Ngày 2-7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định các mục tiêu trong 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) là giảm đói nghèo (MDG -1), cải thiện điều kiện sống của người dân sống trong các khu ổ chuột ở các đô thị, giảm 50% tỷ lệ người không được tiếp cận nguồn nước sạch và các điều kiện vệ sinh (MDG-7) đã đạt được trước thời hạn 2015 ba năm.
Trong Báo cáo của Liên hợp quốc về tiến trình thực hiện các MDG năm 2012, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh, lần đầu tiên kể từ khi các xu thế nghèo đói được giám sát, cho đến nay, cả số người sống cùng khổ và tỷ lệ đói nghèo trên thế giới đều giảm ở các nước đang phát triển.

Năm 2010, số người sống cùng khổ trên thế giới đã giảm xuống còn chưa đầy 50% so với năm 1990. MDG-1 đã được thực hiện thành công trên toàn cầu trước thời hạn 5 năm.

Trong khi đó, vào năm 2010, với số người được tiếp cận nguồn nước sạch trên thế giới đã tăng từ 76% năm 1990 lên 89% năm 2010, đồng nghĩa với hơn 2 tỷ người trên thế giới đã được sử dụng nguồn nước an toàn, thế giới cũng đạt được mục tiêu giảm 50% tỷ lệ người không được tiếp cận nguồn nước sạch. 

Ngoài ra, số người dân đô thị ở các nước đang phát triển sống trong các khu ổ chuột đã giảm từ 39% năm 2000 xuống còn 33% năm 2012. Hơn 200 triệu người trong các khu ổ chuột này đã được tiếp cận nguồn nước sạch, các tiện nghi vệ sinh được cải thiện hoặc được sống trong các nhà ở có điều kiện tốt hơn. 

Thành tựu này vượt quá mục tiêu cải thiện điều kiện sống cho ít nhất 100 triệu người dân đô thị trong các khu ổ chuột vào năm 2020 của MDG-7.

Báo cáo của Liên hợp quốc về thực hiện MDG năm 2012 cũng nhấn mạnh thế giới đã đạt được thành tựu mang tính bước ngoặt khác về bình đẳng giữa trẻ em trai và gái trong giáo dục tiểu học.

Tỷ lệ trẻ em gái học tiểu học so với trẻ em trai đã tăng từ 91% năm 1999 lên 97 % năm 2010.

Vào cuối năm 2010, đã có 6,5 triệu người ở các nước đang phát triển được điều trị HIV hoặc AIDS, đưa năm 2010 trở thành năm có số người được điều trị HIV/AIDS tăng cao nhất. Kể từ tháng 12-2009, hơn 1,4 triệu người trên thế giới đã được điều trị căn bệnh thế kỷ này.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định những thành tựu đã đạt được trong tiến trình thế giới thực hiện MDG cho thấy hiệu quả rõ ràng không thể phủ nhận của tiến trình này và nhờ đó đã giảm trên quy mô lớn những nỗi khổ của con người.

Tuy nhiên, ông cảnh báo thế giới không được phép lơi là và để đạt được các mục tiêu còn lại của 8 MDG đòi hỏi các chính phủ trên thế giới tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các cam kết đã được ghi nhận tại Hội nghị cấp cao thế giới năm 2000 về các MDG.

Thực hiện thành công các MDG khác phụ thuộc vào thực hiện thành công Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ 8 (MDG-8) về tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển.

Các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang đè nặng lên các nước phát triển, nhưng không được phép làm chậm lại hoặc làm đảo ngược những thành tựu thế giới đã đạt được cho tới nay trong tiến trình thực hiện các MDG.

Các dự báo của Liên hợp quốc cho thấy vào năm 2015, hơn 600 triệu người vẫn không được tiếp cận nguồn nước sạch, 1 tỉ người vẫn phải sống cùng khổ, các bà mẹ vẫn bị tử vong oan uổng khi thai nghén và sinh đẻ, trẻ em vẫn bị chết vì những căn bệnh hoàn toàn có thể ngăn ngặn được.

Đói nghèo vẫn là thách thức toàn cầu và đảm bảo tất cả trẻ em đều có thể hoàn tất giáo dục tiểu học vẫn là mục tiêu căn bản nhưng chưa thể thực hiện được.

Hai thách thức này đang tác động bất lợi đến tất cả các mục tiêu phát triển khác. Thiếu điều kiện vệ sinh an toàn đang tác động đến tiến bộ trong y tế và dinh dưỡng. Khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục đe dọa nghiêm trọng con người và hệ sinh thái toàn cầu.

Bất bình đẳng dai dẳng có nguy cơ làm trệch hướng các tiến bộ đã đạt được trong tiến trình phát triển, do không phân phối công bằng các thành tựu phát triển trong các nước và giữa các nước và các khu vực.

Thế giới vẫn tiến triển chậm chạp trong cải thiện sức khỏe các bà mẹ và giảm tỷ lệ tử vong của họ khi thai nghén và sinh đẻ.

2,5 tỉ người chiếm gần 50% dân số các nước đang phát triển vẫn chưa được tiếp cận các điều kiện vệ sinh tốt hơn.

Vào năm 2015, thế giới mới chỉ cải thiện được các điều kiện vệ sinh cho 67% số người này, tỷ lệ thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 75% cần thiết để đạt được MDG.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cảnh báo thời hạn cuối cùng là năm 2015 để thực hiện các MDG đang đến rất gần và để đạt được các MDG này, các chính phủ, cộng đồng quốc tế, xã hội dân sự và khu vực tư nhân cần tăng gấp bội các nỗ lực thúc đẩy tiến trình thực hiện các MDG.

Cơ hội thành công để định hình chương trình nghị sự cho tương lai vẫn rất lớn nhưng phụ thuộc vào việc vượt qua các thách thức về tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu.

Bạo lực giới trong đó bất bình đẳng giới và phụ nữ tiếp tục bị phân biệt đối xử về giáo dục, việc làm, sở hữu tài sản kinh tế và quyền tham gia chính phủ vẫn đang phá hoại các nỗ lực để đạt tất cả các mục tiêu MDG.

Tiến trình thực hiện MDG thành công sẽ cung cấp các kinh nghiệm phong phú và niềm tin để thúc đẩy tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự mới sau năm 2015 đã được định hình sau Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20)./.