Phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay - Thách thức và vận hội

PGS,TS, Nguyễn Thanh Tuấn Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
05:42, ngày 25-10-2012

TCCSĐT - Sau hơn hai mươi lăm năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của văn hóa, để văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống và thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và cũng là mục tiêu của sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.

1- Thách thức đối với quá trình phát triển văn hóa

Thứ nhất, ngày nay văn hóa cũng như các ngành kinh tế khác, đều chịu sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường, cơ bản là quy luật lợi nhuận

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở nước ta, kinh tế và văn hóa gắn kết chặt chẽ với nhau, kinh tế không thể phát triển bền vững nếu thiếu nền tảng văn hóa và văn hóa không phải là sản phẩm thụ động của kinh tế. Do đó, phát triển văn hóa phải trên cơ sở kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế.

Kinh tế và văn hóa có mối quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau. Có thể khái quát sự tác động của kinh tế đến văn hóa theo ba hướng sau: a- tác động cùng chiều với sự phát triển văn hóa; b- tác động ngược chiều với sự phát triển văn hóa; c- tác động cùng chiều ở khía cạnh này, lĩnh vực này song lại tác động ngược chiều ở khía cạnh khác, lĩnh vực khác.

Văn hóa tác động đến kinh tế, về cơ bản, cũng theo ba hướng như vậy. Sự tác động của văn hóa đến kinh tế, dù theo hướng nào thì cũng đều cho kết quả tích cực, cho trước mắt, đặc biệt cho lâu dài. Vì văn hóa, xét ở hàm nghĩa cơ bản nhất của nó, là kết tinh của các hoạt động kinh tế và các hoạt động xã hội nói chung; nói cách khác là giá trị của các hoạt động đó.

Nhiều lĩnh vực văn hóa (nếu không nói là tất cả) cũng tương tự như các ngành kinh tế, đều phải chịu sự tác động của các quy luật kinh tế thị trường, cơ bản là quy luật lợi nhuận. Và đây là thách thức hơn là cơ hội đối với văn hóa.

Khi xác định mục tiêu, giải pháp phát triển văn hóa phải căn cứ và hướng tới mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, để phát triển văn hóa trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Còn khi xác định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phải đồng thời xác định mục tiêu văn hóa, hướng tới xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao. Muốn vậy, phải có chính sách kinh tế trong văn hóa để gắn văn hóa với hoạt động kinh tế, khai thác tiềm năng kinh tế, tài chính hỗ trợ cho hoạt động văn hóa. Đồng thời, xây dựng chính sách văn hóa trong kinh tế để chủ động đưa các yếu tố văn hóa thâm nhập vào các hoạt động kinh tế - xã hội.

Thứ hai, sự lấn lướt của văn hóa đại chúng

Trong nền văn hóa thường có ba dạng thức tồn tại, phát triển bên cạnh nhau, chồng lấn nhau là: văn hóa truyền thống, văn hóa hàn lâm, văn hóa đại chúng. Trong đó, sự phát triển văn hóa đại chúng là kết quả và là biểu hiện cụ thể của quy luật lợi nhuận.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các nước phát triển, đặc biệt các nước phương Tây coi việc xuất khẩu sản phẩm văn hóa, đặc biệt văn hóa đại chúng là một trong những nguồn thu lợi nhuận quan trọng. Thậm chí, hình thức xuất khẩu này đang dần dần lấn lướt những hình thức xuất khẩu hàng hóa truyền thống.

Bản chất của văn hóa đại chúng được thể hiện ở “tính hiện đại” gắn liền với tiêu dùng thông tin, văn hóa phẩm của đông đảo người dân. Thanh niên, người nghèo là khách hàng đông đảo nhất của văn hóa đại chúng. Sản phẩm đa dạng của văn hóa đại chúng như sách, báo, phim ảnh, các tác phẩm âm nhạc,…đa dạng, phong phú, dễ tiếp cận (giá cả phải chăng) có vai trò quan trọng trong việc truyền bá kiến thức khoa học, kỹ thuật, nâng cao dân trí, thỏa mãn nhu cầu giải trí của đông đảo người dân. Với vai trò đó, văn hóa đại chúng có vai trò to lớn trong quá trình tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng nguồn nhân lực của xã hội.

Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa của số đông, văn hóa đại chúng cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay. Một số sản phẩm văn hóa đại chúng nước ngoài tập trung vào những hình thức giải trí nhằm tạo ra ảo giác tiêu dùng, vào “lối sống sành điệu” của “mẫu người tiêu dùng” thụ động. Nó tác động làm tha hóa sự cảm thụ văn hóa ở người dân, mà biểu hiện cụ thể là sự vô cảm văn hóa, thông qua đó, tước đi sự nhạy cảm, cảm xúc văn hóa chân chính của công chúng.

Như vậy, tính hai mặt của văn hóa đại chúng luôn luôn là thách thức rất lớn đối với quá trình phát triển văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, và nước ta không phải là ngoại lệ. Việc điều tiết văn hóa đại chúng, đương nhiên, không thể chỉ dựa vào các biện pháp kinh tế, luật pháp, mà còn phải xây dựng và thực hiện được đường hướng phát triển nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

Thứ ba, sự thích nghi với đa dạng văn hóa và tính khoan dung văn hóa trong bối cảnh đan xen giữa hội nhập văn hóa và xung đột văn minh tại mỗi nước và trên phạm vi thế giới

Trong những năm gần đây, quan điểm của S. Huntington về sự xung đột giữa các nền văn minh trong tác phẩm Sự đụng độ của các nền văn minh(1) của ông, sở dĩ vấp phải sự phê phán của nhiều học giả phương Tây, phương Đông là do ông chỉ nhìn thấy phương diện thứ yếu trong đời sống văn hóa - xung đột (mâu thuẫn) và coi nhẹ phương diện chủ yếu - sự hội nhập, thống nhất văn hóa. Về phía S. Huntington, ông nói rõ rằng, trước những hiện tượng xung đột giữa các nền văn minh có vẻ như bộc lộ rõ ra thì cần phải dự báo sự xung đột này để ngày càng có nhiều người chú ý đến tính nguy hiểm của nó, và do đó, sẽ có lợi cho sự đối thoại giữa các nền văn minh. Bản thân việc phê phán quan điểm của S. Huntington cũng góp phần hướng sự quan tâm của nhiều người đến sự đối thoại giữa các nền văn minh.

Đối với Việt Nam, hoàn cảnh địa lý, lịch sử đã tạo nên truyền thống khoan dung văn hóa. Việt Nam đã tiếp nhận có chọn lọc văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ, Ả-rập, Pháp, Liên Xô (cũ), Mỹ(2). Từ tiền đề lịch sử đó, có thể phải tìm ra được cách thức xử lý mối quan hệ giữa hội nhập văn hóa với xung đột văn minh trong quá trình phát triển của văn hóa Việt Nam dưới sự tác động của các quá trình toàn cầu hóa như ngày nay.

Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải vừa bảo vệ bản sắc dân tộc, vừa phải mở rộng giao lưu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Bởi lẽ, việc phát triển văn hóa Việt Nam không thể tách rời với văn hóa thế giới, mở cửa đón nhận truyền thống văn hóa bốn phương, tiếp nhận cái tốt, cái thích hợp, loại bỏ cái xấu, không thích hợp. Bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc văn hóa các dân tộc khác để bắt kịp sự phát triển của thời đại.

Toàn cầu hóa tạo điều kiện để các dân tộc hiểu biết lẫn nhau, bổ sung và làm giàu cho nền văn hóa dân tộc mỗi nước. Điều này rất phù hợp với quy luật vận động và phát triển của văn hóa. Toàn cầu hóa kinh tế quốc tế là một xu thế, đòi hỏi chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập. Đây là cơ hội để chúng ta phát triển nhanh có hiệu quả, nhưng cũng là thách thức rất lớn với nước ta trên nhiều mặt, trong đó có cả văn hóa. Sự thâm nhập của văn hóa độc hại, của sự lai căng văn hóa, của lối sống thực dụng và những tiêu cực khác của kinh tế thị trường, đã và đang ảnh hưởng, làm băng hoại những giá trị văn hóa truyền thống, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước. Chủ động tham gia hội nhập và giao lưu văn hóa với các quốc gia để xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam, đồng thời góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam.

2- Vận hội đối với sự nghiệp phát triển văn hóa

Ngày nay, trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa được đưa vào lưu thông trên thị trường. Cơ cấu ngành của lĩnh vực văn hóa ngày một phức tạp hơn. Văn hóa ngày nay không còn là một thứ “trang sức” tốn kém, mà đã trở thành một ngành kinh tế công nghiệp đặc biệt, có khả năng tự trang trải và tạo ra lợi nhuận.

Văn hóa trở thành ngành sản xuất, kinh doanh mang tính công nghiệp, chủ yếu là do sự tăng nhanh những nhu cầu tinh thần của con người. Từ sự tác động của văn hóa tới chất lượng con người, văn hóa tác động đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng sống và môi trường sống.

Hiện nay, nhiều nước thế giới đã đo lường được sự đóng góp của lĩnh vực văn hóa vào GDP. Chẳng hạn, tại Mỹ năm 1997, mức đóng góp vào GDP của các ngành văn hóa là 4,3% và giải quyết 5,3% tổng số việc làm trong xã hội. Tại Ca-na-đa trong những năm 1994 - 1995, mức đóng góp vào GDP của văn hóa là 3,0% và giải quyết khoảng 5,0% tổng số việc làm trong xã hội. Tại Anh, số người làm việc trực tiếp, gián tiếp trong ngành văn hóa là gần 1,4 triệu; mức tăng trưởng trung bình hằng năm cao gấp 2 lần mức tăng trung bình của kinh tế nói chung (5% so với 2,5%)(3).

Tại Việt Nam, văn hóa cũng đã và đang trở thành một ngành công nghiệp với 2 nhóm ngành sau:

- Nhóm “công nghiệp thông tin - truyền thông” gồm toàn bộ các cơ sở thông tin đại chúng điện tử và ấn loát, điện ảnh, ngành kinh doanh nghe - nhìn, các dịch vụ thu thập, xử lý, truyền tải và sử dụng thông tin,...

- Nhóm “công nghiệp giải trí và thư giãn” gồm công nghiệp sản xuất dụng cụ thể dục thể thao, các liên hiệp và các tổ chức thể dục thể thao, máy ảnh và nhạc cụ, chụp ảnh, mốt thời trang, quảng cáo, ngành thủ công mỹ nghệ, ngành kiến trúc, các cơ quan văn hóa - nghệ thuật (nhà hát kịch, cải lương, tuồng, chèo, dàn nhạc giao hưởng, các nhóm nhạc nhẹ, các viện bảo tàng, thư viện, các công viên văn hóa, các trung tâm vui chơi giải trí, các hoạt động du lịch),...

Có thể thấy cơ cấu rất phức tạp của ngành văn hóa, không khác gì một ngành kinh tế, trải rộng trong các thành phần kinh tế, kết nối không chỉ trên phạm vi quốc gia mà cả với khu vực và quốc tế dưới tác động của các quá trình hội nhập quốc tế theo cơ chế thị trường. Cơ cấu thành phần kinh tế của nó gồm: sở hữu nhà nước, tư nhân, cổ phần và những tổ chức phi lợi nhuận, kể cả có sự tham gia của một số công ty xuyên quốc gia. Khu vực tư nhân kinh doanh hầu như tất cả các ngành thuộc hai nhóm ngành trên. Khu vực nhà nước kinh doanh những ngành có tính độc quyền như thu thập, xử lý, truyền tải thông tin, các loại hình văn hóa - nghệ thuật có tính truyền thống, hàn lâm và có giá trị văn hóa thẩm mỹ cao như bảo tàng, thư viện, dàn nhạc giao hưởng, nhà hát kịch,...; và rất coi trọng vào việc bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể.

Để đáp ứng được các nhu cầu văn hóa đa dạng trong xã hội và dưới sự tác động của tiến bộ công nghệ mới, nhiều thiết chế văn hóa được tổ chức lại theo hướng hình thành phức hợp văn hóa đa chức năng, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Sức phát triển của văn hóa ngày nay nằm chính ở tính kinh tế của nó. Văn hóa do đó, tự quyết định được vận mệnh của mình, chứ không phải phụ thuộc vào các “mạnh thường quân” ở bên ngoài văn hóa. Quá trình xã hội hóa văn hóa, như từ thực tế Việt Nam trong những năm qua cho thấy, đã thúc đẩy ngày càng nhiều người quan tâm đến văn hóa, chi tiêu nhiều cho văn hóa, và hơn thế còn tự mình tổ chức các hoạt động văn hóa.

Quá trình xã hội hóa văn hóa đã làm giảm mức đầu tư của Nhà nước cho văn hóa, song lại nâng cao vai trò “cầm cân nảy mực” của Nhà nước. Nhà nước tập trung vào việc xây dựng luật pháp, chính sách để quản lý các hoạt động văn hóa và các chính sách thuế để khuyến khích (hoặc hạn chế) các lĩnh vực văn hóa. Nhà nước quan tâm đến việc đầu tư phát triển những lĩnh vực mới nhằm đáp ứng và giữ vững những mức độ chuẩn trong quá trình phát triển một cách đa dạng nhu cầu văn hóa của các tầng lớp nhân dân, trước tiên ở lĩnh vực thông tin đại chúng, bảo vệ di sản văn hóa quan trọng của quốc gia. Nhà nước phối hợp với các chủ thể kinh tế trong và ngoài nước hỗ trợ cho các loại hình văn hóa - nghệ thuật phi thương mại;... Nhờ thế, mối quan hệ giữa các thiết chế Nhà nước với các tổ chức văn hóa thuộc mọi thành phần kinh tế trở nên khăng khít và có “sức nặng” thực tế trong việc quản lý, điều tiết quá trình xã hội hóa văn hóa.

Xã hội hóa văn hóa tại Việt Nam cũng như tại nhiều nước trên thế giới, đã thúc đẩy phát triển các hình thức sáng tạo, thưởng thức văn hóa theo hướng hiện đại, đồng thời cũng phục hồi cả nhiều loại hình văn hóa truyền thống. Ở Việt Nam hiện nay, nhiều họa sĩ và nhà điêu khắc đang sử dụng những vật liệu mới cùng các phương tiện điện tử để xử lý, sáng tạo. Các nhạc sĩ cũng sử dụng máy tính và công nghệ điện tử để tạo ra những âm thanh, giai điệu mới lạ. Một số nghệ sĩ dàn dựng những hình thức nghệ thuật sắp đặt - trình diễn hiện đại. Nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn sử dụng cả nghệ thuật đặc thù của phim ảnh và truyền hình. Những viện bảo tàng lớn được nối mạng và có website. Các buổi biểu diễn ca nhạc, tạp kỹ lớn được phát trên truyền hình và đáp ứng nhu cầu người xem theo thời gian tại bất cứ nơi nào trên đất nước.

Các dòng người du lịch cũng làm cho Việt Nam hội nhập mạnh mẽ vào thế giới. Nhu cầu du lịch hiện nay phong phú, từ nhu cầu thăm quan các danh lam thắng cảnh thiên nhiên và lịch sử văn hóa, các viện bảo tàng đến các hình thức vận động thể thao, giải trí, học tập và chữa bệnh, kể cả du lịch kết hợp với công việc (hội thảo khoa học, tư vấn, tiếp cận thị trường...). Việt Nam có bờ biển dài, có sự đa dạng văn hóa vùng (miền),... để phát triển du lịch văn hóa.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, việc trao đổi sản phẩm văn hóa - nghệ thuật với nước ngoài được đẩy mạnh thông qua các festival quốc tế; theo lời mời của các đối tác, các nhà tài trợ; tham gia các cuộc thi âm nhạc quốc tế; những ngày văn hóa Việt Nam tại các nước hay những ngày văn hóa các nước tại Việt Nam (Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ, I-ta-li-a...). Việt Nam đã phối hợp với một số nước để tạo ra một số sản phẩm văn hóa - nghệ thuật chung, như các vở kịch, tác phẩm điện ảnh chung giữa nghệ sĩ Việt Nam với nghệ sĩ các nước. Đặc biệt, việc khai thác một số loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc, như rối nước, đã mang lại giá trị giao lưu văn hóa và kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Giao lưu văn hóa là một vấn đề có tính quy luật trong quá trình tồn tại, phát triển của văn hóa dân tộc, đặc biệt trong hội nhập quốc tế với sự tác động của các quá trình toàn cầu hóa như hiện nay. Trong quá trình hội nhập quốc tế về kinh tế và văn hóa, cùng với việc xuất hiện những loại hình văn hóa mang tính toàn cầu thì việc bảo tồn, phát triển và phát huy nhiều loại hình văn hóa dân tộc là một phương châm rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng sống còn đến tương lai phát triển của văn hóa Việt Nam./.

(1) Xem: S. Huntington, Sự đụng độ của các nền văn minh, Viện Thông tin Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995
(2) Huỳnh Khái Vinh, Nguyễn Thanh Tuấn: Bàn về khoan dung trong văn hóa, tái bản có sửa chữa, bổ sung, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.205
(3) Nguyễn Thanh Tuấn, Văn hóa ở các nước tư bản phát triển - đặc điểm và dự báo, Viện Văn hóa & Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.107