TCCSĐT - Cải cách hành chính, đặc biệt là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân đang được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai tích cực. TCCSĐT xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Những sự kiện cải cách hành chính đáng chú ý.

Sớm công bố Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính (PAR INDEX) và sẽ áp dụng trên cả nước

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Nội vụ hoàn thiện để sớm công bố và triển khai bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính làm căn cứ đánh giá tiến độ, kết quả, hiệu quả công tác cải cách hành chính gắn với trách nhiệm của các cơ quan và người đứng đầu cơ quan.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội trong tháng 11 này tiến hành tổng kết cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại tại ủy ban nhân dân cấp huyện để nhân rộng trong cả nước, trong đó bao gồm cả việc xem xét các thủ tục có liên quan đến đăng ký đất đai và đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Đồng thời, triển khai ngay các giải pháp về đổi mới công tác xây dựng và phát triển đội ngũ công chức giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và cơ cấu công chức, đổi mới nội dung và phương thức đánh giá công chức trên cơ sở vị trí việc làm và kết quả công việc. Phó Thủ tướng lưu ý, cần xác định đây là nội dung quan trọng nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức thực thi công vụ tại các cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan Kiểm soát thủ tục hành chính triển khai mạnh mẽ hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng được mong đợi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các hoạt động rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính ở tất cả các ngành, lĩnh vực; thực hiện việc công khai minh bạch thủ tục nhất là các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh, tài chính… tại trụ sở các cơ quan hành chính để người dân dễ tiếp cận, dễ thực hiện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính và trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, kịp thời trong thực thi công vụ, tính chính xác, khách quan trong đánh giá kết quả hoạt động.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020.

Doanh nghiệp sẽ được khai thủ tục hải quan 24/7

Đây là thông tin được ông Trần Quốc Định, Phó trưởng Ban cải cách, Tổng cục Hải quan đưa ra tại cuộc trao đổi với báo chí về việc chuẩn bị triển khai thủ tục hải quan điện tử.

Theo đó, thủ tục hải quan điện tử được thực hiện theo đúng nghĩa tự động hóa, bởi khi đó các khâu tiếp nhận, kiểm tra, phân luồng tờ khai sẽ được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan một cách tự động 24/7, thay vì chỉ trong giờ hành chính như trước kia.

Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử sẽ giảm tối đa sự can thiệp trực tiếp của công chức hải quan. Theo Tổng cục hải quan, với phương thức thủ tục hải quan điện tử đang triển khai hiện nay, ba khâu nghiệp vụ là kiểm tra, đăng ký tờ khai và phân luồng tờ khai vẫn được thực hiện thủ công thông qua nghiệp vụ “kiểm tra sơ bộ”. Cách làm trên đã nảy sinh bất cập về tính minh bạch trong việc thực hiện thủ tục hành chính giữa cơ quan quản lý và người khai hải quan…

Hiện tại, thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện tại 21/34 Cục Hải quan tỉnh, thành phố. Lượng tờ khai thực hiện qua thủ tục hải quan điện tử khoảng 3,47 triệu tờ khai, chiếm 95,8% số tờ khai trên các địa bàn thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Gần 1.000 doanh nghiệp ứng dụng chữ ký số

Theo Tổng cục Hải quan, tính đến đầu tháng 11-2012, cả nước có 980 doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hải quan điện tử.

Tổng cục Hải quan cho biết, việc thí điểm ứng dụng chữ ký số trong thủ tục hải quan điện tử được ngành Hải quan thực hiện đầu tiên tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp và Khu chế xuất - Cục Hải quan Hải Phòng từ cuối tháng 9-2011, với 18 doanh nghiệp được lựa chọn tham gia.

Sau quá trình mở rộng thí điểm, đến nay, ngành Hải quan đã áp dụng tại 82 điểm làm thủ tục hải quan của 18/21 Cục Hải quan địa phương đang thực hiện thủ tục hải quan điện tử trong cả nước.

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, việc triển khai chữ ký số thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Đó là nâng cao tính bảo mật, an ninh, an toàn trong quá trình trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan, đảm bảo độ chính xác, tính toàn vẹn của dữ liệu.

Ngoài ra, việc ứng dụng chữ ký số cũng cho phép cơ quan hải quan áp dụng việc tự động hoá đối với các bước trong quy trình thủ tục hải quan, qua đó rút ngắn thời gian thông quan hàng hoá cho doanh nghiệp.

Tổng cục Hải quan đang triển khai các công tác chuẩn bị để mở rộng thủ tục hải quan điện tử tại 13 Cục Hải quan địa phương còn lại.

Chữ ký số là dạng chữ ký điện tử, dựa trên công nghệ mã khóa công khai. Mỗi người dùng phải có một cặp khóa: khóa công khai và khóa bảo mật. Khóa công khai dùng để thẩm định chữ ký số, xác thực người tạo ra chữ ký số. Khóa bảo mật dùng để tạo chữ ký số.

Thực tế, mỗi năm các doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí công văn giấy tờ truyền thống. Nếu áp dụng chữ ký số sẽ giảm thiểu chi phí này, tạo sự thông thoáng trong giao dịch của các doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, việc sử dụng chữ ký số giúp họ nhanh chóng nộp tờ khai thuế qua mạng như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân, đồng thời, nâng cao vị thế, thương hiệu của doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh cũng như chăm sóc, hỗ trợ khách hàng.

Giải quyết hồ sơ hành chính tại nhà

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cho biết từ 01-12-2012, Uỷ ban nhân dân Quận 1 sẽ thực hiện hướng dẫn, tư vấn miễn phí, giải quyết và cấp trả hồ sơ hành chính tại nhà người dân.

Đối tượng áp dụng là người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bệnh… không đi lại được hoặc không đủ sức khỏe để đến cơ quan nhà nước. Những người thuộc diện này khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ hành chính chỉ cần gọi đến số điện thoại tổng đài của quận đăng ký.

Sau khi Uỷ ban nhân dân phường (nơi người dân có yêu cầu) xác minh thông tin, đoàn công tác của quận gồm đại diện Đoàn Thanh niên, chuyên viên ủy ban sẽ đến nhà để tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết.
Đối với những trường hợp quá khó khăn về kinh tế, quận miễn thu lệ phí; riêng những khoản không thể miễn giảm, quận sẽ trích từ quỹ người nghèo để hỗ trợ.

Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng camera theo dõi việc tiếp dân

“Triển khai thực hiện thư xin lỗi, lắp đặt camera theo dõi hoạt động tiếp dân tại các sở, ngành, quận, huyện”.

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong thông báo kết luận chỉ đạo của Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Trí tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố mới đây.

Cũng theo thông báo trên, ông Trí cũng đã chỉ đạo, giao Sở Nội vụ tổ chức đoàn thanh tra công vụ để đánh giá công tác tiếp dân ở các sở, ngành, quận, huyện, phường, xã trong thời gian từ nay đến cuối năm 2012. Qua đó, động viên những đơn vị thực hiện tốt; phê bình, chấn chỉnh kịp thời những đơn vị thực hiện chưa tốt công tác cải cách hành chính.

Hàn Quốc hỗ trợ Đà Nẵng xây dựng chính quyền điện tử

Ngày 13-11, tại Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng và Cơ quan Thông tin xã hội quốc gia Hàn Quốc (NIA) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phát triển chính phủ điện tử.

Đây là hoạt động nhằm góp phần thực hiện hóa chiến lược coi công nghệ thông tin - truyền thông là đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã TP. Đà Nẵng.

Theo đó, NIA sẽ cung cấp chuyên gia kỹ thuật để tư vấn xây dựng chính phủ điện tử, hỗ trợ đào tạo và tổ chức các hội thảo nhằm chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm về khung chính phủ điện tử.

Để triển khai hiệu quả hợp tác, NIA và Đà Nẵng sẽ thành lập một ủy ban hợp tác.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên sắp hoàn thành tiểu dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông TP. Đà Nẵng (trong Dự án phát triển Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ) với mục tiêu hình thành nền tảng chính quyền điện tử.

Liên quan vấn đề này, Đà Nẵng đã hợp tác với các tập đoàn công nghệ quốc tế để xây dựng chính phủ điện tử như với IBM trong dự án “Xây dựng thành phố thông minh hơn”, với Panasonic về “Dự án triển khai thí điểm mô hình mạng kết nối không dây truyền dữ liệu giám sát môi trường và giảm nhẹ thiên tai” và với Intel về dự án thí điểm “Xây dựng trung tâm dữ liệu xanh”./.