển, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động khai thác thủy sản, trang bị kiến thức chuyên môn nghề cá cho ngư dân, tích cực tuyên truyền pháp luật và cung cấp kịp thời những thông tin cần thiết cho ngư dân như dự báo thời tiết, vấn đề an ninh trên biển, đặc điểm ngư trường…
Bốn là, tăng cường các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên các Nghiệp đoàn nghề cá như: xây dựng những căn nhà tình nghĩa, mái ấm công đoàn; trao tặng học bổng, học phẩm cho học sinh là con của đoàn viên nghèo, hiếu học; khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; dạy nghề cho vợ và con của các ngư dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, để ngư dân “thấm” và “cảm” được tình nghĩa và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn và giúp ngư dân vững tin trong mỗi lần vươn khơi, bám biển.
Năm là, thắt chặt mối quan hệ giữa Nghiệp đoàn nghề cá và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội, đẩy mạnh hoạt động liên kết chặt chẽ giữa các Nghiệp đoàn, vận động và tạo điều kiện để ngư dân cả nước tự nguyện thành lập Nghiệp đoàn nghề cá, tiến tới thành lập Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Sáu là, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về nghề cá, tham gia vào Nghiệp đoàn thế giới, tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của bạn bè khu vực và trên thế giới để thúc đẩy sự phát triển bền vững của Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam./.
Tăng cường công tác xây dựng Đảng - yếu tố quyết định xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại  (19/08/2013)
Chính giới Mỹ phản ứng trái chiều về chương trình nghe lén  (18/08/2013)
Trung Quốc củng cố quan hệ quốc phòng với Mỹ  (18/08/2013)
Thế giới tiếp tục quan ngại sâu sắc tình hình Ai Cập  (18/08/2013)
Công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ chính trị then chốt, trọng tâm, phải tiến hành thường xuyên, đồng bộ  (18/08/2013)
Xem xét đặc xá bảo đảm công khai, dân chủ, công bằng  (18/08/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên