Từ ngày 14 đến ngày 16-5, Hội nghị Thường niên lần thứ 18 Diễn đàn Điện tử thế giới (WEF) được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự các Hiệp hội ngành hàng đến từ các nước có nền công nghiệp điện - điện tử phát triển nhất trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel...

Phát biểu tại buổi khai mạc Diễn đàn, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Việt Nam là nước đi sau nhiều nước trên thế giới trong việc phát triển ngành công nghiệp điện tử nên việc WEF 18 được tổ chức tại Việt Nam là cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp điện tử Việt Nam nắm bắt thông tin, tăng cường kết nối và mở rộng hợp tác với doanh nghiệp điện tử hàng đầu thế giới. Bên cạnh đó, sự kiện được tổ chức tại Việt Nam cũng giúp Việt Nam học hỏi và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển ngành điện tử, khoa học - công nghệ cao của Việt Nam.

 

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2007, Việt Nam đã thu hút được nhiều dự án lớn nước ngoài với hàng chục tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực điện tử như: Dự án của Intel xây dựng nhà máy đóng gói và đo kiểm mạch IC tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Foxcon (Đài Loan) đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất phụ tùng kinh kiện điện tử tại Bắc Ninh, Bắc Giang; hãng Compal (Đài Loan) đầu tư xây nhà máy sản xuất máy tính tại Vĩnh Phúc và hãng Samsung đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động với công suất 6 triệu sản phẩm/tháng và nhà máy sản xuất phụ kiện tại Thái Nguyên.

 

Ngành điện tử đã có bước phát triển mạnh mẽ và đóng góp lớn cho nền kinh tế. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử và điện thoại di động đạt khoảng 20 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu của chung của Việt Nam , cao hơn rất nhiều so với kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, dệt may. Theo đó, ngành điện tử phấn đấu nâng kim ngạch xuất khẩu linh kiện điện tử và điện thoại di động từ mức 20 tỷ USD/năm như hiện nay lên 40 tỷ USD vào năm 2017, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Vì vậy, Việt Nam mong muốn hợp tác với các nước là đối tác chiến lược, các nước phát triển về giáo dục và khoa học - công nghệ, có quan hệ hữu nghị với Việt Nam như Đức, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, nhân lực điện tử, đáp ứng nhu cầu cho phát triển. Theo đó, Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ mạnh mẽ các nước có mong muốn đầu tư cho lĩnh vực này tại Việt Nam .

 

Thay mặt cho hơn 2.000 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ hoạt động trong lĩnh vực Điện tử công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử Tiêu dùng Mỹ (CEA) Gary Shapiro đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. Ông Gary Shapiro khẳng định: Việt Nam đang có tầm nhìn chiến lược về điện tử công nghệ và doanh nghiệp Mỹ thực sự mong muốn thành lập các công ty đa quốc gia tại Việt Nam nhằm tập trung đầu tư sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như máy tính bảng, máy tính điện tử, TV màn hình lớn, các thiết bị kết nối với máy tính, thiết bị kết nối di động với ô-tô. Theo đó, ngành điện tử Việt Nam sẽ có cơ hội thuận lợi phát triển toàn diện trong thời gian tới.

 

Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) Lê Ngọc Sơn: WEF 18 này tập trung trao đổi về xu hướng công nghệ sắp tới, đặc biệt là cơ hội phát triển ngành điện tử trong chuỗi giá trị toàn cầu, về thị trường và mối liên kết, các vấn đề tiết kiệm năng lượng và năng lượng thay thế, bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, sạch trong ngành điện tử - công nghệ thông tin.

 

Đặc biệt, WEF 18 được tổ chức tại Việt Nam không chỉ là cơ hội thu hút đầu tư mà còn là cơ hội cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng thay thế phục vụ các dự án đầu tư nước ngoài trong ngành điện tử.

Tuy nhiên, thách thức phát triển với ngành điện tử Việt Nam là khá lớn bởi kim ngạch xuất khẩu toàn ngành điện tử rất cao nhưng 90% doanh số này thuộc về doanh nghiệp FDI, chỉ khoảng 10% là của doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao sức cạnh tranh, tăng khả năng kết nối hợp tác để phát triển công nghiệp phụ trợ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. /.