TCCSĐT - 161 đầu sách với hơn 36 triệu bản cung cấp cho các cơ sở xã, phường, thị trấn là thông tin được Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn Nguyễn Thế Kỷ cho biết tại Hội nghị Sơ kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn năm 2012 do Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật phối hợp tổ chức ngày 15-5 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có 200 đại biểu, đại diện cho các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành ủy; các nhà xuất bản, công ty in, phát hành; các nhà khoa học, cộng tác viên…

 
 Quang cảnh Hội nghị

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã phối hợp triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở. Chủ trương triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhận được sự đồng tình, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, từ năm 2009 đến nay, Đề án bước đầu đã có tác động tích cực, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, kỹ năng trong công tác chuyên môn, kiến thức lý luận chính trị, hiểu biết về pháp luật, văn hóa - xã hội, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đời sống,…

 

Trình bày Báo cáo sơ kết thực hiện Đề án năm 2012 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, đồng chí Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Chỉ đạo Đề án cho biết: Riêng năm 2012, Đề án đã tổ chức xuất bản 86 tên sách và 1 DVD-ROM Sách xã, phường, thị trấn năm 2012 với 2,25 triệu bản in, trang bị cho 11.138 xã, phường, thị trấn. Sách trong Đề án được biên soạn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của cơ sở; nội dung sách ngắn gọn, súc tích, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng; không đi sâu vào lý luận, hàn lâm mà tăng cường các ví dụ thực tiễn cụ thể; hình thức biên soạn chủ yếu là sách cẩm nang, hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ, sách hỏi đáp. Tính đến ngày 14-5-2013, Hội đồng Chỉ đạo Đề án đã nhận được 46/63 báo cáo của các tỉnh, thành (chiếm 73%) về sơ kết thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn năm 2012.

 

Sách của đề án là nguồn thông tin chính thống, bảo đảm khách quan, khoa học, đã cập nhật những thông tin mới nhất về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sách được phân loại theo từng mảng đề tài phù hợp với từng đối tượng, từng nhiệm vụ cụ thể ở cơ sở; được biên soạn ngắn gọn, văn phong phổ thông dễ đọc, dễ hiểu, dễ tra cứu.

 
 
 161 đầu sách với hơn 36 triệu bản cung cấp cho các cơ sở xã, phường, thị trấn 

Đề tài sách của Đề án cơ bản đã bám sát yêu cầu của cơ sở, nội dung tương đối phong phú, thiết thực, hình thức trình bày đẹp. Những đầu sách phục vụ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tài liệu phục vụ học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; những đầu sách về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở; về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương… đã thiết thực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

 

Tại Hội nghị, hầu hết các báo cáo đều đánh giá, khẳng định hiệu quả thiết thực của Đề án và đề nghị Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện Đề án năm 2013 và các năm tiếp theo. Báo cáo của Tỉnh ủy Ninh Thuận đánh giá: “Sách của Đề án là một trong những thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, nhất là ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, làm cơ sở giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc vướng mắc ở địa phương, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở”.

 

Từ thực tiễn triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn tại 63 tỉnh thành trong cả nước trong những năm qua, Hội đồng Chỉ đạo Đề án đã rút ra một số kinh nghiệm:

 

Một là, tổ chức thực hiện Đề án đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương là yếu tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định bảo đảm việc thực hiện Đề án được thông suốt và hiệu quả.

 

Hai là, phải gắn chặt việc quản lý, khai thác, sử dụng sách của Đề án với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương.

 

Ba là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu sách đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là hệ thống truyền thanh cơ sở, qua các cuộc họp chi bộ, chính quyền, đoàn thể, cũng như tại phòng đọc sách; tạo điều kiện thuận lợi để người dân đến khai thác, tìm đọc, nghiên cứu.

 

Bốn là, để công tác quản lý, khai thác, sử dụng sách có hiệu quả phải làm tốt công tác xây dựng nội quy, quy chế và phân công cán bộ quản lý sách, bố trí phòng đọc hợp lý, coi trọng đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị. Cán bộ quản lý sách được phân công rõ trách nhiệm, có hiểu biết, được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ… Đồng thời, sách của Đề án cần được tổ chức luân chuyển đến tủ sách thư viện các thôn, bản để nhân dân địa phương có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn thông tin từ sách của Đề án, tìm hiểu học tập và áp dụng thực tiễn.

 

Năm là, chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, bám sát cơ sở để lựa chọn đề tài phù hợp, nắm bắt nhu cầu đọc, đánh giá đúng tình hình quản lý, sử dụng sách của Đề án; tổ chức sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện Đề án hằng năm. Kịp thời phát hiện những mô hình tốt để phổ biến rộng rãi. Động viên, khen  thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án.

 

Thời gian tới, Hội đồng Chỉ đạo Đề án tiếp tục tham mưu và tổ chức thực hiện tốt chủ trương của Ban Bí thư về triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn theo hướng nâng cao cả về số lượng và chất lượng sách nhằm thiết thực góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị cấp xã, phổ biến kiến thức về chính trị, pháp luật, kinh tế, khoa học, văn hóa, y tế cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

 
 Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Chỉ đạo Đề án trang bị sách
cho cơ sở xã, phường, thị trấn Nguyễn Thế Kỷ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Chỉ đạo Đề án, đồng chí Nguyễn Thế Kỷ biểu dương những nỗ lực và kết quả bước đầu đạt được khi triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn từ Trung ương tới cơ sở trong những năm qua.

 

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định việc thực hiện Đề án thời gian qua rất tích cực, thận trọng, đây là một chủ trương đúng, trúng của Đảng và Nhà nước ta, nhằm cung cấp những cuốn sách thiết yếu về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội; công tác quản lý trên địa bàn cấp xã; phổ biến kiến thức chính trị, kinh  tế, pháp luật, văn hóa, xã hội; chăm sóc sức khỏe; hướng dẫn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở cơ sở… góp phần nâng cao kiến thức, trình độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở xã, phường, thị trấn.

 

Sau Hội nghị, Hội đồng Chỉ đạo Đề án sẽ tiếp thu, tổng hợp và báo cáo lên Ban Bí thư xin ý kiến chỉ đạo và tiếp tục triển khai Đề án này./.

 Trong 86 tên sách xuất bản năm 2012, có:

 

- 7 sách đề tài về Hồ Chí Minh và tư tưởng Hồ Chí Minh;

 

- 13 sách đề tài cung cấp những kiến thức, kỹ năng về công tác xây dựng Đảng ở cơ sở;

 

- 11 sách đề tài cung cấp kiến thức, kỹ năng công tác Mặt trận, đoàn thể; kỹ năng lãnh đạo, điều hành của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

 

- 17 sách đề tài phổ biến các chính sách, pháp luật, về chủ quyền biển đảo, về chính sách xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, quy chế hoạt động của thôn, tổ dân phố, về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã; phòng, chống bạo lực gia đình;…

 

- 16 sách đề tài về phổ biến kỹ thuật nông nghiệp cung cấp cho nhà nông những kiến thức thiết yếu về chăn nuôi, trồng trọt, kinh nghiệm làm giàu, những tấm gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi;…

 

- 7 sách đề tài sách cung cấp những kiến thức về chăm sóc sức khỏe gia đình; 10 sách đề tài kiến thức phổ thông dành cho cơ sở và 5 sách đề tài dành cho đoàn viên, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.

 

Sách được thống nhất trình bày theo một hình thức nhất định, bìa ngoài có lôgô và ghi rõ: Sách dành cho cơ sở xã, phường, thị trấn.