TCCSĐT - Sau 13 phiên đấu thầu liên tiếp từ cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 367.000 lượng vàng, tương đương hơn 14,1 tấn. Tuy giá vàng trong nước có giảm và ổn định, nhưng giá liên thông quốc tế lại nới rộng hơn, khiến dư luận đặt câu hỏi: Vì sao vẫn còn những ý kiến rất khác nhau?
Theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định. Thời gian qua, Nhà nước đã siết chặt quản lý vàng bằng việc quy chuẩn thương hiệu vàng, độc quyền sản xuất và phân phối vàng, đấu thầu vàng... Tuy nhiên, giá vàng trong nước mặc dù có giảm và ổn định, nhưng giá liên thông quốc tế lại nới rộng hơn. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao?

Ngân hàng Nhà nước nhận định đã đạt mục tiêu

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ 26-4, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng, người phụ trách mảng ngoại hối và vàng của Ngân hàng Nhà nước phát biểu: Nhìn một cách tổng thể, các mục tiêu mà Nhà nước yêu cầu như siết chặt việc quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định phần nào đã đạt được kết quả tốt và đây là thành công lớn khi Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường trong thời gian qua. Việc chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao là do nước ta không sản xuất vàng, muốn đáp ứng đủ nhu cầu trong nước phải xuất ngoại tệ để nhập khẩu. Hiện nay chúng ta đang ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, Nhà nước không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nên cầu vẫn lớn hơn cung.

Có thể thấy, chúng ta siết chặt quản lý vàng trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự biến động mạnh, một số nước châu Âu trước nguy cơ vỡ nợ phải xuất vàng dự trữ quốc gia để thanh toán nợ đáo hạn, tốc độ giảm giá vàng quốc tế nhanh hơn trong nước khiến khoảng chênh lệch này nới rộng ra. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện việc đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng và tuân thủ các chính sách về quản lý ngoại hối. Khoản chênh lệch có được qua các phiên đấu thầu là nguồn thu của Ngân sách nhà nước, vì vậy sẽ phải chuyển về ngân sách theo đúng quy định.

Để được tham gia đấu thầu, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều phải đáp ứng những điều kiện chặt chẽ về tiềm lực tài chính, mạng lưới và khả năng kinh doanh. Bản thân các ngân hàng phải tuân thủ giới hạn về trạng thái vàng, vì thế cho dù họ có tiềm lực nhưng cũng không thể mua với số lượng lớn. Ngân hàng cũng không được phép cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư, kinh doanh vàng. Điều quan trọng hơn là, sự chênh lệch giá liên thông quốc gia với quốc tế lớn, nhưng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, không bị chi phối bởi các nhóm lũng đoạn, không có những “cơn sốt” trên thị trường, không có hiện tượng đầu cơ, tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng VNĐ vẫn ổn định. Đó là thành công lớn của việc quản lý thị trường vàng của Nhà nước trong thời gian vừa qua.

Chuyên gia phân tích cho rằng mục tiêu vẫn chưa đạt được

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước trong động thái quản lý thị trường vàng vừa qua đã không đạt được mục tiêu bình ổn thị trường, vì giá vàng trong nước vẫn bị chi phối bởi giá vàng thế giới, và trong khi giá vàng thế giới giảm, giá vàng trong nước vẫn cao, khiến độ chênh lại có xu hướng doãng ra. Trong các phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước định giá chủ yếu dựa theo giá trong nước có tính đến giá thế giới nhưng với sự phòng ngừa rủi ro quá cao. Mức giá sàn đấu thầu đưa ra được tính toán từ thực tế của thị trường tuy đã “có cái nhìn dài hạn”, nhưng Nhà nước vẫn còn nặng về kinh doanh và xem nhẹ vai trò điều hành, quản lý. Tình trạng ôm đồm bao gồm cả kinh doanh và quản lý đã khiến dư luận đặt câu hỏi về “khả năng” định giá và dự báo giá vàng của Ngân hàng Nhà nước trong tương lai, nhất là sau phiên đấu giá thứ 13 ngày 3-5 vừa qua.

Theo các chuyên gia, trên thế giới chưa có ngân hàng nào vừa độc quyền nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất, vừa đấu giá để cấp nguồn cung vàng cho thị trường. Trong khi tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước lại kiêm tất cả vai trò này. Vì khi đã kinh doanh thì khó có thể đứng ra bình ổn thị trường, vì bình ổn cần kéo giá xuống cho gần hơn với giá thế giới, nhưng lợi ích kinh doanh lại triệt tiêu xu hướng đó. Với vai trò độc quyền, giá của Ngân hàng Nhà nước đưa ra mặc nhiên được các chủ thể tham gia thị trường coi đó là giá tham chiếu. Giá này luôn ở mức cao hơn so với giá thế giới. Vì vậy, mục tiêu bình ổn giá là khó thực hiện được.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác cho rằng, giả định Ngân hàng Nhà nước chào thầu và bán ra với mức giá gần sát với giá vàng quốc tế, thì không ai bảo đảm rằng doanh nghiệp trúng thầu sẽ bán vàng với giá thấp gần sát giá thế giới. Rất có thể doanh nghiệp trúng thầu lại bán với giá cao nhằm tối đa hóa lợi nhuận, hoặc họ lại “găm hàng” đợi thời cơ có lợi nhất mới bán ra.

Cần kiên định và linh hoạt

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù giá vàng lúc lên, lúc xuống, có lúc xuống nhiều có lúc xuống ít, nhưng về cơ bản sau hơn hai tháng Ngân hàng Nhà nước chính thức triển khai việc đấu thầu cung ứng vàng ra thị trường, giá vàng trong nước đã giảm mạnh từ 44 triệu/lượng xuống còn hơn 42 triệu/lượng. Ngân hàng Nhà nước tuy không đặt ra mục tiêu giá vàng giảm đến đâu là vừa, nhưng đã tỏ rõ một thông điệp quan trọng rằng bất cứ tổ chức nào có đủ điều kiện kinh doanh vàng, muốn mua vàng bao nhiêu cũng được cung ứng đủ mà không sợ thiếu.

Một thông điệp nữa cũng khá cụ thể được phía Ngân hàng Nhà nước đưa ra, đó là: Ngân hàng Nhà nước sẽ kiên quyết thực hiện chủ trương bình ổn thị trường vàng và không có nhượng bộ, không có ngoại lệ. Bởi lẽ trong 13 phiên đấu thầu vừa qua cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành khá kiên định và mạnh tay, vừa bảo đảm đủ cung, vừa dần dần thỏa mãn nhu cầu cho thị trường.

Như vậy có thể thấy rõ ràng, cơ quan quản lý, điều hành thị trường vàng đã hiểu rõ nhu cầu chủ yếu đến từ đâu và giải pháp tăng cung qua đấu thầu giúp cho giá vàng giảm dần, thị trường vàng không còn những “cơn sốt”, không bị các nhóm lũng đoạn thao túng, đồng thời không bị mang tiếng là “bù giá” cho các “đại gia” vàng.

Có ý kiến cho rằng, nếu nhìn ra thế giới, khi giá vàng sụt giảm mạnh, các ngân hàng Trung ương như Anh, Mỹ, Bra-xin, Trung Quốc… là những nơi trước đây đã từng mua rất nhiều vàng cho dự trữ quốc gia, nay họ đã bị “bốc hơi” tới hơn 560 tỷ USD, thì tại các cuộc đấu thầu vàng trong nước “lợi ích” luôn nghiêng về phía Nhà nước, là vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc giá vàng trong nước và quốc tế nhất thời doãng ra là do nhiều nguyên nhân như: liệu pháp “sốc” của Cộng hòa Síp, công bố số lượng vàng bán ra lớn để trả nợ đáo hạn; ECB công bố giảm lãi suất xuống gần 0%, Mỹ tiếp tục duy trì lãi suất cực thấp ít nhất cho đến tháng 6-2014; Nhật Bản giảm mạnh giá đồng yên… nhưng quan trọng nhất là việc siết chặt quản lý nhập khẩu vàng của Nhà nước, khiến “độ trễ” của hiệu ứng liên thông giá cả trên thị trường quốc gia và quốc tế có phần tăng thêm trong ngắn hạn là điều dễ hiểu. Mặt khác, cũng cần phải kể đến là thời gian đáo hạn của các chứng chỉ huy động ngắn hạn bằng vàng được quy định đến ngày 30-6-2013, khiến nảy sinh tâm lý chờ đợi của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời ngày 5-5 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng: “Mục tiêu trước mắt và trực tiếp là bình ổn thị trường vàng nói chung trong đó có bình ổn giá trong nước để tránh việc đầu cơ trục lợi do giá lên xuống thất thường. Nếu chúng ta làm tốt công tác này cộng với việc tiếp tục ổn định được kinh tế vĩ mô thì chắc chắn rằng giá trong nước và thế giới sẽ sát lại gần nhau hơn” là có cơ sở. Như vậy, việc Nhà nước đột phá vào khâu quản lý thị trường vàng - một trong những lĩnh vực “nhạy cảm” của nền tài chính - tiền tệ quốc gia, trọng điểm thao túng của nhóm lũng đoạn là cần thiết trong bối cảnh nền kinh tế đang có những khó khăn do tác động tiêu cực của cả kinh tế trong nước và sự trì trệ của kinh tế toàn cầu, nhất là kinh tế Mỹ và châu Âu./.