Ngày quốc tế Pháp ngữ 20-3, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1990 và hiện nay đã trở thành một hoạt động hằng năm, nhằm tạo điều kiện cho hơn 200 triệu người nói tiếng Pháp thường xuyên và hơn 800 triệu người sử dụng tiến Pháp ở 63 quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện giao lưu văn hóa và xích lại gần nhau hơn.

Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp, ngày 20-3, Tổ chức Pháp ngữ quốc tế (OIF) đã tổ chức long trọng lễ chào mừng ngày hội tiếng Pháp tại Ký túc xá sinh viên quốc tế tại thủ đô Pa-ri, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký OIF Áp-đu Đi-úp (Abdou Diouf). Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy), Quốc vụ khanh phụ trách hợp tác quốc tế và Pháp ngữ của Pháp Giăng Ma-ri Bốc-ken (Jean-Marie Bockel), và đông đảo đại diện giới ngoại giao, nghiên cứu và sinh viên đã tới dự buổi lễ.

Trong diễn văn chào mừng, Tổng Thư ký OIF Áp-đu Đi-úp nhấn mạnh từ khi ra đời đến nay, phong trào Pháp ngữ đã có nhiều đóng góp đặc biệt nhằm tăng cường sự đa dạng văn hóa, khuyến khích hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học, giáo dục, tạo môi trường thuận lợi để phổ biến tiếng Pháp trên mạng in-tơ-nét, thúc đẩy các giá trị toàn cầu trong không gian các nước sử dụng Pháp ngữ. OIF đã đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy UNESCO thông qua Công ước quốc tế bảo vệ và đa dạng văn hóa, trong đó hơn một nửa quốc gia tham gia là thành viên của tổ chức. Hiện nay, OIF cùng với các tổ chức quốc khác như, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Liên minh châu Phi tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng hòa bình,ngăn chặn xung đột và mở rộng đối thoại giữa các nền văn minh trên thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di đánh giá cao những hoạt động không mệt mỏi và sáng kiến của Tổng Thư ký OIF Áp-đu Đi-úp cho sự phát triển của phong rào Pháp ngữ, trong thời đại toàn cầu hóa. Theo ông, toàn cầu hóa không làm cho OIF trở nên lỗi thời, mà ngược lại, giúp tổ chức này ngày càng được củng cố và phát triển. Tổng thống kêu gọi OIF tiếp tục phát huy vai trò trong việc xúc tiến mở rộng không gian sử dụng tiếng Pháp với tư cách là một ngôn ngữ quốc tế sang nhiều nước có đông người nói tiếng Pháp như Ít-xa-ra-en (quốc gia có tới 700.000 người biết tiếng Pháp).

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ, đã diễn ra hội thảo của một số nhà văn và sinh viên quốc tế với chủ đề “Tại sao tôi chọn học tập bằng tiếng Pháp. Tại ký túc xá sinh viên quốc tế trước đó 2 ngày, (trong ngày 18-3) cũng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa.

Tại Ca-na-đa, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ, ngày 19-3, Thủ tướng Chính phủ liên bang Xtê-phen Ha-pơ (Stephen Harper) đã gửi thư cho những người Ca-na-đa nói tiếng Pháp nhằm khẳng định vai trò của nước này trong việc khuyến khích mở rộng sử dụng tiếng Pháp không chỉ ở Ca-na-đa mà cả ở nhiều nước khác trên thế giới.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Ca-na-đa đã dẫn lời ông Ha-pơ, cho biết, cùng với việc chuẩn bị kỷ niệm 400 năm ngày thành lập thành phố nói tiếng Pháp Kê-bếch (Quebec), Ca-na-đa còn chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh Phrăng-cô-phôn lần thứ 12 cũng tại thành phố này vào cuối tháng 10 tới. Ca-na-đa giữ vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy đa dạng văn hóa và ngôn ngữ trong khối Pháp ngữ gồm 63 thành viên, cũng như việc thúc đẩy dân chủ, hòa bình và cai quản theo luật pháp. Chỉ tính riêng tỉnh Kê-bếch trong đó có thành phố cổ Kê-bếch, hiện có tới 9 triệu người trong số gần 33 triệu dân Ca-na-đa sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ chính trong giao tiếp, sinh hoạt hằng ngày, trong thương mại và tại tất cả công sở, trường học...