“Bác Hồ với tầng lớp trí thức trẻ trong phong trào giải phóng dân tộc” là chủ để của buổi tọa đàm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức tại Hà Nội ngày 19-5. Đây là một trong những hoạt động thiết thực của Bảo tàng kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2013).

Buổi tọa đàm cũng là hoạt động sinh hoạt khoa học thường niên do Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức thường xuyên để duy trì một sân chơi văn hóa cho thế hệ trẻ, nhất là sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Sân chơi này giúp các em tìm hiểu, khám phá tri thức về lịch sử, văn hóa, từ đó tăng thêm tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Tại cuộc tọa đàm đã cung cấp cho các bạn trẻ nhiều thông tin bổ ích về tư tưởng của Bác Hồ về vai trò của tầng lớp trí thức trẻ Việt Nam trong phong trào giải phóng dân tộc, xây dựng và giữ vững chính quyền cách mạng ngay từ những ngày đầu thành lập.. Đồng thời đi sâu về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và trọng dụng những người trí thức cách mạng, cũng như mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam.

Ngay sau khi xác định con đường cứu nước đúng đắn, người thanh niên cộng sản Nguyễn Ái Quốc khi đó đã tiến hành tập hợp lực lượng để thực hiện. Lực lượng mà người hướng tới chính là thanh niên, đặc biệt là thanh niên trí thức. Tại Quảng Châu (Trung Quốc), gần biên giới nước ta, Người đã thành lập một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng cộng sản mang tên Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên, trong đó tập hợp một lực lượng trí thức trẻ tuổi để cùng với Người đưa chủ nghĩ Mác-Lênin về Việt Nam, từ đó tổ chức một Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc ở trong nước.

Nguyễn Ái Quốc đã thu hút, giác ngộ được nhiều thanh niên trí thức ưu tú, đào tạo họ và giao cho họ đảm nhiệm các chức vụ, công việc cần thiết trong tổ chức. Nững chàng trai ưu tú lúc đó mới ngoài 20 tuổi như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Lê Duẩn...sau đó đã trở thành những hạt nhân nòng cốt của cách mạng Việt Nam. Họ đã góp phần lãnh đạo cách mạng, vượt qua nhiều những thử thách, giành thắng lợi trong cách mạng tháng Tám năm 1945, hình thành nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào ngày 2-9-1945…

Nước Việt Nam ra đời, chính quyền non trẻ đã được hình thành trong sự bao vây, phong tỏa với nhiều âm mưu lật đổ của các thế lực thù địch. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó thu hút một đội ngũ trí thức trẻ tuổi từ Pháp về cùng góp sức với Chính phủ xây dựng đất nước. Trong số đó có những nhân vật nổi tiếng như Phạm Quang Lễ (Trần Đại Nghĩa), Trần Hữu Tước, Võ Quí Huân, Võ Đình Quỳnh... bên cạnh một đội đội ngũ trí thức trong nước như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố…

Chủ tịch Hồ Chí Minh với vai trò lãnh đạo luôn luôn trọng dụng tầng lớp trí thức ưu tú của dân tộc, tạo điều kiện cho họ được cống hiến, được thể hiện đầy đủ nhất tài năng, vai trò và trách nhiệm của mình trong sự nghiệp cách mạng chung. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta luôn học tập, neo theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn quan tâm, tạo điều kiện cho giới trẻ được học tập, lao động, sáng tạo. Hàng triệu thanh niên trí thức ưu tú cũng không quản ngại khó khăn, vất vả đã xung phong đến tuyến đấu Tổ quốc, những vùng khó khăn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa để cống hiến sức trẻ, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.../.