Đàm phán Pa-ri: không đơn giản, mà rất khó
TCCSĐT - Ngày 27-01-1973, Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu thắng lợi hết sức quan trọng của chúng ta trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Pa-ri (27-01-1973 - 27-01-2013), Tạp chí Cộng sản đã phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Huỳnh - nguyên Đại sứ, thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri về Việt Nam.
PV: Thưa ông, cuộc đàm phán Pa-ri diễn ra trong 5 năm, tại sao lại kéo dài đến vậy?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Quân sự và ngoại giao là hai mặt trận gắn liền hữu cơ và hỗ trợ lẫn nhau. Nhìn toàn cục, thế trận trên bàn đàm phán bao giờ cũng phụ thuộc vào so sánh lực lượng và diễn biến trên chiến trường. Mỹ là một nước giàu mạnh, tiềm lực lớn. Ta là nước nhỏ, yếu và nghèo, vì thế ta không thể đánh thắng nhanh trong vòng một tháng, một năm được mà phải đánh lâu dài trong nhiều năm, cho đến khi Mỹ mệt mỏi, mất ý chí chiến tranh, phải đàm phán để ra khỏi chiến tranh. Về ngoại giao cũng vậy, Mỹ có nền ngoại giao nhà nghề với chính sách đàm phán trên thế mạnh, trong khi đó, ngoại giao Việt Nam non trẻ dựa trên chính sách nhân văn và thế chính nghĩa, vì vậy ta kiên trì, khôn khéo đấu tranh, dùng đàm phán để hỗ trợ mặt trận quân sự, làm thất bại đàm phán thế mạnh của Mỹ, cho đến khi Mỹ chịu chấm dứt chiến tranh và rút hết quân.
Cuộc đàm phán Pa-ri trong suốt thời gian dài là cuộc đấu lý, đấu tranh để phân biệt phải trái, đúng sai, không phải nói cho đối phương nghe mà nói để tranh thủ dư luận thế giới và dư luận trong nước Mỹ. Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, tại đàm phán hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ, chúng ta đã làm được một việc là buộc Mỹ chấm dứt vô điều kiện việc ném bom và bắn phá miền Bắc, chấp nhận một hội nghị bốn bên, trong đó Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một bên đàm phán. Còn từ năm 1969 đến năm 1971, là 3 năm đàm phán trong hoàn cảnh Mỹ tiến hành Việt Nam hóa chiến tranh, đẩy Hội nghị Pa-ri vào tình trạng giẫm chân tại chỗ, nhiều lúc bế tắc. Có người nói đó là đàm phán giữa những “người điếc” với nhau, ai nói người ấy nghe, và hai bên nói là nói cho người thứ ba nghe, cho thiên hạ nghe, cho thế giới nghe.
Thời điểm đó, trên chiến trường, chúng ta ở trong thế khó khăn: vùng giải phóng bị thu hẹp, mất đất, mất dân, quân chủ lực bị dạt ra ngoài các vùng trung tâm. Chúng ta phải mất gần 3 năm mới khôi phục được lực lượng để có thời cơ chiến lược đi vào đàm phán thực chất. Thời cơ thường bao gồm nhiều nhân tố: so sánh lực lượng và thế trận, ý đồ và chiến lược của đối phương, tính toán chiến lược của ta, tình hình quốc tế,... Trong đó, so sánh lực lượng và thế trận là nhân tố quyết định. Giả sử giữa năm 1970 hay năm 1971, chúng ta đạt một thỏa thuận mà phải nhân nhượng trước những đòi hỏi vô lý của Mỹ thì chúng ta làm sao có thể bảo vệ thành quả, bảo vệ vùng giải phóng, dựa vào đâu để đưa cách mạng tiến lên.
PV: Trước khi Hiệp định Pa-ri năm 1973 được ký kết, theo ông, cuộc đàm phán diễn ra quyết liệt nhất vào thời gian nào?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Cuộc đàm phán Pa-ri diễn ra trong gần 5 năm, từ ngày 13-5-1968 đến 27-01-1973, nhưng đàm phán quyết liệt nhất là vào những tháng cuối của năm 1972. Từ ngày 8-10 đến 20-10-1972, là thời kỳ ta và đối phương đều đã “ngả bài”, để đi đến thỏa thuận văn bản Hiệp định ngày 20-10-1972 về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng sau đó Mỹ lật lọng và đòi phải thay đổi hàng loạt vấn đề cơ bản của Hiệp định. Đàm phán lại từ 10 ngày cuối tháng 11 đến ngày 13-12 là hết sức căng thẳng. Ta bác bỏ những đòi hỏi sửa đổi vô lý của Mỹ và nói nếu sửa đổi thì chỉ sửa đổi một số chi tiết, không sửa đổi những vấn đề thực chất. Không ép được ta, đàm phán tháng 12 bế tắc, Mỹ đã sử dụng con át chủ bài cuối cùng, tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 đánh vào Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và nhiều nơi khác.
Sau khi Mỹ thua trên bầu trời Hà Nội, chấm dứt ném bom B52 vào ngày 30-12-1972, trở lại bàn đàm phán vào ngày 8-01-1973 thì hiệp đấu cuối cùng đã diễn ra rất căng thẳng. Căng đến mức mà tại buổi gặp đầu, Cố vấn Lê Đức Thọ đã lên án Mỹ mạnh và gay gắt. Cố vấn Kít-xinh-giơ phải nói: Xin lỗi, xin ông Cố vấn nói nhỏ nếu không ở ngoài đường người ta nghe được tưởng ông mắng chúng tôi.
Về nội dung, cũng phải đấu tranh từng chữ, từng câu, từng ý trong văn bản Hiệp định và các Nghị định thư. Và cuối cùng Hiệp định ký kết ngày 27-01-1973, về cơ bản, giống như thỏa thuận ngày 20-10-1972.
PV: Thưa ông, trong quá trình đàm phán chúng ta đã làm thế nào để tranh thủ và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại luôn được chúng ta quán triệt và là một chiến lược ngoại giao, vận động quốc tế. Cuộc đấu tranh tại bàn đàm phán cũng nhằm tranh thủ dư luận. Tranh thủ nhân dân thế giới, gắn Việt Nam với thế giới, là một đường lối, một chiến lược, là cố gắng rất lớn lao của ta. Trong thời gian này, ta huy động toàn bộ bộ máy ngoại giao của Việt Nam để tranh thủ quốc tế, gồm: ngoại giao đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao các đoàn thể, ngoại giao nhân dân, ngoại giao hai miền, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của Liên Xô (trước đây), Trung Quốc và các nước bạn khác.
Dư luận thế giới rất quan tâm đến chiến tranh Việt Nam và cũng rất quan tâm tới tình hình đàm phán. Các cuộc họp báo là cơ hội quý để tranh thủ giới báo chí, tranh thủ dư luận. Bên cạnh đó, địa bàn Pa-ri là trung tâm và đầu mối thông tin quốc tế, tạo thuận lợi cho ta gắn đàm phán với đấu tranh của dư luận. Do đó, có thể nói, suốt cuộc đàm phán, tại các diễn đàn công khai, trong phát biểu chính thức hay đối thoại, trong trả lời báo chí, mọi lúc, mọi nơi, chúng ta luôn kiên trì phương châm - phát huy thế mạnh của ta là chính nghĩa dân tộc và xoáy sâu vào chỗ yếu về chính trị của Mỹ là chiến tranh phi nghĩa.
Mỹ thực hiện chính sách đàm phán trên thế mạnh, vừa đàm vừa dọa, nhưng với thế mạnh chính nghĩa dân tộc, Việt Nam đề cao được thiện chí hòa bình, phát huy lợi thế trong đàm phán, đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, gây khó khăn cho Mỹ trên thế giới và ở ngay trong nước Mỹ.
Lương tri loài người luôn là chỗ dựa cho các dân tộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền. Có một điều đặc biệt là, ngay cả những nước khi đó chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với ta, như Niu Di-lân, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, nhưng phong trào nhân dân chống Mỹ xâm lược Việt Nam ở cả ba nước này đều rất mạnh.
Tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, chính nghĩa của chúng ta, lương tri của loài người tiến bộ, nghệ thuật phát huy chính nghĩa dân tộc và thiện chí hòa bình vào cuộc đàm phán là những yếu tố đưa phong trào thế giới lên án chiến tranh xâm lược của Mỹ, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp và lên cao chưa từng thấy. Đây thực sự là thắng lợi to lớn của chúng ta.
PV: Thưa ông, lúc đầu ông có đề cập đến việc chúng ta kiên trì quan điểm độc lập, tự chủ trong đàm phán. Vậy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực hiện nay, chúng ta cần phát huy bài học giữ vững độc lập, tự chủ đi đôi với đoàn kết quốc tế như thế nào?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Độc lập, tự chủ trong hoạt động ngoại giao nói chung và trong đàm phán nói riêng luôn là phương châm không bao giờ thay đổi. Tại cuộc đàm phán Pa-ri, hay nói rộng ra là trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Việt Nam luôn độc lập, tự chủ trong tiến hành cuộc kháng chiến, trong đấu tranh ngoại giao và trong đàm phán. Từ đầu đến cuối, Việt Nam đàm phán với Mỹ, giải quyết vấn đề với Mỹ, đều không để sức ép của bên nào tác động.
Trong giai đoạn hiện nay, khi hội nhập quốc tế trở thành một thực tế khách quan, một xu thế chi phối sự vận hành của cả thế giới thì việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ về đối ngoại với hội nhập quốc tế là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Nếu cô lập, bất kỳ quốc gia nào cũng bị thiệt thòi về mọi phương diện, rất khó thúc đẩy phát triển. Do đó, chúng ta phải mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, kỹ thuật với các nước, nhất là với các nước phát triển, để có cơ hội mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu thành tựu văn hóa, khoa học kỹ thuật của toàn thế giới, nhằm sử dụng tốt hơn các nguồn lực vốn có của đất nước,…
Với mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nhiệm vụ trung tâm của công tác đối ngoại Việt Nam là: giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Trên cơ sở đó, chúng ta phải quán triệt sâu sắc và thực hành đúng tư tưởng xây dựng thực lực mạnh; kiên định lợi ích quốc gia, dân tộc gắn liền với đoàn kết và hợp tác quốc tế; chủ động tham gia vào các tiến trình khu vực và quốc tế, nêu cao cảnh giác và có các biện pháp phù hợp trong hội nhập quốc tế; nâng cao trí tuệ, bản lĩnh ngoại giao Việt Nam,…
PV: Đã 40 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam và Mỹ ký Hiệp định Pa-ri, nhưng điều gì về cuộc đàm phán khiến ông cảm thấy ấn tượng nhất, và có những hình ảnh, kỷ niệm nào lắng đọng trong ông?
Ông Nguyễn Khắc Huỳnh: Tôi có rất nhiều ấn tượng về cuộc đám phán Pa-ri, vì đàm phán là mối quan tâm của tôi. Tôi cũng viết nhiều sách về câu chuyện đàm phán, nhưng điều mà tôi ấn tượng sâu đậm nhất trong cuộc đàm phán, đó là: “Đàm phán không đơn giản, mà rất khó”. Bởi vì, nó đòi hỏi người đi đàm phán phải có một trình độ kiến thức, phải nghiên cứu và tìm hiểu sâu sắc mọi vấn đề, phải biết suy luận, ứng xử, tính toán linh hoạt và tinh tế, để kịp thời ứng phó với nhiều thủ đoạn của đối phương, cũng như những biến động bất lợi của tình hình quốc tế.
Ví dụ như, khi Mỹ đòi ta rút quân miền Bắc khỏi miền Nam, ta phải tìm cách trả lời hợp lý nhất để buộc Mỹ phải chấp nhận. Ta nêu giải pháp: “Vấn đề lực luợng vũ trang Việt Nam ở miền Nam Việt Nam sẽ do các bên Việt Nam giải quyết”. Đó là câu trả lời thỏa đáng. Chúng ta kiên trì lập trường như thế trong vòng 3 năm, khiến Mỹ phải chấp nhận và đưa vào thành một điều khoản của Hiệp định.
Một ví dụ nữa là, khi đồng chí Lê Đức Thọ về Việt Nam, đi ngang qua Trung Quốc và Liên Xô (trước đây) vào thời điểm Tổng thống Mỹ R. Ních-xơn đi thăm hai nước này, Kít-xinh-giơ đã hỏi thăm dò: Ngài cố vấn vừa đi ngang qua Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa, chắc là các ngài đã nghe ý kiến của chúng tôi nói chuyện với hai người bạn của ngài là Liên Xô và Trung Quốc. Mặc dù bị hỏi một cách rất bất ngờ, nhưng đồng chí Lê Đức Thọ trả lời nhanh và tinh tế: Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong cuộc chiến đấu này, nhưng khi đàm phán, chúng tôi đàm phán trực tiếp với ông ở đây.
Còn về những hình ảnh lắng đọng, có thể nói, tôi có khá nhiều kỷ niệm vui trong suốt cuộc đàm phán. Chẳng hạn, phần nhiều các địa điểm gặp riêng trong đàm phán đều được giữ bí mật, bên ngoài không ai biết, nhưng đến khi ta công bố phía Mỹ đồng ý đàm phán lại, thì các nhà báo rộn ràng đón mọi ngả đường, để tìm xem cuộc đàm phán sẽ diễn ra ở đâu. Vài hôm sau thì đã có rất nhiều nhà báo biết được địa điểm họp, đó là ngôi nhà của Đảng Cộng sản Pháp do họa sĩ Phéc-năng Lê-giê (Fernand Leger) quản lý và Đảng bạn cho ta mượn làm nơi đàm phán mật với Mỹ. Căn nhà nho nhỏ, trước cửa có hàng rào cây cao gần ngang đầu, ở ngoài nhìn vào không thấy gì nhiều, chỉ thấy được mái nhà. Nhưng, các nhà báo đã làm giàn giáo như cái thang để đứng chụp ảnh vào bên trong.
Năm 1998, trong một dịp sang Pa-ri, tôi đã đi thăm lại tất cả những nơi mà chúng tôi đã đến dự họp. Tôi đến ngôi nhà đó và giới thiệu là người trước đây đã tham gia cuộc đàm phán tại đây. Khi chúng tôi ngồi nói chuyện, ông chủ nhà nói với tôi rằng, ông rất vinh dự được ở chính ngôi nhà mà trước đây Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ đã ngồi nói chuyện, thương lượng với nhau một thời gian. Đến bây giờ, ông vẫn còn nhớ cảnh bao nhiêu giàn giáo của các nhà báo, phóng viên vây xung quanh nhà để quan sát, quay phim, chụp ảnh cuộc họp.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Tuyên bố chung Việt Nam - Vương quốc Liên hiệp Anh  (24/01/2013)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh  (24/01/2013)
Tổng Bí thư dâng hoa tưởng niệm Bác Hồ tại London  (24/01/2013)
Bộ Quốc phòng tìm hiểu tư pháp quân sự Singapore  (24/01/2013)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Cần khắc phục quá tải ở các bệnh viện  (24/01/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay