Từ bi kịch đến hài kịch

La Mịch Như
18:03, ngày 21-05-2012
TCCSĐT - Sau không đầy một tháng rưỡi, cử tri Hy Lạp lại đi bỏ phiếu bầu Quốc hội mới bởi mọi nỗ lực thành lập chính phủ liên hiệp đều thất bại. Tổng thống Karolos Papoulias cũng không thành công trong việc thuyết phục các đảng phái chính trị trong Quốc hội liên minh với nhau hoặc chấp thuận một chính phủ không có bất cứ chính trị gia nào. Giải pháp cuối cùng là thành lập chính phủ tạm quyền gồm 16 thành viên để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử mới vào ngày 17-6 tới.
 
 Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền vì lo ngại viễn cảnh nước này bị loại khỏi Eurozone.

Bi kịch chính trị ở Hy Lạp là chuyện được dự báo trước. Cử tri ở đất nước này đã dùng cuộc bầu cử Quốc hội mới rồi để thể hiện thái độ bất bình với những điều kiện áp đặt của EU và trừng phạt mọi đảng phái chính trị chấp nhận những điều kiện của EU. Các Đảng Cánh tả, Cánh hữu và dân tộc chủ nghĩa, thậm chí cả Đảng Phát xít mới, thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội ấy vì đã đánh trúng vào tâm lý này của người dân. Không nghe theo EU, Hy Lạp không nhận được viện trợ tài chính để không bị vỡ nợ. Nhưng để đổi lấy viện trợ tài chính của EU và IMF thì Hy Lạp phải trả giá đắt.

Đảng Dân chủ mới và Đảng Xã hội chấp nhận trả giá, nhưng người dân lại không muốn thế vì chính họ chứ không phải hai đảng phái chính trị lớn nhất đất nước này. Chính trường bị phân rẽ vì nội bộ xã hội bị phân hóa. Đa số người dân ở đất nước này không muốn tuân thủ các biện pháp chính sách tiết kiệm chi tiêu ngặt nghèo mà EU áp đặt, nhưng lại không muốn từ bỏ đồng euro. Họ tin rằng vẫn có cách giúp đất nước thoát khỏi khủng hoảng, không phải tuân thủ những điều kiện của EU và IMF mà cũng không bị buộc phải ra khỏi Eurozone.

Bi kịch chính trị ở Hy Lạp hiện tại còn có nguồn gốc ở một khía cạnh khác nữa là các đảng phái chính trị không thể dung hòa quan điểm được với nhau. Sự co cụm này khiến cho Hy Lạp không thể tập hợp đủ đa số cần thiết cho chính phủ mới. Nếu cuộc bầu cử quốc hội tới không đưa lại kết quả khác thì bi kịch này sẽ vẫn còn tiếp diễn ở quốc gia này.

Tuy nhiên, hiện nay tại Hy Lạp đang diễn ra một câu chuyện vui mà có thật. Ngày 16-5 vừa qua, ông Panagiotis Pikrammenos, 67 tuổi, một thẩm phán cao cấp đã tuyên thệ và nhận chức Thủ tướng tạm thời Hy Lạp. Tên của người đứng đầu chính phủ tạm quyền trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "cay đắng". Đây có lẽ là sự trùng lặp ngẫu nhiên đầy thú vị. Vị thủ tướng tạm thời này của Hy Lạp không có thực quyền hành pháp mà chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử. Quốc hội mới được bầu ngày 6-5 vừa qua họp phiên khai mạc ngày 17-5 để rồi lại tự giải tán trong ngày 18-6. Cả EU lẫn IMF đều coi như Hy Lạp vẫn vô chính phủ và không giải ngân những khoản cứu trợ tài chính đã cam kết cho Hy Lạp. Sau nhiều tháng ngày lòng vòng, Hy Lạp lại trở về thời điểm ngay sau khủng hoảng.

Thế nên cuộc bầu cử Quốc hội tới sẽ là chuyện định mệnh đối với Hy Lạp. Cử tri đất nước này phải lựa chọn giữa hai thái cực là chấp nhận những điều kiện của EU và IMF để được cứu trợ và không phải từ bỏ đồng euro và đàm phán lại những điều kiện cứu trợ của EU với hệ luỵ là có thể không được chấp nhận và phải ra khỏi đồng euro. Cử tri đất nước này lại một lần nữa bị giằng xé giữa lý trí và tình cảm.

Hiện tại, Đảng Cánh tả đang thắng thế trong thăm dò dư luận, nhưng không thể loại trừ khả năng tình thế rồi sẽ thay đổi. EU tuyên bố muốn Hy Lạp tiếp tục ở trong nhóm các thành viên sử dụng đồng euro nhưng đồng thời cũng lại chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp Hy Lạp phải ra khỏi khu vực đó. Đây là cách gây áp lực đối với các đảng phái chính trị và tác động tới tâm lý của cử tri ở Hy Lạp. Cuộc bầu cử Quốc hội tới sẽ cho thấy đất nước này có được sự khởi đầu mới về chính trị, hay bi kịch cũ sẽ lại tái diễn./.