TCCSĐT - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, sáng 21-11, đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Chiều 21-11, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô

Quốc hội thảo luận về Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai

 
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thị Tuyết Thanh phát biểu ý kiến

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định, hàng năm, thiên tai xảy ra trên cả nước đã gây ra nhiều tổn thất về người và tài sản. Bình quân mỗi năm, thiên tai đã làm chết và mất tích khoảng 500 người, bị thương hàng nghìn người, thiệt hại về kinh tế từ 1,0 - 1,5% GDP. Thực tế này đòi hỏi phải có khung pháp luật làm cơ sở cho việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam trong thời gian tới.

Đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với ý nghĩa bảo đảm phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia. Theo đại biểu này, để phòng, tránh thiên tai hiệu quả, cần sự phối hợp của tất cả các cấp, ngành. Đây là trách nhiệm trước tiên và chủ yếu của Nhà nước.

Đồng tình với ý kiến này, các đại biểu đều cho rằng, Nhà nước phải thống nhất quản lý trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo chứ không phải chỉ hỗ trợ phòng chống thiên tai. Do đó, cần làm rõ hơn vai trò của Nhà nước, vì phòng, chống thiên tai là một nội dung quan trọng, liên quan tới sinh mạng và tài sản của nhân dân. Nếu không quy định chặt chẽ sẽ dễ dàng tạo kẽ hở để thoái thác trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương. Hơn nữa, quy định nội dung phòng, chống thiên tai phải được lồng ghép trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nên càng cần hơn bao giờ hết vai trò chủ đạo, quyết định ở đây.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP. Cần Thơ) cho rằng, trong tình trạng khẩn cấp, mọi cá nhân phải tích cực và chủ động tham gia phòng, chống thiên tai, nhưng trách nhiệm của Nhà nước là chủ yếu, do đó, không thể nói Nhà nước chỉ hỗ trợ đối với công tác này.

Hầu hết các đại biểu đều thống nhất đề nghị tên gọi của luật là “Luật Phòng, chống thiên tai”. Theo các đại biểu: Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông), Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn), Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam),... nên để tên gọi “Luật Phòng, chống thiên tai” vừa ngắn gọn, bao quát và dễ hiểu, đồng thời nêu bật tính chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai. Theo các đại biểu này, thuật ngữ “chống” đã bao hàm trong đó ý nghĩa giảm nhẹ, tránh, ứng phó...

Đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắk Nông) phân tích, dự án Luật bao gồm 5 chương và 46 điều nhưng nhiều nội dung còn chồng chéo. Đại biểu này cho rằng, do đặc thù địa lý, nhiều vùng thường đối mặt với thiên tai nên cần bổ sung chính sách cho các vùng này. Cũng theo đại biểu, cần quy định cụ thể từng lĩnh vực và quy định rõ hơn, nhiều hơn trách nhiệm phòng, tránh thiên tai của từng cơ quan và cả cộng đồng; đề nghị bổ sung nội dung khen thưởng về phòng, chống thiên tai nhằm tôn vinh tập thể, cá nhân có những đóng góp to lớn trong công tác phòng, chống thiên tai.

Đồng quan điểm về nguyên tắc phòng, chống thiên tai phải chú ý tới đặc thù của từng vùng, miền, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) chỉ ra, nguyên tắc phòng, chống thiên tai áp dụng với tất cả các vùng, miền sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên cần bổ sung đối với những khu vực đặc thù này. Theo đại biểu Triệu Thị Thu Phương, cần xem xét đưa lực lượng vũ trang bổ sung vào quy định về lực lượng nòng cốt trong phòng, chống thiên tai.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) không đồng ý với phương án công nhận thương binh, liệt sỹ với những người bị thương, chết khi tham gia phòng, chống thiên tai. Đại biểu này cũng đề xuất nên thành lập Ủy ban phòng, chống thiên tai trên cơ sở kết hợp Ủy ban phòng, chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) cũng đề nghị Quốc hội cần có định hướng rõ ràng hơn về tổ chức cơ quan chủ trì công tác phòng, chống thiên tai, nên xem xét phương án kết hợp hai cơ quan liên quan tới lụt bão và tìm kiếm cứu nạn hiện nay thành một cơ quan Ủy ban Quốc gia phòng, chống thiên tai.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) nêu ra cảnh báo về tính thiếu rõ ràng, chặt chẽ trong quy định về nguồn kinh phí (ngân sách nhà nước và quỹ tự nguyện, quỹ bắt buộc trong phòng, chống thiên tai) sẽ dễ bị lợi dụng sử dụng sai ngân sách, kinh phí và có nguy cơ tham nhũng khi sử dụng nguồn kinh phí này. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đề nghị, cần quy định cụ thể mô hình tổ chức và hoạt động của quỹ phòng, chống thiên tai để tăng tính minh bạch và hiệu quả. Về nội dung này, đại biểu Lâm Lệ Hà (Kiên Giang) cũng cho rằng, nên quy định chung vào một loại quỹ phòng chống thiên tai để thống nhất và minh bạch trong quản lý

Quốc hội thông qua Luật Thủ đô

Chiều 21-11, với 75,70% số đại biểu tán thành, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01-7-2013.

 
 Luật Thủ đô sẽ tạo chuyển biến cho quản lý và phát triển Thủ đô

Luật Thủ đô với 4 chương, 27 điều quy định rõ vị trí, vai trò, chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Khuê Văn Các là biểu tượng Thủ đô

Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô với tỷ lệ 77,31% đại biểu tán thành. Trước đó, trong phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất lựa chọn Hồ Gươm, Chùa Một Cột hay Cột cờ Hà Nội làm biểu tượng của Thủ đô. Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn tiêu chí lựa chọn và tổ chức cuộc thi để lựa chọn biểu tượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác định biểu tượng của Thủ đô phải được cân nhắc, lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố, tiêu chí khác nhau, gắn với lịch sử xây dựng, bảo vệ và phát triển của Thủ đô.

Khuê Văn Các công trình văn hoá, lịch sử có kiến trúc độc đáo, nổi bật trong quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, vừa thể hiện được truyền thống hiếu học của dân tộc, vừa thể hiện được nền văn hiến lâu đời của đất nước, vừa bảo đảm tính thẩm mỹ và sự trang trọng. Từ cơ sở nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội lựa chọn và quy định Khuê Văn Các là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.

Về vấn đề quản lý dân cư (Điều 19), 69,48% đại biểu tán thành quy định dân cư trên địa bàn Thủ đô phải được quản lý ở quy mô, với mật độ và cơ cấu theo quy hoạch chung về xây dựng Thủ đô.

Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội ban hành chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô trong phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.

Việc đăng ký thường trú ở ngoại thành được thực hiện theo quy định của pháp luật về cư trú. Công dân thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 20 của Luật Cư trú được đăng ký thường trú ở nội thành.

Được sử dụng khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán

Về cơ chế về tài chính, Lụât Thủ đô quy định Thủ đô được huy động vốn đầu tư trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật.

Dự toán chi ngân sách của Thủ đô được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng ổn định cho các thời kỳ từ 3 - 5 năm.
Một điểm đáng chú ý, Thủ đô được sử dụng các khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán, trừ các khoản sau: khoản thu thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu; khoản chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước; khoản thu không giao Thủ đô quản lý thu, không phát sinh trên địa bàn Thủ đô nhưng hạch toán nộp ở Thủ đô.

Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thuỷ lợi do TP. Hà Nội quản lý nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện đối với từng dự án cụ thể.

Ngoài ra, một số điều về vùng Thủ đô; quy hoạch xây dựng phát triển Thủ đô; quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị, vấn đề bảo tồn phát triển văn hóa, quản lý đất đai, phát triển khoa học công nghệ, phát triển giao thông vận tải…. cũng được quy định cụ thể trong Luật Thủ đô./.