Sau gần hai tuần tranh luận gay gắt, ngày 8-12, Hội nghị lần thứ 18 Công ước Khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-18) đã bế mạc tại thủ đô Đôha (Doha) của Cata với cam kết gia hạn Nghị định thư Kyôtô đến năm 2020. Theo nhận định của các nhà quan sát, thắng lợi này tuy nhỏ nhưng được xem là có tính biểu tượng cho nỗ lực của thế giới về chống biến đối khí hậu.

Tại hội nghị, các đại diện của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Ôxtrâylia và Thụy Sỹ cùng 8 nước công nghiệp khác trên thế giới đã ký thỏa thuận gia hạn Nghị định thư Kyôtô từ ngày 1-1-2013 đến năm 2020, trong khi chờ một thỏa thuận quốc tế mới về cắt giảm khí thải nhà kính, còn được gọi là Nghị định thư "hậu Kyôtô". Kết quả này của Hội nghị được xem là một bước đi quan trọng tiến tới một thỏa thuận quốc tế mới của LHQ, dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2015 để có thể có hiệu lực vào năm 2020 khi thời hạn kéo dài của Nghị định thư Kyôtô kết thúc. Hoan nghênh thỏa thuận này, Tổng thư ký LHQ Ban ki Mun (Ban Ki-moon) đánh giá đây là bước tiến quan trọng đầu tiên, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng thế giới còn rất nhiều việc phải làm.

Về vấn đề hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo để đối phó với tình trạng Trái Đất ấm lên và chuyển đổi sang nền kinh tế sử dụng nhiều năng lượng tái sinh, thân thiện với môi trường, các nước Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch cam kết tiếp tục tài trợ cho các nước nghèo, song không nêu cụ thể số tiền với lý do "đang gặp khó khăn về tài chính". Các nước đang phát triển cho rằng họ cần thêm ít nhất 60 tỷ USD từ nay đến năm 2015 để đối phó với hạn hán, lũ lụt, bão và nước biển dâng. Trước đó, các nền kinh tế phát triển đã cam kết hỗ trợ 100 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020 - tăng mạnh so với khoản viện trợ 30 tỷ USD giai đoạn 2010 - 2012.

Nhóm họp từ ngày 26-11 tại thủ đô Đôha, Hội nghị COP-18 quy tụ các đại diện của hơn 190 nước trên thế giới với nhiệm vụ mang tính sống còn là chặn đà ảnh hưởng của biến đối khí hậu, khi mà tác động tiêu cực của tình trạng này đã trở nên nghiêm trọng đối với tất cả các quốc gia.

Nghị định thư Kyôtô sẽ hết hạn vào cuối năm, là hiệp ước duy nhất hiện nay có tính ràng buộc pháp lý về hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nguyên nhân chính làm tăng nhiệt độ Trái Đất. Nghị định thư được công bố năm 1997 tại một hội nghị quốc tế về chống biến đổi khí hậu, họp tại cố đô Kyôtô của Nhật Bản. Nghị định thư chính thức có hiệu lực ngày 16-2-2005, quy định đến năm 2012 các nước công nghiệp phát triển phải giảm lượng khí thải nhà kính trung bình đi 7 - 8% so với lượng khí thải năm 1990./.