Trong 30 năm cải cách mở cửa, bên cạnh thành công về kinh tế, công cuộc cải cách chính trị của Trung Quốc cũng diễn ra mạnh mẽ với cách làm và bước đi phù hợp, nhằm mục tiêu lâu dài là xây dựng nền chính trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, ở đó dân chủ là bản chất cốt lõi.

Công cuộc cải cách chính trị của Trung Quốc được bắt đầu từ mục tiêu xây dựng nền chính trị ở cơ sở. Trung Quốc đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có việc thí điểm, sau đó triển khai toàn diện dân chủ cơ sở ở nông thôn, nơi tập trung đa số dân cư, bởi nếu quyền dân chủ của họ không được thực hiện sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của nông thôn - nền tảng của sự ổn định của toàn bộ đất nước, dẫn tới nguy cơ triệt tiêu và xóa nhòa mọi thành quả đạt được của công cuộc cải cách. Hướng tới việc xây dựng thể chế chính trị ở cơ sở thật sự dân chủ là vấn đề nền tảng nhận thức luận hết sức đúng đắn dẫn tới nhiều thành công trong công tác này.

Tại Đại hội XVII, Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: "Nền dân chủ nhân dân là sinh mệnh của chủ nghĩa xã hội. Phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu không mệt mỏi của Đảng"(1). Từ đó, Đại hội đặt ra phương châm cơ bản nhất của việc xây dựng nền chính trị cơ sở là: Đi sâu cải cách cơ cấu xã, thị trấn, tăng cường xây dựng chính quyền cơ sở, hoàn thiện chế độ công khai công việc của chính quyền, thôn xóm, thực hiện gắn kết có hiệu quả và sự thúc đẩy giữa chính quyền quản lý hành chính với quần chúng nhân dân.

Chính quyền cấp cơ sở

Hương trấn là đơn vị hành chính cấp cơ sở (tương đương với cấp xã, thị trấn của Việt Nam) nhưng quy mô diện tích và dân số lớn hơn.

Hương trấn đã trải qua một quá trình biến đổi lâu dài của lịch sử, với nhiều tên gọi và vị trí khác nhau trong hệ thống hành chính. Năm 1983, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Vụ viện ban hành Thông tri về việc thực hiện chính xã phân khai, xây dựng Chính phủ hương trấn thì với tư cách là một đơn vị hành chính có tính đặc thù như hiện nay, hương trấn mới được xác lập. Trong 30 năm qua, hương trấn biểu hiện rõ vai trò là "một bộ phận của chính quyền nhà nước", là "điểm dừng chân" của mọi công tác của Đảng và Nhà nước ở vùng nông thôn, đồng thời cũng thể hiện trực tiếp nhất của việc quần chúng nhân dân tham gia quản lý nhà nước"(2).

Theo quy định hiện hành của Trung Quốc, "Chính phủ hương trấn" là chính quyền cơ sở ở nông thôn, bao gồm chính quyền hương, chính quyền hương dân tộc, chính quyền trấn và chính quyền trấn dân tộc (gọi chung là chính quyền hương trấn). Chính quyền hương trấn chủ yếu do hai bộ phận hợp thành là "Đại hội đại biểu nhân dân hương trấn" (tương đương với Hội đồng nhân dân xã, thị trấn của Việt Nam) và Chính quyền nhân dân hương trấn (tương đương với ủy ban nhân dân xã, thị trấn của Việt Nam).

Đại hội đại biểu nhân dân hương trấn là một bước phát triển chiến lược quan trọng trong xây dựng nền chính trị dân chủ ở cơ sở, bởi nó sẽ có vai trò quan trọng trong việc tăng cường sự tham gia của người dân vào việc quản lý và giám sát chính quyền, từ đó góp phần củng cố chính quyền nhà nước dân chủ nhân dân. Nguồn gốc quyền lực của các đại biểu nhân dân hương trấn là do toàn thể nhân dân trực tiếp bầu ra bằng phương thức đầu phiếu phổ thông, theo nhiệm kỳ. Đại biểu chịu trách nhiệm, tiếp thu sự giám sát của nhân dân, khi cần thiết, căn cứ vào pháp luật, nhân dân có quyền bãi miễn, bầu lại những đại biểu không xứng đáng.

Chính quyền nhân dân hương trấn do Đại hội đại biểu nhân dân hương trấn bầu ra trong kỳ họp thứ nhất. Với tư cách là cơ quan hành chính thấp nhất của Nhà nước, Chính quyền nhân dân hương trấn phải chịu trách nhiệm, chấp hành mọi nghị quyết, quyết định và mệnh lệnh của chính quyền nhân dân cấp trên. Nhưng nó lại phải có trách nhiệm báo cáo công tác, tiếp thu sự giám sát của Đại hội đại biểu nhân dân cùng cấp.

Các công tác của chính quyền nhân dân hương trấn đều trực tiếp liên quan đến nhân dân, điều đó làm cho việc sắp xếp bộ máy của nó hoàn toàn khác so với chính quyền cấp trên. Chính quyền nhân dân hương trấn ở Trung Quốc được thực hiện theo chế độ phụ trách của Hương trưởng (Trấn trưởng), dưới là cấp phó giúp việc, bầu theo nhiệm kỳ. Tùy thuộc vào điều kiện từng nơi có thể thành lập thêm các ban công tác nhưng phải bảo đảm yêu cầu tinh gọn, hoạt động hiệu quả, không thành lập những bộ phận không cần thiết hoặc trùng lặp chức năng. Mỗi chức vụ trong chính quyền có sự phân công rõ ràng, do một người chuyên môn phụ trách, mọi công việc riêng đều hướng đến mục đích chung của toàn hệ thống, quyền hạn và trách nhiệm tương xứng với nhau, giám sát và bị giám sát chặt chẽ thông qua trình tự công khai, cơ chế phản biện rộng rãi của quần chúng. Tuy nhiên, do điều kiện khác nhau, trên cơ sở chế định chung ở mỗi nơi có thể áp dụng những mô hình chính quyền hương trấn khác nhau, thích ứng với yêu cầu quản lý của từng khu vực.

Chính quyền nhân dân hương trấn có chức năng trừng trị và trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, tăng cường quản lý trị an xã hội; sử dụng các biện pháp kinh tế, pháp luật và hành chính, tiến hành tổ chức, xây dựng kế hoạch, giám sát và điều hành các hoạt động kinh tế trong phạm vi phụ trách, duy trì trật tự thị trường; quản lý sự nghiệp văn hóa xã hội; quản lý xây dựng trên địa bàn; chỉ đạo công tác của các ủy ban thôn.

Tổ chức tự quản ở thôn

Ở Trung Quốc, tuyệt đại đa số các thôn đều có một quá trình tồn tại và phát triển lâu dài với ba loại hình chủ yếu:

Một là, thôn tự nhiên, do một hoặc mấy gia tộc tụ cư lâu dài theo địa lý tự nhiên hợp thành, vì thế nó mang tính "huyết giới" và "địa giới".

Hai là, loại mô hình hành chính, dựa theo khu vực quản lý hành chính, vì thế nó mang tính "địa giới". Nhìn chung, thôn hành chính thường do một thôn tự nhiên lớn hoặc mấy thôn tự nhiên nhỏ hợp thành.

Ba là, loại hình thôn tập hợp những gia đình có nghề nghiệp chung, giống như một số làng nghề ở Việt Nam, lấy đời sống kinh tế chung, mục tiêu lợi ích và liên hệ kinh tế khách quan là chính, vì thế nó mang tính "nghiệp giới"(3).

Tuy nhiên, ranh giới trên chỉ mang tính tương đối, nhiều thôn có sự kết hợp của cả ba đặc điểm trên. Ở nông thôn Trung Quốc xuất hiện xu thế hợp nhất các thôn tự nhiên thành những thôn hành chính lớn.

Từ khi cải cách mở cửa, nông thôn Trung Quốc là nơi đầu tiên thực hiện chế độ khoán sản lượng đến hộ gia đình - mở đầu cho công cuộc cải cách thể chế kinh tế, cũng là nơi đầu tiên thí điểm về cải cách chính trị với việc áp dụng mô hình tự quản thông qua việc bầu cử trực tiếp ủy ban thôn. Là hình ảnh thu nhỏ của chính quyền cấp hương trấn, cấp thôn bao gồm hình thức tổ chức: Hội nghị dân thôn, Hội nghị đại biểu dân thôn và ủy ban thôn. Tuy nhiên, các hình thức trên không được coi là chính quyền như ở Việt Nam, mà là hình thức tự quản.

Hội nghị dân thôn là cơ quan quyết sách và giám sát cao nhất trong các hoạt động tự quản do những người trong thôn từ 18 tuổi trở lên tham gia. Đây là cơ quan có sự tham gia nhiều người nhất, quy mô lớn nhất, là biểu hiện dân chủ sinh động và đa dạng nhất. Hội nghị dân thôn có quyền quyết định tất cả những công việc quan trọng liên quan đến đời sống và lợi ích của nhân dân. Hội nghị dân thôn là cơ quan đặt ra, sửa đổi quy ước của thôn, có quyền bầu cử để trực tiếp bầu ra các chức danh của ủy ban thôn và các tổ chức tự quản; bãi miễn các thành viên của ủy ban thôn; giám sát, nhận xét, đánh giá các hoạt động của ủy ban thôn.

Do điều kiện thực tế ở nông thôn, hiếm khi đại đa số người dân tham gia Hội nghị dân thôn, nên pháp luật Trung Quốc quy định tùy thuộc vào vấn đề cần xem xét, quyết định quan trọng đến đâu để có thể triệu tập Hội nghị dân thôn. Các quyết định được thông qua trên nguyên tắc quá bán của những người có mặt tại hội nghị. Đối với việc quyết định một số vấn đề, có thể mời đại biểu các doanh nghiệp hoặc đơn vị sự nghiệp đóng trên địa bàn thôn tham gia. Tùy thuộc vào tình hình, có thể triệu tập Hội nghị dân thôn nhiều lần, nhưng thông thường mỗi năm triệu tập một lần. Cũng theo quy định của pháp luật, nếu có 1/10 số dân trong thôn đề nghị họp thì ủy ban thôn phải triệu tập Hội nghị dân thôn.

Hội nghị đại biểu dân thôn là cơ quan quyết sách hằng ngày thực hiện một số chức trách, quyền hạn của Hội nghị dân thôn, là hình thức sinh hoạt không thực sự phổ biến, nó chỉ diễn ra ở những thôn có dân số tương đối ít, hoặc sinh sống rải rác, phân tán. Các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ do nhân dân bầu ra theo quy định từ 5 đến 15 hộ được đề cử 1 người, hoặc do các tổ chức tự quản dân thôn tiến cử. Khi được triệu tập, Hội nghị đại biểu dân thôn có quyền quyết định và thông qua một số vấn đề quan trọng. Về chức năng, Hội nghị đại biểu dân thôn gần giống với Hội nghị dân thôn nhưng hạn chế hơn như không có quyền bầu ra ủy ban thôn (trừ khi được Hội nghị dân thôn trao quyền mới được thay đổi hoặc bầu bổ sung các thành viên ủy ban thôn).

Ủy ban thôn: Xét về mặt phạm vi, Ủy ban thôn nhỏ hơn khu vực hành chính hương trấn, nhưng về đối tượng công tác thì trực tiếp tiếp xúc với dân hơn, là sợi dây nối liền các cấp chính quyền với nhân dân. Ủy ban thôn là tổ chức cơ sở của quần chúng, là cơ quan chấp hành của Hội nghị dân thôn và Hội nghị đại biểu dân thôn, đặc trưng căn bản nhất là tính chất tự quản toàn diện.

Chức năng của Ủy ban thôn là tự quản công việc hằng ngày về kinh tế - xã hội - văn hóa, hòa giải các tranh chấp, quản lý đất đai và các sở hữu tập thể trên địa bàn, tuyên truyền thực hiện Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phản ánh nguyện vọng nhân dân lên các cấp chính quyền.

Quy mô của Ủy ban thôn dựa trên điều kiện cụ thể của từng địa phương, có thể nhiều thôn nhỏ mới thành lập một ủy ban thôn, nhưng có thể một thôn lớn có nhiều ủy ban thôn. Dưới ủy ban thôn thường thành lập các ban: hòa giải nhân dân, bảo vệ trị an, y tế công cộng, sinh đẻ kế hoạch, phúc lợi xã hội,... giúp việc cho ủy ban thôn. Mô hình tự quản còn sâu sắc hơn khi đa số các thôn còn chia thành các tổ dân thôn phụ trách từng địa bàn dân cư nhỏ, thường là vài chục hộ gia đình

Những vấn đề đang đặt ra

Từ thực tế, trong sự vận hành của chính quyền cơ sở và các tổ chức tự quản ở nông thôn Trung Quốc đang đặt ra mấy vấn đề sau:

Một là, vai trò của tổ chức đảng trong việc lãnh đạo chính quyền cơ sở và các hình thức tự quản như thế nào khi mà cơ chế nhiệm kỳ công tác và quyền quyết định công việc trực tiếp dường như cho phép chính quyền cơ sở và các thành viên lãnh đạo tổ chức tự quản có thực quyền hơn tổ chức đảng.

Hai là, làm sao thực hiện dân chủ một cách thực chất trong các hoạt động của chính quyền và các tổ chức như: dân chủ trong bầu cử; dân chủ trong quyết định; dân chủ trong quản lý; dân chủ trong giám sát.

Ba là, sự kết nối hoạt động giữa chính quyền cơ sở hương trấn với tổ chức tự quản ở thôn sao cho hiệu quả khi mà sự ràng buộc về pháp lý không cho phép (tổ chức tự quản ở thôn không phải là trực thuộc chính quyền mà chỉ có quan hệ chỉ đạo và giúp đỡ ở mức độ tương đối).

Cho đến nay, việc cải cách nền chính trị cơ sở ở Trung Quốc vẫn đang trong quá trình tiến hành với nhiều nhiệm vụ cần được thực hiện, nhưng đã phản ánh được khả năng cầm quyền một cách sâu rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sự thích hợp của các mô hình áp dụng tùy theo điều kiện cụ thể. Dù còn có những hạn chế nhất định nhưng những mô hình đó đã phát huy tính tích cực trong việc thực hiện công cuộc cải cách mở cửa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nông thôn, nhất là trong việc thực hiện chính sách "tam nông".
 

(1) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, chuyên đề số 11-2007,tr23

(2) Đỗ Tiến Sâm (chủ biên): Vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn Trung Quốc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr22

(3) Đỗ Tiến Sâm (Chủ biên): Vấn đề thực hiện dân chủ cơ sở ở nông thôn Trung Quốc: Sđd, tr 41 - 42