Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, sau gần 8 giờ thảo luận, sáng 8-2 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang nhóm họp tại Brussels (Bỉ) đã nhất trí tổng ngân sách của EU trong 7 năm tới (2014-2020) là 960 tỷ euro, giảm so với ngân sách hiện tại trị giá 1.000 tỷ euro.

Những khoản cắt giảm lớn nhất nằm trong chi tiêu cho lĩnh vực nông nghiệp - bị cắt giảm từ 420 tỷ euro xuống còn 373 tỷ euro - và các quỹ liên kết - giảm từ 354 tỷ euro hiện tại xuống còn 324 tỷ euro.

Phần duy nhất của ngân sách được nhất trí “rót thêm” đáng kể là dành cho “cạnh tranh vì tăng trưởng và việc làm” - tăng từ mức 91 tỷ euro hiện hành lên 126 tỷ euro.

Tuy đây là khoản tăng lớn nhất so với bất kỳ phần nào trong ngân sách dài hạn, mức này vẫn ít hơn so với đề xuất 164 tỷ euro mà Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.

Tại bàn đàm phán sáng 8-2, phần chi tiêu hành chính trong ngân sách tương lai cũng được chấp nhận tăng chứ không bị giảm, từ mức hiện nay khoảng 57 tỷ euro lên 61 tỷ euro, vì ngân sách này bao trùm một giai đoạn mà EU sẽ kết nạp thêm ít nhất là một nước thành viên mới là Croatia.

Các thể chế của EU sẽ phải cắt giảm 5% số nhân viên trong vòng 4 năm tới. Số nhân viên còn lại sẽ phải làm nhiều việc hơn trong khi mức lương giữ nguyên. Lương của các quan chức EU cũng sẽ không tăng trong vòng 2 năm tới.

Liên quan đến phần được hoàn trả của các nước thành viên có khoản đóng góp lớn nhất vào ngân sách, các nước như Đức, Anh, Hà Lan và Thụy Điển vẫn được giữ nguyên mức hoàn trả. Đan Mạch được bổ sung vào danh sách các nước hàng năm nhận được khoản hoàn trả trị giá 130 triệu euro, trong khi khoản hoàn trả trị giá 179 triệu euro mà Áo được hưởng hàng năm suốt 7 năm qua không được đề cập tới./.