Càng trở nên quan trọng vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân
Nông nghiệp là sinh kế chính của hơn 70% dân số và là chìa khóa của sự ổn định và phát triển đối với nước ta hiện nay. Quan tâm đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường... Đây là một biện pháp bảo đảm công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta.
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu cho thấy, vấn đề an ninh lương thực thế giới vẫn hết sức mong manh
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, giá lương thực trên thị trường thế giới tăng đến 5% và hiện đang có 33 quốc gia thiếu lương thực nghiêm trọng, cận kề với nạn đói cần được cứu trợ khẩn cấp. Báo cáo của Viện Chính sách thực phẩm quốc tế cho biết, sự ấm lên toàn cầu có thể là nguyên nhân giảm sản lượng nông nghiệp thế giới, trong đó bị ảnh hưởng nặng nhất là các nước nghèo ở châu Phi. Trên thị trường quốc tế hiện nay, giá một số mặt hàng lương thực cơ bản tăng cao: giá lúa mỳ tăng gấp đôi trong chưa đầy một năm, các nông sản khác (ngũ cốc, ngô và đậu nành) có giá cao hơn mức trung bình những năm 90 của thế kỷ XX. Giá gạo và cà-phê tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; tại một số quốc gia, giá sữa và thịt tăng gấp 3lần.
Một nguyên nhân nữa khiến giá cả leo thang chính là sự gia tăng của dân số thế giới vốn được dự báo sẽ là 9 tỉ người vào giữa thế kỷ XXI. Điều đó dẫn tới nhu cầu lương thực khổng lồ và cùng lúc tạo áp lực lên một loạt các nguồn tài nguyên như: đất, nước và dầu mỏ. Tuy nhiên, trong việc giá cả bị đẩy cao, còn những yếu tố khác. Sự phát triển kinh tế đang tạo ra một lớp người tiêu dùng trung lưu, mua nhiều thịt và đồ ăn chế biến sẵn hơn. Tổ chức lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) ước tính rằng, thực phẩm chế biến hiện chiếm tới 80% số lương thực, thực phẩm và bia, rượu bán ra. Đồng thời, sự chuyển dịch mục đích trong quá trình sản xuất nông nghiệp từ lương thực sang năng lượng sinh học cũng "ngốn" không ít lượng lương thực do con người sản xuất. Quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học sạch ethanol (vốn được chế ra từ các loại nông sản) chiếm tới khoảng 30% sản lượng ngô của Mỹ vào năm 2010, khiến giá bột ngô trên thị trường thế giới tăng cao cùng với việc nhanh chóng chiếm đất sản xuất lương thực. Dư luận cũng đang kêu gọi chính phủ các nước này tiến hành những cải cách mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đầy nhạy cảm là nông nghiệp.
Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, người nông dân Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức
Không thể không lo ngại với thực trạng hơn 40% diện tích đất nông - lâm nghiệp trên địa bàn cả nước bị thoái hóa. Điều đó có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trước hết là sự thay đổi khí hậu toàn cầu, những năm gần đây trái đất ấm dần lên, từ đó hạn chế lượng mưa và gia tăng hạn hán. Ngoài ra, còn có nguyên nhân chủ quan do con người tự gây ra. Nhưng một vấn đề khác liên quan đến sản xuất nông nghiệp phát sinh gần đây cũng cần được đề cập đó là tình trạng chuyển đổi đất nông nghiệp đang tràn lan. Qua thống kê cho thấy, từ năm 2002 đến 2007, mỗi năm mất 73.000 ha đất nông nghiệp, 500.000 tấn lương thực. Tình trạng huyện huyện, tỉnh tỉnh đua nhau lấy đất nông nghiệp, cả những vùng đất màu mỡ để lập khu công nghiệp mà không ít khu không thu hút được các nhà đầu tư; rồi việc chuyển đổi số lượng lớn đất nông nghiệp sang làm sân golf, khu giải trí... Cơn sốt giá gạo mới đây, mối đe dọa an ninh thế giới là hồi chuông cảnh tỉnh để không thể làm ngơ trước việc diện tích đất nông nghiệp đang bị thu hẹp dần trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
Theo con số thống kê, từ năm 2002 đến năm 2007, mỗi năm có 2,5 triệu nông dân mất tư liệu sản xuất, rơi vào cảnh "ăn không, ngồi rồi" vì không thể chuyển nghề. Việc giải quyết chế độ chính sách, việc làm cho người nông dân khi đất canh tác, đất ở của họ đã chuyển đổi mục đích sử dụng thành các khu công nghiệp, khu đô thị suốt mấy năm qua luôn là "điểm nóng" mà cho đến nay vẫn chưa được cải thiện. Người nông dân vốn chỉ biết nghề nông, cái nghiệp cấy cày thường "cha truyền, con nối", vì thế, khi bị thu hồi đất họ ngỡ ngàng và không kịp chuyển đổi. Đồng tiền đền bù hoa màu rất ít ỏi lẽ ra phải được sử dụng để tạo lập việc làm mới, thì gần như tới 70% số gia đình nông dân lại đem sắm sửa những vật dụng sinh hoạt không thiết yếu như: xe máy, ti-vi, xây nhà...
Việc định hướng nghề nghiệp, phát triển sản xuất, tìm kiếm và mở rộng thị trường cho nông dân là trách nhiệm của cấp vĩ mô. Nhưng trong thực tế các bộ, ngành... liên quan ít triển khai nghiên cứu, khai thác thông tin, dự báo đón đầu thị trường để đưa ra những định hướng giúp nông dân sản xuất. Khá phổ biến tình trạng thiếu liên kết giữa "3 nhà": nhà kinh doanh không biết lấy gì để bán, nhà khoa học nghiên cứu xong thì kết quả không sử dụng được, nhà nông suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Phần lớn các làng nghề ở nông thôn cũng không tìm thấy hướng đi. Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Chính, Giám đốc Sở Công nghiệp Hà Tây, vấn đề đặt ra cho các làng nghề hiện nay trước hết là thị trường, nhất là đối với các hộ gia đình, các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Thực tế đã có một số doanh nghiệp "ra biển" đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD, nhưng chưa ổn định và giá hàng xuất khẩu có khi chỉ bằng 1/10 giá bán lẻ ở nước ngoài. Vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh đang rất thiếu với đa số các làng nghề. Thêm vào đó là tình trạng kết cấu hạ tầng đều yếu, thiếu ở hầu hết các làng nghề. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề đã trên mức báo động.
Trong khi rất nhiều công trình phúc lợi chất lượng cao ở thành thị được đầu tư bằng ngân sách của Nhà nước thì ở nông thôn, chủ yếu là người nông dân phải bỏ tiền xây dựng công trình phúc lợi, chất lượng lại kém hơn nhiều. Hàng chục năm nay, người nông dân phải đóng rất nhiều các khoản lệ phí và các khoản đóng góp khác. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các khoản thu có tính chất như một loại thuế có tới 122 loại khác nhau (khai sinh, chứng tử, xác nhận lý lịch, đăng ký hộ khẩu, chứng thực hợp đồng, cấp giấy tạm trú, trích lục bản đồ...) với mức thu từ 2.000đ đến 10.000đ.
Vì an ninh lương thực, càng cho thấy vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông thôn và nông dân
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, vấn đề thường gây tranh cãi gay gắt nhất trong đàm phán WTO là vấn đề nông nghiệp và thương mại nông sản. Mới đây, các nước phát triển đã thừa nhận thất bại trong vòng đàm phán
Đô-ha vì không thống nhất được trong vấn đề cắt giảm trợ cấp nông sản. Trong thế kỷ XXI, nông nghiệp vẫn tiếp tục là công cụ chính cho phát triển bền vững và giảm nghèo. Các chuyên gia nhận định, GDP tăng từ sản xuất nông nghiệp làm tăng thu nhập của người nghèo từ 2 đến 4 lần so với GDP tăng từ các hoạt động phi nông nghiệp. Đổi mới nông nghiệp để giảm nghèo ở nông thôn Việt Nam là vấn đề rất cần thiết được đặt ra tại Lễ công bố Báo cáo phát triển thế giới năm 2008 (WDR), đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực cho phát triển nông nghiệp Việt Nam đã tới hạn, nông nghiệp đã đuối sức trong cuộc cạnh tranh toàn cầu. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn và tốt hơn cho nghiên cứu chính sách, hệ thống kết cấu hạ tầng, các kỹ năng và phát triển thể chế. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, ngân sách hạn hẹp, do đó phải tính từng đồng hỗ trợ cho phát triển.
Mặc dù tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đã giảm, nhưng nước ta vẫn là nước nông nghiệp, hơn 75% dân số sống ở nông thôn. Tốc độ tăng trưởng trung bình của nông nghiệp trong giai đoạn 1995 - 2007 là 4%/năm, tuy có thấp hơn so với công nghiệp và dịch vụ, song cũng là tốc độ tăng trưởng khá, giúp tạo công ăn việc làm cho hơn một nửa lực lượng lao động. Hiện không chỉ có gạo mà vị thế thương mại của nhiều loại nông sản xuất khẩu của Việt Nam trên thế giới cũng có thứ hạng cao: hạt tiêu có vị thế số 1; cà-phê, gạo, hạt điều đứng thứ 2; cao-su thứ 4; trà thứ 7. Kim ngạch xuất khẩu nông sản liên tục tăng ở mức cao trong các năm vừa qua (năm 2007 đạt 12,5 tỉ USD) và luôn luôn xuất siêu (xuất khẩu nông sản cao hơn nhập khẩu), trong khi tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu trong thời gian đó. Theo tổng hợp của Bộ Tài nguyên- Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự kiến đến năm 2050, dân số Việt Nam là 130 triệu - 150 triệu người. Dẫu cho ở các nước phát triển, nông dân hầu như đã không còn đóng góp cho GDP và công ăn việc làm không đáng kể, song không vì thế và vai trò của họ giảm đi. ở nước ta, nông dân còn chiếm đa số và vẫn tạo ra khoảng 20% GDP, họ còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Việt Nam hiện nay có thể coi là cường quốc nông nghiệp với điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều sản phẩm xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới như: gạo, thủy sản, cà phê, điều... Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hóa nông sản và các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của các nước không chỉ trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, ngành nông nghiệp phải tập trung thúc đẩy mạnh mẽ việc nghiên cứu chuyển giao khoa học, công nghệ, làm cơ sở tăng nhanh năng xuất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp. Thủ tướng cũng lưu ý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải hết sức quan tâm, chú trọng hỗ trợ các cơ sở vật chất và kỹ thuật cho đồng bào các dân tộc thiểu số để góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Bộ phải có chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn để góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn theo hướng tăng nhanh về ngành công nghiệp dịch vụ trong nông nghiệp. Giáo sư Võ Tòng Xuân đề nghị: Nhà nước cần tiến hành đồng thời một loạt các biện pháp để ổn định sản lượng, khống chế giá cả và điều tiết thị trường thóc gạo. Chính phủ nên sử dụng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như một cơ quan tham vấn chiến lược về vấn đề sảnxuất, lưu thông xuất khẩu gạo.
Quốc hội khóa XI xác định: Dành 3,7 triệu héc-ta đất nông nghiệp để trồng lúa. Cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển cho những ngành hàng mũi nhọn có khả năng cạnh tranh trong nước và có tỷ trọng xuất khẩu cao. Trên cơ sở phải duy trì cho được diện tích trồng lúa nước để bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nhanh những cây công nghiệp như: cà-phê, cao-su.../.
Bài học về phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Khê  (04/07/2008)
Bài học về phát triển kinh tế - xã hội ở Bình Khê  (04/07/2008)
Việt Nam đóng góp tích cực giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng của thế giới và khu vực  (03/07/2008)
I-ran: Một trong những tâm điểm của nền chính trị quốc tế  (03/07/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên