Việt Nam sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình
TCCSĐT - Trong thời gian từ ngày 26 đến ngày 29-6, Đoàn đại biểu cán bộ liên ngành Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Trưởng Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng về tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, dẫn đầu, đã thăm Cơ quan gìn giữ hòa bình và một số cơ quan chức năng của Liên hợp quốc tại trụ sở chính của tổ chức này ở New York (Mỹ) chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Phát biểu trong buổi tiếp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, ông Edmon Mulet, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách công tác gìn giữ hòa bình, hoan nghênh việc Việt Nam cùng chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Ông cho biết gìn giữ hòa bình và ổn định trên Trái đất là mục tiêu tối cao và xuyên suốt đã được ghi trong Hiến chương của Liên hợp quốc và người thực hiện mục tiêu này không ai khác ngoài 193 quốc gia thành viên của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc E. Mulet đã giới thiệu chi tiết về tổ chức, bộ máy và hoạt động của Cơ quan phụ trách công tác gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cũng như một số phái bộ gìn giữ hòa bình đang có mặt tại nhiều quốc gia, nhằm ngăn ngừa xung đột, cách ly các bên tham chiến hay tái thiết những nơi từng xảy ra xung đột...
Ông bày tỏ tin tưởng rằng một dân tộc yêu chuộng hòa bình, từng chịu đựng nhiều hy sinh, gian khổ, đấu tranh kiên cường, dũng cảm vì hòa bình như Việt Nam, chắc chắn sẽ mang đến Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc những kinh nghiệm quý báu về bảo vệ nền hòa bình chung cho nhân loại.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chân thành cảm ơn những đánh giá tích cực của Liên hợp quốc về vai trò của nước ta trong việc gìn giữ hòa bình, cũng như việc Liên hợp quốc đặt trọn niềm tin vào Việt Nam trong sứ mệnh cao cả này.
Thượng tướng nhấn mạnh đây là vinh dự và trách nhiệm của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc và khẳng định là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ làm tốt công tác chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, kể cả các thủ tục pháp lý, để sớm cử binh sỹ tham gia các đơn vị quân y, công binh và sỹ quan tham mưu thuộc Lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trước khi tới New York, Đoàn cán bộ liên ngành Việt Nam đã đi khảo sát hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, tìm hiểu những kinh nghiệm thực tế của các đơn vị quân đến từ nhiều quốc gia đang thực thi sứ mệnh gìn giữ hòa bình và tái thiết ở Nam Sudan.
Ông Lê Hoài Trung, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã tham gia tất cả các hoạt động của Đoàn.
* Trong cùng một diễn biến liên quan, Đại hội đồng Liên hợp quốc mới đây đã thông qua bản dự trù ngân sách trị giá 7,5 tỷ USD cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong năm tài chính mới, bắt đầu từ tháng 7-2013.
Khoản ngân sách nói trên sẽ được dùng để chi trả cho tất cả các hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình thuộc Liên hợp quốc, đang có mặt tại 14 địa điểm trên thế giới, với sứ mệnh ngăn chặn xung đột, giữ gìn hòa bình, trật tự an ninh, bảo vệ dân thường và tái thiết sau xung đột,… Như vậy, trong tài khóa sắp tới, khoản chi cho hoạt động này của Liên hợp quốc tăng 200 triệu USD so với tài khóa trước đó. Nhật Bản hiện là quốc gia đóng góp tài chính nhiều nhất cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, chiếm 11%, tiếp sau là Mỹ.
Ngân sách cho hoạt động gìn giữ hòa bình kể từ sau Chiến tranh lạnh đã đột ngột tăng lên. Trong những thập niên 90 của thế kỷ trước, chi phí hằng năm cho hoạt động này đã tăng lên mức 3,6 tỷ USD, chủ yếu cho các hoạt động gìn giữ hòa bình tại Nam Tư cũ và Xô-ma-li. Vài năm gần đây, tổng chi phí cho hoạt động này của Liên hợp quốc trung bình là 5,3 tỷ USD.
Kể từ khi bắt đầu triển khai hoạt động gìn giữ hòa bình vào năm 1948, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã phát triển và trở thành một trong những công cụ chính được cộng đồng quốc tế huy động để giải quyết các cuộc khủng hoảng đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế. Năm 1988, lực lượng “mũ nồi xanh” này đã được vinh dự nhận Giải Nobel Hòa bình. Hiện nay, 116 quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã đóng góp nhân viên cảnh sát và quân đội cho 15 phái bộ hoạt động gìn giữ hòa bình trên toàn thế giới. Con số này phản ánh niềm tin của cộng đồng quốc tế vào khả năng của các cơ quan thuộc Liên hợp quốc trong việc thực thi các hoạt động khôi phục và duy trì hòa bình và an ninh cho người dân trên toàn thế giới./.
Hội nghị tập huấn toàn quốc về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức  (30/06/2013)
Tàu Hải quân Việt Nam kết thúc chuyến thăm Trung Quốc  (30/06/2013)
Báo Đảng trong công tác tuyên truyền về nông nghiệp, nông dân, nông thôn  (30/06/2013)
Chung tay vì sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo*  (30/06/2013)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay