Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết: Thành phố đã tổ chức đào tạo nghề cho 39.079 lao động nông thôn trong giai đoạn 2010 - 2012, trong số đó chỉ có 11.053 người “chịu” học nghề nông nghiệp, chiếm khoảng 28%. Số còn lại phần lớn có tâm lý thoát ly khỏi nông nghiệp, làm các công việc khác như công nghiệp, may mặc, xây dựng,…

Kết quả, toàn thành phố Hà Nội đã có 1.866 hộ thoát nghèo, 836 hộ có đời sống được cải thiện rõ rệt từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhưng tiến độ giải ngân kinh phí dạy nghề cho lao động nông thôn đạt tỷ lệ thấp (57,4%), tỷ lệ dạy nghề cho lao động nông thôn mới chỉ đạt 15%. Số nghề dạy chưa phong phú, một số nghề chưa trực tiếp tạo việc làm cho người lao động mà chỉ mang tính hỗ trợ quá trình làm việc của người lao động (như tin học văn phòng) nhưng lại được một số huyện triển khai với số lượng không nhỏ.

Thêm vào đó, do đặc thù của người dân ngoại thành Hà Nội có tâm lý không thích học nghề, cho rằng đi học nghề không có chế độ, ảnh hưởng đến thu nhập. Mức hỗ trợ chi phí dạy nghề thấp, chỉ đáp ứng việc dạy nghề với thời gian 3 tháng nên khó khăn đối với những nghề có yêu cầu kỹ thuật cao, thời gian đào tạo kéo dài,…

Khắc phục tình trạng này, hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đang chủ động phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn tiến hành khảo sát nhu cầu thực sự giữa nghề nghiệp địa phương cần và nhu cầu đáp ứng đào tạo của cơ sở dạy nghề, số lượng lao động có nhu cầu học nghề. Sở tiến hành nghiên cứu tổ chức hội nghị liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề - sản xuất và nơi quản lý người lao động.

Mặt khác, tại các huyện ngoại thành sẽ không mở ồ ạt nhiều ngành nghề mà chỉ tập trung chú trọng vào những ngành nghề nông nghiệp giải quyết việc làm tại chỗ, vừa tạo việc làm cho người lao động, vừa phát huy thế mạnh nông nghiệp của địa phương. Theo kế hoạch, năm 2013, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu dạy nghề cho 39.525 lao động nông thôn, tương đương số lao động nông thôn được học nghề trong 3 năm từ 2010 đến 2012./.