Thời cơ chín muồi đầu tư vào châu Phi

Hà Bùi
20:09, ngày 10-12-2012
TCCSĐT - Khi có ý định đầu tư vào một nơi nào đó trên thế giới, các nhà đầu tư thường bỏ qua châu Phi vì những bất ổn chính trị tại lục địa Đen, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đó là một sai lầm.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), trong hơn một thập kỷ qua, châu Phi vẫn luôn là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình đạt hơn 5% một năm.

Ngay cả khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm những tháng gần đây, châu Phi vẫn tiếp tục phát triển, được Ngân hàng thế giới dự đoán là “đang trên đà cất cánh như Trung Quốc 30 năm trước và Ấn Độ 20 năm trước”.

Nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào được xem là động lực tăng trưởng lớn của châu Phi, song yếu tố quan trọng hơn nhiều chính là số lượng người tiêu dùng ngày càng gia tăng tại lục địa này. “Nhu cầu tiêu dùng tại châu Phi rất lớn”, La-ri Xê-ru-ma (Larry Seruma), trưởng quản lý tại quỹ Nile Pan châu Phi (NAFAX) - quỹ tương hỗ duy nhất của Mỹ dành riêng cho lục địa Đen - cho biết. Theo Viện toàn cầu McKinsey, nhu cầu tiêu dùng gia đình ở châu Phi hiện cao hơn cả Ấn Độ và Nga, và theo nhiều chuyên gia, ước tính nhu cầu này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những thập kỷ tới. Theo dự đoán, số hộ gia đình có thu nhập tự do sẽ tăng hơn 50% (xấp xỉ 130 triệu người) vào năm 2020.

Quỹ Xê-ru-ma (đặt tên theo La-ri Xê-ru-ma) đầu tư phần lớn vào Ni-gê-ri-a - nền kinh tế lớn thứ hai của châu Phi, có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 6% một quý năm 2012 và giá trị cổ phiếu tăng hơn 30% tính đến tháng 12-2012.

Nhận thấy tiềm năng từ lượng người tiêu dùng đông đảo tại châu Phi, quỹ Xê-ru-ma đã “hốt” lời thông qua việc đầu tư vào thực phẩm và nước giải khát. Hai cổ đông hàng đầu của quỹ này chính là công ty bia Guinness Ni-gê-ri-a trực thuộc nhà sản xuất bia rượu lớn nhất thế giới Diageo, và Nestle Ni-gê-ri-a, một thành viên của Nestle Thụy Sĩ - công ty sản xuất thực phẩm lớn nhất thế giới.

Quỹ Xê-ru-ma tăng trưởng 30% năm 2012, còn bao gồm rất nhiều tổ chức dịch vụ tài chính như ngân hàng Tiên phong của Ni-gê-ri-a, ngân hàng Thịnh vượng và ngân hàng Bảo tín.

“Ni-gê-ri-a a có hơn 160 triệu dân, nhưng chỉ có 20 triệu người có tài khoản ngân hàng. Khi càng nhiều người muốn mở các dịch vụ ngân hàng thì lĩnh vực này càng phát triển: lượng tiền gửi vào nhiều hơn, lượng tiền cho vay để kinh doanh cũng tăng cao”, ông L. Xê-ru-ma cho biết.

Tỷ lệ người dùng điện thoại di động đang gia tăng tại châu Phi cũng là lời mời chào hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo hãng nghiên cứu Informa Telecoms & Media tại Luân Đôn, mặc dù châu Phi là thị trường di động tiềm năng với số thuê bao tăng gần 20% một năm. 

Pi-tơ Thôm (Peter Thoms), nhà sáng lập lập đồng thời là nhà quản lý danh mục đầu tư cho Tập đoàn vốn châu Phi, cho biết số thuê bao di động ngày càng tăng tại châu Phi vẫn chưa được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Để huy động vốn dành cho mở rộng kinh doanh tại châu Phi, Tập đoàn vốn châu Phi đã đồng ý chia sẻ cổ phần cho Vodacom - công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại Nam Phi, Tan-da-ni-a, Cộng hòa dân chủ Công-gô, Mô-dam-bíc và Lê-xô-thô, và chia cổ tức cho Vodacom trên 7% một năm.

Rõ ràng châu Phi là một thị trường giàu tiềm năng, nhưng tại sao đại đa số các nhà đầu tư chưa mặn mà bỏ tiền vào đây. Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính cản bước các nhà đầu tư chính là những bất ổn chính trị tại châu Phi. Mở đầu là cuộc “Cách mạng hoa nhài” tại Tuy-ni-di vào năm 2010, tiếp đó là cuộc xung đột vũ trang tại Bờ Biển Ngà và Xô-ma-li-a năm 2011, gần đây nhất là cuộc bạo loạn tại Ma-li và Cộng hòa dân chủ Công-gô, chưa kể đến nội chiến kéo dài hai thập kỷ mới được giải quyết năm 2011 giữa Xu-đăng và Nam Xu-đăng.

Tuy nhiên Pi-tơ Thôm cho rằng châu Phi là một lục địa gồm 54 nước và mỗi nước lại có một nền kinh tế riêng, không phải quá phụ thuộc vào các nước khác. Do đó, bạo loạn tại Ma-li hay Công-gô không ảnh hưởng gì đến Nam Phi nói riêng và kinh tế toàn lục địa nói chung. Minh chứng cho điều đó là giá trị cổ phiếu châu Phi đạt 2 tỷ USD trong ba quý đầu năm 2012 - số liệu được công ty EPFR toàn cầu tổng kết. Đây là một sự tăng trưởng mạnh so với sự thất thoát 1,2 tỷ USD năm 2011.

“Hoạt động kinh tế tại các thị trưởng mới nổi (trong đó có châu Phi) sẽ tiếp tục sôi động hơn các thị trường phát triển”, Ma-xê-lô Át-xa-lin (Marcelo Assalin), nhà quản ly danh mục đầu tư tại Tập đoàn ING cho biết. Đó là một tín hiệu tốt đối với các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao”./.