TCCSĐT - Ngày 11-12-2012, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn Đầu tư và Phát triển doanh nghiệp Việt Nam. Diễn đàn đã thu hút được đông đảo các nhà quản lý và chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tham gia và phát biểu ý kiến.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-8-2012, cả nước đã có 46.054 doanh nghiệp (DN) thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 320.801 tỷ đồng, giảm 11,5% về số lượng DN và tăng 2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2011. Cũng đến thời điểm này, tổng số DN đã dừng hoạt động và giải thể là 35.483 DN. Trong đó có 5.897 DN giải thể và 29.586 DN dừng hoạt động, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2011.

So với một số giai đoạn khó khăn của Nhật Bản (những năm 1990, đầu những năm 2000), thì tỷ lệ doanh nghiệp gia nhập, rút lui khỏi thị trường ở nước ta vẫn chưa đến mức báo động. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp kém khả quan, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ dẫn tới dừng hoạt động, giải thể, phá sản đang có chiều hướng gia tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nước ta trong thời gian tới. Do ảnh hưởng của biến động kinh tế vĩ mô, các doanh nghiệp hội viên của các hiệp hội đều phản ánh gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các khó khăn chính bao gồm:  

Thiếu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh

Trong giai đoạn hiện nay, có thể nói khó khăn lớn nhất mà các DN vừa và nhỏ đang phải đối mặt là thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Khả năng tài chính của bản thân các doanh nghiệp vốn đã không cao, thêm vào đó, rất khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng. Ngay cả khi đã tiếp cận được, thì lãi suất ngân hàng vẫn còn cao, thời hạn cho vay ngắn, nên doanh nghiệp khó quay vòng vốn để trả lãi ngân hàng, trả lương lao động. Hiện nay lãi suất cho vay, tuy qua nhiều lần điều chỉnh theo hướng giảm nhưng cũng vẫn xoay quanh mức 12% - 13%/năm. 

Giá nguyên liệu biến động liên tục

Hầu hết giá nguyên liệu đầu vào của các ngành đều tăng trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Một đặc điểm cơ bản của các DN sản xuất Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, dẫn đến tình trạng nhập khẩu nguyên liệu cao và bị phụ thuộc vào những nguồn nhập khẩu này. Ví dụ, các DN sản xuất dây và cáp điện, DN cơ khí điện bị giảm sản lượng do giá nhập nguyên liệu như đồng, nhôm, kẽm,… tăng mạnh; các DN ngành hàng điện tử cũng bị phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên, phụ liệu, linh kiện nhập khẩu.

Kinh doanh kém hiệu quả, tồn kho lớn

Báo cáo từ các hiệp hội cho thấy, tồn kho lớn tập trung chủ yếu ở các ngành như: bất động sản, vật liệu xây dựng, nông sản,… kéo theo tỷ trọng dư nợ tín dụng lớn. Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội bất động sản Việt Nam phải đối mặt với các tình huống khó khăn: các khoản vay lớn của ngân hàng sắp đến hạn trả nhưng không có nguồn thu, không còn tài sản và khả năng huy động vốn để duy trì kinh doanh, tồn đọng hàng hóa nhiều (bất động sản, vật liệu xây dựng, hàng hóa nội thất…). Một số doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Rau quả Việt Nam phải chuyển đổi sản xuất do bị thua lỗ kéo dài.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng tồn kho tăng mạnh do thu nhập của đại bộ phận người dân giảm so với sự gia tăng về giá cả. Mặc dù chưa thực hiện thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, nhưng chủ trương này cũng có ảnh hưởng phần nào tới các DN sản xuất, lắp ráp và tiêu thụ ô tô ở Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu giảm, thị trường bị thu hẹp

Hầu hết các thị trường truyền thống của doanh nghiệp Việt Nam bị thu hẹp dẫn đến kim ngạch xuất khẩu bị giảm sút. Những thị trường mới mở chủ yếu phục vụ các hợp đồng ngắn hạn, theo thời vụ, thiếu tính ổn định. Đáng lưu ý là trên 50% kim ngạch xuất khẩu của cả nước là từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Đáng chú ý phải kể đến tình trạng của các doanh nghiệp bất động sản. Với diễn biến của thị trường bất động sản như thời gian vừa qua, nguồn lực của các doanh nghiệp bất động sản bị sụt giảm nghiêm trọng, hầu hết đều gặp khó khăn ở các cấp độ khác nhau, càng vay lớn nguy cơ vỡ nợ càng cao và có rất nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản hoặc “án binh bất động”. Một số ngành nghề khác có liên quan đến thị trường bất động sản như xi măng, sắt thép, trang thiết bị nội thất… cũng bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo một lực lượng lớn lao động không có việc làm./.