Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 3 đến ngày 9-12-2012
Xây dựng Khu trung tâm hành chính mới tỉnh Kon Tum
Thủ tướng Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Kon Tum.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh Kon Tum phải phù hợp với yêu cầu quy hoạch xây dựng công sở cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo quy định tại Quyết định số 229/2006/QĐ-TTg ngày 12-10-2006.
Đồng thời, UBND tỉnh Kon Tum phải căn cứ định hướng biên chế theo từng giai đoạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, chỉ đạo lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh theo quy định hiện hành.
UBND tỉnh Kon Tum phải rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất hiện có của các đơn vị thuộc UBND tỉnh Kon Tum theo đúng quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 và Quyết định số 140/2008/QĐ-TTg ngày 21-10-2008; thực hiện bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các cơ sở nhà, đất dôi dư theo đúng quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng Khu trung tâm hành chính mới.
Theo thông tin từ Cổng TTĐT tỉnh Kon Tum, tháng 11-2012, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Luận chứng lựa chọn địa điểm xây dựng Khu trung tâm hành chính mới tỉnh Kon Tum. Theo đó, địa điểm xây dựng Khu trung tâm hành chính mới tỉnh Kon Tum tại khu vực hai bên bờ sông Đăk Bla thuộc thôn Kon Hra Chót, phường Thống Nhất (phía Bắc sông) và các thôn 5, Kon Hra Klah, xã Chư Hreng (phía Nam sông), thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
Trung tâm hành chính mới, tập trung rộng khoảng 50 ha; bao gồm đất xây dựng trụ sở làm việc, đất dịch vụ công, đất giao thông, đất cây xanh, quảng trường. Khu đô thị phát triển kéo theo và tái định cư, khoảng 200 ha, bao gồm: đất ở; đất công cộng phục vụ khu ở; đất công cộng phục vụ đô thị (văn phòng cho thuê; dịch vụ thương mại); đất cây xanh công viên, thể dục thể thao; đất giao thông.
Tổng cục Hải quan: Lập đường dây nóng xử lý vướng mắc, tiêu cực
Thời gian tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng trong giờ làm việc hành chính đối với số máy cố định (04.4452.1122) và 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần đối với số máy di động (090.224.5656).
Đường dây nóng của Ban Quản lý rủi ro hải quan, Tổng cục Hải quan, bắt đầu chính thức hoạt động từ cuối tháng 11-2012, nhằm đáp ứng yêu cầu thu thập, xử lý thông tin phục vụ công tác quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Đường dây nóng sẽ tiếp nhận, xử lý các thông tin về các dấu hiệu vi phạm, các vướng mắc, hạn chế trong quá trình làm thủ tục hải quan của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong nước và quốc tế.
Người cung cấp thông tin qua đường dây nóng được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ cũng như nội dung phản ánh và được thông báo về kết quả xử lý, giải quyết khi có yêu cầu phản hồi về thông tin do mình cung cấp.
Thí điểm sử dụng hóa đơn tiền điện điện tử
Theo Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 1-12, khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Quận 1 và Quận 3, sẽ nhận hóa đơn tiền điện điện tử thay cho cách nhận hóa đơn hiện nay.
Đây là chương trình thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử theo yêu cầu của Tổng cục Thuế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp dễ dàng kê khai thuế qua mạng, đặc biệt giảm chi phí in ấn, mực in… bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Theo đó, khi đến kỳ thanh toán tiền điện hằng tháng, khách hàng đóng tiền điện cho nhân viên điện lực trực tiếp thu tiền hay tại các điểm thu hộ qua hệ thống ngân hàng…sẽ nhận được một biên lai nhỏ (giống hóa đơn tính tiền tại các siêu thị) thay cho hóa đơn tiền điện như hiện tại. Trên biên lai này cũng thể hiện tên khách hàng, số điện tiêu thụ và số tiền đóng...nhưng nhỏ và gọn.
Song song với quá trình đó, ngành điện cũng cập nhật đầy đủ thông tin của khách hàng trên hóa đơn cũ nhưng không phát cho khách hàng mà lưu trữ trên hệ thống web (www.hcmpc.com.vn) của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu khách hàng có nhu cầu thì chỉ việc truy cập vào web, điền mã số khách hàng để in hóa đơn hoặc có thể đến công ty điện gần nhất mà không cần phải đến Công ty Điện lực cung cấp điện cho mình để yêu cầu in hóa đơn.
Trường hợp khách hàng đăng ký nhận hóa đơn qua email, Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh gửi thông tin hóa đơn tiền điện qua email. Khách hàng cũng dễ dàng vào web trên để truy cập, truy lục hóa đơn tiền điện của các kỳ hóa đơn trước.
Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trước khi triển khai đã gửi thư ngỏ thông tin cho khách hàng về việc trên, cũng như tập huấn cán bộ ngành điện để đáp ứng nhu cầu. Nếu công tác triển khai đạt hiệu quả cao và sự đồng thuận của người dân thì sẽ triển khai đại trà.
Đà Nẵng: Cấp dưới sẽ đánh giá năng lực của cấp trên
Sở Nội vụ Đà Nẵng tổ chức sơ kết 3 tháng triển khai thí điểm mô hình đánh giá kết quả làm việc của công chức và người lao động (gọi tắt là công chức) tại 10 đơn vị (gồm 7 sở, ngành và 3 quận với 639 công chức) trên địa bàn thành phố.
Lộ rõ công chức xuất sắc lẫn công chức yếu kém
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ, ưu điểm của việc đánh giá theo mô hình mới là có sự phân chia công chức theo vị trí, chức danh. Quy trình đánh giá được các đơn vị và công chức tham gia thí điểm nhận xét là phù hợp, rõ ràng, cụ thể, dễ triển khai thực hiện... Do đó, đã giúp kết quả đánh giá công chức phù hợp với tính chất công việc của từng loại đối tượng, tránh tình trạng đánh đồng như phương pháp đang áp dụng.
Đánh giá công chức theo mô hình mới đã cho ra kết quả có sự phân biệt hơn. Tỷ lệ công chức làm việc tốt chiếm 55 - 65%, khá: 23 - 35%, trung bình hoặc hoàn thành nhiệm vụ: 5 - 15%. Đáng chú ý, nếu đánh giá theo cách cũ thì có 88,1% công chức xếp loại tốt, trong khi đánh giá theo mô hình mới thì chỉ còn 59,65% và tương đối sát với đánh giá của lãnh đạo các đơn vị (công chức loại tốt là 57,75%). Ngược lại, tỷ lệ công chức trung bình trở xuống theo cách đánh giá cũ chỉ 1,2% thì theo mô hình thí điểm đã lên 4,89% (đánh giá của lãnh đạo các cơ quan hành chính là 16,78%).
“Qua đánh giá theo mô hình mới đã giúp phân loại được kết quả làm việc của công chức chính xác hơn so với cách làm theo quy định hiện hành của Bộ Nội vụ và Quyết định 7786/QĐ-UBND của UBND Thành phố Đà Nẵng. Đặc biệt là không còn tình trạng cào bằng, ai cũng tốt hết mà đã làm lộ rõ ra những cán bộ xuất sắc lẫn những cán bộ yếu kém, không hoàn thành nhiệm vụ!” - ông Đặng Công Ngữ nhấn mạnh.
Chưa đánh giá cấp trưởng là thiếu công bằng!
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, mô hình thí điểm của Sở Nội vụ Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế như việc lấy ý kiến đánh giá của tập thể còn mang tính hình thức. Với các phòng/ban có số lượng công chức nhiều thì việc đánh giá tập thể làm mất nhiều thời gian mà kết quả chưa phản ánh thật chính xác hiệu quả làm việc thực tế của từng công chức. Vì vậy, vẫn còn 20,8 - 23,2 % công chức khi được khảo sát cho rằng mô hình thí điểm chưa thật công bằng và khách quan.
Nhiều đơn vị chưa xây dựng được bảng mô tả vị trí công việc cụ thể nên việc phân công nhiệm vụ chưa đồng đều, dẫn đến kết quả đánh giá chưa phản ảnh được hết năng lực thực sự của công chức và thiếu sự tương quan. Đồng thời do mô hình đang trong quá trình thí điểm, kết quả đánh giá chưa làm cơ sở khen thưởng, xếp loại cuối năm nên một số công chức chưa tự giác thực hiện và còn tâm lý đánh giá cho xong. Một bộ phận công chức chưa quen với quy trình, khung thời gian, chưa thành thạo thao tác trên phần mềm gây nên sự thiếu đồng bộ và chậm trễ trong đánh giá công việc của cả đơn vị.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến cho rằng mô hình thí điểm chỉ thực hiện đánh giá từ công chức đến phó giám đốc (và tương đương) mà chưa triển khai với cả cấp trưởng (giám đốc và tương đương) là chưa thực sự công bằng. Về vấn đề này, theo ông Đặng Công Ngữ, trong quá trình cải tiến, hoàn chỉnh mô hình mới sẽ “đề xuất cho phép cấp dưới đánh giá năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp trên”. Ông cũng cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất tiếp tục nghiên cứu triển khai trong mô hình mới việc đánh giá đối với cấp trưởng và đã được Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ đồng ý”.
Tại buổi sơ kết, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Giám đốc Dự án hỗ trợ cải cách hành chính UNDP (Bộ Nội vụ) Đinh Duy Hoà đã thông báo kết luận chính thức của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc hôm 25-10 với Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ về vấn đề cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách công chức, công vụ. Trong đó, nhấn mạnh hai việc trọng tâm phải làm cho bằng được là xây dựng cơ cấu công chức trên cơ sở vị trí việc làm và đổi mới công tác đánh giá công chức.
“Đối chiếu với kết luận này, chúng tôi nhận thấy hướng đi của Đà Nẵng trong việc đánh giá công chức là cách đi đúng, rất phù hợp với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về cải cách công chức, công vụ. Và chúng tôi hy vọng thông qua thí điểm của thành phố sẽ rút ra được những bài học chung để đổi mới công tác đánh giá công chức trên cơ sở kết quả làm việc!” - ông Đinh Duy Hoà nhấn mạnh.
Hà Giang khai trương Cổng thông tin điện tử
Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Hà Giang đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử và hệ thống thư điện tử tỉnh Hà Giang tại địa chỉ: www.hagiang.gov.vn; www.mail.hagiang.gov.vn.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin tỉnh Hà Giang, nhằm giới thiệu và quảng bá về những tiềm năng, lợi thế, lịch sử truyền thống, văn hóa và những thành tựu kinh tế - xã hội, đồng thời tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, từ năm 2007, tỉnh Hà Giang đã xây dựng Trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, đến nay, Trang thông tin điện tử này đã không còn đáp ứng được yêu cầu công nghệ ngày càng hiện đại, tích hợp các hệ thống thông tin, các trang tin thành phần và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến… Vì thế, Ban chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin Hà Giang đã chỉ đạo xây dựng mới Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Giang.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, việc đầu tư và đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện ở Hà Giang - tỉnh cực Bắc của Tổ quốc trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn đã thể hiện tầm nhìn và sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Hà Giang đối với công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hà Giang thời gian tới tiếp tục ủng hộ, quyết liệt chỉ đạo công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông trên địa bàn, trong đó tập trung vào một số nội dung như đẩy mạnh cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử, lựa chọn ưu tiên phát triển và khai thác các dịch vụ hành chính có số lượng người sử dụng nhiều, dễ thực hiện; đẩy mạnh sử dụng có hiệu quả hệ thống thư điện tử; củng cố bộ máy, tăng cường năng lực cho Sở Thông tin và Truyền thông cũng như các công tác quản lý, vận hành hệ thống, tổ chức đào tạo, ban hành đồng bộ các quy chế, chế tài cho việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống Thư điện tử cũng như Cổng thông tin điện tử của tỉnh; đồng thời tăng cường đảm bảo an toàn thông tin số, chú trọng các giải pháp bảo mật khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin.
Quảng Ninh đầu tư 646 tỷ đồng xây dựng “chính quyền điện tử”
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa phê duyệt đề án xây dựng “chính quyền điện tử” tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2014.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh sẽ dành 646 tỷ đồng để thực hiện Đề án, phân kỳ đầu tư cụ thể trong 3 năm gồm: 100 tỷ đồng cho năm 2012; 299 tỷ đồng cho năm 2013 và 247 tỷ đồng cho năm 2014.
Đề án được xây dựng với mục tiêu thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính. Đồng thời thể hiện ý chí, quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc tiến tới hệ thống hành chính minh bạch, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tỉnh Quảng Ninh cho biết, đây là cơ sở và là bước khởi đầu để xác định mô hình, kiến trúc xây dựng “chính quyền điện tử” của tỉnh.
Trong thời gian từ 2012 - 2014, Đề án sẽ được triển khai đến các đơn vị cấp tỉnh, các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, UBND các huyện, thị xã, thành phố và thí điểm đến UBND một số phường, xã, thị trấn.
“Robot” hành chính ở Quảng Nam
Trong 2 tháng qua, huyện miền núi cao Nam Trà My, Quảng Nam đã thực hiện chủ trương trả lương cho 100% cán bộ công nhân viên chức qua thẻ ATM. Điều oái ăm là toàn huyện này chưa có được một trụ ATM nào cả.
Vì thế, cả ngàn cán bộ, viên chức phải sắp hàng nhiều ngày ở chi nhánh ngân hàng dịp cuối tuần để… rút tiền lương. Ngân hàng chỉ làm việc giờ hành chính, vì vậy, cả trăm cán bộ miền núi, giáo viên cắm bản phải bỏ dạy, trốn cơ quan để băng rừng 2 ngày đường về trung tâm huyện… rút lương. Ngân hàng cho biết, đến 2013 thì mới lắp đặt được trụ ATM ở thị trấn, vì vậy, nghịch cảnh cười ra nước mắt này sẽ tồn tại dài lâu.
Khi chủ trương, chính sách của nhà nước có hiệu lực, lập tức cán bộ, công chức nhà nước, cơ quan quản lý hành chính địa phương triển khai một cách cứng nhắc, bất chấp thực tiễn cuộc sống có phù hợp với những chính sách, chủ trương đó hay không. Hậu quả là chính sách không đi vào đời sống, chủ trương của nhà nước vô hiệu lực và người dân “nhờn thuốc”.
“Một cửa” nhưng còn... hẹp
Việc thực hiện cơ chế “một cửa” đã giảm tiêu cực, phiền nhiễu rất lớn cho người dân. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn đang rất khó khăn vì chưa có mô hình thống nhất.
Đó là ý kiến tại Hội nghị trực tuyến tổng kết, nhân rộng và triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại UBND cấp huyện, diễn ra sáng 4-12 tại trụ sở Chính phủ, do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Một ý kiến rất đáng chú ý tại hội nghị, đó là phát biểu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - ông Đặng Duy Hậu. Ông Hậu cho rằng, nguyên nhân việc cải cách hành chính chưa đạt được mục tiêu đề ra, người dân vẫn còn phàn nàn khi thực hiện các thủ tục hành chính là do có một bộ phận cán bộ đảng viên sa sút về đạo đức lối sống, nhưng lại nằm ở bộ phận có trách nhiệm tiếp xúc với người dân và doanh nghiệp; vì thế đã gây ra những khó khăn, phiền nhiễu cho người dân.
Để khắc phục tình trạng này, ông Hậu cho biết, Quảng Ninh đang xây dựng mô hình cơ quan hành chính điện tử, thành lập một trung tâm dịch vụ hành chính công nhằm giải quyết tất cả các giao dịch dân sự. “Nếu bí thư, chủ tịch, giám đốc sở chuyển mạnh thì vấn đề này sẽ chuyển mạnh. Vì vậy, chọn đội ngũ làm công tác thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân là phải có cán bộ tinh nhuệ. Cán bộ làm nhiệm vụ này phải có chế độ ưu đãi riêng, được tập huấn trong và ngoài nước, làm việc trong một thời gian nhất định có thể được bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo”.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó GĐ Sở Thông tin và Truyền thông cho rằng: “Các nước tiên tiến trên thế giới họ làm các dịch vụ hành chính công ở bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu, thậm chí cả trên xe buýt chứ không phải là để người dân đến cơ quan hành chính. Việc người dân đến cơ quan hành chính để làm thủ tục hành chính công là việc xưa lắm rồi. Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng một kho dữ liệu và đang từng bước áp dụng ở từng phường, quận và sẽ phấn đấu là địa phương đi tiên phong trong lĩnh vực này” - ông Tuấn cam kết.
Sau khi nghe ý kiến của các bộ, ban, ngành và các địa phương trong cả nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận: Mô hình một cửa, một cửa liên thông cần phải tiếp tục nhân rộng ra áp dụng trên toàn quốc để nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời giúp công tác chống tham nhũng và minh bạch hóa được tốt hơn; tiết kiệm được chi phí đi lại và thời gian cho người dân.
“Nơi nào người dân ít kêu ca phiền hà thì ở đó việc cải cách hành chính diễn ra khá tốt. Chính vì vậy, lãnh đạo các cấp cần phải nhận thức rõ điều này” - Phó Thủ tướng nói./.
Quy chế Chất vấn trong Đảng và những vấn đề đặt ra  (10/12/2012)
Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị*  (10/12/2012)
Thời cơ chín muồi đầu tư vào châu Phi  (10/12/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay