Ngày 30-6, Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị tập huấn toàn quốc về xác định vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức để bảo đảm thống nhất trong quá trình xây dựng vị trí việc làm đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, pháp luật đã quy định xác định vị trí việc làm là một nhiệm vụ bắt buộc để thực hiện đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, góp phần xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, năng động nhưng vẫn bảo đảm tính ổn định. Nội dung quan trọng của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức là chuyển từ chế độ chức nghiệp sang kết hợp giữa chế độ chức nghiệp với chế độ việc làm, nhằm đổi mới cơ chế quản lý công chức, viên chức trong điều kiện hiện nay, đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Trên cơ sở xác định vị trí việc làm, sẽ có căn cứ và cơ sở để đổi mới các nội dung quản lý công chức, viên chức như: biên chế, tuyển dụng, nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và thực hiện cải cách chế độ tiền lương; xóa bỏ hoàn toàn cơ chế “xin - cho”, tình trạng thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, chưa phân biệt được người làm tốt với người làm chưa tốt trong đánh giá công chức, viên chức.

Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn chức danh của công chức, xây dựng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức, vấn đề đặt ra là việc xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được tiến hành theo một phương pháp khoa học, bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với thực tiễn. Để đáp ứng các yêu cầu này, tại Hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu về các nghị định và thông tư hướng dẫn xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, những vấn đề cơ bản và phương pháp xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị như phân loại vị trí việc làm, nguyên tắc, căn cứ, các phương pháp xác định vị trí việc làm.

Tám bước xác định vị trí việc làm bao gồm: thống kê công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phân nhóm công việc; xác định các yếu tố ảnh hưởng đến vị trí việc làm; thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ công chức, viên chức; xác định danh mục và phân loại vị trí việc làm cần có; xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực của từng vị trí việc làm, xác định chức danh ngạch (công chức), chức danh nghề nghiệp (viên chức) và chức danh quản lý tương ứng với danh mục vị trí việc làm đã được Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phổ biến tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã cùng trao đổi về những nội dung chính của phương pháp xác định vị trí việc làm. Nhiều đại biểu nhìn nhận đây là vấn đề mới và khó, điều quan trọng là phải thống nhất được về mặt nhận thức, tư duy và phương pháp để từ đó thống nhất về hành động, cùng nhau thực hiện với quyết tâm chính trị cao.

Đi tiên phong trong xác định vị trí việc làm là Bộ Nội vụ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước. Hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng danh mục 162 vị trí việc làm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã xây dựng được danh mục 240 vị trí việc làm trong toàn hệ thống./.