Ngày 18-7, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và bàn nhiệm vụ, phương hướng hoạt động 6 tháng cuối năm 2013.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và lãnh đạo của 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Tại Hội nghị, sau khi nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, các hoạt động chính của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ trong 6 tháng qua và ý kiến của đại diện các bộ, ngành, các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Thường trực Ban Chỉ đạo và những ý kiến của các bộ, ngành và địa phương.

 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, 6 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của 13 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt những kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao so với cả nước, đời sống của người dân trong vùng được chăm lo khá tốt về mọi mặt, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

 

Tình hình chính trị an ninh an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị được tăng cường. Ban Chỉ đạo đã chủ động phối hợp tốt với các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều chương trình, hoạt động có hiệu quả.

 

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2013 của Ban Chỉ đạo và các địa phương là tập trung chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành nhằm đạt hiệu quả cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả năm 2013.

 

Các ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa, giải quyết nợ xấu trên địa bàn; tăng cường quản lý thị trường, tích cực phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; tăng cường quản lý thu chi ngân sách, chủ động điều tiết các nguồn thu chi ngân sách.

 

Các ngành, địa phương cần có giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong vùng mang tính chất bền vững, cần xem xét lại việc quy hoạch sản xuất, cơ cấu lại mùa vụ, cơ cấu lại sản phẩm dựa vào thế mạnh của từng địa phương.

 

Các ngành, địa phương phải gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm người dân sản xuất có hiệu quả. Các địa phương cần tìm mô hình tốt để thực hiện làm thí điểm và nhân rộng.

 

Nhà nước cần có cơ chế chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, đưa ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, củng cố các hiệp hội, giúp người dân đào tạo và ứng dụng tốt khoa học - công nghệ vào sản xuất…

 

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong 6 tháng đầu năm, 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức tăng trưởng khá, đạt bình quân 9%, cao gần gấp hai lần so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước; trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao so với cùng kỳ như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tài chính tín dụng.

 

Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long là việc tiêu thụ lúa hàng hóa, thủy sản và cây ăn quả.

 

Các địa phương, các bộ, ngành đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ hữu hiệu, giúp người sản xuất có lãi, ổn định cuộc sống./.