Bạo lực gia đình ở Việt Nam - nguyên nhân và giải pháp
Kết quả từ những cuộc điều tra, khảo sát thời gian qua cho thấy, bạo lực gia đình ở Việt Nam không phải là vấn đề mới, song là vấn đề khá “nóng” đang diễn ra phức tạp, vi phạm nghiêm trọng quyền bình đẳng giữa nam và nữ, làm xói mòn đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Ngăn chặn và tiến tới đẩy lùi nạn bạo lực gia đình đang là mối quan tâm của cả xã hội.
Những con số
Trước và sau khi Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được ban hành, tại Việt Nam đã có một số cuộc điều tra về BLGĐ với quy mô khá lớn.
Điều tra, khảo sát của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2006 với 2.000 mẫu gồm người dân, nạn nhân BLGĐ, người gây BLGĐ, cán bộ xã, cán bộ y tế, công an, phụ nữ, tòa án nhân dân cấp huyện cho biết: Hằng năm, 2,3% số gia đình có hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% số gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% số cặp vợ chồng có hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục.
Điều tra gia đình Việt Nam do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thống kê, Viện Gia đình và Giới, UNICEF thực hiện năm 2006 với 9.300 mẫu đưa ra kết quả: Có khoảng 21,2% số cặp vợ/chồng xảy ra các hiện tượng bạo lực như: Đánh, mắng chửi, chấp nhận quan hệ tình dục khi không có nhu cầu. Tỷ lệ cặp vợ chồng có 1 trong số các hiện tượng bạo lực kể trên (tức là đối với cả vợ và chồng) chiếm khoảng 10,8%. Tỷ lệ cặp vợ chồng xảy ra 2 hiện tượng bạo lực vào khoảng 7,3%. Có 41,8% số cha/mẹ sử dụng hình thức “quát mắng” và 14% sử dụng hình thức “đánh đòn” khi vị thành niên nam có hành vi mắc lỗi.
Nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2010 do Tổng cục Thống kê - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành với 4.838 mẫu là phụ nữ độ tuổi từ 18–60 trong cả nước, kết quả cho biết: Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc đã từng có gia đình thì có 1người (gần 34%) cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục. Số phụ nữ có hoặc từng có gia đình đang phải chịu 1 trong 2 hình thức bạo lực này chiếm 9%. Nếu xét đến cả 3 hình thức bạo lực: Thể xác, tình dục và tinh thần trong đời sống vợ chồng, thì có 58 % số phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất 1 hình thức bạo lực gia đình kể trên. Bạo lực đối với trẻ em là điều rất đáng lo ngại. Cứ 4 phụ nữ có con dưới 15 tuổi thì có 1 người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành thể xác. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, bạo lực gia đình là 1 mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ em.
Nguyên nhân và giải pháp
Nguyên nhân chủ yếu gây ra bạo lực đã được đề cập khá nhiều trong các công trình nhiên cứu, điều tra, khảo sát. Đó là nguyên nhân từ: Nhận thức về bình đẳng giới và tư tưởng “trọng nam hơn nữ”; do kinh tế gia đình khó khăn, không có việc làm; do trình độ học vấn thấp; do mắc vào của tệ nạn xã hội (nghiện rượu, sử dụng ma túy và chơi cờ bạc...); do ghen tuông, ngoại tình; do áp lực phải sinh con trai, do tập tục lạc hậu, do thiếu sự vào cuộc của các cơ quan chức năng...
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực bình đẳng giới, song có thể vẫn phải nhắc lại rằng: Tư tưởng “trọng nam hơn nữ” dường như còn ăn sâu trong tiềm thức, hành vi của khá nhiều người, đặc biệt là đàn ông. Một trong những bằng chứng có thể đo được trên phạm vi toàn quốc là tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng đáng lo ngại. Nếu như năm 1979, tỷ số bé trai/bé gái là 105/100 thì năm 1989 là 106/100, năm 1999 là 107/100, đến năm 2010 là 111,2/100.
Câu hỏi được đặt ra: Vấn đề định kiến giới, trình độ học vấn và văn hóa ứng xử trong gia đình có mối liên hệ với hành vi bạo lực gia đình như thế nào? Phải chăng, những gia đình có trình độ học vấn cao hơn thì sẽ ít mâu thuẫn, ít có hành vi bạo lực hơn những gia đình có trình độ học vấn thấp?
Khó có thể khẳng định được 1 cách chắc chắn mối liên quan giữa trình độ học vấn và mức độ hòa thuận, hay xung đột dẫn tới bạo lực của mỗi gia đình. Tuy nhiên, kết quả từ cuộc Điều tra gia đình Việt Nam 2006 cho thấy: trong khi 23,1% số đối tượng mù chữ cho biết gia đình hằng ngày có xảy ra mâu thuẫn thì chỉ có 1,8% số đối tượng tiểu học; 3% số đối tượng trung học cơ sở và 4,6% số đối tượng trung học phổ thông thừa nhận có xảy ra mâu thuẫn hằng ngày trong gia đình. Cũng theo báo cáo từ kết quả cuộc Điều tra này, trong số các đối tượng được phỏng vấn có trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên khẳng định gia đình họ không xảy ra mâu thuẫn ở mức độ thường xuyên.
Có thể lý giải về mối quan hệ giữa trình độ học vấn với nguy có xảy ra bạo lực gia đình như sau: Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường hiện nay, trình độ học vấn cao sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận và nắm bắt cơ hội việc làm. Đây cũng chính là điều kiện để có thu nhập ổn định, giảm bớt những bức xúc về kinh tế trong đời sống gia đình. Còn những đối tượng có học vấn thấp sẽ ít có cơ hội tìm kiếm việc làm ổn định. Công việc của họ thường ít mang tính kỹ thuật, chuyên môn và có mức thu nhập thấp. Và một khi thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, những mâu thuẫn trong gia đình có nguy cao hơn.
Nói như vậy không có nghĩa, các gia đình có học vấn cao sẽ ứng xử tốt hơn nên không có hành vi bạo lực. Thực tế cho thấy, BLGĐ diễn ra cả trong gia đình mà người chồng và người vợ đều có trình độ học vấn cao. Chúng tôi cho rằng: Không chỉ là vấn đề nhận thức mà thực sự còn là vấn đề thuộc về văn hóa trong ứng xử của mỗi thành viên gia đình. Như vậy, có thể thấy rằng bạo lực gia đình là thể hiện sự sai lệch hành vi của cá nhân do không nhận thức đầy đủ hoặc nhận thức sai các chuẩn mực văn hóa, đạo đức, trách nhiệm.
Một trong những chức năng của gia đình là giáo dục xã hội hóa và có lẽ giáo dục nhân cách con người về tình cảm yêu thương, sự hy sinh chia sẻ, đạo lý, trách nhiệm, nghĩa vụ, bổn phận của mỗi cá nhân trong môi trường gia đình sẽ là phương thức giáo dục hiệu quả nhất. Khi các giá trị nhân văn của văn hóa gia đình được thấm sâu trong trái tim, trí tuệ và hình thành thói quen tâm lý trong đời sống gia đình và xã hội của mỗi cá nhân sẽ là phương thức ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả đối với các hành vi bạo lực gia đình một cách bền lâu. Do vậy, bên cạnh một loạt giải pháp bấy lâu nay đang được các cơ quan, các tổ chức áp dụng, cần thiết phải triển khai mô hình giáo dục tiền hôn nhân, cần có Chương trình giáo dục hôn nhân; đẩy mạnh hoạt động giáo dục gia đình giúp cá nhân và cộng đồng nhận thức đúng về giá trị cao đẹp, thiêng liêng của gia đình trong đời mỗi con người. Đây là những giải pháp quan trọng, cần được đầu tư, cần được thực hiện trong công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ hiện nay và giai đoạn tiếp theo./.
Cầu truyền hình chúc Tết huyện đảo Trường Sa  (08/02/2013)
Huy động được 5.450 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ  (08/02/2013)
Các đồng chí lãnh đạo thăm, chúc Tết các đơn vị, gia đình chính sách  (08/02/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên