TCCSĐT - Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Dự trữ quốc gia. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều khiển nội dung.

Trong buổi chiều đã có 22 đại biểu đăng ký và đã phát biểu tại Hội trường. Qua thảo luận cho thấy, đa số đại biểu Quốc hội tán thành nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ý kiến phát biểu đều tập trung vào 4 nội dung cụ thể:

Thứ nhất là, mục tiêu của dự trữ quốc gia.

Thứ hai là, tổng mức dự trữ quốc gia.

Thứ ba là, danh mục hàng dự trữ quốc gia.

Thứ tư là, ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia.

Nhiều đại biểu cho rằng, dự án Luật Dự trữ quốc gia đã được xây dựng, hoàn thiện nằm trong khuôn khổ pháp lý của hoạt động dự trữ quốc gia, yêu cầu phát triển quốc gia trong tình hình mới, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn dự trữ quốc gia bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, hồ sơ dự án Luật, thể hiện cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức nghiên cứu, chỉnh lý, tiếp thu nghiêm túc.

Về tên gọi của dự án Luật, đa số các đại biểu nhất trí với tên gọi của dự án Luật là Luật Dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) lại cho rằng nên đổi tên Luật thành Luật Dự trữ Nhà nước theo đúng bản chất được quy định trong Luật vì định nghĩa dự trữ quốc gia được quy định trong dự thảo Luật theo bản chất là dự trữ của Nhà nước, do Nhà nước nắm giữ và quản lý, không có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng cần nghiên cứu lại tên gọi của dự án Luật. Đại biểu phân tích: "Quốc gia" và "Nhà nước" là hai khái niệm khác nhau. Mặt khác, trong dự thảo quy định là dự trữ Nhà nước, không có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Nếu để tên gọi là Luật Dự trữ quốc gia cần bổ sung thêm quy định sự tham gia của các thành phần kinh tế khác như: doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân...

Về mục tiêu dự trữ quốc gia, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) thống nhất với phạm vi là dự trữ quốc gia như trong tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tức là chúng ta giới hạn phạm vi lại trong việc thực hiện giải quyết nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng, về an ninh, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị trong mục tiêu cũng cần quy định giải quyết những nhiệm vụ cấp bách khác của nhà nước, vấn đề này cần quy định rõ hơn để làm cơ sở cho triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi trong thực tế.

Về nguồn hình thành dự trữ quốc gia, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nguồn hình thành dự trữ quốc gia phải bao gồm nguồn lực từ ngân sách nhà nước và cả ngoài ngân sách nhà nước. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì, Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, Tổng Cục Dự trữ nhà nước là cơ quan chuyên trách quản lý dự trữ quốc gia trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia và trực tiếp quản lý một số mặt hàng dự trữ quốc gia; tổ chức bộ máy của Tổng Cục Dự trữ Nhà nước được tổ chức theo hệ thống dọc từ Trung ương đến các địa phương theo khu vực. Qua tổ chức thực hiện cho thấy, bộ máy tổ chức hiện hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, so với Pháp lệnh dự trữ quốc gia, trong Dự thảo Luật cũng đã bổ sung nhiều quy định về trách nhiệm của Bộ Tài chính, các bộ, ngành, cơ quan dự trữ quốc gia chuyên trách tại Điều 14, Điều 16 của Dự thảo Luật.

Về ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia, đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc tính hợp lý của quy định trên vì chưa thống nhất với khoản 1, Điều 31, của Luật Ngân sách nhà nước. Theo Luật Ngân sách nhà nước, chi bổ sung dự trữ nhà nước thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương và thuộc chi đầu tư phát triển, không thuộc chi thường xuyên. 

Về cơ chế tài chính đối với dự trữ quốc gia, các ủng hộ việc Ban Soạn thảo đã cân nhắc bỏ quy định "Bộ trưởng Bộ Tài chính xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế tài chính đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước phù hợp với hoạt động nghiệp vụ đặc thù của dự trữ quốc gia " vì cơ chế tài chính đối với lĩnh vực dự trữ quốc gia cần được áp dụng thống nhất như các lĩnh vực khác, không nên có cơ chế riêng.

Đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho ý kiến các mặt hàng thuộc danh mục hàng dự trữ quốc gia phải là các mặt hàng đáp ứng các mục tiêu dự trữ  quốc gia quy định tại Điều 1 của Luật này và đáp ứng một trong các tiêu chí: là mặt hàng chiến lược thiết yếu, có tần suất sử dụng nhiều, tác dụng ứng phó kịp thời trong tình huống khẩn cấp; là mặt hàng đặc chủng không thể thay thế; là vật tư thiết bị bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng mà sản xuất trong nước chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu./.