TCCSĐT - Nhằm tạo ra một diễn đàn đa chiều, đề cập đến những vấn đề cấp bách, khẩn thiết của nền kinh tế Việt Nam, cũng như hướng đến mục đích cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề tiếp cận vốn, lãi suất, tín dụng, ngày 28-8-2012, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức “Diễn đàn Đầu tư và Tài chính ngân hàng”. Đây là cơ hội để các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, lãnh đạo các bộ, ngành, các quỹ tài chính quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đại diện các doanh nghiệp…, cùng đối thoại, trao đổi và hợp tác về các vấn đề liên quan đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Tại Diễn đàn, các đại biểu đã cùng nhìn nhận, phân tích, đánh giá một cách thẳng thắn, có cơ sở khoa học về tổng quan cục diện kinh tế thế giới cũng như của nước ta hiện nay. Đặc biệt là mối tương quan giữa lợi ích phát triển của cả nền kinh tế và của các nhà đầu tư, các ngân hàng và doanh nghiệp xoay quanh chủ đề vốn đầu tư, lãi suất, tín dụng để từ đó tìm ra giải pháp đúng đắn, kịp thời, phù hợp với định hướng phát triển của nền kinh tế. Thông qua Diễn đàn, các cơ quan nhà nước, các nhà quản lý có thêm nhiều thông tin bổ ích để có cách nhìn đúng đắn về điều hành vĩ mô, nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp quản lý ở các cấp độ được kịp thời và xác thực, phù hợp với yêu cầu phát triển chính đáng của doanh nghiệp cũng như tình hình phát triển kinh tế nói chung trong vấn đề kêu gọi vốn đầu tư, tìm thị trường.

Theo Báo cáo tham luận tại Diễn đàn của ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Cụ thể, tính đến tháng 7-2012 đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam với 14.007 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 206 tỷ USD, vốn thực hiện đạt khoảng 96 tỷ USD. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với hơn 28 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm tới 13,7% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam.

Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2011 - 2020 khẳng định, khu vực FDI là một thành phần kinh tế được khuyến khích phát triển lâu dài và bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Theo đó, việc thu hút FDI cần tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như, chọn lọc các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực; các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghiệp sinh học; công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu mới… Những dự án tiết kiệm nhiên liệu, không sử dụng nhiều lao động giá rẻ cũng sẽ được ưu tiên.

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực khác cũng sẽ được tập trung thu hút đầu tư, như khuyến khích đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế đi liền với dịch vụ phụ trợ; công nghiệp nông nghiệp; chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, gồm cả thủy, hải sản; các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, cảng biển, sân bay cũng như các ngành dịch vụ có giá trị cao, tiềm năng lớn như y tế, giáo dục, đào tạo…

Các ý kiến đưa ra tại Diễn đàn đều nhất trí, để tăng cường hiệu quả đầu tư của nền kinh tế, điều kiện quan trọng nhất là đặt tất cả các chủ thể kinh tế vào một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Bên cạnh đó, các công trình, dự án, đặc biệt là thuộc nguồn đầu tư công, cần được đầu tư đúng hạng mục, đúng thời điểm. Các bộ phận của nền kinh tế phải tạo được một cơ cấu hợp lý trong việc phối hợp và cùng phát huy hiệu quả. Vì vậy, các nhóm giải pháp dài hạn là:  tăng cường thể chế kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường hiệu năng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân cấp (đặc biệt là quyết định đầu tư) và đặc biệt là tái cấu trúc nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 Khóa XI./.