TCCSĐT - Chiều 1-6, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Thảo luận ở hội trường, hầu hết các ý kiến đều thống nhất quan điểm cần sớm tiến hành việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2003 bởi đây là vấn đề đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân; liên quan tới nhiều lĩnh vực, là  cội nguồn phát sinh nhiều tiêu cực, tham nhũng, tác động trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, do có liên quan chặt chẽ đến các quy định của Hiến pháp và kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về chính sách đất đai nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với đề nghị của Chính phủ lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật này sang kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thuộc Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, là dự án đã có thời gian chuẩn bị tương đối dài, việc sửa đổi Luật sẽ góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc, bất cập hiện nay trong lĩnh vực đất đai.

Giải trình, tham gia ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ đang tập trung làm rõ những nội dung đang được đông đảo đại biểu và cử tri cả nước quan tâm như: giá đất; thế chấp người sử dụng đất; thu hồi đất đền bù giải phóng mặt bằng; vấn đề đất nông, lâm trường; xử lý vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc, miền núi để phục vụ cho việc sửa đổi Luật Đất đai và đề nghị Quốc hội cho giữ đúng theo tiến độ Chính phủ đã trình, tức là cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và thông qua tại Kỳ họp 6.

Các đại biểu cũng đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 cần có những nội dung điều chỉnh vấn đề quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước vì công tác quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang rất cần một khung pháp lý để điều chỉnh kịp thời; đề nghị cần sớm có Luật Quản lý vốn đầu tư Nhà nước trong sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, các đại biểu đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2013 những dự án luật bám sát nội dung Đề án tái cơ cấu kinh tế để phù hợp với tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước.

Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến nay. Cụ thể, tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10-2011), Quốc hội đã thông qua được 05 luật, 04 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật và cho ý kiến 13 dự án luật khác. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2012), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Đến thời điểm này, các dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2 và ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội; 06 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 6 (tháng 4-2012); Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 03 dự án pháp lệnh và cho ý kiến 01 dự án pháp lệnh khác. Thời gian qua Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tiếp tục có nhiều cố gắng với những bước cải tiến quan trọng trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng được chú trọng và đi vào chiều sâu; kịp thời đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cũng còn có những hạn chế.

Về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 03 dự án luật, điều chỉnh tiến độ 05 dự án luật khác trong Chương trình năm 2012.

Về đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, tính đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được đề nghị, kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 gồm: Chính phủ đề nghị 59 dự án gồm 56 dự án luật, 03 dự án pháp lệnh; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị 02 dự án luật; Tòa án nhân dân tối cao đề nghị 02 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị 01 dự án luật; Ủy ban Đối ngoại đề nghị 02 dự án luật (chưa có trong Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII); Ủy ban Quốc phòng và an ninh đề nghị 02 dự án luật; Ủy ban về các vấn đề xã hội đề nghị 01 dự án pháp lệnh; Ủy ban Tư pháp đề nghị 07 dự án luật, 03 dự án pháp lệnh; Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đề nghị 01 dự án luật; Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị 01 dự án luật (chưa có trong Chương trình nhiệm kỳ khoá XIII); Các đại biểu Quốc hội đề nghị 09 dự án luật (trong đó có 03 dự án chưa có trong Chương trình nhiệm kỳ khóa XIII); các Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị 61 dự án luật.

Trong dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, đặc biệt quan trọng có dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001) phù hợp với tình hình mới”, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội đã quyết định đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 để cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2012) dự án Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2013). Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa dự án này vào Chương trình tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Pháp luật thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Vì vậy, cần tập trung trí tuệ của các cơ quan, tổ chức có liên quan vào việc chuẩn bị cũng như triển khai tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, để có những giải pháp thiết thực lập và triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Các cơ quan, tổ chức hữu quan cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp đã được đề cập trong Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26-11-2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XIII, nhất là làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo có dự án luật trình không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng, không kịp thời ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật. Các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là đại biểu Quốc hội thực hiện quyền sáng kiến pháp luật của mình. Khi đại biểu Quốc hội có sáng kiến pháp luật, cần giao cho cơ quan, tổ chức có liên quan giúp đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và bảo đảm yêu cầu theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình. Đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan sớm quyết định kinh phí cho việc chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh (cả Chương trình chính thức và Chương trình chuẩn bị) để việc chuẩn bị xây dựng các dự án này được tiến hành thuận lợi và chất lượng./.