TCCSĐT - Sử dụng thuốc lá là nguy cơ lớn nhất đối với sức khoẻ con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, trên thế giới mỗi năm thuốc lá gây ra hơn 5 triệu ca tử vong và con số này sẽ tăng thành hơn 8 triệu người một năm vào năm 2020, trong đó 70% số ca tử vong sẽ xảy ra ở các nước đang phát triển.
Gánh nặng bệnh tật

Khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất trong đó có 70 chất gây ung thư. Nicotine trong khói thuốc lá là chất gây nghiện. Sử dụng thuốc lá gây ra khoảng 25 căn bệnh trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch, gây bệnh bất lực và tăng nguy cơ vô sinh cho cả 2 giới..

Theo số liệu của WHO, sử dụng thuốc lá ước tính là gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các bệnh tim thiếu máu cục bộ. Nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả không được thực hiện thì trong thế kỷ này những tác hại của thuốc lá sẽ giết chết 1 tỉ người.

Thuốc lá là nguy cơ lớn nhất đối với sức khỏe con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới. Trên toàn thế giới có 1,3 tỉ người hiện đang hút thuốc lá và có 1/2 trong số đó tử vong sớm. Hằng năm, có 5,4 triệu người chết trên toàn cầu do thuốc lá, trong đó có 60.000 người chết do hít phải khói thuốc.
Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Những người hít phải khói thuốc tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy hay khói thuốc do người hút thuốc phả ra cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nguy hiểm do hít phải hàng nghìn các hóa chất độc hại và chất gây ung thư. Ở người lớn hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh (SID), kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác

Tại các nước phát triển, mặc dù tỉ lệ sử dụng thuốc lá đã giảm so với hàng chục năm trước do việc thực thi các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá mạnh, tuy nhiên đây vẫn là khu vực đang phải gánh chịu các gánh nặng về bệnh tật và kinh tế do sử dụng thuốc lá và bởi các hậu quả do sử dụng thuốc lá thường xảy ra sau nhiều năm hút thuốc.

Tại Việt Nam hiện có 33 triệu người không hút thuốc nhưng lại thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà và hơn 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc. Theo Điều tra năm 2010 về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành trên 15 tuổi do Bộ Y tế, Tổng Cục Thống kê và Tổ chức Y tế Thế giới phối hợp thực hiện thì tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%. Việt Nam thuộc nhóm 15 nước có số người hút thuốc cao nhất trên thế giới.

Trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm của Việt Nam giảm thì các bệnh không lây nhiễm lại gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua. Con số cho thấy các bệnh nhân vào nhập viện điều trị nội trú ở các bệnh viện do các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 62%. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới. Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược gần 11% tổng số ca tử vong ở nam giới Việt Nam là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Bộ Y tế cũng cho biết, số người tử vong do sử dụng thuốc lá cao nhất (40.000 người chết/năm), cao hơn số người tử vong do HIV/AIDS (38.000 người) và tai nạn giao thông (13.000 người).

Để ngăn ngừa và giảm thiểu các tổn thất do sử dụng thuốc lá, trong thời gian qua Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương triển khai nhiều hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá như nghiên cứu, xây dựng chính sách, đặc biệt là chú trọng triển khai công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại thuốc lá, tuyên truyền, giáo dục để người hút thuốc lá thay đổi hành vi, hạn chế sử dụng và tiến tới cai nghiện thuốc lá, thanh thiếu niên không hút thuốc lá, người dân biết tự bảo vệ và nâng cao sức khỏe của mình.

Những nỗ lực của xã hội trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá

Để tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về tác hại của thuốc lá, nhiều chương trình phát động chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá đã được tổ chức. Với mục tiêu là nhằm tăng cường nhận thức về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc bỏ thuốc, tuyên truyền để những người hút thuốc không hút tại những nơi có quy định cấm nhằm giảm tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động trong cộng đồng.

Chiến dịch cũng nhằm vận động sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách cho việc ban hành các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và toàn diện. Các biện pháp như: Xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thuốc, tăng thuế thuốc lá, cấm bán các bao thuốc lá nhỏ được đóng gói dưới 20 điếu, cấm hoàn toàn quảng cáo, khuyến mại thuốc lá và tạo nguồn kinh phí thường xuyên cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá đang là những biện pháp hiệu quả và là hoạt động ưu tiên trong phòng chống tác hại thuốc lá mà các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực thực thi.

Dựa trên kinh nghiệm của các nước cũng như theo khuyến cáo của WHO, các biện pháp này cần phải được thực thi càng sớm càng tốt tại Việt Nam để ngăn ngừa các tổn thất về sức khỏe, kinh tế và môi trường do sử dụng thuốc lá trong hiện tại và tương lai, bảo vệ các thế hệ hiện trẻ của đất nước khỏi các hậu quả về sức khỏe do việc tiêu thụ và phơi nhiễm với khói thuốc.

Để thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, thực hiện cam kết của Việt Nam khi tham gia Công ước Khung, một giải pháp quan trọng là cần có một nguồn kinh phí thường xuyên cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá. Hiện nay, kinh phí cho phòng chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào các nhà tài trợ quốc tế (khoảng 90%). Ngân sách nhà nước cấp cho công tác phòng chống tác hại thuốc lá năm 2010 khoảng gần 1 tỉ đồng, tương đương 0,5% kinh phí của Thái Lan trong khi số người hút thuốc của Thái Lan chỉ bằng 2/3 số lượng người hút thuốc của Việt Nam. Do không chủ động được nguồn tài chính, phụ thuộc vào nguồn tài trợ quốc tế nên thời gian qua việc thực hiện hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá không đồng bộ và thường xuyên.

Kết quả đánh giá sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 12/2000/NQ-CP của Chính phủ ngày 14-8-2000 về “Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá trong giai đoạn 2000-2010 cho thấy, mặc dù đã có khá nhiều tiến bộ trong việc thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng thuốc lá của cộng đồng nhưng phần lớn các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra đều không đạt được, đặc biệt là mục tiêu giảm tỉ lệ người hút thuốc (chỉ giảm được 9% nam giới hút thuốc trong 10 năm so với mục tiêu đề ra là giảm từ 50% xuống 20%). Trong thời gian tới, việc huy động nguồn kinh phí cho phòng chống tác hại thuốc lá sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn do Việt Nam đã vượt ngưỡng nghèo, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nên các nguồn tài trợ quốc tế sẽ ngày càng giảm.

Bên cạnh đó, các biện pháp như tăng thuế thuốc lá, in cảnh báo bằng hình ảnh trên bao thuốc lá, phát tờ rơi, tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cũng đã được áp dụng. Hiện, việc tăng thuế thuốc lá được xem là biện pháp quan trọng để giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá trước mắt. Thuế thuốc lá ở mức cao làm tăng giá thuốc lá thuốc lá khiến cho người chưa nghiện lắm muốn bỏ thuốc, người chưa hút sẽ không bắt đầu hút và người nghiện thuốc lá sẽ giảm số lượng điếu hút. Tính trung bình, nếu giá thuốc lá tăng 10%, nhu cầu sử dụng thuốc lá giảm khoảng 4% ở những nước có thu nhập cao và giảm 8% ở những nước có thu nhập trung bình và thấp.

Thuốc lá là loại hàng hoá có tính gây nghiện, nên khi giá thuốc lá tăng, nhu cầu tiêu dùng thuốc lá giảm đi nhưng tốc độ giảm sẽ chậm hơn tốc độ tăng giá. Vì vậy mặc dù lượng thuốc lá tiêu dùng giảm đi nhưng doanh thu thuế vẫn tăng. Khuynh hướng này đúng cả về lý thuyết cũng như thực tế ở các nước. Theo Ngân hàng Thế giới, khi tăng giá thuốc lá thêm 10%, doanh thu thuế thuốc lá sẽ tăng khoảng 7%. Tại Việt nam, theo số liệu của Bộ Tài chính, nguồn thu từ thuế thuốc lá năm 2008 (sau khi áp dụng mức thuế mới 65% (tăng 10% so với mức thuế năm 2007 là 55%) là hơn 7500 tỉ đồng, tăng hơn 1000 tỉ đồng so với năm 2007.

Việc phát động chiến dịch truyền thông phòng chống tác hại thuốc lá sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc thụ động. Nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của việc bỏ thuốc, tuyên truyền để những người hút thuốc không hút tại những nơi có quy định cấm nhằm giảm tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc trong cộng đồng.

Chiến dịch cũng là dịp để Bộ Y tế vận động sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách cho việc ban hành Luật phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và toàn diện. Việc ban hành luật phòng chống tác hại thuốc lá mạnh và toàn diện sẽ là cơ sở quan trọng để ngăn ngừa bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá; đồng thời nhận được sự hợp tác của các cơ quan truyền thông cùng đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về tác hại thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động, vận động các nhà hoạch định chính sách ủng hộ cho việc ban hành các quy định phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ cũng vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.