Phát triển các khu công nghiệp là một tất yếu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta. Tuy nhiên, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các khu công nghiệp cần được tính toán khoa học, tránh tác động xấu đến đời sống của người nông dân, sản xuất nông nghiệp... Vấn đề trên nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc. Tạp chí xin trao đổi cùng độc giả một số nội dung có liên quan.

Hỏi: Xin Tạp chí cho biết tình hình thu hồi đất phục vụ các khu công nghiệp và ảnh hưởng của nó đến đời sống người dân hiện nay ra sao?

Đáp: Tính đến cuối tháng 12-2007, cả nước có 183 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên gần 44 nghìn ha, phân bố trên 54 tỉnh, thành phố của cả nước. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt tổng doanh thu hơn 22 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 11 tỉ USD, chiếm 22% giá trị xuất khẩu của cả nước. Khu công nghiệp thu hút trên 1 triệu lao động trực tiếp (bình quân 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê thu hút 72 lao động), nộp ngân sách năm 2007 khoảng 1,1 tỉ USD, đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung.

Tuy nhiên, để phục vụ các khu công nghiệp, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bình quân mỗi năm có 73 nghìn ha đất nông nghiệp được thu hồi, trong 5 năm từ năm 2001 - 2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã lấy là gần 370 nghìn ha. Hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc là nơi được thu hồi đất nhiều nhất, trong đó những địa phương đứng đầu là: Tiền Giang (20,3 nghìn ha), Đồng Nai (19,7 nghìn ha), Bình Dương (16,6 nghìn ha), Hà Nội (7,7 nghìn ha), Vĩnh Phúc (5,5 nghìn ha)... Điều đó tác động tới đời sống khoảng 2,5 triệu người với gần 630 nghìn hộ nông dân. Số liệu cho thấy, trung bình cứ mỗi ha đất thu hồi, sẽ làm hơn 10 lao động nông dân mất việc. Do thiếu trình độ, sau khi thu hồi đất có tới 67% số nông dân vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp, 13% chuyển sang nghề mới, 20% không có việc làm hoặc có việc nhưng không ổn định, 53% số hộ nông dân bị thu hồi đất có thu nhập sụt giảm so với trước đây nên đời sống gặp nhiều khó khăn.

Hỏi: Vấn đề an ninh lương thực hiện nay đang được đặt ra cấp thiết tại nhiều quốc gia trên thế giới, vậy với việc thu hồi đất nông nghiệp như trên, tình hình an ninh lương thực của Việt Nam ra sao trong tương lai?

Đáp: Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo thứ hai trên thế giới, năm 2007 xuất khẩu 4,5 triệu tấn gạo. Dù vậy không có nghĩa là chúng ta không có nguy cơ mất cân đối an ninh lương thực trong tương lai, nhất là thiếu lương thực cục bộ ở khu vực dân cư nghèo, khi diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, dân số tăng, tình hình thiên tai, dịch bệnh, giá lương thực tăng cao...

Mục tiêu hàng đầu của nước ta là giữ diện tích lúa ít nhất ởmức 3,8 triệu - 4 triệu ha, sản lượng đạt khoảng 36 triệu tấn/năm như hiện nay thì an ninh lương thực của Việt Nam được bảo đảm. Tuy nhiên, sản lượng này cũng chỉ cung cấp cho dân số khoảng 100 triệu người, trong khi dân số của Việt Nam dự báo sẽ vào khoảng 120 triệu người vào giữa thế kỷ XXI. Bởi vậy, nếu không giữ được một diện tích trồng lúa ổn định thì nguy cơ mất cân đối an ninh lương thực trong nước là điều sẽ xảy ra.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra việc sử dụng đất lúa ở các địa phương, trong đó có việc chuyển đổi những mảnh đất màu mỡ sang làm đô thị và phát triển công nghiệp; đưa ra cảnh báo các địa phương, trên cơ sở cân nhắc thận trọng khi sử dụng nguồn tài nguyên gồm cả đất và nước, cần sớm điều chỉnh các dự án quy hoạch "treo". Nơi nào nhất thiết phải lấn sang đất nông nghiệp thì chỉ lấy ở mức tối thiểu và ở những phần đất cằn cỗi, không phù hợp với trồng lúa.

Hỏi: Để giải quyết vấn đề một mặt phát triển mạnh các khu công nghiệp, mặt khác bảo đảm phát triển nông nghiệp, đời sống người nông dân, vấn đề an ninh lương thực... cần có biện pháp nào?

Đáp: Hiện nay, một hệ các giải pháp được các cơ quan chức năng tập trung thực hiện:

- Quy hoạch khoa học các khu công nghiệp, cân nhắc xây dựng khu công nghiệp tập trung ở những nơi tách hẳn khỏi đất sản xuất nông nghiệp, xa khu dân cư, làm hạ tầng đồng bộ như: đường giao thông nối với các trục đường chính, điện, nước, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường... Mặc dù cách làm này mất nhiều kinh phí hơn so với tận dụng khu vực đất gần trục đường quốc lộ, song là cần thiết cho sự phát triển bền vững, lâu dài, tránh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân. Nếu vẫn lấy đất nông nghiệp phải lấy những khu vực đất xấu, canh tác không hiệu quả, tuyệt đối không lấy khu vực đất tốt.

- Chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Tăng cường đào tạo, hướng nghiệp, nhất là đào tạo nghề tại chỗ; ưu tiên thực hiện tiếp nhận lao động vào các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, có cơ chế giám sát việc doanh nghiệp ưu tiên nông dân và con em nông dân sau thu hồi đất. Quỹ đất để lại 10% giao cho các hộ bị thu hồi đất xây dựng cơ sở dịch vụ theo quy hoạch, các hộ này liên kết với nhau thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp làm dịch vụ hỗ trợ cho các khu công nghiệp như: dịch vụ bán hàng, nhà ở, cơ sở dạy nghề, văn hóa, dịch vụ môi trường...

- Hỗ trợ nông dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp còn lại chuyển sang phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao, áp dụng các tiến bộ khoa học mới tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Quy hoạch khu vực sản xuất nông nghiệp tập trung, đẩy mạnh dồn điền, đổi thửa, phát triển hình thức kinh tế trang trại, đổi mới loại hình hợp tác xã, doanh nghiêp nông thôn; đào tạo người dân có kiến thức sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, hiện đại, mang lại thu nhập từ thuần nông có chất lượng và giá trị. Tăng cường đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển dịch vụ công, tài chính công, các loại hình tín dụng để giải quyết vấn đề vốn.

- Thay vì cách sử dụng nguồn tiền bồi thường thông thường, có thể hướng dẫn người dân sử dụng bằng những cách hiệu quả hơn như: Trích một khoản tiền được bồi thường góp vốn vào dự án khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp trong khu công nghiệp, trở thành các cổ đông. Các cổ đông cá nhân không chỉ hưởng cổ tức, mà còn tập hợp cổ phần, cử người đại diện của mình (hoặc thuê chuyên gia) tham gia quản lý trong công ty. Thay vì phân tán ở mỗi cá nhân, sử dụng nguồn tiền làm kinh tế hộ gia đình hoặc thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua các hợp đồng cung ứng nguyên vật liệu, dịch vụ... tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn. Gửi tiết kiệm ngân hàng, mua tín phiếu kho bạc với lãi suất ngang bằng với lãi suất cho vay bình quân hằng năm, có quy định về số lượng tiền gửi, thời gian và lượng tiền được rút nhằm bảo vệ những người già, phụ nữ, trẻ em..., đồng thời là nguồn vốn để người dân học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp. Như vậy, người dân giao đất sẽ được hưởng các nguồn lợi ổn định từ: cổ phần cá nhân, cổ phần tập thể; tiền mặt để đầu tư kinh tế hộ, thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp; 10% diện tích đất để lại làm dịch vụ; tiền gửi lãi suất cao; đào tạo nghề. Những giải pháp giải quyết vấn đề trên đa dạng, song quan trọng hơn cả chính là nỗ lực vào cuộc và hiệu quả thực hiện của các đơn vị có liên quan./.