Phát triển nông sản hàng hóa ở Hàm Yên
Là một huyện miền núi phía Bắc của tỉnh Tuyên Quang, Hàm Yên gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp những năm gần đây đã hình thành nhiều mô hình sản xuất hàng hóa tập trung hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.
Những triệu phú nông dân
Hàm Yên có diện tích đất tự nhiên lớn (trên 90 nghìn héc-ta) song chủ yếu là đất lâm nghiệp, diện tích trồng lúa rất ít (chỉ chiếm hơn 4%). Đặc thù này hạn chế việc canh tác lúa nước, người nông dân phải chuyển hướng sản xuất sang trồng cây công nghiệp, gắn với làm kinh tế rừng. Mặc dù nhận thức được điều đó, song lựa chọn giống cây trồng phù hợp và có hiệu quả lại không đơn giản, nhất là khi họ chưa được hướng dẫn, tập huấn. Đầu những năm 1990, nhiều gia đình ở Hàm Yên đầu tư vốn vào trồng sả khi phong trào trồng giống cây này phát triển mạnh ở Tuyên Quang. Sả được giá, thu hoạch đến đâu các chủ thương tiêu thụ hết đến đó, dựng lò chưng cất sả trong vòng nửa năm có hộ thu lãi 200 triệu đồng. Diện tích trồng do đó được mở rộng nhanh chóng trên đất rừng tự khai phá hoặc giao nhận của người dân. Tuy nhiên, giá sả rớt liên tục sau đó đã khiến nhiều gia đình tại Hàm Yên lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Trước thực trạng trên, huyện xác định nhiệm vụ cấp bách là phải định hướng cho người dân về cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đồng thời tạo điều kiện về vay vốn sản xuất. Từ việc tự nghiên cứu, đến thuê chuyên gia, trên cơ sở thực tiễn canh tác, một số giống cây trồng, vật nuôi, cũng như mô hình sản xuất đã dần định hình, bước đầu mang lại hiệu quả, như mô hình trang trại trồng keo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy trong khu vực và trồng cam sành.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, công nghệ cũng như vận dụng các mô hình sản xuất mới khiến Hàm Yên xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú nông dân. Gia đình bác Hà Quang Long là một điển hình. Từ số vốn vay ít ỏi ban đầu, bác Long xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, đa phần diện tích đất được khai thác làm kinh tế rừng, kết hợp nuôi trồng thủy sản, lâm sản, với tổng số 106 ha từ nguồn đất xã giao cho phép sản xuất lâu dài, đất khai phá hợp pháp của gia đình và một phần diện tích nhận giao khoán của dự án 327. Chỉ riêng 2 ha mặt nước nuôi, cung cấp giống thủy sản (cá trắm, chim, mè, rô phi...) và việc chăn thả thú rừng (nhím, hươu, công, trĩ...) đã có doanh thu một năm gần 200 triệu đồng. Một trăm héc-ta rừng keo sau chu kỳ sinh trưởng 7 - 8 năm đến lúc thu hoạch, ước tính mang lại cho gia đình khoảng 3 tỷ đồng, đó là chưa kể nguồn thu khác từ 2,5 ha cam sành, 2 ha chè của trang trại.
Những triệu phú nông dân như bác Long ở Hàm Yên không ít. Đầu năm 2007, huyện có tổng số 20 trang trại, trong đó 10 trang trại chuyên canh cam sành, 3 trang trại rừng kết hợp trồng cam, 7 trang trại tổng hợp. Bình quân mỗi trang trại thu nhập hơn 177 triệu đồng/năm. Nổi bật có những trang trại thu nhập rất cao, tại xã Phù Lưu: Gia đình bác Hoàng Văn Tư (tổng thu 700 triệu đồng/năm), Hà Văn Minh (500 triệu đồng); xã Yên Lâm: Trần Ngọc Huynh (500 triệu đồng)... Gắn bó với rừng, không chấp nhận cuộc sống khó khăn, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, những người nông dân ở Hàm Yên chủ động tự học hỏi thêm kinh nghiệm ở các địa phương khác trên cả nước để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn sản xuất của mình, tìm ra những giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, những cách làm hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. ở một vùng quê còn nhiều khó khăn, những triệu phú nông dân này chính là điểm sáng về lao động, trở thành những tấm gương vượt khó, làm giàu tiên phong, góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất của địa phương phát triển.
Nhất keo, nhì cam, tam trâu, tứ vịt
Phải suy nghĩ trên mảnh đất của chính mình, tìm những cách làm từ chính mình; đồng thời, bám sát thị trường, đó chính là lối ra, là con đường phát triển phù hợp và hiệu quả. ở Hàm Yên, từng bước đi theo hướng đó. |
Kinh tế trang trại ở Hàm Yên được hình thành trên cơ sở kinh tế hộ gia đình, chủ yếu khai thác tiềm năng đất đai và lao động tại chỗ, có kết hợp thuê lao động theo thời vụ, tập trung phát triển những đặc sản thế mạnh của địa phương, như người dân ở đây đúc rút thành câu châm ngôn: "Nhất keo, nhì cam, tam trâu, tứ vịt".
Quyết định số 49, ngày 5-9-2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2006 - 2010. Theo đó, Tuyên Quang hình thành 3 vùng kinh tế phân theo khu vực địa lý, trong đó, Hàm Yên thuộc vùng kinh tế phía Bắc của tỉnh, được quy hoạch phát triển chủ yếu trang trại trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp gắn với chăn nuôi bò thịt, trâu kiêm dụng...
Hàm Yên đầu tư vào các vùng trồng rừng nguyên liệu nhằm khai thác phục vụ công nghiệp chế biến, đáp ứng nhu cầu của Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa, các nhà máy sản xuất đồ gỗ theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh. Hằng năm, các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện trồng mới trên 3.000 ha rừng, khai thác 70 nghìn m3 gỗ nguyên liệu, giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 92 tỉ đồng. Quy hoạch phân ba loại rừng: rừng sản xuất, phòng hộ, đặc dụng; ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất giống bảo vệ vốn rừng hiện có, thực hiện giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh, kết hợp trồng bổ sung để làm giàu, khai thác bền vững. Phát triển trồng rừng kinh tế có chất lượng và hiệu quả cao gồm một số loài cây chủ yếu: keo, mỡ, lát, luồng..., trong đó lấy trọng điểm là keo. Keo được trồng là keo tai tượng, keo lai, do người dân tự khai thác hoặc kết hợp với chính quyền địa phương theo dự án 327, mang lại lợi nhuận lớn, ước tính 10 ha sau 7 - 8 năm trồng đạt tổng thu 300 - 400 triệu đồng.
Cùng với keo, cam sành là đặc sản nổi tiếng của huyện, đã được xây dựng thành một thương hiệu hàng hóa chất lượng. Tổng diện tích trồng cam đạt gần 3.000 nghìn héc-ta, sản lượng 20 - 22 nghìn tấn quả, giá trị thu nhập khoảng 50 tỉ đồng. Huyện thành lập Hội Cam sành Hàm Yên để giúp đỡ hội viên và nông dân tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh việc tham gia các hội chợ nông sản, hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm, tạo lập thị trường; chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, chăm sóc hiệu quả để nâng cao chất lượng cam. Ban Quản lý xây dựng thương hiệu cam sành Hàm Yên cũng được thành lập, do một đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện trực tiếp điều hành, quảng bá, tiếp thị, xây dựng thương hiệu với cách làm chuyên nghiệp: Thành lập website riêng, tổ chức hội nghị khách hàng, quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng... Nhiều gia đình trồng cam mỗi năm có thu nhập trên 150 triệu đồng, cam không còn là cây xóa đói giảm nghèo mà đã thực sự trở thành nguồn tài sản để làm giàu của người nông dân Hàm Yên.
Đi giữa vùng cam đúng độ thu hoạch, màu vàng cam trải dài bạt ngàn, hương cam quện sâu rồi lan tỏa khắp không gian, cảm nhận rõ niềm vui của người nông dân Hàm Yên đang nở rộ, đón một mùa bội thu mới. Niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội khi thương hiệu Cam sành Hàm Yên chính thức được đón nhận vào ngày 22-12-2007, khởi đầu cho một mặt hàng đầy tiềm năng, triển vọng trong tương lai.
Tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng là hướng chuyển dịch quan trọng, tập trung phát triển mạnh đàn đại gia súc và gia cầm đặc sản của địa phương. Trâu Tuyên Quang nổi tiếng ít ai biết có nguồn gốc từ giống trâu Ngố, vốn là thế mạnh của Hàm Yên. Cùng với việc bình tuyển, chọn lọc, nhân thuần giống trâu Ngố, huyện đang đẩy mạnh quy hoạch các vùng chăn nuôi đại gia súc quy mô, đồng thời phát triển chăn nuôi vịt Minh Hương (giống vịt được chăn thả tại xã Minh Hương, do đặc thù vùng tiểu khí hậu tại đây nên cho chất lượng thịt rất ngon). "Nhất keo, nhì cam, tam trâu, tứ vịt" trở thành "bộ tứ quý" của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hàm Yên.
Đẩy nhanh tốc độ
Bên cạnh những kết quả gặt hái được, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện vẫn còn nhiều hạn chế. Quy mô và tốc độ chuyển dịch hạn chế, việc đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất chậm. Các trang trại phát triển mang tính tự phát, thiếu trình độ quản lý, vốn đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Phân phối nông sản hiệu quả thấp khi chưa ký được các hợp đồng tiêu thụ lớn; công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm mặc dù được chú trọng song làm không thường xuyên. Khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản chưa thực sự khoa học và theo quy trình thống nhất...
Những hạn chế trên kìm hãm tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Hàm Yên. Để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của sản xuất nông - lâm nghiệp, huyện tập trung:
Thứ nhất, quy hoạch khoa học về phân vùng chăn nuôi, chuyên canh lâm sản, cây ăn quả, xác định rõ cây trồng, vật nuôi thế mạnh làm trọng điểm phát triển, tránh sự dàn trải. Chú trọng quy hoạch vùng sản xuất gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. ứng dụng khoa học - công nghệ từ khâu tạo giống, chăm sóc, bảo vệ và bảo quản, chế biến sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm chất lượng, năng suất cao. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học cơ sở để tiếp nhận và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tạo lập thị trường và đầu ra ổn định cho nông, lâm sản, tập trung quảng bá một số mặt hàng chủ lực: Cam sành Hàm Yên, vịt, gạo thơm Minh Hương... Hỗ trợ và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến nông, lâm sản. Công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu phải được thực hiện trên nền tảng của việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại để các chủ trang trại được hưởng các ưu đãi và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, mở các lớp tập huấn, hỗ trợ nông dân về khoa học, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ... Khuyến khích nông dân, người làm nghề rừng tích tụ ruộng, đất hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ khó khăn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu.
Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên nền tảng sản xuất bền vững là tiền đề then chốt giúp Hàm Yên phát triển, trở thành vùng sản xuất hàng hóa nông, lâm sản quy mô của tỉnh Tuyên Quang.
Các hoạt động tổ chức ngày quốc tế Pháp ngữ tại Pháp và Ca-na-đa  (24/03/2008)
Các hoạt động tổ chức ngày quốc tế Pháp ngữ tại Pháp và Ca-na-đa  (24/03/2008)
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan không ngừng phát triển  (24/03/2008)
Quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan không ngừng phát triển  (24/03/2008)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên